You are here

Giới thiệu vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 14 tháng 12 năm 2022, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí giới thiệu vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” của Đại tá, TS, nhạc sĩ Doãn Nho, do Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phối hợp tổ chức tập luyện và công diễn.

Vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” sẽ chính thức công diễn đêm thứ nhất vào 20h00 ngày 21/12/2022 và đêm thứ hai vào lúc 20h00 ngày 22/12/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình ý nghĩa này nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024).

Tới dự có: nghệ sĩ Phan Mạnh Đức – Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, chỉ đạo nghệ thuật vở nhạc kịch; NSƯT Lê Thụy – Tổng đạo diễn chương trình; đại tá Hồ Trọng Tuấn – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường; chỉ huy các phòng ban của Nhà trường và các phóng viên Báo, Đài Trung ương và Hà Nội.

Nội dung vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” được lấy từ nguyên mẫu những cuộc đời có thật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm là bức tranh đầy màu sắc về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tác giả đã dồn nén tất cả tâm huyết của mình cùng với sự thăng hoa về cảm xúc để sáng tác tác phẩm. Đây là công trình nghệ thuật có quy mô lớn và giá trị tư tưởng, nghệ thuật sâu sắc, ca ngợi sự hy sinh cao cả, ý chí, truyền thống anh hùng của quân dân ta.

Chuyện xảy ra vào khoảng năm 1950-1962.

Hùng, Dũng và Hiền cùng học một trường. Hùng và Dũng (2 chàng trai làng bên Lương) đều yêu Hiền (cô gái làng bên Giáo), nhưng Hiền chỉ yêu Hùng. Tình cảm của 3 người đều lọt vào mắt Thảo - em gái Hiền. Thảo rất thông minh và nghich như con trai, rất thích chơi trò “Chi chi chành chành”. Hùng là đô vật trẻ nổi tiếng; Dũng là cây ngâm thơ rất được mến mộ.

Gặp năm đê làng bị vỡ, Hùng, Dũng và Hiền đều ở trong đội hộ đê; thấy Hiền bị ngã xuống dòng nước, Dũng vì không biết bơi nên hô hoán mọi người tới cứu. Hùng nhảy theo dòng nước và cứu được Hiền.

Đêm trăng sáng trước ngày lên đường nhập ngũ, Hiền đã trao tình yêu cùa mình cho Hùng (Ba lê). Chuyện này chỉ có Thảo vô tình biết.

Trước giờ hành quân, Dũng tới gặp Hiền để tặng bài thơ nhưng đúng lúc Hiền đang trao ảnh cho Hùng. Chuyện này cũng chỉ có Thảo biết. Dũng thất vọng ném bài thơ vào bụi cây... Thảo tới nhặt và đọc...

Các cuộc hành quân ra trận nối tiếp nhau. Vì cùng một đơn vị nên Hùng, Dũng luôn giúp đỡ và động viên nhau. Một lần Dũng vấp phải mìn, Hùng kịp thời cùng đội cứu thương cáng Dũng về trạm phẫu tiền phương.... Tiếp sau đó đơn vị Hùng bị bao vây, cả tiểu đội người bị hy sinh, người bị thương nằm la liệt, còn Hùng bị thương ở đầu vẫn chiến đấu đẩy lùi đợt tấn công của địch.

Biết mình có thể hy sinh trong đợt chiến đấu tiếp theo, Hùng lấy tấm ảnh của Hiền ra nói lên tình yêu cháy bỏng của mình, muốn được ôm chặt người yêu lần cuối. Và dường như để có được cảm giác trái tim của người yêu hòa nhịp đập cùng trái tim của mình, hơi thở của người yêu hòa trong hơi thở cùa mình, Hùng đã nuốt tấm ảnh.

Một đợt pháo địch dội trúng trận địa mở đầu đợt tiến công mới, Hùng bị ngất; quân địch tràn tới, và mũi lê của địch đã hướng tới Hùng....

*
*      *

Hòa bình về, hai làng Lương và Giáo luôn sát cánh bên nhau trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt. Dân hai làng đã chung sức đào xong con mương dẫn nước tưới cho 2 cánh đồng của hai làng.

Khi mất tin tức về Hùng, Dũng luôn động viên Hiền, nhất là sau khi có tin báo tử: Hùng đã hy sinh tại chiến trường.

Chính Thảo cho Hiền biết và đọc cho Hiền nghe bài thơ của Dũng định tặng Hiền hôm nhập ngũ. Thảo là người an ủi và khuyên rất chân thành chị Hiền của mình nên kết duyên với anh Dũng (“Chị phải yêu anh Dũng!”, “Không thế vô tình với anh Dũng!”).

