You are here

Hội thảo khoa học “Đỗ Nhuận – Âm thanh cuộc đời”

Tác giả: 
Thanh Nhã (Ảnh: Trần Công Thủy)

Sáng 25 tháng 9 năm 2022, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học “Đỗ Nhuận – Âm thanh cuộc đời”. Đây là sự kiện do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam và 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Dự Hội thảo có: đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Lãnh đạo các Hội VHNT Trung ương; các Học viện, Nhà trường nghệ thuật âm nhạc, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình; các thầy cô giáo, giảng viên, các bạn học sinh, sinh viên  Khoa Sáng tác – Chỉ huy Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; NSƯT Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội, các nhạc sĩ lão thành: các nhạc sĩ lão thành, các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội, Ban Kiểm tra, các Chi hội trưởng các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam các tỉnh thành; các nhạc sĩ lãnh đạo các Hội Âm nhạc Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhiều giáo sư, tiến sĩ làm công tác giảng dạy âm nhạc, các nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc và đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ.

Trình bày đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận nhưng với tư cách là một nhạc sĩ sáng tác, một nhà nghiên cứu lý luận, đã đưa ra ý kiến của mình với nhiều tính khoa học bằng đề dẫn “Đỗ Nhuận – Người mở đường vào cánh đồng âm nhạc dân tộc”, cho thấy Đỗ Nhuận có cuộc đời rất sôi động, phong phú. Ông là nhạc sĩ đầy tài năng, vừa là tài năng thiên bẩm, vừa là tài năng từ học tập rèn giũa nghệ thuật không ngưng nghỉ. Nhưng ông còn là nhà hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, từ những ngày hoạt động bí mật, tù đày, những năm tháng chiến khu, kháng chiến chống Pháp, những năm đem sức lực và tài năng để cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước.

Ông là nhạc sĩ đầy tài năng và là nhà hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, say mê âm nhạc từ nhỏ, tự tìm học các nhạc cụ dân tộc và châu Âu; và cũng bằng con đường tự học, từ năm 18 tuổi, những tác phẩm đầu tay của ông đã thấm đượm tinh thần yêu nước và đã được phổ biến rộng rãi. 

Không chỉ là tác giả của những ca khúc bất hủ, những tác phẩm nhạc kịch, khí nhạc bề thế, ông còn là người tìm đường cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX, những tìm tòi của ông về mối quan hệ biện chứng giữa tiếp thu, phát triển vốn âm nhạc dân tộc và tiếp nhận, chuyển hóa nhuần nhuyễn giá trị âm nhạc hiện đại quốc tế, cùng nhiều nghiên cứu âm nhạc khác có ý nghĩa lý luận nền tảng lớn. Về sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Đỗ Nhuận quan niệm “đi vào dân tộc là cách tốt nhất để bồi dưỡng tâm hồn dân tộc”, đi từ dân tộc đến hiện đại.

Tại Hội thảo, một số tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà phê bình âm nhạc đã được trình bày:

Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với bản tham luận mang tính tổng quan “Trăm năm âm thanh một cuộc đời”, cho thấy nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã để lại cho lịch sử nhạc mới hình ảnh một con người đa năng trong hoạt động âm nhạc, một tác giả đa dạng về thể loại âm nhạc và đa sắc trong tính cách âm nhạc. Hơn một phần tư thế kỷ làm Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam - vị Tổng thư ký đầu tiên và lâu năm nhất (1957-1983), ông rất quan tâm đến phong trào sáng tác. Đặc biệt, ở khóa 2 dài nhất, 20 năm, được gọi là “nhiệm kỳ máu và hoa,” là lúc phát triển rực rỡ nhất của âm nhạc cách mạng, đúng nghĩa “âm nhạc đồng hành cùng dân tộc,” hào hùng và bi tráng với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, với chương trình “Khắp nơi ca hát” trên Đài Tiếng nói Việt Nam... Nhạc sĩ Đỗ Nhuận để lại cho đời nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau cả trong thanh nhạc và khí nhạc, từ ca khúc quần chúng đến ca kịch và nhạc kịch, từ độc tấu, hòa tấu thính phòng đến tổ khúc giao hưởng. Chú trọng tính dân tộc và hiện đại, ông là người tiên phong trong thử nghiệm “Việt hóa” một số thể loại thanh nhạc phương Tây: hành khúc dân tộc và nhạc kịch Việt Nam... Cả cuộc đời sống hết mình cùng âm nhạc và vì âm nhạc, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã đi vào lịch sử nhạc mới Việt Nam với vị thế một ngọn cờ đầu của âm nhạc cách mạng, với danh hiệu mà những người yêu nhạc đã phong tặng ông: Nhạc sĩ Nhân dân.

