You are here

Âm nhạc trong nghi lễ của người Chăm tái hiện tại khu di tích Mỹ Sơn – tỉnh Quảng Nam [1]

Tác giả: 
Văn Thu Bích

Có thể đáng ghi nhận khi tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên ngoài hai tỉnh có số lượng người Chăm sinh sống nhiều nhất Việt Nam là Ninh Thuận và Bình Thuận, Sở Văn hóa –Thông tin Quảng Nam đã tâm huyết đào tạo lực lượng diễn viên tiến tới thành lập Đội văn nghệ dân gian Chăm tại khu di tích Mỹ Sơn vào những năm cuối thế kỷ XX. Các nghệ nhân dân gian, diễn viên dân tộc Chăm ở Ninh Thuận từng được mời đến khu di tích Mỹ Sơn tham gia chương trình nghệ thuật, tái hiện trích đoạn lễ hội Katê hay phục dựng các nghi lễ truyền thống dân tộc Chăm. Thuở sinh thời, nghệ nhân Trượng Tốn, tỉnh Ninh Thuận đã đến biểu diễn và truyền dạy âm nhạc, múa Chăm cho các diễn viên không chuyên ở huyện Duy Xuyên và các diễn viên trẻ dân tộc Chăm. Các nam nữ diễn viên trẻ rất yêu nghề nên luôn miệt mài tập luyện và biểu diễn khá điêu luyện các điệu múa quạt dân gian, múa dâng lễ… đồng thời hát các làn điệu dân ca, khấn ca, diễn tấu các nhạc cụ dân tộc như: trống ginăng, trống baranưng, kèn saranai... của dân tộc Chăm.

Thời gian những năm gần đây, Ban quản lý khu Di tích Mỹ Sơn thường xuyên mời nhà nghiên cứu Hải Liên, quê gốc Quảng Nam, đã sinh sống tại Ninh Thuận hơn 40 năm qua, về lại quê hương dàn dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm, tổng hợp các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận như dân ca, khấn ca, xưng tụng các vị thần linh, múa nghi lễ, nhạc lễ trong các trích đoạn đặc sắc của các lễ hội tiêu biểu, thường được diễn ra tại đền tháp trong các lễ hội lớn. Tất cả đã hòa quyện lại tạo nên sắc màu ấn tượng phục vụ cho khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến tham quan khu Di tích Mỹ Sơn với mong muốn tìm hiểu khám phá văn hóa dân tộc Chăm.

Trong nhiều năm qua, nét độc đáo trong lễ hội dân gian Chăm là âm nhạc, múa dân gian và trang phục truyền thống. Những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm như nghệ thuật diễn xướng dân gian, ẩm thực, nghề dệt và trang phục đã được khai thác có hiệu quả trong các chương trình festival Di sản Quảng Nam, đặc biệt là xây dựng thành những tiết mục nghệ thuật đặc sắc thường xuyên phục vụ khách tham quan du lịch tại khu đền tháp Mỹ Sơn.

Ngoài các điệu múa dân gian còn có các tiết mục trình tấu nhạc cụ Chăm như trống paranưng, kèn saranai, lục lạc, tù và, đàn ka nhí… Đặc biệt là các tiết mục hát khấn, xưng tụng, ca ngợi các vị thần linh do các diễn viên người Chăm và người Việt tại huyện Duy Xuyên thực hiện. Chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm góp phần làm tăng thêm nét sinh động và sức hấp dẫn cho khu di tích Mỹ Sơn, ngay giữa khu tháp Chăm là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm được tái hiện khá nguyên gốc, tạo thêm ấn tượng sâu sắc cho người tham quan về một nền văn hóa từng phát triển rực rỡ trong quá khứ.

Cách đây hai năm, trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017, tại Bảo tàng Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên đã trưng bày chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm 6 tỉnh miền Trung Việt Nam gồm: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng  Nam với các hiện vật là bảo vật quốc gia, quý hiếm và có giá trị cao của di sản văn hoá Chăm được trưng bày trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Và mới đây đã diễn ra sự kiện lớn là lễ kỷ niệm 20 năm đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù lao Chàm Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới được tổ chức ngày 08 tháng 9 năm 2019 tại khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Cũng trong dịp này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, trưng bày triển lãm... do các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức, trong đó phần trình diễn các tiết mục âm nhạc truyền thống Chăm thuộc chương trình hòa tấu nhạc cụ các dân tộc Việt Nam cũng thu hút được đông đảo khán giả trong nước và quốc tế dự xem.

