Bài ca không quên

Tác giả: 
Phạm Minh Tuấn
Thông tin thêm về Tác giả: 

 

PHẠM MINH TUẤN

 

 

Tên khai sinh của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là Phạm Văn Thành, sinh ngày 23 tháng 5 năm 1942 tại Phnôm Pênh, Campuchia. Quê ở Kim Động, Hưng Yên.

 

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn

 

SỰ NGHIỆP

 

Nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV, Phó Tổng thư ký và Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V. Đã nghỉ hưu.

 

Năm 1960, Phạm Minh Tuấn tham gia kháng chiến trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Sau những ca khúc đầu tay năm 1961, bài hát Qua sông của ông viết năm 1963 đã được công chúng đón nhận với nhiều tình cảm. Ông đã theo học lớp bồi dưỡng âm nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam và sau này đã tốt nghiệp Đại học Sáng tác tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (1976-1981).

 

Ngoài sáng tác ca khúc và viết khí nhạc, ông còn viết nhạc phim, kịch nói, cải lương. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng: Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, 1960-1965, Giải âm nhạc trong phim Bài ca không quên, Giải âm nhạc trong vở kịch Ngôi sao biển, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam các năm 1993, 1995, 1996.

 

TÁC PHẨM

 

  • Qua sông
  • Đường tàu mùa xuân
  • Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh)
  • Dấu chân phía trước (thơ Hồ Thi Ca)
  • Rừng gọi, Mùa xuân từ những giếng dầu
  • Bài ca không quên
  • Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên)
  • Khúc ca đảo Yến
  • Khát vọng
  • Prélude cho piano
  • Giao hưởng thơ...

 

XUẤT BẢN

 

  • Qua sông (Nxb. Giải phóng)
  • Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Biển gọi (Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh)
  • Bài ca không quên, Tuyển chọn ca khúc Phạm Minh Tuấn (DIHAVINA)
  • Album Bài ca không quên (DIHAVINA và Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

 

TẶNG THƯỞNG

 

  • Huân chương Lao động hạng Nhất
  • Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất
  • Huân chương Chiến thắng hạng Nhất
  • Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965)
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2001)
  • Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Quốc phòng
  • Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn, Vì sự nghiệp Âm nhạc, Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, v.v…
Thể hiện: 
Cẩm Vân
Thông tin thêm: 

 

CẨM VÂN

 

Cẩm Vân tên thật là Hoàng Cẩm Vân, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1959 tại Quận 1, Sài Gòn, là một nữ ca sĩ có chất giọng khỏe với sở trường là những ca khúc trữ tình, truyền thống và những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 

Ca sĩ Cẩm Vân

SỰ NGHIỆP

 

Cẩm Vân được xem là cánh chim đầu đàn của thế hệ ca sĩ trẻ sau năm 1975. Chị kết hôn cùng Khắc Triệu, một tay trống và cũng là một ca sĩ. Hiện nay chị vẫn đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng gia đình và vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Nhắc đến tên tuổi Cẩm Vân, người nghe nhạc sẽ nhớ ngay đến những ca khúc gắn liền với chị như "Bài ca không quên", "Hà Nội mùa vắng cơn mưa", "Sóng về đâu",...

 

Cẩm Vân xuất thân trong gia đình không có thành viên nào đi theo con đường nghệ thuật duy chỉ có mẹ chị đã từng là Trưởng ban văn nghệ của Trường nữ sinh Gia Long. Và có lẽ niềm đam mê và giọng hát của người mẹ đã có ảnh hưởng đến cô bé Cẩm Vân nên ngay khi còn hoạt động văn nghệ trong phong trào học sinh - sinh viên, chị đã lọt vào mắt xanh của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Với câu nói "Cẩm Vân là một viên ngọc, viên kim cương chưa được mài dũa, đánh bóng. Tôi tin rằng cháu sẽ nổi tiếng", nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã thuyết phục được gia đình cho phép cô bé Cẩm Vân tham gia vào một tiết mục mừng xuân trên sóng truyền hình lúc bấy giờ.

 

Không chỉ được biết đến như một ca sĩ có chất giọng trầm ấm, khỏe khoắn cùng phong cách thể hiện sâu lắng và trữ tình, ca sĩ Cẩm Vân còn được xem như biểu tượng thời trang của một thời với mái tóc và bộ áo dài được công chúng gọi ghép chung vào tên của chị. Thời gian gần đây, tuy không còn xuất hiện trước công chúng với chiếc áo dài quen thuộc nữa, nhưng vẫn với mái tóc cũ, ca sĩ Cẩm Vân vẫn tiếp tục giữ được niềm yêu mến của khán giả mặc cho tuổi nghề của ca sĩ ngày càng trở nên thấp hơn và ngắn hơn.

