You are here

Nghề phê bình âm nhạc: Tích cóp từ chuyên ngành nghiên cứu (Phần 1)

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

“Âm nhạc là một ngành khó nhất trong các ngành văn học nghệ thuật. Khó vì ngoài nghệ thuật ra, âm nhạc còn cần tới kỹ thuật nữa. Chẳng phải kỹ thuật đơn giản như làm một cái pháo thăng thiên mà cần thiết phải có một kỹ thuật tinh vi, phức tạp như chế tạo một tên lửa vượt đại châu vậy”[1].

Nếu là người ngoài ngành nhạc, hẳn bạn chưa đồng ý với nhận xét trên của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, vì vẫn không ít người tin rằng khối nghề còn khó hơn cái thứ nhạc nhẽo xướng ca vô loài.

Nếu là một nhà phê bình văn học nghệ thuật ngành nào đó không phải âm nhạc, chắc bạn cũng khó đồng tình với dân lý luận âm nhạc dám khăng khăng phê bình âm nhạc nhọc hơn nhiều so với phê bình các loại hình nghệ thuật khác.

Có một thực tế không thể phủ nhận: học sinh tốt nghiệp phổ thông được tuyển vào đại học lý luận văn học cũng như lý luận các ngành nghệ thuật, chỉ riêng lý luận âm nhạc thì không, nếu như bạn chưa hề có vốn kiến thức âm nhạc tương đương với chương trình trung cấp. Tại sao ư? Đào tạo âm nhạc cần bắt đầu từ nhỏ. Chính thức được tuyển học đàn hệ sơ cấp thường là bảy tuổi (có thể lớn hơn chút đối với kèn, gõ…). Sau bảy năm sơ cấp cộng bốn năm trung cấp (song song với chương trình văn hóa phổ thông), bạn đủ kiến thức để thi vào đại học chính quy, tiếp tục theo ngành biểu diễn nhạc cụ mà bạn đã học suốt 11 năm, hoặc bắt đầu học chuyên ngành chỉ huy, sáng tác, lý luận (cuối thập niên 70 mới bắt đầu tuyển học sinh sơ cấp vào khoa “lý - sáng - chỉ” hệ trung cấp). Tóm lại thí sinh phải được tích lũy đủ “vốn”. Thế nên có thể mượn ý câu dẫn trên của cụ Nguyễn Đình Phúc và chỉ biên tập lại chút xíu: lý luận âm nhạc chuyên nghiệp là ngành khó nhất, đào tạo lâu nhất trong lý luận các ngành văn học nghệ thuật!

Không phải tôi cố đề cao ngành của mình, một ngành lương thấp đến mức không tưởng tượng nổi. Quả thực phải mất quá nhiều thời gian để trang bị kiến thức bắt buộc cho nhà lý luận âm nhạc chuyên nghiệp nói chung và nhà phê bình âm nhạc nói riêng. Như với cá nhân tôi đây thì mọi sự chẳng mấy dễ dàng ngay từ “đầu vào”.

Năm đó chúng tôi được gửi sang Liên Xô học lý luận khi đã hoàn thành năm thứ hai đại học piano. Dù chậm trễ vậy vẫn không được phép đốt cháy giai đoạn trung cấp lý luận để nhảy bổ vào đại học, vì khoa lý luận không cho sinh viên ngoại quốc học riêng (như các khoa biểu diễn) để được hưởng những “châm chước” trong các môn lý thuyết vốn nặng lại thêm rào cản ngôn ngữ. May gặp được ông thầy giỏi đã khéo gộp chương trình bốn năm trung cấp vào một năm ngon ơ để chúng tôi không tụt hậu khi bắt buộc phải học chung với sinh viên Nga.

Còn về “đầu ra”, bằng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Gnessin của tôi cũng như đa số sinh viên cùng lớp được ghi nhận hai trong ba lĩnh vực hoạt động: nghiên cứu và giảng dạy (không có phê bình). Đủ tiêu chuẩn hành nghề phê bình chỉ có đôi ba bạn Nga đã trải qua quá trình thực tập viết báo (nhưng bằng của họ lại thiếu lĩnh vực nghiên cứu và dạy học). Đó, vì sao tôi luôn coi mình thuộc “phe” nghiên cứu âm nhạc chuyên nghiệp, chỉ tự tin với danh nghĩa nhà nhạc học (musicologist), chứ chưa bao giờ tự xưng nhà phê bình hay nhà báo.