TS. Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho với tham luận “Thầy Đỗ Nhuận của tôi” đã có những nhận xét đầy tâm huyết về người thầy của mình: nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người thầy sáng tác thực thụ của tôi, ông truyền cảm hứng cho tôi và dạy tôi những bước đi đầu tiên và cơ bản nhất của một nhạc sĩ quân đội. Bí quyết mà ông gợi mở cho tôi là phải ngấm dân ca với tất cả tâm hồn của mình, cùng với nắm bắt tính độc đáo trong ngôn ngữ của từng vùng. Cho đến bây giờ tôi vẫn rất khâm phục ông đã sáng tạo ra một thủ pháp mang cá tính riêng của ông nhưng hoàn toàn mới, không chỉ mới đối với nền âm nhạc trong nước, mà cả đối với nền âm nhạc thế giới qua nhận xét của thầy dạy sáng tác của tôi tại Nhạc viện Kiép.

TS Kanoh, Haruka (Nhật Bản), với tham luận “Hoạt động ngôn luận của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và sự ra đời của nền nhạc kịch Việt Nam” phân tích ba quan điểm chính của nhạc sĩ Đỗ Nhuận liên quan đến opera, nhạc kịch, ca kịch, ca kịch mới… 1) Về khả năng biểu đạt và khả năng truyền đạt: Phân tích, dẫn chứng để làm rõ hình thức ca kịch, nhạc kịch có hiệu quả tốt để thể hiện và truyền đạt ý của tác phẩm một cách phong phú và chính xác, có sự liên kết giữa những bài hát khác nhau theo tuyến kịch; 2) Về tính đại chúng: lấy dẫn chứng, cần phải nâng cao hơn nữa về thẩm mỹ âm nhạc cho quần chúng, đặc biệt thưởng thức một tác phẩm quy mô lớn như nhạc kịch khiếu thẩm mỹ vẫn còn hạn chế vì “quần chúng của ta còn có nhược điểm quen nghe nhạc qua lời ca, quen nghe hát giản đơn, quen những nhân vật đơn ca trên sân khấu. 3) Về trình độ văn hóa của quốc gia: phân tích và lấy dẫn chứng: nhạc sĩ Đỗ Nhuận coi opera là một loại hình nghệ thuật không thể thiếu được để nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân và giao lưu với nghệ thuật opera trên cả thế giới.

Nhạc sĩ Cát Vận với tham luận “Bài hát Đỗ Nhuận – những sáng tạo độc đáo từ khai thác âm nhạc dân gian truyền thống”, đề cập tới một loại hình phổ cập nhất trong các sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Đỗ Nhuận thấm đẫm những âm thanh cuộc sống từ thuở niên thiếu cho đến khi trưởng thành, từ làng quê nghèo đói cho tới nơi đô thị phồn hoa và tới những ngày tràn đầy nhiệt huyết tìm đường đến với cách mạng, Đỗ Nhuận đã nhận thức cuộc sống bằng âm thanh - một phương tiện duy nhất cảm nhận âm nhạc để từ đó tạo nên cốt cách con người và phong cách, ngôn ngữ âm nhạc rất riêng: Phong cách Đỗ Nhuận đầy chất dân gian hiện đại. Và phong cách này bao trùm lên tất cả các thể loại âm nhạc của ông, nhất là trong lĩnh vực nhạc hát, đặc biệt là các bài hát. Các tác phẩm của Đỗ Nhuận có giá trị âm nhạc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống, đặc biệt tâm đắc với bản hành khúc “Hành quân xa” một hành khúc thuần Việt, sống mãi trong lòng chúng ta. Trong sáng tạo, Đỗ Nhuận là tác giả của kịch bản, là diễn viên, sân khấu và ca từ... nhưng rất ít khi ông phổ thơ, chính tỏ khả năng về ca từ, khả năng văn học đầy chất thơ, cái dung dị, cái uyên bác, cái tiếp cận văn hóa dân tộc từ Bắc vào Nam... là vô cùng sắc bén, đáng quý. Tác phẩm opera của Đỗ Nhuận xuất phát từ cội nguồn dân tộc, phải có một tích lũy về văn hóa, thì mới làm được. Tính dân tộc trong âm nhạc của Đỗ Nhuận trong việc tiếp thu âm nhạc dân gian truyền thống, đó là một bài học sâu sắc đối với giới nhạc sĩ chúng ta, để các thế hệ tiếp theo học tập, cả về mặt sáng tạo nghệ thuật, lý luận, quảng bá âm nhạc Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Lưu, với ý kiến: Là người làm báo, nhưng hết sức yêu mến âm nhạc, đặc biệt nền âm nhạc cách mạng. Có người mà tôi hết sức khâm phục là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Khi đánh giá về một con người, nhất là một nhạc sĩ thì yếu tố tư tưởng là quan trọng nhất, điểm xuất phát của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là tham gia cách mạng từ rất trẻ, được tôi luyện trong lao tù, viết nhiều tác phẩm âm nhạc cách mạng trong lao tù của đế quốc. Về sáng tác bám sát với dân ca, trong đó có yếu tố đột biến trong âm nhạc, tính hài hước, vui nhộn...