Qua đó, bên cạnh việc giới thiệu những hiện vật của tộc người Chăm mang tính chất “tĩnh” thì sinh hoạt được bảo tồn mang tính chất “động” là âm nhạc trong nghi lễ của người Chăm cũng được Đội văn nghệ dân gian Chăm tại Khu di tích Mỹ Sơn tái hiện sinh động, ngoài sự tham gia tích cực của nhạc đàn (những bài nhạc lễ) còn có sự góp mặt của nhạc hát (những bài hát lễ), có thể gọi là khấn ca, xưng tụng thần linh mà cho đến nay vẫn còn bảo lưu và phổ biến. Bên cạnh những bài hát lễ là những thể loại ca hát dân gian liên quan đến nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ Rija và một số nghi lễ khác.

1. Khấn ca - hát xưng tụng thần linh trong nghi lễ nông nghiệp

Thông thường những nghi lễ nông nghiệp mang tính chất cộng đồng, dòng tộc được tổ chức khá quy mô và có sự tham gia của các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật ca hát mà cụ thể là hát khấn thần (Yao Yang), hát xưng tụng các thần linh (Ktoh Pô Yang),  hát những đề tài liên quan tới nông nghiệp như Ktoh Pô Tằm, Ktoh Pô InưNưgar, Ktoh Pô Klong Garai... Đặc biệt trong hệ thống nghi lễ nông nghiệp có cả những lễ thức liên quan đến tín ngưỡng phồn thực cho nên có sự hiện diện cả những bài hát tâm tình, hát giao duyên nam nữ (Ktoh Mư Yut, Ktoh Tămtara). Tuy nhiên, khác với đời sống thường ngày là những làn điệu này do trai gái Chăm hát để bày tỏ tình cảm thì trong nghi lễ nông nghiệp, ông Kadhar tự đệm đàn Kanhi để hát những bài này và thường phối hợp với bà Muk Pajau múa lên đồng.

Cấu trúc của mỗi làn điệu khá tự do để có thể kéo dài hoặc thu ngắn lại tùy theo độ dài của lời thơ và sự thể hiện của người hát, thông thường mỗi làn điệu gồm một câu được nhắc lại nhiều lần. Chẳng hạn những bài hát của ông Kadhar đệm đàn Kanhi đều có cấu trúc câu vừa khớp với một khổ trống.

- Yao Yang (khấn thần)

Yao Yang gần giống lối hát nói (recitatif) khá phù hợp với việc khấn, tụng, đọc, người Kinh gọi là Khấn vái thần, người Ê Đê gọi là Ríu Yang hay Yêo Yang... đó là những lời khấn đọc lên có nhạc điệu khá đơn giản chứ chưa trở thành giai điệu nên không thể gọi là hát, mỗi từ trong lời khấn có trường độ bằng nhau và âm lượng tương đối nhỏ, cao độ thì đều ngang nhau, chỉ thỉnh thoảng lên giọng ở những chỗ đầu câu hoặc xuống giọng ở những chỗ ngắt câu tương đương một quãng 4 đúng.

- Ktoh Pô Yang (hát xưng tụng các thần linh)

Là người điều khiển các lễ thức trong nghi lễ, thông thường sau khi đọc bài Yao Yang (khấn thần) ông Kadhar hát những bài ca với nội dung kể lại các tích chuyện và ca ngợi công lao của các vị thần mà nghi lễ đó thỉnh mời cầu xin - những bài hát này gọi là Ktoh Pô Yang.

Về phương diện âm nhạc thì thể loại Ktoh Pô Yang có đặc trưng cao hơn Yao Yang cả về tiết tấu lẫn giai điệu. Tuy còn đơn giản, song những âm hình móc kép, móc đơn dùng để mở đầu và kết thúc câu nhạc cùng với sự độc đáo về trường độ và cao độ đã tạo nên sắc thái riêng cho thể loại này.

