You are here

Chương trình Âm nhạc trực tuyến “Tiếng hát át Covid”: Hướng tới Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XII (3/9/2021)

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 27 tháng 8 năm 2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức chương trình ca nhạc Online với chủ đề “Tiếng hát át Covid”, hướng tới kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 2 tháng 9, ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XII (Mùng 3 tháng 9). Chương trình trên nền tảng trực tuyến (Fanpage Hội nhạc sĩ Việt Nam).

Dự chương trình trực tuyến có PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; nhạc sĩ Đinh Công Thuận – Chánh Văn phòng Hội; cùng các nhạc sĩ là các tác giả trong chương trình: nhạc sĩ Ngọc Khuê (Hà Nội); nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, nhạc sĩ Võ Thiên Lan (TP Hồ Chí Minh); nhạc sĩ Thế Long (Cần Thơ); nhạc sĩ Xuân Minh (Đà Nẵng); nhạc sĩ Trọng Tĩnh (Bắc Ninh), nhạc sĩ Tuấn Khương (Bắc Giang), nhạc sĩ Đặng Thị Phượng (Tây Ninh); nhạc sĩ Võ Cường (Đăk Nông)... và các nhạc sĩ từ các tỉnh thành trên cả nước cùng tham gia trực tuyến, các thành viên Ban tổ chức Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, các phóng viên báo chí…

Năm nay, dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, trong đợt dịch lần thứ tư này, cả nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh phía Nam đã phải gánh chịu trong gần 4 tháng qua với nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội cũng như sự bất an trong đời sống. Cùng đồng lòng với cả nước hướng về miền Nam, các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều ca khúc về đề tài phòng chống dịch Covid-19, kết hợp với các nghệ sĩ để tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ hơn về cách phòng chống dịch bệnh thông qua những giai điệu âm nhạc để gửi lời cám ơn của mình tới các lực lượng nơi tuyến đầu.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã có những ý kiến chia sẻ tại chương trình đầy ý nghĩa này:

“Kính thưa các nhạc sĩ, nghệ sĩ cả nước, như chúng ta biết âm nhạc luôn luôn là vũ khí sắc bén và nhanh nhạy, luôn đồng hành cùng dân tộc trên chặng đường xây dựng đất nước, và ngay trong đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, giới nhạc sĩ Việt Nam đã luôn đồng hành với các hoạt động của Đảng, của nhân dân để góp tiếng nói tinh thần bằng âm nhạc phòng chống đẩy lùi đại dịch Covid. Cuối tháng 7/2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các nhạc sĩ của Hội cũng như các nhạc sĩ trên toàn quốc đã hưởng ứng sáng tác nhiều ca khúc mới để đóng góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là các lực lượng trên mặt trận tuyến đầu chống dịch. Chỉ hơn một tuần từ cuối tháng 7 năm 2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được trên 400 ca khúc của các nhạc sĩ trên khắp các vùng miền của Tổ quốc gửi về Hội. Ban Chấp hành cùng với Hội đồng nghệ thuật đã truyển chọn và kịp thời dàn dựng, thu âm trong điều kiện giãn cách… để hướng tới chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm nay với truyền thống Đồng hành cùng dân tộc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức 2 chương trình ca nhạc vào 10h sáng ngày 27 tháng 8 và 10h sáng ngày 03 tháng 9 để cùng cả nước phòng quyết tâm chống dịch Covid-19 với tiêu đề “Tiếng hát át Covid” với sự tham gia của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trên cả nước.

Có được một chương trình như hôm nay, cám ơn các nhạc sĩ đã nhiệt tình gửi bài tham gia, cám ơn các ca sĩ, nghệ sĩ trong toàn quốc đã nhiệt tình tích cực đóng góp dàn dựng thu thanh để có được chương trình có giá trị tinh thần, cũng như những tình cảm đối với nhân dân, đồng bào các vùng đang chịu đựng ảnh hưởng của đại dịch như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… và các tỉnh phía Nam với phong trào cùng cả nước, chúng ta sẽ góp thêm tiếng nói quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch Covid-19. Xin trân trọng gửi đến khán giả cả nước lời tri ân của giới âm nhạc chúng tôi tới đồng bào và chiến sĩ”.

