You are here

Hình bóng Fans club trong hát văn

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Tổ chức Fans club du nhập nước ta cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI cùng với sự lên ngôi của âm nhạc đại chúng. Tại những đô thị lớn có đời sống âm nhạc đại chúng phát triển, như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… các câu lạc bộ này mọc lên như “nấm sau mưa xuân”, thậm chí trở thành “đội quân thứ 2” của ca sĩ. Trong nền kinh tế thị trường với sự thắng thế của số đông, fans club hình thành như một nhu cầu thiết yếu nhằm quảng bá hình ảnh, tên tuổi, thương hiệu ca sĩ. Bởi vậy, vây quanh nhiều ca sĩ nổi tiếng, như: Lam Trường, Đan Trường, Nguyễn Phi Hùng, Thanh Thảo, Mỹ Tâm… đều có sự tiếp sức mạnh mẽ “tiền hô hậu ủng” của các fans hâm mộ mà ngành công nghiệp giải trí tận dụng như một biện pháp cạnh tranh nhằm tạo phép lợi thế trong thị trường âm nhạc.

Nếu so sánh thói quen thưởng thức âm nhạc trước và sau 1986 (thời kỳ Đổi mới) nhận thấy, cách tiếp cận âm nhạc đại chúng có sự khác biệt. Sự khác biệt đó ngày càng lộ rõ kể từ giữa thập niên 1990, sau khi nền kinh tế thị trường phát huy tác dụng. Trước năm 1986, sân khấu ca nhạc có một khoảng bình lặng mà giữa ca sĩ và khán thính giả hình thành khoảng cách nhất định. Khán thính giả đến với chương trình ca nhạc khá “thụ động”. Trong suốt quá trình biểu diễn, họ ngồi chăm chú lắng nghe, thưởng thức, thậm chí có nơi đến cả tiếng vỗ tay cũng không vang lên sau mỗi tiết mục. Còn trong chương trình biểu diễn ca nhạc có sự tham gia của fans hâm mộ có thể cảm nhận được sức nóng từ khán thính giả. Các fans chủ động bày tỏ xúc cảm, mừng vui, reo hò cuồng nhiệt… Mỗi khi thần tượng xuất hiện, cả một “biển người dậy sóng”. Có thể thấy, khung cảnh ấy giống như sân vận động hơn là sân khấu ca nhạc! Người quen với lối thưởng thức cũ có thể khó chịu trước hiện tượng văn hóa mới này. Bởi, nó trở thành nguồn cơn cho các nhóm nhu cầu va chạm nhau. Người muốn hưởng bầu không khí tĩnh lặng để thưởng thức âm nhạc đã bị tiếng reo hò, cổ động của fans hâm mộ phá vỡ, gây nhiễu loạn thẩm mỹ, còn các fans hâm mộ lại được một phen “cháy hết mình” nhằm thực hiện chức trách, vai trò của những tín đồ suy tôn, ủng hộ thần tượng.

