You are here

“Nhật ký trên khóa Sol” – dấu ấn âm nhạc của nhạc sĩ Lân Cường

Tác giả: 
Thanh Nhã

Tối 8 tháng 10 năm 2022, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội, đã diễn ra Chương trình nghệ thuật “Nhật ký trên khóa Sol” của PGS.TS, nhạc sĩ Lân Cường – Trưởng Ban Kiểm tra Hội Âm nhạc Hà Nội, đánh dấu cột mốc nhạc sĩ 81 tuổi.

Đến dự chương trình có: ông Trịnh Đình Dũng – nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội; ông Trần Chiến Thắng – nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam; NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; TS, nhạc sĩ lão thành Doãn Nho; NSND Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; nghệ sĩ Hải Linh – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Hội Âm nhạc Hà Nội, cùng đông đảo khán thính giả Thủ đô…

Phát biểu khai mạc, NSND Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, nhận xét:

“Trong đời sống thường ngày, mỗi chúng ta đều đã từng trải qua những khoảnh khắc vui buồn, ồn ào hoặc tĩnh lặng. Trong đời sống xã hội ngày hôm nay giữa những chuyển động náo nhiệt gấp gáp vội vàng, tất cả những khoảnh khắc ấy cứ lặng lẽ xuất hiện, rồi lại lặng lẽ ẩn mình trong mỗi con người như một lẽ hết sức thường tình của muôn vàn sự va chạm, giao thoa trong vòng quay nhật nguyệt của cuộc sống. Nhưng với tâm hồn nghệ sĩ thì mỗi khoảnh khắc đó lại đem đến cho họ những cung bậc cảm xúc khác nhau và khi những cảm xúc đó được nâng niu hòa quyện trong tâm hồn nghệ sĩ dâng trào sẽ tạo ra những sản phẩm tinh thần hết sức có giá trị.

Tâm hồn nghệ sĩ, nó không chỉ có ở những người làm công tác nghệ thuật chuyên nghiệp mà nó có thể ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào và bất cứ ai trong chúng ta đều có thể cảm nhận nâng niu, thụ hưởng, lao động và nó cũng có thể kết nối cảm xúc thăng hoa để tạo ra những sản phẩm là những kiệt tác nghệ thuật.

Hôm nay, tất cả chúng ta cùng ở đây để chờ đợi chứng kiến và cùng trải nghiệm những cảm xúc được ghi lại trong “Nhật ký trên khóa Sol” - không gian âm nhạc của PGS.TS khảo cổ học, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, chìm đắm và trân trọng những cảm xúc trên khóa Sol của nhạc sĩ Lân Cường…”.

Tổng đạo diễn chương trình: nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn; chỉ đạo nghệ thuật: NSND Quang Vinh; kịch bản: nhạc sĩ Lân Cường; đạo diễn sân khấu: nhạc sĩ An Hiếu; chỉ huy đêm diễn: nhạc sĩ Bá Môn; biểu diễn: NSND Phạm Ngọc Khôi; PGS.TS.NSƯT Minh Cầm; NSND Phan Muôn; NSƯT Tố Uyên; NSƯT Quang Mạo, NSƯT Đăng Dương; cùng các nghệ sĩ: Trọng Tấn, Đào Tố Loan, Phúc Tiệp, Lê Anh Dũng, Ngọc Khuê, Trường Linh... với sự tham gia của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam; Dàn hợp xướng Hanoi Harmoni của Hội Âm nhạc Hà Nội, Trường Mầm non Tràng An và học sinh Trường tiểu học Vũ Xuân Thiều, tốp múa học sinh Trường Liên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở Sputnik…

Chương trình nghệ thuật được chia làm 2 phần:

Phần I: Tổ quốc tôi:

“Book Hồ sống mãi với lũ làng” sáng tác năm 1969, biểu diễn: Hợp xướng Hanoi Harmony, chỉ huy PGS.TS, nhạc sĩ Lân Cường, lĩnh xướng Rơ Đăm Bích Ngọc, Phượng Anh