Vậy thì cái nghiệp nghiên cứu được đào tạo bài bản đem lại lợi ích gì cho nghề phê bình? Câu trả lời hẳn sẽ thấy nếu bạn chịu khó ngó vào công việc bếp núc của một nhà nghiên cứu trong nhiều năm làm báo và viết phê bình âm nhạc, như tôi.

Để câu chuyện bớt nặng nề buồn tẻ, cứ xem như ta cùng vào vai người nội trợ. Thực ra tôi chẳng cần nhập vai nhập viếc gì, vì nấu nướng là một trong những việc tôi làm nhiều nhất trong đời.

“Bà nội trợ” xin nói đến ba khâu: 1/ chuẩn bị; 2/ chế biến; 3/ bày biện.

Chuẩn bị

So với báo chí luôn ưu tiên hàng đầu tính thời sự kịp thời, thì mảng lý luận - nghiên cứu - phê bình âm nhạc cần nhiều hơn thời gian và công sức chuẩn bị. Thu thập, tra cứu và xử lý dữ liệu không tính theo giờ để đảm bảo cập nhật tin nóng, mà có thể kéo dài vài tháng vài năm, thế nên giới nghiên cứu vẫn bị chê bôi là dân “ngâm cứu”.

Chuẩn bị có nhiều khâu: thu thập dữ liệu và tiếp xúc đối tượng, xử lý văn bản và phân tích tác phẩm… Ở đây ta tạm gói gọn trong vài bước, nói theo giọng nội trợ là đi chợ và sơ chế.

Nào cùng đi chợ. Hiểu nôm na là tôi rủ bạn kiếm thực phẩm ở bất kỳ đâu có thứ ta cần, kể cả chợ cóc lẫn siêu thị. Không bỏ qua nguồn nào, từ đời thực đến mạng ảo, từ lưu trữ cá nhân đến các thư viện lớn, miễn sao “càn quét” được các loại tài liệu liên quan - văn bản (chữ viết, bản nhạc), âm thanh (CD, MP3), hình ảnh  (DVD, video clip).

Dân nghiên cứu cũng như báo giới thôi: cứ mượn cứ xin bất kể từ người nào nguồn nào. Đáng tiếc nếu bạn không có cái thói quen mà nhiều người vẫn coi là tật xấu: lướt web! Chỉ cần có bộ lọc tốt để không quá tải, không nhiễu loạn thông tin khi tìm kiếm trên mạng. Cái đầu tỉnh táo sáng suốt của chuyên viên nghiên cứu đủ để làm điều đó. Lọc thông tin không quá khó với dân lý luận, nhưng quản lý thông tin lại thành vấn đề. Trong lúc dạo chợ kiếm cái này bạn thường tình cờ vớ được cái khác mà tới lúc nào đó cần đến lại chẳng nhớ đã đọc ở đâu để trích dẫn nguồn. Người hay lo xa như tôi luôn để tâm đến việc tích trữ lương khô và lập kho lưu trữ. Bạn cứ mở những tệp tin cho những vấn đề muôn thuở, những ghi chép tạp pí lù. Thời a-còng đem lại nhiều tiện ích để quản lý thông tin cho những kẻ năng nhặt chặt bị. Khi chuẩn bị nấu nướng nhớ lục lọi kho lưu trữ cá nhân, biết đâu bạn lại gặp may nhờ biết “thủ” sẵn vài thứ đồ khô dành cho lúc cần là có.

Cùng với văn bản chữ viết thì bản nhạc là thứ nhà nghiên cứu không thể thiếu khi viết chân dung âm nhạc và giới thiệu tác phẩm, hoặc đề cập đến những vấn đề chuyên ngành âm nhạc, đặc biệt là lĩnh vực nhạc không lời.

