You are here

Kỉ niệm ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Thi (20-12-1924): Đôi điều cảm nhận qua các tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Đình Thi

Tác giả: 
Đỗ Hồng Quân

Nguyễn Đình Thi là nhà văn hóa lớn, người nghệ sĩ bậc thầy trong nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ông chưa bao giờ tự nhận mình là nhạc sĩ. Nhưng chỉ với 2 hài hát để đời là Diệt phát xítNgười Hà Nội, nhân dân đã khắc tên ông vào bảng vàng biên niên sử bằng âm thanh của dân tộc. Diệt phát xít Người Hà Nội đã đi vào lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu (cùng với những tác phẩm của Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước… ), và ghi đậm dấu ấn của thời kỳ tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.


Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi

Bài hát Diệt phát xít lần đầu được vang lên trong cuộc mít tinh lớn ủng hộ Việt Minh của Tổng hội Viên chức được tổ chức ở quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 17-8-1945. Trong hồi ký của nghệ sĩ nhân dân Đinh Ngọc Liên còn ghi lại: “… hồi ấy, chúng tôi sống trong bầu không khí rạo rực khó tả. Cách mạng như một chất men bao trùm làm ngây ngất lòng người. Tôi lao vào công việc, chẳng quản ngày đêm, ra sức hòa âm, phối khí các bài ca cách mạng. Cứ có bài hát là làm, chả cần biết là của ai đưa. Các bài Du kích ca, Chiến sĩ ca, Diệt phát xít…”, “… bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi với sức kêu gọi mãnh liệt của nó trở thành cái đinh trong Tuần lễ vàng. Cứ đồng bào quyên từ một lạng trở lên là Quân nhạc tặng một bài. Cũng có trường hợp, một vài chỉ vàng nhưng là cả tấm lòng dốc túi của cụ ông, cụ bà nào đấy chúng tôi cũng thổi tặng”. Còn nhạc sĩ Văn Cao sau khi hát bài Tiến quân ca cho Nguyễn Đình Thi nghe đã viết: Tôi nhớ lại nụ cười hồn nhiên của đồng chí Nguyễn Đình Thi khi xướng âm lần đầu tiên nhạc điệu bài hát đó, Thi nói với tôi:

- Văn ạ, chúng mình thử mỗi người làm một bài về mặt trận Việt Minh xem sao?

Tôi không kịp trả lời chỉ nhìn thấy đôi mắt của Thi thật lạc quan và tin tưởng. Sau này, Thi làm xong bài Diệt phát xít trước tôi.

Ngày 19-8-1945, một cuộc mít tinh lớn họp tại Quảng trường Nhà hát Lớn, hàng chục ngàn giọng hát đồng thanh cất lên các bài: Tiến quân ca, Diệt phát xít, Du kích ca. Âm nhạc đã tiếp thêm dũng khí động viên lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong ngày khởi nghĩa cướp chính quyền tại Thủ đô Hà Nội.

Xin nói thêm về 3 bài hát Tiến quân ca của Văn Cao; Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi; Du kích ca của Đỗ Nhuận. Đây là 3 bản hành khúc – một thể loại âm nhạc được truyền vào từ châu Âu đầu thế kỷ XX. Những thanh niên yêu nước thời ấy đã biết cách vận dụng tiết tấu hùng tráng, gẫy gọn, để soạn ra những bài ca cho đông đảo quần chúng cùng hát. Cả 3 bài trên đều được phổ biến theo con đường truyền khẩu và không ai biết tác giả những bài hát đó là ai. Khi đó cả 3 ông còn rất trẻ, Đỗ Nhuận 23 tuổi (sinh 1922), Văn Cao 22 tuổi (sinh 1923) và Nguyễn Đình Thi mới 21 tuổi (sinh 1924).

Giai điệu bài Diệt phát xít đã trở thành nhạc hiệu của Đài tiếng nói Việt Nam từ hơn 60 năm qua. Cũng như giai điệu chính mở đầu bản trường ca Người Hà Nội đã từ lâu trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội và một thời đã là nhạc chuông đồng hồ trên nóc nhà bưu điện Bờ Hồ.

Nguyễn Đình Thi tuy không được học nhạc cơ bản, nhưng với môi trường văn hóa Pháp mà ông được tiếp xúc chắc chắn trong đó có những giai điệu âm nhạc của Pháp và châu Âu như: Phiên chợ Ba Tư, Dòng sông Đanuýp xanh, Kỵ binh nhẹ, Serenate Shubert… đã góp phần hình thành nên một thế giới âm thanh trong ông. Việc cảm thụ âm nhạc một cách tự nhiên của ông có dấu ấn từ nền âm nhạc kinh điên thế giới. Sự khúc triết trong cấu trúc âm nhạc có ảnh hưởng từ kiến thức triết học mà ông đã được tiếp cận từ rất sớm.