Ca khúc “Cùng Sài Gòn san sẻ yêu thương”, nhạc và lời: Đỗ Hồng Quân, biểu diễn: ca sĩ Đào Tố Loan; hoà âm, phối khí: nhạc sĩ Đức Tân.

Một ca khúc mới của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân viết trong những ngày giãn cách xã hội vừa qua, và đây cũng là tình cảm của nhạc sĩ trước dịch Covid-19 đang bùng phát tại Sài Gòn suốt 4 tháng qua với những lời ca hết sức ý nghĩa. Nhạc sĩ cho biết: Khi thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày đau thương tổn thất, có những người đồng nghiệp, những nghệ sĩ đã ra đi vì đại dịch; xúc động trước tình cảm của những nhà thơ, nhà văn, bạn bè đã quyên góp nhu yếu phẩm đưa đến tận tay đồng bào trong vùng dịch, món quà tuy nhỏ nhưng đối với người dân thì đó là sự động viên lớn. Cảm động trước những nghĩa cử đẹp ấy, chỉ trong một đêm bài hát được viết xong cùng với những hình ảnh chi tiết sống động, chứa chan tình cảm gửi tới những người dân, đặc biệt là gửi tới đồng bào đang vất vả hy sinh, chính họ là thành trì đoàn kết, đồng lòng quyết tâm thắng dịch.

Ca khúc “Cùng nhau vượt qua mùa đại dịch”, nhạc và lời: Ngọc Khuê (Hà Nội), biểu diễn: Tốp ca nam nữ Đoàn Văn công Quân khu I, hòa âm, phối khí: nhạc sĩ Mai Kiên.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê đã chia sẻ những câu chuyện, cảm xúc của mình với khán giả: Khi nhận được Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam về cuộc vận động sáng tác chống Covid-19 bằng tác phẩm âm nhạc, tôi đã tập trung sáng tác chỉ trong một ngày ca khúc “Cùng nhau vượt qua mùa đại dịch”. Nhận thức được rằng dịch đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Có lẽ trong chúng ta chưa lúc nào hết suy nghĩ và hành động cùng nhau đoàn kết chống dịch một cách triệt để nhất, không ai đứng ngoài dòng chảy ấy “hãy ở nhà vì chúng ta”, “ai ở đâu, ở yên đấy”… bảo vệ tính mạng, hy vọng ngày vui rất gần khống chế được dịch, chúng ta sẽ ôm nhau vỡ òa trên chiến thắng. Đó chính là tâm niệm của tôi khi sáng tác ca khúc này.

Ca khúc “Việt Nam ý chí niềm tin”, nhạc và lời: cố nhạc sĩ Quang Thái (Quân đội, Hà Nội), biểu diễn: Tốp ca nam Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội; hoà âm, phối khí: Quang Thái.

Nơi tuyến đầu chống dịch”, nhạc và lời: Tuấn Khương (Bắc Giang), biểu diễn: Tốp ca nam Đoàn Văn công Quân khu 1 và Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội; hoà âm phối khí: Dương Sax.

“Thành phố tôi quyết thắng đại dịch”, nhạc và lời: Võ Thiên Lan (TP Hồ Chí Minh), biểu diễn: ca sĩ Dương Đức

“Sài Gòn ơi! Cô Rô Na rồi sẽ qua”, nhạc và lời: Võ Cường (Đắk Nông), biểu diễn: ca sĩ Viết Danh, hòa âm phối khí: Hieubin_Nguyen

Nhạc sĩ Võ Thiên Lan (TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ câu chuyện của mình để khán giả có thể cảm nhận được tình cảm cũng như trách nhiệm của các nhạc sĩ đã đóng góp vào việc tuyên truyền phòng chống đẩy lùi dịch bệnh: Thành phố Hồ Chí Minh là mảnh đất nghĩa tình bao dung ôm trọn cả những người dân xa xứ đến sinh sống, khi mà đại dịch Corona bùng lên ở thành phố, tất cả các lực lượng tuyến đầu như bác sĩ, quân đội, cùng chung tay không ngại gian khổ đi vào tâm dịch để giúp cho những bệnh nhân, những hình ảnh mà chúng ta thường theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và chính đó cũng là những chất xúc tác để chúng ta viết lên những ca khúc, góp phần chiến thắng đại dịch. Tôi tin rằng với sự đoàn kết chung tay cùng nhân dân trong thành phố, thành phố nhất định sẽ thắng đại dịch Corona, và bình yên sẽ trở lại trên thành phố chúng tôi.

