You are here

Đại hội Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội lần thứ XIII “Đoàn kết – Sáng tạo – Đổi mới – Phát triển”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Đại hội Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/7/2022 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), với Chủ đề Đại hội “Văn nghệ sĩ Thủ đô phát huy tài năng, tâm huyết, nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tạo, góp phần xây dựng văn hóa, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Tới dự và chỉ đạo Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Bùi Huyền Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và hơn 800 đại biểu đại diện cho hơn 4.000 hội viên của 9 hội chuyên ngành thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. 

Với phương châm Đại hội: “Đoàn kết – Sáng tạo – Đổi mới – Phát triển”, Đại hội đã nghe báo cáo các nội dung: Tổng kết hoạt động Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021, phương hướng, nhiệm vụ hoạt động nhiệm kỳ 2021-2026; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ XII; thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII; bầu Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, tập hợp trên 4000 hội viên của 9 Hội chuyên ngành, có những tên tuổi hàng đầu giới trí thức văn nghệ sĩ cả nước, là lực lượng hoạt động văn học nghệ thuật hùng hậu, bền bỉ, tạo ra nhiều tác phẩm và công trình có uy tín, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa và tinh thần của Thủ đô.

Nhiệm kỳ 2016- 2021 diễn ra trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội vừa hoàn thành các hoạt động sôi nổi kỷ niệm 1010 năm Thăng Long (1010 - 2020), 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2020). Thủ đô và cả nước cũng đang phấn đấu nhằm đạt nhiều thành tựu trong dịp kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô (1954- 2019) và 75 năm thành lập Nước (1945 - 2020), 90 năm ngày thành lập Đảng bộ Thành phố, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII thành phố Hà Nội… Những thành công vào công tác xây dựng Đảng, chống tham nhũng, suy thoái, sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội được nhân dân Thủ đô nhiệt tình ủng hộ. Tuy vậy, ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19 và đạo đức xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp, gây nhiều lo lắng cho nhân dân. Vấn đề định hướng cho sự hưởng thụ văn hóa đang đặt ra cho công tác quản lý nhiều việc phải quan tâm. Đứng trước tình thế phát triển đan xen giữa thuận lợi và khó khăn, văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao tình cảm, tâm hồn và quyền hưởng thụ của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô.

 Nhìn lại sáng tác trong nhiệm kỳ qua, cái chung và cái riêng trong mỗi nghệ sĩ được phản ánh khá trung thực và hài hòa trong công việc sáng tạo; các đề tài lịch sử và đề tài hiện đại được đề cập khá toàn diện và trải rộng ra nhiều khía cạnh; nhiều tác phẩm đã được đầu tư tâm huyết để vươn tới tầm khái quát, đúc kết được từng sự kiện lớn hoặc từng  giai đoạn lịch sử. Vì thế, có thể nói, các sáng tác của văn nghệ sĩ Hà Nội giai đoạn vừa qua đã gắng bắt nhịp được với những động thái đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước, thấm đậm hơi thở thời đại, hoà mình vào dòng chảy lớn lao của lịch sử với ý thức chủ động và tích cực. Việc chủ động dấn thân vào các đề tài hiện đại, khám phá các mối quan hệ phức tạp nhiều chiều trong xã hội đang biến động lớn hôm nay là xu thế đáng khích lệ trong giới văn học nghệ thuật. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, các văn nghệ sĩ Thủ đô vừa xông pha nơi tuyến đầu chống dịch vừa sáng tạo ra hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc để động viên, cổ vũ tinh thần phòng chống dịch của nhân dân Thủ đô và cả nước.

Phát huy những thành tích đạt được, Đại hội đã đề ra hiệm vụ lớn trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội:

Cải tiến mạnh mẽ phương thức hoạt động Hội, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa về tinh thần và vật chất cho sáng tác; tập trung sức lực và tiềm năng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng cao; nâng lên một bước uy tín các giải thưởng của Hội; nâng cao chất lượng các cơ quan ngôn luận của Hội; nâng cao tác động xã hội của Hội trong các công tác tư vấn, phản biện xây dựng Thủ đô; áp dụng có hiệu quả hơn nữa biện pháp ký hợp đồng đầu tư chiều sâu đối với công trình, tác phẩm, phấn đấu tạo nên tác phẩm có chất lượng cao và giá trị lâu bền, thỏa mãn trình độ dân trí phát triển. Một việc quan trọng nữa là phổ cập rộng rãi tác phẩm đến công chúng đòi hỏi nhiều biện pháp đột phá và nhiều hình thức sáng tạo hơn, nhằm đạt được quan hệ gắn bó sâu xa hơn từ người sáng tạo Văn học nghệ thuật với đông đảo công chúng thưởng thức và hưởng thụ Văn học nghệ thuật. Công tác cập nhật nữa của Hội nhiệm kỳ tới là tích cực phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ, bổ sung cho đội ngũ kế cận của văn nghệ sĩ Thủ đô.