Tài liệu âm thanh cũng quá cần. Dù sở hữu một “tai trong” tuyệt hảo, dù có khả năng “nghe” âm thanh tưởng tượng qua tổng phổ hoặc tự kiểm định trên piano, thì bạn vẫn cần trải nghiệm qua âm thanh thực để có được cảm xúc sinh động, tươi mới và chính xác. Bạn bất ngờ rằng tác phẩm hay hơn bạn “đọc” trên tổng phổ hoặc nghe trên piano, hoặc đôi khi bạn lại thất vọng vì nó không được như bạn hình dung - cả hai trường hợp đều có ích cho bài viết của bạn.

Một nguồn quan trọng nữa là những ghi chép của bạn từ cuộc tiếp xúc với đối tượng liên quan: nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân, người đào tạo, người sưu tầm, người nghiên cứu, người biên tập, nhà sản xuất, nhà quản lý, khán thích giả… So với buổi phỏng vấn của nhà báo, cuộc trao đổi của nhà nghiên cứu với tác giả hoặc đối tượng liên quan có vẻ ít áp lực về thời gian, được phép thong thả hơn vì nội dung đa chiều và sâu xa hơn. Có đối tượng tôi gặp vài lần trong suốt quá trình viết bài, thậm chí viết xong vẫn gặp, vẫn điều chỉnh thêm bớt.

Nhà báo phỏng vấn khai thác thông tin theo hình thức một chiều hỏi - đáp. Còn người nghiên cứu đối thoại bình đẳng với đối tượng, không đơn thuần phỏng vấn mà là tay đôi trò chuyện, trao đổi, tranh luận. Vì thế bước chuẩn bị tài liệu và tìm hiểu về tác giả - tác phẩm trước khi tiếp xúc đối tượng càng phải kỹ lưỡng hơn.

Tôi có những cuộc tiếp xúc lần đầu không mấy thuận buồm xuôi gió…

Năm ấy tôi được bố dượng - nhà văn Nguyễn Đình Thi - dẫn đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Bố tôi muốn gửi gắm ông bạn đứa con sắp bước chân vào nghề “cày chữ”: “Cháu nó đang hăng hái lắm mà chưa biết phải bắt đầu thế nào”.

Ít lâu sau lần ra mắt đó, “cháu nó” hí hửng mang bài viết đầu tiên được đăng báo Nhân dân đến trình sư phụ.

- Bài của cháu bác không đọc đâu. Muốn nghe về cái gì thì hỏi, mà phải tổ chức vài đứa học thành nhóm thành lớp hẳn hoi chứ bác không có thì giờ nói cho mỗi mình cháu nghe.

Bao nhiêu háo hức trôi sạch. Tôi vô cùng bối rối. Vào nghề đơn thương độc mã, tôi kiếm đâu ra “bạn học” đây. Vừa về nước chân ướt chân ráo, ngơ ngác như con bò đội nón, nào đã kịp tìm hiểu gì về âm nhạc nước nhà nói chung và tác phẩm của cụ Khoát nói riêng. Cái gì cũng muốn hỏi, mà “hỏi cho ra hỏi” cũng chưa biết cách.

Lúc ấy nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát tuổi đã cao và không được khỏe lắm, hoàn cảnh vật chất lại chật vật như đa số văn nghệ sĩ vào những năm 80. Nếu là ông ở thời điểm đó, chắc tôi cũng chẳng phí hơi phí sức phí thời gian trò chuyện với một con nhóc không quen biết và tệ ở chỗ nó chẳng biết gì về ông và tác phẩm của ông.

Vài năm sau khi tôi đã đọc ông, nghe tác phẩm của ông, hiểu ông hơn và có nhiều điều muốn được hầu chuyện ông thì ông đã mang theo bao tâm tư chuyện nghề chuyện đời đến chốn vô cùng…

Trong cuộc họp đầu năm 2001 mở màn cho công trình Âm nhạc Việt Nam: Tác giả - tác phẩm[2], sau khi thống nhất danh sách nhạc sĩ sẽ được viết chân dung là việc phân chia danh sách đó cho năm người thực hiện. Ai viết về ai? Chị Tú Hương, rồi đến cô Nguyễn Thị Nhung và chú Vũ Tự Lân lần lượt chọn những nhạc sĩ mà họ đang có sẵn tư liệu hoặc đã từng viết bài. Ưu tiên ba cộng tác viên có thâm niên tuổi nghề được lựa chọn đối tượng, còn lại các cụ “vô thừa nhận” chia đều cho hai cán bộ Viện Âm nhạc năm đó tuổi nghề vẫn còn khá trẻ là Lê Toàn và tôi.