Dưới gốc cây đa (được trang trí cố định cho cành làng quê, nơi có 2 thôn gồm bên Lương và bên Giáo). Hiền đem chiếc áo của Dũng đã được Hiền vá lại khoác lên người Dũng; Dũng cầm tay Hiền bày tỏ mối tình thầm kín mà vô cùng mãnh liệt của mình dành cho Hiền, rồi ôm chặt Hiền trong vòng tay của mình.

Bỗng vang lên tiếng loa mời dân làng ra đình đón anh hùng quân đội Nguyễn Văn Hùng, người đã có giấy báo tử mấy năm trước, nay được về thăm làng. Cả làng hò reo vui sướng; Hiền thảng thốt gỡ tay Dũng và chợt nhận ra niềm hạnh phúc tràn trề, Hiền chạy lao ra phía đình.... Còn Dũng, chiếc áo Hiền khoác trên người đã rơi xuống gốc cây, hai tay buông thõng, đứng như trời trồng....

Trên sân đình, Hùng đứng cạnh đồng chí Bí thư Đảng ủy xã và luôn giơ tay vẫy chào bà con đang vui mừng hoan hô trên nền trống ếch của các cháu thiếu nhi.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy cho biết Hùng không bị địch giết vì thấy còn khỏe mạnh, chúng bắt làm tù binh và bắt đi xây dụng sân bay dã chiến tại biên giới phía Tây Nam; Hùng đã bí mật cùng anh em tù binh liên lạc với địa phương tổ chức trốn thoát, tham gia giải phóng quân tại địa phương và lập nhiều chiến công. Vì yêu cầu bảo mật nên bây giờ mới được về thăm làng.

Hùng trân thành cảm ơn dân làng và hứa sẽ cùng dân làng chăm lo sản xuất để cùng hậu phương miền Bắc sát cánh cùng bà con miền Nam tiếp tục đấu tranh giành thống nhất nước nhà.

Đồng chí Bí thư Đảng ùy đề nghị bà con giải tán vì trời sắp mưa. Đúng lúc đó Hiền chạy tới và vì quá xúc động đã khuỵu xuống, Hùng vội đỡ và ôm Hiền vào lòng.

Hùng kể lại cho Hiền nghe giây phút cận kề cái chết đã nuốt ảnh của Hiền để được hòa cùng hơi thở và nhịp đập trái tim của Hiền; còn Hiền trong giây phút tràn ngập hạnh phúc mà vẫn ngỡ như mơ... (Ba lê). Như sực tỉnh Hiền nhắc Hùng mau về nhà, Hùng sung sướng nhấc bổng Hiền lên như đêm trăng sáng hôm nào trước lúc lên đường nhập ngũ...

Những giây phút này cũng chỉ có Thảo biết. Thảo hồn nhiên vui mừng trước hạnh phúc của anh chị mình, nhưng đột nhiên tự hỏi: òn anh Dũng thì sao? Giờ này anh Dũng đang ở đâu? Bỗng tiếng sấm vang lên, trời đổ mưa như trút nước, Thảo gọi to: Anh Dũng ơi, anh ở đâu, anh Dũng ơi!    

Cho đến lúc này Dũng vần đứng như trời trồng, còn ông trời hình như quá vô tình, vẫn trút mưa và vẫn nổi gió... Dũng như sực tỉnh, cố gắng chống đôi nạng, nhấc từng bước chân lê đi để quên mũ và áo...

Thảo vẫn đội mưa chạy đi tìm Dũng, vừa chạy vừa gọi to như muốn át cả tiếng sấm: Anh Dũng ơi, anh ở đâu, anh Dũng ơi!     

Chợt nhìn thấy cái mũ của Dũng mắc trên thân cây, Thảo chạy lại và nhận ra chiếc áo chị Hiền đã vá cho anh Dũng, Thảo nâng chiếc áo lên áp chặt vào ngực mình và thầm nhủ: Trên có Phật, có Chúa Trời, dưới còn làng còn nước, anh không cô đơn đâu, anh ơi! anh không cô đơn đâu, anh ơi!....

Tiếng chuông chùa và tiếng chuông nhà thờ bỗng vang lên, mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn, trời hửng nắng nhìn rõ tháp chuông nhà thờ phía xa bên trái và cổng Tam quan bên phải cây đa...