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha với tham luận “Đỗ Nhuận – người khởi sự âm nhạc cách mạnh”: Với tinh thần yêu đất nước, người khởi sự âm nhạc Cách mạng Việt Nam chính là nhạc sĩ Đỗ Nhuận với những bài hát cách mạng trong tù. Từ Nhà tù Hỏa Lò, ông đã tạo ra các nhạc khí. Tính chất khởi sự và tính cách mạng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là trên đường đi nhà tù Hỏa Lò lên Nhà tù Sơn La vừa đi vừa hát. Đỗ Nhuận không chọn con đường sáng tác những bài hát lãng mạn mà ông lại chọn con đường viết lên những bài hát yêu nước thông qua lịch sử dân tộc. Ở trong ông vừa có bản sắc đậm chất dân tộc, đi vào khai thác dân ca dân tộc thiểu số ở các vùng miền. Khi vào Tây Bắc, việc tiếp cận với âm nhạc Tây Bắc rất quan trọng cho toàn bộ sự nghiệp âm nhạc Việt Nam của Đỗ Nhuận.

Ngoài những ý kiến chia sẻ trên, Hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các giao sư, tiến sĩ, giảng dậy âm nhạc, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, nhà báo, các nhạc sĩ… về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh với tham luận “Thủ pháp vận dụng nguồn chất liệu thang âm ngũ cung trong ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận”;  PGS.TS Trần Thế Bảo với tham luận “Trường ca hợp xướng Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận”; PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai với “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và sự nghiệp sáng tác opera”; nhà văn, TS. Lê Cảnh Nhạc với tham luận “Đỗ Nhuận – nhạc sĩ, chiến sĩ hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng”; nhạc sĩ  Nguyễn Đình San với tham luận “Đỗ Nhuận – nhạc sĩ số 1 của Việt Nam”…   

Các tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đi sâu vào nghiên cứu sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận dưới góc độ khoa học, phân tích những yếu tố tạo nên con người và tác phẩm của ông, từ chất liệu sáng tác cho đến giai điệu, tiết tấu, hòa thanh... những yếu tố âm nhạc làm nên sự khác biệt giữa âm nhạc Đỗ Nhuận với các nhạc sĩ cùng thời; phân tích tính tư tưởng, tính triết lý, những quan niệm của Đỗ Nhuận về âm nhạc, về lĩnh vực sáng tác phong phú, bao trùm cả thanh nhạc và khí nhạc, từ ca khúc, ca khúc thiếu nhi, đến trường ca, hợp xướng, hòa tấu nhạc cụ, nhạc giao hưởng, nhạc kịch, ca cảnh, nhạc phim, nhạc múa rối...

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ cũng đề cập và ghi nhớ đến việc nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người đầu tiên đưa thể loại opera vào Việt Nam. Ông còn là một cây viết về lý luận phê bình âm nhạc. Mặc dù ông không phải là nhà lý luận chuyên nghiệp, nhưng những bài viết, bài tham luận, giảng dậy của ông về âm nhạc cho thấy dù trên lĩnh vực nào, con người Đỗ Nhuận - nhạc sĩ - chiến sĩ luôn hoạt động sáng tạo với mục tiêu vì nước, vì dân, sử dụng âm nhạc phục vụ Tổ quốc, xây dựng nền âm nhạc mới hoàn chỉnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.