Khởi sự từ số 0, không chút tư liệu văn bản và tổng phổ tác phẩm làm vốn, tất cả trông chờ vào việc tiếp xúc đối tượng nghiên cứu. Khoản tiếp xúc không được tính với các nhạc sĩ đã mất. Thôi thì tìm gặp các tác giả còn sống trước đã. Tôi quyết định khởi đầu bằng chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Một lần nữa tôi lại nhờ vả bố dượng. Trưa đó hai bố con bàn tính kế hoạch bay vào Sài Gòn để cùng đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, điều mà tôi đã nhiều lần bỏ lỡ trong suốt chục năm định cư ở Sài Gòn. Người tính không bằng giời tính, ông trời lại bắt tôi lỡ thêm lần nữa… Chỉ sau đó vài giờ, tôi nhận được tin Trịnh Công Sơn vừa ra đi đúng vào thời khắc hai bố con tôi nhắc đến ông - 12h ngày 1/4 - giờ ngọ ngày nói dối!

Những tác giả đã khuất trong danh sách 12 chân dung thuộc về tôi còn có ba vị nữa (Văn Chung, Đỗ Nhuận, Nhật Lai), vậy là số nhạc sĩ thành người thiên cổ ở thời điểm đó chiếm 1/3 rồi. Khó khăn nhiều hơn khi viết về người mà mình chưa một lần trò chuyện. Tôi tự nhủ, đấy là chân dung âm nhạc đúng nghĩa, bởi tôi biết họ chỉ qua tác phẩm. Tất nhiên còn có những trang viết của họ, cộng thêm những thông tin từ những bài viết về họ. Song dữ liệu văn bản và bản nhạc có đầy đủ đến đâu thì tôi vẫn ước giá như tôi được nói chuyện trực tiếp dù chỉ một lần với đối tượng của tôi.

Tôi luôn đánh giá cao việc tiếp xúc với đối tượng để hiểu đúng hơn con người tác giả và bối cảnh sinh ra tác phẩm. Ngồi săm soi tác phẩm theo kiểu chẻ sợi tóc làm tư để cân đo đong đếm là một phần công việc, nếu phải dừng ở đó thì chỉ vì bất đắc dĩ thôi. Trường học dạy tôi kỹ năng phân tích của nhà nhạc học, trường đời dạy tôi rằng nhà nhạc học sẽ may mắn hơn nếu nghiên cứu đối tượng có kết hợp cả góc nhìn của nhà dân tộc nhạc học: không tách âm nhạc ra khỏi môi trường xã hội và chủ thể sáng tạo nó.

Trường đời! Tại sao tôi luôn chú trọng điều này? Tôi luôn bị trách móc, thậm chí bị chỉ trích là lập dị khác người vì đã nhất quyết từ chối mọi cơ hội nâng bằng cấp, mặc kệ thiên hạ lao vào cuộc chạy đua học hàm học vị và cứ âm thầm mày mò tự học những gì mình thấy cần. Từng có ý kiến thắc mắc: “Bà này có phải giáo sư tiến sĩ đâu mà lại chấm giải Lý luận của Hội Nhạc sĩ Việt Nam?”. Lại có vị tiến sĩ - phó giáo sư phản ứng kịch liệt: “Trường đời đâu? Giáo trình đâu?”. Không ai nhìn thấy một trường đời cụ thể và bất cứ giáo trình nào cụ thể, bởi trường đời vô hình và mênh mông trong không gian cũng như thời gian. “Không thấy” không đồng nghĩa với “không có”. Và không thể phủ nhận những giá trị “phi vật thể” đó. Chính vì trường đời là vô cùng và giáo trình thì vô tận, nên học ở đó dễ mà không dễ. Một trong vô vàn khó - dễ mà tôi đã phải học dần dần là cách làm việc với tác giả.

