You are here

Enrico Caruso: Vua của giọng tenor

Tác giả: 
Ngọc Tú

Enrico Caruso là một trường hợp độc nhất vô nhị trong sân khấu opera thế giới.

Enrico Caruso là ngôi sao sáng chói trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên ghi âm. Ảnh: pinterest.com

Caruso vĩ đại”, “Vua của những giọng tenor”, đó chỉ là một vài trong vô số biệt danh mà thế giới đã dành tặng cho Enrico Caruso. Là ngôi sao sáng chói trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên ghi âm, Caruso đã trở thành biểu tượng của thời đại. Ông ghi dấu ấn mạnh mẽ ở bất cứ nơi nào ông đặt chân tới, thu hút được vô vàn người hâm mộ. Nhiều nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, những ca sĩ đồng nghiệp đều dành cho ông sự kính trọng và ngưỡng mộ sâu sắc. Sở hữu một giọng nam cao quý hiếm mượt mà, chói sáng, đầy màu sắc nhưng lại có sự đầy đặn, khỏe khoắn của một giọng nam trung. Giọng hát ông đẹp trên toàn bộ âm vực, Caruso tỏ ra rất thoải mái khi hát những nốt thấp (ông từng thu âm aria Vecchia zimarra (La Bohéme, Giacomo Puccini) vốn dành cho giọng bass) nhưng đồng thời cũng sở hữu những nốt Đố tuyệt đẹp, ông thậm chí còn có thể lên được đến Đô#2. Rosa Ponselle đã từng nhận xét rằng: “Khi bạn muốn nói về các giọng nam cao, bạn phải chia họ thành hai nhóm. Caruso trong nhóm đầu tiên và những ca sĩ khác trong nhóm còn lại”. Còn Richard Strauss sau khi lần đầu thưởng thức tài nghệ của Caruso đã thốt lên: “Cậu ấy đã hát lên được linh hồn của giai điệu”. Cho đến tận ngày nay, cái bóng của Caruso phủ xuống các giọng tenor khác vẫn còn quá lớn và ông vẫn mãi là một trong những tượng đại vĩ đại nhất trong lịch sử thanh nhạc của nhân loại.

Đến sân khấu opera bằng đường vòng

Enrico (Errico theo thổ ngữ xứ Naples, cái tên ông được gọi suốt thời thơ ấu) Caruso sinh ngày 25/2/1873 (27/2 theo một số nguồn khác) tại Naples, quê hương của những ca khúc Neapolitan huyền thoại. Cậu là đứa trẻ thứ ba trong tổng số bảy người con và là một trong số ba người còn sống sót qua thời thơ ấu. Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký của Dorothy, vợ của Caruso thì ông đã nói về mẹ mình, bà Anna: “Là mẹ của 21 đứa con, 20 đứa con trai và một cô con gái, quá nhiều. Tôi là cậu con trai thứ 19”. Gia đình cậu không khá giả nhưng cũng không quá thiếu thốn. Bố Enrico, ông Marcellino là một thợ cơ khí và làm việc tại một xưởng đúc. Ông chỉ muốn Enrico nối nghiệp mình và khi cậu bé lên 11 tuổi, cậu đã theo học nghề một kỹ sư chuyên xây dựng các đài phun nước công cộng. Sau này, bất cứ khi nào trở về Naples, Caruso luôn hào hứng chỉ ra một đài phun nước mà ông đã từng góp công xây dựng. Tuy nhiên, mẹ cậu luôn chú ý giáo dục những đứa con của mình. Bà cho Enrico theo học dưới sự dạy dỗ của một linh mục địa phương là cha Bronzetti, người ngoài việc dạy học cũng đồng thời điều hành một dàn hợp xướng của riêng mình và là một trong những dàn hợp xướng tốt nhất thành phố. Đó là kết quả của cuộc tranh cãi dữ dội giữa cha mẹ cậu trong khi cậu nằm trên giường, chùm chăn kín đầu. Cuối cùng, bà Anna đã thắng nhưng phải chịu trách nhiệm trả học phí (5 lire/1 tháng). Enrico là một thành viên và giọng hát của cậu ngay lúc này đã đầy hứa hẹn, đủ để hy vọng về một sự nghiệp âm nhạc tốt đẹp trong tương lai, cậu được gọi là “divo nhỏ”. Tuy nhiên, cậu phải đến nhà máy Meuricoffre để làm việc cùng cha mình.