Sài Gòn ơi! Trái tim ta đó!”, nhạc: Nguyễn Văn Hiên (TP. Hồ Chí Minh), phỏng thơ: Lê Văn Nuôi, biểu diễn: ca sĩ Hữu Trung và Tốp ca nam nữ Đoàn Văn công Quân khu I, hoà âm, phối khí: Lương Ngọc Châu

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên: Với trách nhiệm của một công dân – một nhạc sĩ hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, không riêng gì tôi mà tất cả các anh chị em nhạc sĩ trong cả nước đều luôn luôn có cảm xúc âm nhạc, đến khi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 diễn ra thời gian vừa qua và hiện nay, anh em chúng tôi đã tâm huyết viết những bài hát đóng góp vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố năng động và nghĩa tình, hiện nay đang trong một tháng giãn cách xã hội quyết liệt, các đồng chí lãnh đạo của Thành phố đều quan tâm đến việc chăm lo đến đời sống của người dân từ việc đi chợ, ăn uống, bảo vệ sức khỏe cho tất cả công dân của thanh phố. Có thể nói hiện nay cả nước đều hướng về thành phố Hồ Chí Minh, cùng giúp sức trong việc phòng chống dịch Covid-19. Trong đó là hàng ngàn sinh viên, y bác sĩ đã đến thành phố cùng giúp sức chống dịch bệnh, điều đó tạo nên cảm xúc cho tôi khi đọc bài thơ của anh Lê Văn Nuôi - anh là cựu cán bộ Đoàn của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã viết bài thơ có tựa đề “Sài Gòn ơi! Trái tim ta đó!” mang đến nhiều cảm xúc âm nhạc cho tôi và bài hát ra đời thể hiện tấm lòng của tôi, thay cho lời cảm ơn với các sinh viên, y bác sĩ từ các vùng miền trên cả nước đến giúp Thành phố trong công cuộc phòng chống đại dịch.

“Quyết tâm thắng dịch”, nhạc và lời: Đặng Phượng (Tây Ninh), biểu diễn: ca sĩ Triệu Khắc Tư và Tốp ca nam nữ Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Tây Ninh.

Nhạc sĩ Đặng Thị Phượng (Tây Ninh): Ca khúc “Quyết tâm thắng dịch” viết theo điệu trưởng, được chia thành 2 đoạn A và B. Đoạn A chậm nhưng hùng hồn cương quyết, cao trào mạnh mẽ như là một lời hiệu triệu muôn trái tim cùng đồng lòng chung tay chống dịch; đoạn B nhanh, nói lên những hiểm nguy do dịch Covid gây ra, kêu gọi nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân: Hãy đoàn kết cùng nhau vượt bão quyết tâm thắng dịch!

Một nửa”, nhạc: Hồ Hoàng (Cần Thơ), thơ: Nguyễn Hồng Vinh, biển diễn: ca sĩ Đăng Thuật

“Khúc hát tặng những chiến binh”, nhạc và lời: Văn Anh (Hà Nội), biểu diễn: ca sĩ Việt Cường, hòa âm phối khí: nhạc sĩ Đức Tân

Việt Nam đất nước tình yêu”, nhạc: NSND Phạm Ngọc Khôi (Hà Nội), phỏng thơ: Đoàn Thắng, biểu diễn: NSND Quốc Hưng – ca sĩ Lan Anh; hoà âm, phối khí: nhạc sĩ Đức Tân

NSND Phạm Ngọc Khôi: Trong những tháng ngày này, đất nước chúng ta gặp rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid, hưởng ứng lời kêu gọi vận động của Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, rất nhiều các nhạc sĩ trong cả nước đã chung tay hưởng ứng sáng tác một đề tài được cổ vũ cho toàn dân, toàn đất nước ta thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn. Tôi đã gặp được cảm xúc khi đọc bài thơ của tác giả Đoàn Thắng, trong đó nói lên ước vọng mong muốn sự đoàn kết nhất trí của cả 3 miền Bắc – Trung – Nam và sự biết ơn sâu sắc với các chiến sĩ nơi tuyến đầu và chúng ta có một niềm tin bất diệt về sự chiến thắng, chúng ta sẽ ca khúc khải hoàn: Việt Nam đất nước tình yêu!