Tôi nhớ như in buổi gặp gỡ đầu tiên với nhạc sĩ Doãn Nho. Vừa tự giới thiệu là người được giao viết về ông, tôi liền được tiếp đón bằng cả loạt lời chê trách gay gắt về sự yếu kém của ngành lý luận và tinh thần làm việc của dân lý luận, nhất là các cháu tuổi như… cháu (tức là tôi): làm ăn thế là không được, phải thế này chứ, phải thế kia chứ...

Những năm sau đó tôi có nhiều buổi chuyện trò với nhạc sĩ Doãn Nho về tác phẩm của ông, nhiều lần gặp gỡ ông trong các cuộc họp và hội nghị hội thảo. Ông hiểu tôi hơn qua những cuốn sách và chuyên luận của tôi. Rồi từ lúc nào không biết, mối quan hệ bắt đầu từ căng thẳng đã chuyển sang tinh thần hợp tác vô điều kiện. Cũng từ lúc nào không nhớ, hai chú cháu đã chuyển sang xưng hô “bố - con”. Ông bố luôn tin cậy và gọi điện cho con trước tiên mỗi khi có điều gì đó liên quan đến âm nhạc khiến ông băn khoăn. Tôi thực sự cảm động mỗi khi nghe qua điện thoại câu mào đầu thay lời chào: “Bố Nho có chuyện này muốn hỏi ý kiến Minh Châu”.

Lần đầu gặp nhà soạn nhạc Lân Tuất cũng không ổn lắm:

- Nhiều nhà lý luận phê bình Nga đã viết về Tổ quốc tôi rồi, toàn cỡ giáo sư tiến sĩ khoa học, cô làm sao vượt qua được họ!

Bản tính nhút nhát chỉ trực lôi tôi mau lẹ rút lui, nhưng tôi đã đánh liều thưa rằng tôi không định cố vượt qua ai cả. Dù cả tỉ giáo sư tiến sĩ Nga phân tích tác phẩm đó rồi thì tôi vẫn có thể là người thứ một tỉ linh một viết từ một góc nhìn khác, cảm nhận khác - khác ở chỗ tôi không phải người Nga và không phải giáo sư tiến sĩ như họ.

Bài viết Tổ quốc tôi của người xa Tổ quốc được in khi vẫn đang khúc mắc việc cấp phép biểu diễn tác phẩm của nhạc sĩ Lân Tuất. Hai năm sau đó giao hưởng Tổ quốc tôi của Lân Tuất mới được công diễn lần đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhạc sĩ trìu mến nói: “Cũng nhờ tác động từ bài viết của em đấy. Anh đã cho dịch bài viết của em đưa vào cuốn sách xuất bản tại Nga gồm những bài phân tích tác phẩm của anh rồi!”. Không còn vẻ lạnh lùng xa cách nữa. Mỗi lần về nước ông đều hẹn gặp trò chuyện về nhạc về đời. Rồi ông ngỏ ý muốn tôi viết cuốn sách về quá trình hoạt động nghệ thuật của ông trên đất khách quê người. Quả là bước tiến dài từ đề xuất viết một bài báo lại được gợi ý thực hiện một quyển sách. Tiếc là thời gian và điều kiện đã không ủng hộ tôi nhận viết công trình nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga gốc Việt Nguyễn Lân Tuất.

Những năm 2000 là thời gian tôi đã làm việc với nhiều tác giả nhất do phải chịu trách nhiệm một số đầu việc ở Viện Âm nhạc. Trước hết phải kể đễn việc thu thập tổng phổ khí nhạc để xuất bản bộ sách Những tác phẩm giao hưởng Việt Nam[3].