Ekip thực hiện vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”:

Chỉ đạo nội dung: Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cố vấn chương trình: Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Chỉ đạo nghệ thuật: Đại tá, NGƯT, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; nghệ sĩ Phan Đức Mạnh - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Tổng đạo diễn: NSƯT Lê Thụy

Chỉ huy dàn nhạc: NSƯT Doãn Nguyên

Đạo diễn sân khấu: NSƯT Tạ Tuấn Minh

Tổ chức sản xuất: Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; NSƯT Tuấn Anh - Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Thiết kế mỹ thuật: NSƯT Đạt Tăng – NSND Lê Huy Quang

Đạo diễn ánh sáng: NSƯT Tạ Thanh Sơn

Đạo diễn âm thanh: Duy Bình – An Thông

Biên đạo múa: Thượng tá, NSND Kiều Lê.

Chỉ huy biểu diễn: Đại tá Trần Thanh Bạch.

Chủ nhiệm chương trình: Đại tá, TS, NSND Nguyễn Thị Thu Hà.

- 4 vai diễn chính: Hiền (Soprano), Thảo (Mezzo Soprano), Dũng (Tenor), Hùng (Baryton).

Phân vai kíp 1:

- Đào Tố Loan: vai Hiền

- Ngô Hương Diệp: vai Thảo

- Trịnh Phương: vai Dũng

- Ngô Đức: vai Hùng

Phân vai kíp 2:

- Mai Chi: vai Hiền

- Thu Quỳnh: vai Thảo

- Như Tới: vai Dũng

-  Ngô Đức: vai Hùng

Tham gia biểu diễn: Dàn nhạc giao hưởng, Dàn múa Bale, Dàn hợp xướng, Hợp ca thiếu nhi…

Tại buổi gặp mặt Báo chí, tác giả - Đại tá, Nhạc sĩ Doãn Nho và các thành viên trong ekip thực hiện tác phẩm đã chia sẻ các nội dung liên quan đến vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”; về vai trò, vị trí và tầm vóc của tác phẩm đối với nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam đương đại. Đồng thời, ghi nhận thông tin về công tác tổ chức luyện tập, dàn dựng; tổng duyệt và công diễn trong thời gian tới.

Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết: Đây chính là tác phẩm lớn mà có thể là tác phẩm cuối cùng của tôi ở tuổi 90, các hoạt động ở chiến trường được gom lại trong bảng tổng kết tại vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”. Nói về dân ca, các vở cải lương hoặc tuồng thì đây là những vốn cực kỳ quý báu của nền văn hóa dân tộc của chúng ta, đặc biệt đối với người làm nghề thì chúng tôi luôn luôn phải nghiên cứu học tập cho đến tận bây giờ, để thấy được cái sâu sắc, vẻ đẹp của nó mà cố gắng sáng tạo làm sao vận dụng để kết hợp được với hiện đại… không thể tách rời được. Nói về ngôn ngữ thể hiện thì có nhiều nguồn khai thác khác nhau, khi mà tôi còn trẻ thì tôi học tập ở bác Đỗ Nhuận việc sử dụng chất liệu dân ca của bác đã làm nên những bài ca bất hủ, ví dụ như bài “Nhớ chiến khu”. Chất liệu dân ca mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã nâng lên thành những ca khúc nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp thì đến bây giờ vẫn có giá trị, mặc dù bây giờ các thế hệ ngày nay là thế hệ của nhạc nhẹ. Chúng ta tôn trọng những sở thích và những cái mới mẻ qua từng thế hệ nhưng đồng thời không được phép lãng quên những thành tựu của dân ca dân tộc và của các thế hệ đi trước, làm sao sử dụng được kết hợp giữa dân tộc và hiện đại. Thì đó cũng chính là đường lối văn học nghệ thuật của Đảng chúng ta.

Đạo diễn Lê Thụy, đã chia sẻ:

