You are here

Chủ nghĩa hiện đại và truyền thống cổ điển

Tác giả: 
Mai Hạnh (chuyển ngữ & tổng hợp) 

Chân dung ba tác giả trường phái Vienna mới được vẽ theo bút pháp Biểu hiện: Anorld Schönberg, Alban Berg và Anton Webern.

Các nhà soạn nhạc hiện đại theo truyền thống cổ điển đều phải đối mặt với một thách thức chung - làm thế nào để đảm bảo vị trí trong một kho tàng âm nhạc ngày càng dày đặc, bằng cách viết ra những tác phẩm mà những nghệ sĩ biểu diễn, khán giả và các nhà phê bình cho là xứng đáng để trình diễn cùng với những tác phẩm kinh điển của quá khứ. Để thành công, âm nhạc của họ phải đáp ứng các tiêu chí được thiết lập bởi các tác phẩm kinh điển: phải là những tác phẩm có chất lượng cao tham gia vào truyền thống âm nhạc nghệ thuật nghiêm túc; có giá trị lâu dài, xứng đáng cho cả người biểu diễn và người nghe qua nhiều buổi diễn tập và nghiên cứu kỹ lưỡng; và từ đó tuyên bố một cá tính âm nhạc đặc biệt. Những tiêu chí này đã được đáp ứng bởi các nhà soạn nhạc khác nhau như Mahler, Debussy, Vaughan Williams, Sibelius, Rachmaninov và Scriabin.

Trong những năm tháng ngay trước và sau Thế chiến thứ nhất, một nhóm các nhà soạn nhạc trẻ đã thực hiện một cuộc cải cách nhằm phá vỡ triệt để ngôn ngữ âm nhạc của các vị tiền nhiệm hoặc những người cùng thời của họ, trong khi vẫn duy trì liên kết chặt chẽ với truyền thống. Những nhạc sĩ đó được gọi là những người theo chủ nghĩa hiện đại, họ đã đánh giá lại những quy ước kế thừa một cách nghiêm túc như những người theo chủ nghĩa hiện đại trong hội hoạ, là những người đi tiên phong cho chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa lập thể và nghệ thuật trừu tượng. Những người theo chủ nghĩa hiện đại trong cả hội hoạ và âm nhạc đều không hướng tới mục đích làm hài lòng người xem hay người nghe ngay từ cái nhìn đầu tiên hoặc lần nghe đầu tiên, điều luôn được coi là thiết yếu. Thay vào đó, họ tìm cách thách thức nhận thức và năng lực của chúng ta, đem tới trải nghiệm mà ngôn ngữ truyền thống không thể thể hiện. Những người theo chủ nghĩa hiện đại đưa ra một lời phê bình âm thầm đối với văn hóa đại chúng cùng thứ nghệ thuật tiêu thụ dễ dãi, và các sáng tác của họ vẫn luôn biểu đạt sự phê phán đó. Những nhà soạn này vẫn ghi nhận các bậc thầy trong quá khứ là hình mẫu, mà họ vẫn không hề thấy là có mâu thuẫn gì. Trên thực tế, họ thấy rằng công việc của họ không khác gì những gì các nhà soạn nhạc cổ điển đã làm, đó là phá vỡ lối mòn cũ, chứ không phải lật đổ truyền thống.

Nghịch lý của âm nhạc kinh viện hiện đại là: phải là một phần của truyền thống mà vẫn phải cung cấp một cái gì đó mới, là đặc thù sắc nét trong các sáng tác của các nhạc sĩ hiện đại – những người diễn giải và tái tạo cái cũ quyết liệt nhất.

Có sáu nhạc sĩ hiện đại tiêu biểu nhất trong số những nhà soạn nhạc nổi tiếng và có ảnh hưởng của cả thế kỷ: Anorld Schönberg và Igor Stravinsky được coi là những người dẫn đầu của hai nhánh sáng tác hiện đại gần như đối lập nhưng thực chất đều có mối liên hệ chung. Hai học trò của Schönberg là Alban Berg và Anton Webern tiếp thu và đưa ý tưởng của thầy mình theo những hướng đi khác nhau. Béla Bartók và Charles Ives đều triển khai theo hướng hợp nhất chủ nghĩa dân tộc với phong cách hiện đại trong khuôn khổ truyền thống cổ điển. Cả sáu người sinh vào khoảng từ năm 1874 đến 1885, đều khởi đầu từ âm nhạc có điệu tính theo phong cách Lãng mạn thời kỳ cuối, sau đó họ định hình nên ý niệm đặc biệt mới, đó là âm nhạc vô điệu tính, yếu tố chiếm vị trí trung tâm trong âm nhạc hiện đại.

[Chương 31, A history of Western music - J. Peter Burkholder, Donald J.Grout, Claude.V.Palisca]

Nhánh sáng tạo của Schönberg cùng hai học trò Alban Berg và Anton Webern tạo nên một phong cách riêng gọi là Trường phái Vienna mới. Âm nhạc của họ trước khi bước sang giai đoạn phá cách vẫn mang âm hưởng Lãng mạn thời kỳ cuối, có chất du dương, êm ả.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.