 

GIẢI THƯỞNG

 

  • 1983 Huy chương vàng đơn ca Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp thành phố với ca khúc Bài ca không quên của Phạm Minh Tuấn
  • 1985 Huy chương vàng đơn ca Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp thành phố với ca khúc Huyền thoại mẹ của Trịnh Công Sơn
  • 1986 Tham dự cuộc thi đơn ca quốc tế tại Dresden, Đức và đoạt giải đặc biệt với ca khúc Vi sao em chết? của nhạc sĩ Thanh Trúc
  • 1987-1988 Huy chương vàng đơn ca Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với Em ơi Hà Nội phố của Phú Quang và Khi yêu ai nỡ hững hờ (ca khúc nhạc Nga)
  • 1989 Huy chương vàng Liên hoan nhạc nhẹ tại Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên với ca khúc Ngôi sao cô đơn của nhạc sĩ Thanh Tùng
  • 1995 Gương mặt trẻ thành phố 20 năm
  • 1994, 1996 và 1997 Đoạt giải Mai Vàng do báo Người Lao Động tổ chức
  • 1997-2007 Một loạt ca khúc: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Cơn mưa lao xao, Thiên đường mong manh, Biển cạn, Còn đó chút hồng phai do chị thể hiện đã lọt vào topten Làn Sóng Xanh – một bảng xếp hạng các ca khúc được yêu thích có uy tín trên cả nước. Chị cũng nhận được giải thưởng Làn Sóng Xanh vào các năm 1998 và 2000.
  • 2002 chị được bình chọn là ca sĩ hát nhạc truyền thống hay nhất trong cuộc bình chọn do Đài tiếng nói nhân dân Tp HCM tổ chức.
  • 2004 Cẩm Vân là ca sĩ duy nhất được giới trẻ bầu chọn vào danh sách 30 gương mặt trẻ tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc bình chọn do Thành đoàn Thành phố tổ chức.

 

Nguồn: Wikipedia

 

ca khúc: 

 

BÀI CA KHÔNG QUÊN

 

Ca khúc "Bài ca không quên" do nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác, được Cẩm Vân trình bày lần đầu tiên trong bộ phim cùng tên.

 

Hoa sen (Nguồn ảnh: Internet)

 

Đất nước hôm nay không tiếng súng vẫn vang vọng dư âm của một thời bom đạn. Chiến tranh đã qua đi mà lòng người chưa êm ả, vẫn nhớ tháng ngày gót mòn hành quân hối hả, rau rừng ngọt bát canh suông, nhớ cái thuở mơ tiếng chim ca giữa hai trận càn, "làm bạn cùng trăng và ôm súng ngắm sao khuya".

 

Quá khứ làm nên chiều sâu cuộc sống, quá khứ đem lại nụ cười hôm nay. Dù chỉ một khoảnh khắc lãnh đạm với quá khứ - “nhớ rồi quên, quên nhớ nhớ quên”, cũng đủ khiến nhân vật “tôi” trong giây phút bình yên phải ray rứt tự vấn lòng mình: “Sao tôi quên...” - sao nỡ quên những người đã ngã xuống, sao có thể quên những khúc ca bi tráng năm nào. Chính ở đây, với cách thể hiện lắng sâu tính tự sự và đằm thắm tình người, chủ đề công dân không nhạt nhòa trong nội dung ngợi ca chung chung, mà hơn bao giờ hết lại có một sức thuyết phục ghê gớm, khó phai.

 

Nặng lòng với quá khứ không phải để buồn đau tiếc nuối, mà để giữ cho cái tâm của ta luôn xứng với những gì tốt đẹp đã qua. Một quan niệm sống lạc quan và tích cực, như một thứ ánh sáng dẫn đường chỉ lối, cứ lấp lánh trong lời ca câu hát: sống có trách nhiệm với đời, với chính bản thân mình, với quá khứ, hiện tại và tương lai, sống không là cỏ dại hoang vu, mà luôn khát vọng vươn cao vươn xa như đời núi, đời sông, đời biển cả.

 

Nguồn: hoinhacsi.org

 

Bài ca không quên