Đối với nhạc sĩ sáng tác khí nhạc, tổng phổ gốc chép tay cực kỳ quý giá, họ không muốn trao vào tay ai đứa con rứt ruột đẻ ra, dù đó là tác phẩm chưa hề được dàn dựng. Có vài nhạc sĩ từ chối thẳng thừng nếu nộp cho một cơ quan nhà nước cha chung không ai khóc, thì dứt khoát “không là không!”, nhưng sau một hồi trò chuyện tâm sự lại sẵn lòng tặng cho cá nhân tôi một bản sao hoặc cho mượn bản gốc để photocopy.

Khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam giao tôi toàn bộ tổng phổ chép tay của một đời làm nhạc, toàn bộ băng nhạc thu tác phẩm của ông từ thế kỷ trước, ông nói ông tin tôi, nhưng vẫn bần thần theo tôi ra cửa:

- Tất cả gia tài của anh đang trong tay em đó.

Ánh mắt thất thần như chị Dậu bán con cứ dán chặt vào mấy bịch tổng phổ làm tôi cũng hoảng lây. Quả thật tôi quá liều khi tha hết những đứa con tinh thần ra khỏi vòng tay khổ chủ và chỉ nhẹ người khi hoàn trả tất cả bản gốc cho ông, cộng thêm món quà đáng giá từ Viện Âm nhạc: toàn bộ đống cassette và cả băng cối mốc meo thu dàn nhạc Léningrad (nay là Saint Peterburg) chơi giao hưởng số 3 của Nguyễn Văn Nam từ thập niên 70 đã được Viện Âm nhạc khôi phục, xử lý và chuyển sang CD để vừa bổ sung vào Ngân hàng dữ liệu của Viện vừa tặng lại tác giả.

Không phải bỗng dưng cứ lấy danh nghĩa cá nhân, lời hứa cá nhân ra làm bằng là được việc. Chắc tôi không thể có được lòng tin như thế nếu như không học cách tiếp cận với từng tác giả.

Tôi học được nhiều điều kể cả khi bị từ chối một cách nóng nảy hoặc lạnh lùng. Các tác giả không tin tưởng cũng phải thôi, thậm chí bạn còn có thể bị mắng mỏ vì họ đâu biết bạn là ai. Nhưng vẻ lạnh nhạt có thể qua đi mau chóng nếu bạn cho họ thấy rằng bạn đã tìm hiểu và thực sự quan tâm đến đứa con tinh thần của họ. Họ giống như người mẹ rất dễ mềm lòng khi thấy ai đó chú ý và ưu ái con mình.

Xây dựng một mối quan hệ tin tưởng có thể chỉ qua một vài câu trao đổi về tác phẩm hoặc sau một bài viết, nhưng có khi lại kéo dài qua năm tháng, phải vài năm sau họ mới thay đổi thái độ với bạn.

Nhiều nhà bình luận hay tận dụng cơ hội đi theo người “trung gian”, tôi cũng muốn bắt chước lắm, vì ngồi chầu rìa hóng chuyện biết đâu cũng vớ được gì đó hay ho. Song sau lần thử “núp bóng” bố dượng chẳng thành, thú thật tôi rất ít thời gian rảnh rang để sử dụng chiêu “chầu rìa”, lại không có khả năng nhậu lai rai, mà theo lời nhiều nhạc sĩ tửu lượng đáng nể thì “nhậu mới ra vấn đề”.

Bù lại tôi lại có những cơ hội khác.

Một trong những cơ hội ấy là việc chuẩn bị nội dung cho từng chương trình sinh hoạt của câu lạc bộ Tác giả - tác phẩm ở Viện Âm nhạc vào thập niên đầu thế kỷ XXI. Tôi đã có không ít buổi làm việc riêng với những nhân vật tên tuổi của làng nhạc, từ lớp cao niên như bậc trưởng lão Phan Huỳnh Điểu đến lứa măng non như tín đồ nhạc thể nghiệm Vũ Nhật Tân.

Với tôi, khi chuẩn bị đề cương cho buổi nói chuyện chính thức của các tác giả tại Viện Âm nhạc, cũng như một số cuộc trò chuyện tay đôi trước khi viết chân dung, là lúc các nhạc sĩ tự nhiên nhất, và tôi may mắn bắt gặp những khoảnh khắc họ giống họ nhất.