Khúc ca chiến sĩ Biên Phòngnhạc: Trọng Tĩnh (Bắc Ninh); thơ: Bùi Thanh Hà, biểu diễn: Tốp ca nam Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng; hoà âm, phối khí: Việt Dũng

Nhạc sĩ Trọng Tĩnh (Bắc Ninh): Là nhạc sĩ Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các nhạc sĩ Chi hội Bắc Ninh đã sáng tác gần 30 ca khúc. Cá nhân tôi có 5 ca khúc, và ca khúc “Khúc ca chiến sĩ biên phòng” là cảm xúc của tôi trước những vất vả, hy sinh của những chiến sĩ biên phòng để bảo vệ biên cương tổ quốc, nhưng đến khi dịch Covid các chiến sĩ còn vất vả hơn thế nữa, ngày đêm trực chốt chăm lo đưa đón người dân, thậm chí người thân mất đi cũng không thể về nhà chịu tang mà chỉ vái vọng từ xa, những hình ảnh đã toát lên trong ca khúc, để ca ngợi những tấm gương những con người đã tận tụy hy sinh trong cả chiến tranh và trong cả thời bình, nhất là thời gian diễn biến đại dịch Covid.

Cùng vượt qua dịch bệnh”, nhạc: Trọng Đài (Hà Nội), lời: Nguyên Hữu, biểu diễn: Tốp ca nam nữ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội; hòa âm, phối khí: Hoàng Trung Đức

Rồi sẽ bình yên”, nhạc và lời: Xuân Minh (Đà Nẵng), biểu diễn: ca sĩ Thanh Trà;  hoà âm, phối khí: Xuân Minh

Nhạc sĩ Xuân Minh (TP Đà Nẵng): Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức chương trình âm nhạc online nhằm ca ngợi những y bác sĩ  - những người chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Tôi xin gửi đến tất cả mọi người ca khúc có tựa đề “Rồi sẽ bình yên” để nói lên cảm xúc của tôi cũng như bao người chờ đợi giây phút bình yên. Chúng ta hãy cùng chung tay chống dịch!

Cảm ơn những trái tim yêu người, nhạc và lời: Phạm Việt Tuân (Lào Cai), biểu diễn: ca sĩ Tùng Dương; hoà âm, phối khí: Phạm Việt Tuân, Rapper RamC

* Chương trình Âm nhạc trực tuyến “Tiếng hát át Covid” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thực hiện hướng tới Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XII – năm 2021:

Chỉ đạo nội dung: PSG.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Chỉ đạo nghệ thuật: Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh

Biên tập âm nhạc: Nhạc sĩ Ngọc Thịnh

Kịch bản, tổ chức sản xuất: Nhạc sĩ Đinh Công Thuận, nhạc sĩ Đức Tân, nhạc sĩ Thanh Nghĩa.

MC: Linh Nga

Ekip sản xuất:

- Sản xuất âm nhạc: nhạc sĩ Đức Tân, nhạc sĩ Mai Kiên, Phạm Việt Tuân, Lương Ngọc Châu, Hoàng Trung Đức, Hieubin_Nguyen, Việt Dũng.

- Kỹ thuật phòng thu: Hoàng Tuấn Linh

- Kỹ thuật livestreams: nhạc sĩ Mai Kiên, Tôn Thất Tùng.

- Biên tập, dựng hình và xử lý hình ảnh: Thanh Nghĩa, Tiến Dũng, Mạnh Tùng. 

Và sự cộng tác của: Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội; Đoàn Văn công Quân khu I; Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng; Công ty cổ phần Âm nhạc và giải trí AMG.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.