“Lạy Chúa tôi! Nếu chàng trai Naples này tiếp tục hát như vậy, anh ấy sẽ khiến cả thế giới phải nói về mình” – Arturo Toscanini

Trong năm thứ hai học cùng Bronzetti, Enrico đã giành được giải nhất trong một cuộc thi và cậu tự hào với tấm huy chương vàng lấp lánh trên lồng ngực nhỏ bé. Một cậu bạn học, Piero, ghen tức với thành quả của Enrico đã lao ra và tấn công cậu. Enrico chống trả quyết liệt. Về việc này, Bronzetti đã quở mắng cậu. Tức giận, cậu xé bỏ giải thưởng và ném xuống chân Bronzetti. Ngay lập tức, ông Marcellino xuất hiện đánh một cú trời giáng mà con trai ông suốt đời không bao giờ quên. Những gì tiếp theo là vô cùng đau đớn. Ông Marcellino gầm lên: “Hãy quỳ xuống và hôn chân đức Cha ngay”! Sau này Caruso nhớ lại, với nỗi đau của sự sỉ nhục vẫn còn đó trong ông: “Tôi thề rằng sẽ không bao giờ tôi hát trong dàn hợp xướng nữa và lời thề này là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”. Là một người ngăn nắp và trật tự, công việc của cậu tại nhà máy cơ khí diễn ra rất tốt. Thể hiện năng khiếu về hội họa, Enrico đã có nhiều bản vẽ rất xuất sắc ở độ tuổi 12 và đã có ý thức rất cao về các giá trị dịch vụ mà mình mang lại. Cậu đến gặp giám đốc nhà máy và yêu cầu được tăng lương. Bị từ chối, Enrico bỏ việc và chuyển công việc đến một nhà máy sản xuất vòi nước.

Vào ngày Lễ mình và Máu thánh Chúa Kitô năm 1888, bà Anna ốm nặng, Enrico định hủy bỏ buổi hát của mình tại nhà thờ San Severino nhưng mẹ cậu vẫn thuyết phục cậu tham gia. Với trái tim trĩu nặng, cậu cất bước đến nhà thờ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong tổng số hai buổi biểu diễn Enrico phải hủy bỏ trong suốt cuộc đời mình. Mọi người chạy đến báo tin mẹ cậu đã qua đời. Đây cũng là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của Caruso. Ông nhớ lại: “Vì bà, tôi đã phải từ bỏ đam mê của bản thân để làm công việc thợ máy của mình. Sau khi bà qua đời, mặc dù trái tim tôi rất đau buồn vì mất mát không thể bù đắp được, tôi thấy không có lý do gì để tiếp tục sự hy sinh này. Tôi rời bỏ nhà máy và không bao giờ trở lại, quyết định dành tất cả cho âm nhạc”. Ông Marcellino tức giận vì quyết định này và đã đuổi cậu ra khỏi nhà.

Enrico kiếm sống bằng cách làm ca sĩ đường phố, hát trong các quán cà phê, quán rượu, trên các góc phố và được một người chơi đàn organ cho ở cùng, mang đến cho anh như chính lời của Enrico “niềm vui của lần đính hôn đầu tiên”. Mùa hè năm 1891, Enrico gặp Eduardo Missiano, một trong những người nằm trong danh sách khá dài những kẻ sẽ vô danh nếu như không giúp đỡ Caruso bước lên bậc thang danh vọng. Missiano nhận ra tài năng của Enrico và đã giới thiệu anh với Guglielmo Vergine, thầy giáo dạy thanh nhạc của mình. Không bao giờ quên những hành động tử tế, sau này Caruso đã giúp cho giọng baritone Missiano có được một vai nhỏ trong vở Manon (Messenet) tại Metropolitan Opera vào năm 1909.