- Ktoh Mưh Yut - Ktoh Tamtara (hát tâm tình, giao duyên)

Ktoh Mưh Yut - Ktoh Tamtara thuộc thể loại ca hát sinh hoạt được chuyển hóa thành thể loại ca hát nghi lễ. Những khúc hát tâm tình nam nữ này thường do ông Kadhar trình diễn và tự đệm đàn Kanhi Kra theo giọng hát lễ với phần múa minh hoạ của bà Muk Pajau trong các nghi lễ cúng tế các vị vua thần như Pô Klong Garai, Pô Inư Nưgar, Pô Rômê... hoặc trong lễ tang.

Trong lễ hội Rija Nưgar và lễ cúng nữ thần Pô Inư Nưgar, sự hiện diện của các làn điệu Ktoh Tamtara (hát giao duyên đối đáp) cũng đậm dấu ấn của tín ngưỡng phồn thực.

Sau đây là lời hát về thần mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar:

Nam: Sa boh kok par mưng page lek di ne hamu ak
Nữ: Sa boh kok par mưng klam lek di dam hamu nưh

Tạm dịch:

Nam: Cò bay trong sáng tinh mơ, bay rồi lại đậu trên đồng phù sa
Nữ: Cò bay trong tối mịt mù, bay rồi lại đậu trên đồng lúa xanh.

Trong tục hát giao duyên đối đáp luôn có nam và nữ, lời hát đối với nhau từng ý, từng câu.

Hát giao duyên nam nữ là một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực, lối hát dân gian này còn khắc họa mối quan hệ giao lưu giữa hai yếu tố đực - cái, trai - gái, được xem như hạt nhân của sự phát triển vạn vật. Do đó, hát giao duyên được đưa vào phục vụ nghi lễ rất phù hợp, những làn điệu Ktoh Mư Yut càng làm cho nghi lễ thêm gần gũi với đời sống thường ngày của người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận.

2. Khấn ca trong lễ hỏa táng

Giữa lễ hỏa táng một, hai hoặc bốn thầy Paseh có sự khác nhau về âm nhạc, so với lễ hoả táng một hoặc hai thầy Paseh thì lễ bốn thầy Paseh có số lượng nhạc khí và bài khấn ca tham gia vào lễ tang cũng đầy đủ hơn, phức tạp hơn với dàn nhạc gồm đàn Kanhi, kèn Saranai, trống Hagar Sit, trống Haga Proong và hai Chêng (chieeng). Tuy nhiên, trong đó sử dụng chủ yếu là bốn cây đàn Kanhi do bốn ông thầy Paseh diễn tấu và tự đệm theo giọng hát của mình với các bài khấn ca trầm buồn. Trước khi tấu nhạc lễ tang, bốn cây đàn Kanhi dạo nhạc rồi mới khấn ca (Pamrơ), giai điệu khấn ca giống nhau nhưng lời thì khác nhau.

3. Ca hát trong lễ nhập Kút (nhập vào nghĩa trang dòng họ)

Nhập Kút là nghi thức rất trọng thể của mỗi dòng họ người Chăm Bàlamôn giáo. Trong lễ nhập Kút, ông Kadhar vừa hát vừa đánh đàn Kanhi và tự đệm những bài hát xưng tụng các thần linh (Ktoh Po Yang), những bài hát cúng lễ và không có múa lên đồng.

Nếu như lễ hoả táng của người Chăm Bàlamôn được tiến hành dưới sự điều khiển của các thầy Paseh thì lễ nhập Kút lại do ông Kadhar hành lễ. Chi tiết này chứng minh cho chúng ta thấy ảnh hưởng ngoại nhập của tục thiêu xác và tính dân gian trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của lễ nhập Kút.

4. Ca hát trong nghi lễ Rija

Trong xã hội Chăm thể loại ca hát nghi lễ đã được chuyển hóa từ thể loại ca hát sinh hoạt dân gian, do đó ca hát nghi lễ Chăm đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian hơn là màu sắc tôn giáo du nhập từ bên ngoài.

Tuy nhiên, những yếu tố ngoại nhập cũng góp phần tạo nên bản sắc riêng của nghệ thuật ca hát Chăm, đó chính là những dạng thức ca hát tham gia vào các nghi lễ Rija, nó đã được du nhập từ quốc gia cổ đại Java (tiếng Việt gọi là Chà Và) vào xứ Chăm và được “Chăm hoá” để phù hợp với người Chăm hơn, đồng thời hòa nhập với các dạng thức ca hát mang màu sắc bản địa của người Chăm như hát khấn thần (Yao Yang), hát xưng tụng các thần linh (Ktoh PoYang), hát cho từng lễ thức trong các nghi lễ Rija.

