You are here

Lễ Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 23 tháng 12 năm 2022, tại Phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc quốc gia, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 65 thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2022). Chương trình được phát sóng trực tiếp trên fanpage của Hoinhacsi.vn và Muca của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội.

Tự hào với 65 năm đồng hành cùng dân tộc, nền âm nhạc dân tộc Việt Nam luôn gắn chặt với các chặng đường lịch sử, đội ngũ nhạc sĩ hình thành và phát triển trong kháng chiến chống Pháp như là sự phó thác của lịch sử trở thành nống cốt trong dòng nhạc cách mạng, tiếp nối tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 và từ thời điểm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957) đến nay, nhiều tác phẩm và sự cống hiến của đội ngũ nhạc sĩ là ngọn nguồn tạo nên truyền thống và những đỉnh cao về sáng tác, biểu diễn âm nhạc trong kháng chiến chống ngoại xâm, trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc cũng như trong giai đoạn mới, tự khẳng định mình trước xu thế toàn cầu hóa. Âm nhạc luôn có vị trí sâu đậm trong đời sống văn hóa tinh thần của đất nước, với những đóng góp to lớn tích cực vào sự nghiệp phát triển của toàn xã hội.

Đến dự có: đồng chí Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; TS Đoàn Thanh Nô - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; NSƯT Trần Ly Ly – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đồng chí Thang Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ; đồng chí Trần Khánh Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương; nhà báo Nguyễn Vọng Ngàn – Trưởng Ban Văn nghệ VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo; Ban Tổ chức Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Lãnh đạo các Hội VHNT Trung ương; các Học viện, Nhà trường nghệ thuật âm nhạc, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; NSƯT Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội, các nhạc sĩ lão thành: GS Chu Minh, TS Doãn Nho, các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội, Ban Kiểm tra, các Chi hội trưởng các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam các tỉnh thành; các nhạc sĩ lãnh đạo các Hội Âm nhạc Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ đại diện cho hơn 1500 Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam...

Thiếu tướng nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã có bài diễn văn kỷ niệm 65 thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ thay mặt Ban Chấp hành Hội và toàn thể giới âm nhạc cả nước, gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Cám ơn các thế hệ nhạc sĩ đã có công dựng xây nên sự nghiệp vẻ vang của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ôn lại những chặng đường vẻ vang của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp do Đảng thành lập và lãnh đạo, là dịp để chúng ta tri ân các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ đã hoạt động trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu - lý luận và đào tạo âm nhạc trong suốt 65 năm qua.

Đại tá, nhạc sĩ trẻ Huyền Ngọc, đại diện cho thế hệ các nhạc sĩ trẻ phát biểu tại buổi Lễ:

“Trong những năm tháng hào hùng cua dân tộc ta, sự hy sinh của các thế hệ nhạc sĩ đã đi qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, họ đã cống hiến quên mình xông pha vào trận mạc, qua đó đã có những tác phẩm âm nhạc hào hùng, cổ vũ, động viên thôi thúc toàn dân, toàn quân ta đánh giặc, góp phần cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Những tác phẩm âm nhạc đó đã đi cùng năm tháng, là hành trang, là kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo. Chúng tôi biết ơn những đóng góp của các thế hệ nhạc sĩ đã cống hiến để có ngày hòa bình thống nhất hôm nay, cho chúng tôi, thế hệ trẻ được sống, được viết, được tiếp tục cống hiến. Chúng tôi luôn xác định kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, tiếp tục phấn đấu, phát huy sáng tạo, phản ánh chân thực cuộc sống để để góp phần cổ vũ, động viên thôi thúc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, thay mặt văn nghệ sĩ cả nước, phát biểu:

Hôm nay trong buổi lễ vô cùng trang trọng và xúc động, với 65 năm thành lập của một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp đã được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, với con số 65 năm đầy ý nghĩa. Đây là dịp để hội tụ ở đây trong một trung tâm âm nhạc hàng đầu của đất nước và cũng là trung tâm âm nhạc của cả khu vực và có thể sánh với những trung tâm đào tạo của các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Nhắc lại truyền thống 65 năm với những thành tích rất đỗi tự hào của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong tổ chức của giới văn học nghệ thuật Việt Nam đã được Đảng và Nhà thành lập và được chỉ định một Đảng Đoàn của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và bên cạnh đó là có một Đoàn Chủ tịch, cũng như tập hợp của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và đại diện ưu tú nhất của các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cũng như 63 Hội VHNT của các tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, tổ chức Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam của chúng ta đã bước vào nhiệm kỳ thứ X (2020 – 2025) với số lượng hội viên là khoảng 40,000 hội viên trong toàn quốc, trong đó thì tập trung ở 10 Hội chuyên ngành Trung ương, ở đó có Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với lực lượng văn nghệ sĩ như vậy, đây chính là cánh tay phải của Đảng về lĩnh vực văn hóa, VHNT, một lực lượng mà tiếp thu được truyền thống 65 năm của riêng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng như các Hội được thành lập năm1957. Chúng tôi rất tự hào và thấy được ý nghĩa giá trị của một lực lượng qua thời gian 65 năm chúng ta đã làm được. Với tư cách là một tổ chức được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, Liên hiệp các Hội VHNT cũng như các Hội chuyên ngành và các Hội trong cả nước, trong một giai đoạn mới, chúng ta đã qua được năm thứ 3 trong nhiệm kỳ (2020 – 2025) với nhiều thành tích đã đạt được của một tổ chức đoàn kết, gắn kết với các chuyên ngành với nhau.

Các thế hệ nhạc sĩ tiếp nối truyền thống cha anh đi trước, ngày nay đã khảng định được tài năng của mình bằng những tác phẩm, những bút pháp, phong cách của riêng mình, mỗi một nhạc sĩ là một giọng nói, là một cách tư duy âm nhạc và để lại những tác phẩm đã đi cùng năm tháng, xanh mãi với thời gian. Trên một con đường và với một ý chí  nghị lực như vậy, chúng ta không bị tụt hậu về các lĩnh vực âm nhạc: sáng tác, biểu diễn, lý luận, đào tạo…

Hội nghị văn hóa toàn quốc đã quán triệt vào ngày 24/11/2021, mà ở đó đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh và thấy rằng nâng cao vị trí của văn hóa lên ngang tầm với chính trị - văn hóa – xã hội, cũng như nâng cao vị trí của văn nghệ sĩ là thành phần tinh túy nhất của văn hóa, thì điều đó, đối với chúng ta là vô cùng thấm thía. Chúng ta phải triển khai được những Nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực văn hóa và đưa vào lĩnh vực âm nhạc.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.