Tuy nhiên, ấn tượng ban đầu của Vergine với giọng hát của Caruso không tốt. Ông nhận xét: “Cậu không thể hát. Cậu không có giọng. Nghe như gió xuyên qua cửa sổ. Nó giống như vàng dưới đáy sông Tiber… không đáng để đào”. Mặc dù vậy, ông vẫn nhận Caruso làm học trò.

Việc học hát bị gián đoạn một thời gian khi Caruso 20 tuổi, theo luật anh phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc với thời hạn ba năm. Trong quân ngũ, sĩ quan chỉ huy, thiếu tá Nagliotti là người nhận ra khả năng tuyệt vời của Caruso nên đề nghị cho anh được ra quân sớm. Sau khi giải ngũ, năm 1894 Caruso tiếp tục công việc học tập và chờ mong có được vai diễn opera đầu tiên của mình.

Ngày 15/3/1895, ở tuổi 22, Caruso đã đặt cột mốc đầu tiên trong hành trình trở thành ca sĩ chuyên nghiệp của mình. Anh hát tại Teatro Nuovo, Naples trong vở opera L’amico Francesco của Mario Morelli. Vở diễn không thành công nhưng Caruso đã thu hút được sự chú ý của ông bầu nhà hát Cimarosa ở Caserta và chỉ một tháng sau đó anh đã hát trong Cavalleria rusticana tại đây. Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh của nhà hát không diễn ra tốt đẹp và Caruso nhanh chóng quay trở lại Naples.

Ông nhớ lại thời tuổi trẻ: “Tôi thường xuyên bị đói nhưng không cảm thấy bất hạnh”. Trên thực tế, cho đến thời điểm này, Caruso chưa được đào tạo bài bản về thanh nhạc, kiến thức của anh ít ỏi như chính tình trạng học vấn của anh vậy. Ngay cả sau này, ông cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đọc bản nhạc, không chơi nhạc cụ và hát chủ yếu bằng tai. Trong lớp của Vergine, Caruso có biệt hiệu là “giọng hát thủy tinh” khi anh thường bị vỡ giọng khi lên những nốt cao. Thật may mắn, Caruso đã gặp nhạc trưởng Vincenzo Lombardi. Ông đã giúp đỡ Caruso rất nhiều trong việc trau chuốt lại giọng hát và đặc biệt là cải thiện các nốt cao của anh.

Richard Strauss sau khi lần đầu thưởng thức tài nghệ của Caruso đã thốt lên: “Cậu ấy đã hát lên được linh hồn của giai điệu”.

Thời điểm này, Caruso có sống với soprano Ada Giachetti. Hai người không kết hôn nhưng có với nhau bốn người con trai và chỉ có hai người là sống sót qua thời kỳ thơ ấu.