 

Kết quả Đại hội bầu được Ban Chấp hành mới nhiệm kỳ XIII (2020 – 2025) gồm 27 Ủy viên:

NSND Trần Quốc Chiêm, nhà thơ Trần Đăng Khoa; PGS.TS Trần Thị An, TS. KTS Nguyễn Văn Hải; NSND Nguyễn Trung Hiếu; NSND Nguyễn Ngọc Anh; nhà báo Vương Minh Huệ; KTS Nguyễn Đình Thanh; Họa sĩ Đỗ Thị Hồng Hạnh; nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy; đạo diễn Đào Duy Phúc; NSND Nguyễn Hoàng Tuấn; nhà thơ Trần Gia Thái; KTS Lưu Quang Huy; NSND Nguyễn Hà Bắc; nhà biên kịch Bành Thị Mai Phương; họa sĩ Phạm Kim Bình; nhạc sĩ Nguyễn Bá Môn; nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Toản; PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn; NSND Nguyễn Quang Vinh; biên đạo múa Nguyễn Thế Chiến; NSƯT Trần Thị Mai Hương; GS.TS Lê Hồng Lý; nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Quang Minh; nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Chính, nhạc sĩ Trần Thị Lệ Chiến.

Đại hội nhất trí bầu Ban Kiểm tra khóa XIII là trưởng Ban Kiểm tra của 9 Hội chuyên ngành, do nhạc sĩ Bá Môn làm Trưởng ban.

Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra nhiệm kỳ XIII diễn ra chiều ngày 26 tháng 7 năm 2022. Hội nghị đã bầu các chức danh như sau:

Chủ tịch: NSND Trần Quốc Chiêm

Các Phó Chủ tịch:

Nhà thơ Trần Đăng Khoa; PGS.TS Trần Thị An; TS. KTS Nguyễn Văn Hải và NSND Nguyễn Quang Vinh.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng Đại hội bức trướng mang thông điệp “Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển”

NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội  nhiệm kỳ XIII (2021 – 2026) phát biểu nhận nhiệm vụ trước Đại hội

 

Phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tại Đại hội Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội lần thứ XIII,

(nhiệm kỳ 2021-2026)

 

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

  Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Đại hội lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội. Thay mặt Đảng Đoàn, Đoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tôi xin gửi tới các bác, các anh, các chị các bạn đồng nghiệp, các vị đại biểu khách quý, các anh chị em văn nghệ sĩ Thủ đô lời chào trân trọng, với những tình cảm chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp!

Kính thưa Đại hội,

Mỗi khi giai điệu “Đây Hồ Gươm – Hồng Hà – Hồ Tây” của nhạc sĩ , nhà văn Nguyễn Đình Thi vang lên, lòng chúng ta không khỏi xúc động, tự hòa về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Trong sâu thẳm lịch sử Hà Nội đã luôn là trung tâm văn hóa của cả nước, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhân tài Văn học nghệ thuật. Với vị trí, vai trò rất quan trọng, nhạy cảm và tinh tế của văn hoá, văn học và nghệ thuật đã hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, khí phách của biết bao thế hệ người Hà Nội. Đảng và Nhà nước ta luôn tin tưởng, coi trọng, chăm lo và tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trước dân tộc và đất nước.

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết của Thủ đô. Thời gian qua, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung với những tác phẩm có chất lượng về cả nội dung tư tưởng và nghệ thuật; qua đó khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và xây dựng văn hóa Thủ đô thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội - mái nhà chung của đội ngũ văn nghệ sĩ, với sứ mệnh cao cả là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, Đảng bộ và chính quyền Thủ đô luôn quan tâm củng cố và phát triển Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội ngày càng vững mạnh, coi đó là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Có thể thấy, trong nhiệm kỳ vừa qua, nội dung, phương thức biểu hiện của tác phẩm văn học, nghệ thuật của Thủ đô đã được đầu tư tìm tòi và mạnh dạn thể nghiệm. Các dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo ngày càng được phát huy và trân trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực nghệ thuật đều có những tác phẩm chất lượng tốt, có giá trị, phản ánh chân thực cuộc sống, phần nào đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ ngày càng phong phú, đa dạng của công chúng Thủ đô và cả nước. Các phương tiện, phương thức sản xuất, trình diễn, sử dụng, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng hiện đại; tham gia tích cực vào việc tư vấn, phản biện, thẩm định các đề án, tham gia xét duyệt và thực hiện các chương trình văn hóa nghệ thuật lớn diễn ra trên địa bàn thành phố; đóng góp ý kiến về chỉnh trang, quy hoạch kiến trúc các công trình làm đẹp Thủ đô; phối hợp với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội chuyên ngành của Trung ương trong việc xét các giải thưởng, tổ chức kỷ niệm, hội thảo, triển lãm, trại sáng tác…

Nhờ sức mạnh văn hóa biểu hiện từ lòng yêu nước, tình đoàn kết, tính nhân văn, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, trong 2 năm 2020-2021 và nửa đầu năm 2022, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã rất nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ với phương châm “Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới và phát triển”. Hội chủ động phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó, hàng trăm tác phẩm của hội viên đã được tài trợ, xuất bản và công diễn tạo không khí sáng tác, hoạt động văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi trong các hội viên và hội chuyên ngành.