Khi tôi nhận làm đạo diễn tác phẩm “Bài ca tình yêu” của nhạc sĩ Doãn Nho tôi trăn trở rất nhiều, vì tôi chuyên làm công tác sân khấu, dựng nhiều vở kịch và cải lương, vở chèo… nhưng khi nhận tác phẩm nhạc kịch “Bài ra tình yêu”, thực ra tôi vô cùng trăn trở bởi vì đó là một thể loại tôi chưa làm bao giờ, bởi vì đây là vở nhạc kịch thứ 7 từ trước tới nay. Các bạn đã nghe tới “Cô Sao”, “Người tạc tượng”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Lá Đỏ”… thì vở “Bài ca tình yêu” của nhạc sĩ Doãn Nho là vở thứ 7 của Việt Nam. Số lượng tác phẩm opera của Việt Nam còn ít, vì vậy thực hiện vở này nếu mình không có đam mê về nghệ thuật sân khấu, cũng như không đam mê về âm nhạc thì chắc chắn là khó, và đặc biệt sau khi nghe giai điệu Demo thì tôi thấy rằng đây là một vở diễn hết sức đẹp dung dị, đậm đặc màu sắc âm hưởng của âm nhạc dân tộc. Mặc dù nhạc kịch – Opera nguồn gốc là của phương Tây nhưng vở nhạc kịch mà nhạc sĩ Doãn Nho viết thì âm hưởng ấy rất đậm đặc màu sắc dân tộc, dễ nghe và dễ đi vào lòng người. Câu chuyện của vở diễn cũng rất thú vị, đó là một câu chuyện về tình yêu, câu chuyện mối quan hệ của tình quân dân, nhưng tình yêu của 2 người lính với một cô gái mộc mạc, nhưng câu chuyện này sang trọng hơn, gần gũi với những người ở lứa tuổi chúng tôi. Trong vở diễn có một cảnh hết sức thú vị là đặt ra mối quan hệ giữa các tôn giáo, mối quan hệ giữa Lương và Giáo. Mối quan hệ mà nhạc sĩ Doãn Nho đã giải trình bằng kết quả sự hòa hợp dân tộc, bằng tình yêu của một đôi nam nữ để nói lên mối quan hệ hòa hợp dân tộc.

Trên cơ sở kịch bản, tôi phải vận dụng tư duy suy nghĩ, trên market sân khấu là một con đê trải dài, con đê là một đường thẳng (điểm tiếp cận của tình yêu), và để giải quyết vấn đề của cộng đồng tôn giáo, Lương và Giáo thì chúng ta đều sống chung một mạch nước nguồn, uống chung một dòng nước, vì vậy trên sân khấu khấu thiết kế một giếng nước cổ (dòng nước của dân tộc Việt chúng ta). Vì vậy tôi đã nghĩ ra ý đồ market để 2 họa sĩ: NSƯT Đạt Tăng và NSND Lê Huy Quang thể hiện bối cảnh đó tương đối xúc tích.

Vở diễn này làm tôi trăn trở và tìm mọi cách để khai thác, xử lý và hoàn thiện các mảng khéo léo, đó là một chiếc khăn của một chàng trai tặng cho một cô gái làng và chiến khăn đó đi suốt cả một cuộc đời cô gái trong chờ đợi, thấm thía, trộm nhớ, trong niềm hạnh phúc và kể cả bi kịch khi được tin chàng trai ấy đã hy sinh, thì tôi đã xử lý mảnh này với tính chất tuồng, chiếc khăn với chất liệu của tuồng và chiếc áo của lính, với trình thức biểu diễn thể hiện bằng phương pháp tiếp cận dân tộc.

Vở diễn này hết sức dung dị về cuộc đời của những người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, gần gữi ngay bên cạnh chúng ta. Một vở opera đậm đặc âm hưởng màu sắc dân tộc.

Nghệ sĩ Phan Mạnh Đức - Chỉ đạo nghệ thuật, cho biêt:

Khi nhận được lời mời thực hiện Vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” của nhạc sĩ Doãn Nho, đây là niềm vui rất lớn đối với anh chị em nghệ sĩ diễn viên của nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, cùng với Trường Đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội, Nhà hát đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện để công diễn. Cám ơn nhạc sĩ Doãn Nho đã cho ra đời một vở kịch rất ý nghĩa, quý giá.

*        *
*

Đại tá, Nhạc sĩ Doãn Nho, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với chặng đường hơn 70 năm phục vụ trong quân đội và hoạt động âm nhạc, đã cống hiến cho đất nước nhiều tác phẩm có giá trị như: ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Chiếc khăn Piêu”,... Các tác phẩm của Nhạc sĩ Doãn Nho đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, cổ vũ quân dân ta trong các cuộc kháng chiến cứu quốc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Bên cạnh đó, Nhạc sĩ Doãn Nho có nhiều sáng tác mang tầm vóc về giao hưởng, thanh xướng kịch, nhạc kịch... về đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng” có giá trị nghệ thuật và lịch sử văn hóa cao. Với những đóng góp lớn lao đó, Nhạc sĩ Doãn Nho đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2017.

Mốt số hình ảnh về vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”:

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.