Được Chúa gửi đến với Puccini

Trong những năm cuối của thể kỷ 19, Caruso biểu diễn tại hàng loạt nhà hát trên khắp nước Ý trong đó có những buổi công diễn lần đầu trên phạm vi toàn thế giới các vở opera L’arlesiana (Francesco Cilea, 1897), Fedora, (Umberto Giordano, 1898) và Adriana Lecouvreur (Cilea, 1902) tại Teatro Lirico, Milan. Mùa hè năm 1897, Puccini đang tìm kiếm giọng nam cao cho La Bohéme ở Livorno. Caruso đã thử vai và Puccini đã rất ấn tượng với giọng nói của Caruso nên đã thốt lên: “Ai đã gửi anh đến với tôi? Chính Đức Chúa”? Với vai diễn Rodolfo này, Caruso lần đầu tiên đã xuất hiện trên thánh đường opera La Scala vào ngày 26/12/1900 dưới sự chỉ huy của Toscanini. Ông cũng thực hiện nhiều chuyến lưu diễn quốc tế tới Monte Carlo, Warsaw và Buenos Aires đồng thời xuất hiện trước Sa hoàng và giới quý tộc Nga tại Mariinsky Theatre, Saint Petersburg và Bolshoi Theatre, Moscow cùng với những danh ca hàng đầu nước Ý thời bấy giờ. Tháng 2/1901, Caruso chói sáng trong đêm diễn tại La Scala tưởng nhớ Giuseppe Verdi vừa mới qua đời. Tháng 12/1901, Caruso trở về quê nhà để lần đầu hát tại Teatro di San Carlo trong L’elisir d’amore (Donizetti) nhưng bị đón nhận khá thờ ơ. Buổi biểu diễn sau đó với Manon (Massenet) thậm chí còn lạnh nhạt hơn. Sự lãnh đạm của khán giả quê hương và ác cảm của giới phê bình khiến ông vô cùng đau đớn: “Tôi thề sẽ không bao giờ đến Naples để hát, chỉ để ăn một đĩa spaghetti”. Tháng 3/1902, Caruso bắt đầu chuỗi biểu diễn cuối cùng của mình cùng La Scala.

Ngày 11/4/1902, Caruso được hãng Gramophone mời thực hiện bản thu âm đầu tiên của ông tại Milan. Đây cũng là một trong những đĩa nhạc đầu tiên của một ca sĩ opera. Đĩa nhạc này sau đó đã bán rất chạy, góp phần khiến sự nổi tiếng của  Caruso được lan rộng. Ban quản lý Covent Garden ngay lập tức ký hợp đồng với ông cho một mùa với tám vở opera, từ Aida (Verdi) đến Don Giovanni (Mozart). Buổi biểu diễn thành công nhất của Caruso ở đây là vào ngày 14/5/1902 trong Rigoletto cùng soprano xuất sắc nhất Covent Garden lúc bấy giờ Nellie Melba. Sau này họ cũng thường xuyên hát cùng nhau. Cũng với vai bá tước xứ Mantua này, Caruso lần đầu tiên xuất hiện tại Metropolitan Opera vào ngày 23/11/1903. Ngay trong đêm diễn đầu tiên, Caruso đã được khán giả vỗ tay mời hát lại “La donna è mobile”. Đây sẽ là mái nhà chính của Caruso cho đến cuối sự nghiệp. Trong 18 mùa tiếp theo tại Met, ông đã có tổng cộng khoảng 800 buổi biểu diễn trong gần 40 vở opera khác nhau. Guilio Gatti-Casazza (giám đốc của Met) đã thốt lên: “Tôi đã nghe đi nghe lại tất cả những giọng nam cao tuyệt vời trong thời đại của mình. Nhiều người trong số họ là những nghệ sĩ tuyệt vời và có giọng hát phi thường. Nhưng với tôi, không một ai trong số họ có thể hát trọn vẹn một vai diễn với giọng hát và nghệ thuật nhất quán như Caruso”.

Là ngôi sao có sức thống trị tuyệt đối, Caruso là ca sĩ được trả thù lao cao nhất thời bấy giờ. Bên cạnh đó, ông đã tiếp cận được với lượng khán giả lớn nhất của mình, thông qua không gian và thời gian, bằng những bản thu âm của mình. David Hamilton đã viết trên New York Times: “Những bản thu âm đã khiến ông trở thành hình mẫu phổ biến cho các thế hệ tenor sau này, trong khi danh tiếng của ông đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến máy hát về mặt xã hội và kinh tế”. Bản thu âm aria “Vesti la giubba” trong Pagliacci (Leoncavallo) là đĩa nhạc đầu tiên bán được hơn một triệu bản. Tuy nhiên, một trong những điều tiếc nuối lớn nhất là ông chưa bao giờ thu âm hoàn chỉnh một vở opera.