Những bài hát trong các lễ thức của nghi lễ Rija thường có giai điệu ngân nga, nghiêm trang, thiêng liêng, tiết tấu dàn trải tự do, âm hưởng bài hát gần với những điệu hò sông nước vùng Bắc Trung bộ.

Trong các bài hát lễ, nhìn chung giai điệu thường có tính chất trầm buồn ngân nga, tiết tấu dàn trải theo lối hát kể, khá phù hợp với không khí linh thiêng của buổi lễ. Có thể chỉ cùng một giai điệu nhưng có nhiều lời khác nhau, đa số lời hát dựa theo bài bản quy định. Tuy nhiên thi thoảng vẫn có những đoạn ngẫu hứng của ông Kadhar và ông Mưduôn.

Hầu hết, lời hát lễ của ông Mưduôn thường dựa trên lời thơ Chăm với cấu trúc của thơ lục bát biến thể: chữ thứ tư của câu bát vần với chữ thứ sáu của câu lục, chữ thứ tám của câu bát lại vần với chữ thứ sáu của câu lục tiếp theo:

Pô mai tu`k prố tayâu
Ca gậu raklâu, lái pô igan
Pô mau tu`k Khu`h mưlăn...

Phương thức gieo vần này tương tự như một câu thơ lục bát của người Việt sau đây:

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao...

Nội dung của các lời hát lễ thỉnh mời các thần thường là giống nhau, đôi khi chỉ thay đổi tên vị thần được mời.

Có thể nói, phần lời trong các bài hát lễ của ông Kadhar và ông Mưduôn thường có nội dung và cấu trúc tương tự nhau.

+ Đoạn đầu: hát thỉnh mời, cầu khấn thần linh, mời thần về dự lễ

+ Đoạn giữa: hát về tiểu sử của thần, ca ngợi tài đức và đề cao tấm lòng nhân từ của thần

+ Đoạn kết: hát tiễn thần, hát về lòng biết ơn của dân làng đối với thần, cầu khấn tiễn thần về thượng giới và sau cùng là cầu xin thần phù hộ

Do tác động của các tôn giáo vào đời sống văn hóa xã hội cho nên đến nay ca hát sinh hoạt ít phổ biến trong đời sống người Chăm Nam Trung bộ và hầu như chỉ thể hiện trong các thể loại khấn ca hát nghi lễ mà chủ yếu là các nghi lễ của Bàlamôn giáo. Điều này minh chứng rằng vai trò của đạo Bàlamôn trong xã hội Chăm rất quan trọng, nhất là được “bản địa hóa” quá mạnh mẽ nên phần ca hát trong nghi lễ lại đậm màu sắc của ca hát dân tộc Chăm, trong khi đó ảnh hưởng của Ấn Độ giáo trở thành quá mờ nhạt.

Dường như tôn giáo đã chi phối mọi khía cạnh trong đời sống tinh thần của tộc người Chăm Nam Trung bộ, cho nên thể loại ca hát thế tục trở nên lu mờ trước thể loại ca hát nghi lễ, thậm chí có những bài hát, những nhạc cụ từ chỗ trung gian giữa hai thể loại âm nhạc thế tục và cung đình cuối cùng đã hòa nhập vào thể loại âm nhạc nghi lễ. Do đó âm nhạc nghi lễ gần như bao trùm cả hai thể loại âm nhạc đã từng song hành với nó từ thuở xa xưa và cho đến nay. Dù trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, người Chăm Nam Trung bộ vẫn bảo tồn được nền nghệ thuật âm nhạc truyền thống mang dấu ấn bản địa rất riêng của mình, nhất là được tái hiện tại khu Di tích Mỹ Sơn của tỉnh Quảng Nam, nơi đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.


[1] Bài viết dựa trên các đợt sưu tầm âm nhạc dân gian Chăm tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận trong nhiều năm qua với sự hỗ trợ tư liệu của cố nghệ nhân người Chăm Trượng Tốn, nhà nghiên cứu Hải Liên - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Ninh Thuận, giúp tác giả Văn Thu Bích hoàn thành công trình nghiên cứu và in sách Âm nhạc nghi lễ của người Chăm năm 2010 (nhà xuất bản Văn hóa dân tộc), được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2010.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.