Người Hà Nội là một bản trường ca (Vocal medley). Đây là một thể loại hiếm gặp trong giai đoạn đầu của lịch sử âm nhạc Việt Nam. Bài hát được sáng tác đầu năm 1947 cùng khoảng thời gian với Sông Lô của Văn Cao, và sau đó là Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận. Cả 3 tác phẩm trên đều ở thể loại trường ca cùng xuất hiện một thời điểm. Đây là một hiện tượng rất thú vị và hiếm gặp trong lịch sử âm nhạc. Về cấu trúc âm nhạc Người Hà Nội gồm có 8 đoạn được liên kết với nhau chặt chẽ, có mở đầu, phát triển, cao trào và kết thúc. Có sự xuyên suốt của mô típ chủ đề chính. Qua mỗi đoạn ta thấy sự thay đổi về tiết tấu (Rythme), tốc độ (Tempo), giọng điệu (Tonal)… một cách uyển chuyển hợp lý. Và điều quan trọng là toàn bộ các yếu tố âm nhạc kể trên đã gắn chặt với ca từ và tạo thành một khối thống nhất, hoàn chỉnh đạt tới cao trào của cảm xúc nghệ thuật. Có thể coi Người Hà Nội là một tác phẩm thanh nhạc được tư duy theo ngôn ngữ khí nhạc. Đặc trưng của khí nhạc là tính hình tượng được tập trung ở các chủ đề âm nhạc (Thème). Trong Người Hà Nội chủ đề của từng đoạn vô cùng rõ nét, sinh động và độc đáo. Ví dụ: chủ đề mở đầu: sol – rề sol – rề mi – rề sol. Chỉ với 3 nốt nhạc đã phác họa được một hình ảnh Hà Nội cổ xưa uy nghiêm và sâu lắng… Chính vì vậy, chủ đề này đã được nhiều nhạc sĩ sử dụng như một biểu tượng âm thanh gắn liền với Hà Nội. Đây là một vinh dự mà không phải nhạc sĩ nào cũng có được.

Khoảng năm 1991, tôi được gặp ông tại Paris. Trong suốt buổi nói chuyện, ông luôn nhắc đến Người Hà Nội với những trăn trở và mong muốn làm sao có thể chuyển tác phẩm này cho Dàn nhạc Giao hưởng. Tôi hiểu ông muốn hướng tới một loại hình âm nhạc có chiều sâu về ngôn ngữ và có sức lan tỏa rộng hơn, mang tính quốc tế. Cho đến nay, chỉ mới có các bản chuyển soạn cho Guitar, Piano… còn một tổng phổ giao hưởng như ông mong ước thì chưa có ai làm được.

Ngoài 2 bài hát nổi tiếng, những bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ phổ nhạc thành những bài hát hoặc hợp xướng như: Nhớ (nhạc Hoàng Vân), Lá đỏ (nhạc Hoàng Hiệp) và bài thơ Đất nước đã được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc phổ thành bản Hợp xướng. Đặc biệt, vào năm 1980 từ kịch bản sân khấu Nguyễn Trãi ở Đông Quan nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết thành vở nhạc kịch (Opera) Nguyễn Trãi. Đây là vở nhạc kịch thứ 3 của Đỗ Nhuận sau Cô Sao (1965) và Người tạc tượng (1975). Tiếc rằng, vở nhạc kịch Nguyễn Trãi chưa có điều kiện để dàn dựng, khi cả 2 ông đã về cõi vĩnh hằng.

Nguyễn Đình Thi không nhận mình là nhạc sĩ, vì ông hiểu sâu sắc ý nghĩa của người làm công việc sáng tạo này: Compositeur là nhà soạn nhạc, chủ yếu là sáng tác nhạc không lời hoặc Chansonnier là nhạc sĩ viết bài hát. Nhưng với khả năng cảm thụ âm nhạc đặc biệt từ nhỏ, trí tưởng tượng bay bổng lãng mạn của tuổi trẻ, ông đã hút được hồn nhạc để cùng với hồn thơ tạo thành đôi cánh vút bay lên bầu thời văn nghệ Việt Nam. Với những gì ông đã để lại cho nền âm nhạc nước nhà, chúng ta có quyền tự hào và trân trọng gọi tên ông: Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.