Giọng hát của Caruso “là một giọng miền Nam đầy ấm áp, quyến rũ và ngọt ngào”. Những tình cảm cất lên qua tiếng hát của ông đa dạng về màu sắc, chân thành, dường như tạo được sự cộng hưởng tuyệt vời trong tâm hồn người nghe. Vào thời kỳ đỉnh cao, Caruso đã tổ chức các buổi hòa nhạc ở các địa điểm lớn như sân vận động Yankee, New York mà không cần micrô và tất cả đều có thể nghe thấy rõ ràng. Tất cả những điều đó đều đến từ một tinh thần làm việc nghiêm túc, cần cù. Khi có người hỏi về bí quyết để thành công, Caruso đã trả lời: “Một lồng ngực rộng, một chiếc miệng to, 90% trí nhớ, 10% thông minh, lao động miệt mài và trong tim có một cái gì đó”.

Ngoài những buổi biểu diễn tại Met, Caruso còn thực hiện các chương trình trên khắp nước Mỹ và Canada. Caruso cũng là nạn nhân cùa trận động đất kinh hoàng tại San Francisco vào tháng 4/1906, ông xuất hiện tại đó với vai Don Jose (Carmen, Bizet) và rạng sáng ngày 18 tai nạn đã xảy ra. Sợ hãi, ông thề không bao giờ quay trở lại thành phố này. Ông cũng thường xuyên quay về thực hiện các buổi biểu diễn hòa nhạc và độc tấu tại Anh, Pháp, Bỉ, Áo, Hungary và Đức. Ngày 10/12/1910, Caruso vào vai Dick Johnson – được Puccini dành riêng cho ông trong lần ra mắt đầu tiên vở opera La fanciulla del West tại Met với các bạn diễn Emmy Destinn và Pasquale Amato, nhạc trưởng là Toscanini. Thành công rực rỡ của Caruso tại Met đã khiến tổ chức Bàn tay đen, một băng nhóm xã hội đen có nguồn gốc từ những người Ý nhập cư vào Mỹ đe dọa sẽ làm tổn thương cổ họng ông cũng như những người thân và đòi khoản tiền 2.000USD. Việc Caruso đồng ý trả tiền khiến băng đảng này tiếp tục đòi số tiền 15.000USD. Thanh tra Joseph Petrosino của cảnh sát New York, một người say mê opera đã đóng giả Caruso và tóm gọn bọn tội phạm.

“Tôi đã nghe đi nghe lại tất cả những giọng nam cao tuyệt vời trong thời đại của mình. Nhưng không một ai trong số họ có thể hát trọn vẹn một vai diễn với giọng hát và nghệ thuật nhất quán như Caruso” (Guilio Gatti-Casazza, giám đốc Met).

Trong suốt sự nghiệp biểu diễn của mình, Caruso hát trong nhiều vai diễn, từ trữ tình, spinto đến kịch tính, chủ yếu trong các vở opera của Ý và Pháp. Chỉ có hai vở diễn nguyên gốc bằng tiếng Đức được ông tham gia là Die Königin von Saba (Karl Goldmark) và Lohengrin (Richard Wagner), nhưng Caruso cũng hát bằng tiếng Ý. Năm 1917, ông thực hiện chuyến lưu diễn tới các nước Nam Mỹ như Argentina, Uruguay và Brazil. Năm 1920, Caruso hưởng mức thù lao kỷ lục lên đến 10.000 USD/1 đêm diễn tại Havana, Cuba.