Có rất nhiều điều mới mẻ thú vị trong cuộc đối thoại với các nhân vật định cư ở nước ngoài: các nhạc sĩ Phạm Duy, Lân Tuất, Nguyễn Thiên Đạo, và đặc biệt là giáo sư Trần Văn Khê. Đầy ắp tính học thuật là những cuộc trao đổi về ngôn ngữ khí nhạc với các nhà soạn nhạc Vĩnh Cát, Doãn Nho, Nguyễn Văn Nam.

Luôn hóm hỉnh, nhẹ nhàng là cách trò chuyện của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Nếu làng nhạc có cuộc bình chọn “người nói chuyện duyên nhất” chắc chắn tôi bỏ phiếu cho cụ ông không tuổi họ Phan. Cũng rất dí dỏm là giọng văn của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Tôi sẵn lòng bầu chọn “nhạc sĩ Chim kêu” của rừng Trường Sơn cho hạng mục “người viết hồi ký duyên nhất”. Một diễn giả rất chân tình, không kiểu cách là nhạc sĩ Huy Du. Chất giọng như ám khói thuốc lào của ông cuốn hút tôi vào những dòng tâm tư, những trang hồi ký, những bài hát từ xa xưa đến mới toanh…

Nhiều lúc cứ tiếc ngày ấy nghèo quá chẳng sắm nổi cái máy quay ghi lại những khúc tự sự tâm tình, những phút giây hào hứng xuất thần của các nhạc sĩ. Song lại tự an ủi nếu ghi hình thu âm chắc gì tôi đã được chứng kiến những khoảnh khắc tự nhiên cởi mở như thế.

Câu lạc bộ Tác giả - tác phẩm chỉ tồn tại được vài năm rồi đứt và không nối lại được. Trong dự kiến khách mời của tôi còn có nhạc sĩ Hoàng Vân, NGND Thái Thị Liên… Nhìn lại danh sách đó mà lòng tiếc vô hạn, người đã ra đi, người vượt quá ngưỡng trăm tuổi không thể diễn thuyết.

Những buổi sinh hoạt chuyên môn đó quả là trường học bổ ích cho những ai mong muốn hoặc bắt buộc hành nghề phê bình âm nhạc. Tiếc là rất ít người đến dự và biết tận dụng những gì có thể. Vấn đề ở đây không đơn thuần đáp ứng mục đích săn tin về cuộc đời tác giả và tác phẩm của họ, mà còn có ý nghĩa lâu dài hơn, đấy là học hỏi và thực hành kinh nghiệm tiếp cận đối tượng nghiên cứu.

Tiếp cận đối tượng là chuyện đời, là vốn sống chứ không thể đưa ra từng bước cho các bạn trẻ rập khuôn và áp dụng với bất kỳ tác giả nào. Bởi thế thay vì đưa ra những thao tác khô cứng, tôi chỉ nhắc đến những mẩu ký ức mà đời để lại cho tôi, góp dần vốn sống cho tôi trong quá trình “hành đạo”. Đời cũng dành cho bạn nhiều cơ hội không kém và để bạn tự xoay xở trong việc biến cơ hội thành vốn liếng làm nghề cho riêng mình. Đạo rút ra từ đời, mà cây đời xanh tươi, sống động và muôn màu muôn vẻ lại luôn đem đến những cảm nhận khác nhau cho những người “hành đạo”.

(Còn nữa)

Lược trích bản thảo sách chưa xuất bản Phê bình âm nhạc - đạo và đời (2011-2022).


[1] Nguyễn Đình Phúc: Ước mơ về những ngày hội nhạc không lời. Tạp chí Âm nhạc, số 1, 1995.

[2] Âm nhạc Việt Nam: Tác giả - tác phẩm là công trình cấp Bộ của Viện Âm nhạc bắt đầu thực hiện năm 2001, xuất bản 5 tập riêng của năm nhà nghiên cứu trong các năm 2006-2010, tái bản tổng tập năm 2011.

[3] Những tác phẩm giao hưởng Việt Nam do Viện Âm nhạc xuất bản tập 1 từ 2005 và dự án in dần các tập sau còn tiếp tục trong nhiều năm.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.