Những tưởng đó là một hiện tượng mới trong văn hóa đại chúng, du nhập từ nước ngoài. Đương nhiên, fans club du nhập từ nước ngoài, nhưng nhìn về quá khứ, có những hiện tượng tương đồng đã bén rễ trong văn hóa dân gian truyền thống. Ở đây muốn nhắc đến loại hình hát Chầu văn trong tín ngưỡng Tam tòa tứ phủ. Tín ngưỡng Tam tòa tứ phủ có cội nguồn văn hóa xa xưa. Nó là một hình thái tín ngưỡng đa thần mà trung tâm là các vị thánh mẫu, nữ thần. Tam tòa thánh mẫu gồm ba vị: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Cùng sự mở rộng địa bàn cai quản của các thánh, Tam tòa phát triển lên thành Tứ phủ với bốn cõi: Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ, Địa phủ. Từ đó, Tam tòa tứ phủ tạo thành một cấu trúc ổn định nhằm ký thác kho tàng đức tin. Hình thái thực hành nghi lễ trong tín ngưỡng Tứ phủ mang dấu viết của Shaman giáo. Shaman nhằm chỉ bà đồng, cô đồng, bà bóng, vũ nữ… nhân vật trung tâm, đóng vai trò trung gian giữa thế giới thế tục và linh thiêng. Trong chuyến du hành vượt qua các cõi, dù bằng hình thức du hồn như tín ngưỡng Shaman phổ biến trên thế giới hay nhập hồn như hình thái lên đồng đặc thù của Việt Nam thì thanh đồng vẫn cần tới sự yểm trợ của âm nhạc. Không gian âm nhạc giúp cho thanh đồng chuyển hóa từ xác phàm sang thánh thể. Âm nhạc hát văn kiến tạo nên miền, phủ cho các thánh xê dịch. Không chỉ dừng lại ở đó, âm nhạc còn giúp cho cô đồng giao tiếp với các thánh mẫu, các chầu, giá… Hát Chầu văn xuyên suốt quá trình phụ đồng, thánh nhập và đồng thăng, ba giai đoạn quan trọng của một giá đồng. Trong không gian âm nhạc hát văn, có thể là đền, phủ, miếu hay bản điện… thanh đồng thực hành nghi lễ trên chiếu lễ đặt trên tấm phản hoặc nền gạch cao trước điện thờ, cung văn ngồi bên cạnh (dưới chiếu phía bên trái) đàn, hát. Ngồi vòng ngoài có tín chủ, con nhang đệ tử (hiểu là tín đồ) và (có thể thêm) khán thính giả. Có một điều dễ dàng nhận thấy trong không gian âm nhạc nghi lễ này không còn khoảng cách vật lý và tâm lý giữa thanh đồng, cung văn và con nhang đệ tử. Họ dường như hợp thành một thể thống nhất, tương tác với nhau. Từ khoảng cách vật lý đến tâm lý và vươn tới tâm linh, người thưởng thức Chầu văn dễ dàng hội nhập không gian nghi lễ chung, chủ động bày tỏ cảm xúc, thể hiện thái độ, niềm hoan hỷ của mình. Khi thánh nhập, cung văn vê đàn (nguyệt), trống, mõ, thanh la, cảnh… thúc nhịp dồn dập tạo cao trào, đồng thời con nhang đệ tử cũng vỗ tay bắt nhịp, có người hát theo hoặc bày tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ các mẫu, thánh, chầu… bằng những câu khen ngợi. Loại hình sinh hoạt âm nhạc này đã lưu truyền trong môi trường văn hóa dân gian. Nó tự tạo cho mình một cõi riêng nhằm phát huy tinh thần dân chủ hồn nhiên trong xã hội truyền thống. Theo “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quy Đôn, “Thời Trần, có lối hát trước mặt đế vương gọi là hát chầu văn”. Như vậy, những người hành nghề đàn và hát Chầu văn vơi danh xưng “Cung văn” phải chăng bắt nguồn từ chữ “cung” theo nghĩa Cung đình, một thiết chế văn hóa nhà nước thời kỳ phong kiến? Trải qua thăng trầm lịch sử, thiết chế “cung”, rồi tiếp tục là “phủ” dần dần chuyển hóa, nâng cấp lên thành cõi thiêng, nơi dành cho các thánh ngự. Người giới hầu đồng tự nhận mình có sứ mệnh phục vụ việc “Tiên cung tiên thánh” hay “lo việc thánh gánh việc trần”... Và cung, phủ… đã đi từ thế giới hiện thực hữu hình sang thế giới linh thiêng, vô hình. Sự hòa hợp giữa bộ ba: thanh đồng, cung văn và con nhang đệ tử góp phần tạo nên thực tại văn hóa trong tín ngưỡng Tam tòa tứ phủ mà cung văn đóng vai trò trung gian kết nối giữa các bên bằng âm nhạc. Trong đó, con nhang đệ tử tham gia loại hình âm nhạc này như một bộ phận hữu cơ, vừa tạo nên bầu không khí linh thiêng, thoát tục, vừa thể hiện tính chất đời thường, thế tục của một hình thái tín ngưỡng mang đậm sắc thái văn hóa bản địa.

Trở lại các fans club trong đời sống âm nhạc đại chúng, tuy là một hiện tượng mới, nhưng cũng có “căn duyên” và hệ lụy để lịch sử trở thành một dòng chảy liên tục đổ vào hiện tại nhằm làm nên thuộc tính đa dạng văn hóa.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.