Khi xảy ra cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Caruso tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, quyên góp tiền ủng hộ đất nước. Ngày 20/8/1918, ông kết hôn với cô gái kém ông 20 tuổi Dorothy Park Benjamin. Hai người có với nhau một cô con gái. Dorothy sau này là tác giả của hai cuốn sách về cuộc đời của Caruso. Là một người thích sự sạch sẽ, Caruso thường tắm hai lần một ngày, thích đồ ăn ngon và tụ tập bạn bè. Ông cũng rất mê tín và thường mang người một vài lá bùa. Niềm say mê hội họa vẫn được ông duy trì, Caruso thường vẽ ký họa bạn bè và đồng nghiệp. Ông thích sưu tầm và sở hữu bộ sưu tập có giá trị lớn về tem thư, tiền xu, đồng hồ, đồ cổ và đặc biệt là sổ lưu niệm. Bên cạnh đó, Caruso cũng sở hữu những thói quen xấu như nghiện thuốc lá và lười tập thể dục. Chính những tật xấu này cộng với một lịch trình biểu diễn điên cuồng đã tàn phá sức khỏe ông.

Sức khỏe của ông suy giảm rõ rệt vào cuối năm 1920 sau khi thực hiện chuyến lưu diễn tại Bắc Mỹ. Ngày 3/12, trong buổi biểu diễn Samson và Dalila, Caruso bị tai nạn khi một cây cột đạo cụ đâm vào lưng ông, ảnh hưởng đến thận trái. Ông còn được chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn. Ngày 11/12, khi hát trong L’elisir d’amore tại Học viện âm nhạc Brooklyn, lần thứ hai và cũng là cuối cùng trong đời, Caruso phải bỏ dở đêm diễn khi bị xuất huyết ở cổ họng. Sau sự cố này ông chỉ còn hát được thêm ba buổi nữa tại Met, buổi cuối cùng là trong Eléazar (La Juive) vào ngày 24/12/1920. Trong giờ nghỉ, Caruso đã khóc lên vì đau đớn. Cuối cùng, bác sĩ đã tìm ra căn bệnh của ông là viêm màng phổi và mưng mủ. Tình trạng của ông ngày càng xấu đi, ông từng bị hôn mê và suýt chết vì trụy tim. Caruso đã trải qua bảy ca phẫu thuật để hút mủ ra khỏi phổi, một phần xương sườn bị cắt bỏ. Sức khỏe của ông đã dần cải thiện và tháng 5/1921, ông và gia đình trở về Naples nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, tình trạng của ông lại chuyển biến xấu. Những bác sĩ tốt nhất đề nghị cắt bỏ thận trái và ông phải lên Rome để tiến hành phẫu thuật. Trên đường đến Rome, Caruso nghỉ lại tại khách sạn Vesuvio ở Naples và qua đời tại đó vào lúc 9h sáng ngày 2/8/1921 khi chỉ mới 48 tuổi. Vua nước Ý Victor Emmanuel III cho mở vườn cung thánh đường của nhà thờ San Francesco di Paola, Naples để tổ chức tang lễ cho Caruso, với hàng nghìn người tham dự. Thi hài ông được bảo quản trong một cỗ quan tài bằng kính đặt tại nghĩa trang Del Pianto ở Naples cho mọi người đến viếng. Năm 1929, bà Dorothy mới chính thức chôn cất ông trong một hầm mộ bằng đá.

Sau thời của Caruso xuất hiện vô số những tenor tài năng khác nhưng hiếm ai tạo được dấu ấn mang tầm thời đại như ông. Với giọng hát toát ra “sự gợi cảm tan chảy” và “sự bùng phát của niềm đam mê cháy bỏng”, Enrica Caruso vĩnh viễn đi vào lịch sử âm nhạc thế giới như một trong cái tên chói sáng và rực rỡ nhất. Tháng 6/2005, khoảng 2.000 tài liệu trong đó bao gồm hơn 1.200 bức thư của Caruso chưa từng được công bố trước đó được trưng bày trong một cuộc triển lãm tại Verona giúp chúng ta phần nào hiểu thêm về người nghệ sĩ vĩ đại.

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.