Kính thưa Đại hội,

Đại hội XIII của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đề ra phương hướng trong nhiệm kỳ tới, mà nhiệm vụ trọng tâm là: Văn học, nghệ thuật phải tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của tác phẩm, nhằm mục đích có tác phẩm có giá chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật cần tác động vào tất cả các thành tố của Văn học, nghệ thuật: nghệ sĩ (tác giả) với hoạt động sáng tác, hoạt động lý luận, phê bình, thể chế, thiết chế Văn học, nghệ thuật và hoạt động lãnh đạo, quản lý trực tiếp Văn học, nghệ thuật. Như vậy trên cơ sở định hướng này, Văn học, nghệ thuật có thể cụ thể hóa từng nhiệm vụ của từng thành tố. Định hướng có tính bao trùm các hoạt động liên quan đến toàn bộ quá trình sáng tác – quảng bá - hưởng thụ và các yếu tố tác động khác, để dẫn đến mục tiêu chung: tác phẩm có chất lượng, hiệu quả.

Trong bối cảnh mới hiện nay, trước những thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cần nâng tầm, đổi mới mạnh mẽ, phát huy sức mạnh đặc biệt của các loại hình văn học, nghệ thuật cũng như tiềm năng sáng tạo to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô để có những sáng tạo mới, cống hiến thêm nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, Thủ đô cần có những thiết chế văn hóa – văn học nghệ thuật, những cơ sở vật chất như nhà hát, bảo tàng, phòng hòa nhạc, các đơn vị xây dựng nghệ thuật chuyên nghiệp đạt trình độ quốc gia và quốc tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người của Thủ đô và đất nước, mở rộng giao lưu quốc tế.

Nhiệm kỳ tới, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cần tiếp tục triển khai các kế hoạch hoạt động của Liên hiệp và 9 hội thành viên theo chương trình; đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao vị thế của Hội và trách nhiệm với Thủ đô. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật cần ý thức rõ trách nhiệm và vị trí của mình, nhận thức sâu sắc về tính chất đặc thù của Hội; tích cực hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị đến với công chúng Thủ đô và cả nước. Cần nhận rõ nguy cơ, cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, để vừa xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vừa quan tâm tuyên truyền tới hội viên và toàn thể văn nghệ sĩ trau dồi bản lĩnh, phẩm chất, không bị dao động, không bị lôi kéo trước cái xấu, cái sai trái, không có những sáng tác đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục hoặc đi ngược với lợi ích của nhân dân và đất nước.

- Tiếp tục tổ chức có hiệu quả các đợt sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm sáng tác, trao đổi về tác phẩm mới sáng tác của hội viên. Chú trọng và đề cao giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm; đổi mới cách thể hiện, hình thức hài hòa với nội dung, phù hợp với trình độ ngày càng cao của công chúng và yêu cầu phát triển của Thủ đô.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác xã hội hóa; thu hút các nguồn lực cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật trên địa bàn. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hoạt động văn học nghệ thuật. Tích cực vận dụng cơ chế “ký hợp đồng làm tác phẩm theo điều kiện thỏa thuận” để phát huy tối đa sáng kiến và sự năng động của các hội viên trong Hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả tài năng phát huy được hết năng lực và tâm huyết, có những tác phẩm chất lượng.

- Tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện chính sách về văn học, nghệ thuật. Các cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe các ý kiến phản biện, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ để có những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn và mang lại hiệu quả cao. Thành lập các diễn đàn, trang thông tin, kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình đất nước, cùng những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy, chính quyền địa phương tới đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô.

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, công bố, phổ biến tác phẩm. Thường xuyên mở các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các cuộc thi sáng tác chuyên đề. Chú trọng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ, những nghệ sĩ có trách nhiệm với cộng đồng, có khát vọng cống hiến, vươn lên. Đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động với các đơn vị, tổ chức văn học nghệ thuật thế giới. Tăng cường quảng bá các giá trị văn học nghệ thuật của Thủ đô và đất nước ra nước ngoài, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn học nghệ thuật thế giới để làm phong phú nền văn học nghệ thuật trong nước, góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Thủ đô và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh mới.

Nhiệm vụ trong thời gian tới là vô cùng nặng nề với nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng với truyền thống vẻ vang của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, với bản lĩnh, tài năng, tâm huyết và khát vọng chung của giới văn nghệ sĩ nước nhà, chúng ta tin tưởng rằng nền văn học, nghệ thuật Hà Nội sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và to lớn hơn nữa, có những “vụ mùa bội thu” với các tác phẩm lớn, có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc, đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân.

Một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi xin chúc các vị đại biểu khách quý, các bác, các anh, các chị và đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô luôn mạnh khỏe, dồi dào bút lực, nồng nàn cảm hứng sáng tạo, có thêm nhiều thành tích, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống!

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.