“Tiếng hát Bản Mường” (1959), biểu diễn: Tốp nữ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

“Cảm xúc Hoàng Thành” (2012) - Giải thưởng Hội Âm nhạc Hà Nội, biểu diễn: NSƯT Đăng Dương, piano: NSND Phạm Ngọc Khôi

“Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa” (2014) - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, biểu diễn: Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều, chỉ huy: NSƯT Minh Cầm

“Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi” (2012) - Giải thường Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia về An toàn giao thông, biểu diễn: bé Trần Vi Khanh và tốp phụ họa Trường mầm non Tràng An

“Về đi em” (2000) - Giải thưởng Hội Âm nhạc Hà Nội và Sở Tư pháp Hà Nội, biểu diễn: ca sĩ Trọng Tấn

“Con búp bê của em” (1992) - Giải thưởng UNISEF và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, biểu diễn: bé Vũ Phương Thảo và tốp phụ họa Trường mầm non Tràng An

“Có chúng tôi chiến sĩ Hải Quân” (2015) - Giải thưởng của Bộ Tư lệnh Hải quân, biểu diễn: Tốp nam Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam

“Vị tướng của lòng dân” (2013), biểu diễn: ca sĩ Phúc Tiệp

Phần 2: Trên những nẻo đường tôi qua:

“Việt Nam – Campuchia đoàn kết – Sammaki (2019), biểu diễn: Tốp nam, nữ Hanoi Harmony

“Con thích làm nghề gì?” (1983) - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, biểu diễn: cháu Trần Phương Anh, Trường THCS Nguyễn Trãi và tốp múa học sinh Trường Liên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở Sputnik

“Viva Cuba! Viva Việt Nam!” (1973), biểu diễn: NSND Phan Muôn và NSƯT Tố Uyên

“Sau lời tuyên thệ” (2022), phỏng thơ Lê Cảnh Nhạc, biểu diễn: Hợp xướng Hanoi Harmony, chỉ huy: NSƯT Minh Cầm, lĩnh xướng: Trọng Thành - Trường Linh - Lê Đức Hiệp

“Có lẽ nào lại thế?”, phỏng thơ Đoàn Thị Lam Luyến, biểu diễn: ca sĩ Đào Tố Loan, piano: NSND Phạm Ngọc Khôi

“Trên đỉnh cao vinh quang” (2017), biểu diễn: Tốp nam, nữ Hanoi Harmony

“Gửi về mẹ yêu”, phỏng thơ Hoàng Vân Yến, biểu diễn: ca sĩ Trường Linh, piano: NSND Phạm Ngọc Khôi

“Bài ca về những người lính đảo” (2015), phỏng thơ Nguyễn Việt Chiến, biểu diễn: ca sĩ Ngọc Khuê

“Có cả nước bên con” (2022) - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Sở Văn hóa thể thao TP Hồ Chí Minh, biểu diễn: Hợp xướng Hanoi Harmony, chỉ huy: nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng, lĩnh xướng: Ngọc Lan - Lê Đức Hiệp

“Giọt mưa” (2016) - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phỏng thơ Trần Huỳnh, biểu diễn: ca sĩ Lê Anh Dũng, piano: NSND Phạm Ngọc Khôi

“Bài ca địa chất” (1965) - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, biểu diễn: Hợp xướng Hanoi Harmony, chỉ huy: nhạc sĩ Lân Cường, lĩnh xướng: NSƯT Quang Mạo

PGS.TS Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, trong một gia đình có truyền thống hiếu học và làm khoa học. Ông là một trong tám người con của GS.NGND Nguyễn Lân. Chính sự chuẩn mực, uyên bác của người cha đáng kính Nguyễn Lân luôn là tấm gương sáng cho các con học tập. Thành công trong công việc của một nhà khảo cổ học là vậy, tuy nhiên từ trong thẳm sâu trái tim mình, PGS.TS Nguyễn Lân Cường là một người có tâm hồn bay bổng, ông đam mê âm nhạc, yêu thích công việc sáng tác, do vậy ông vẫn thường tâm sự với mọi người: Chính những chuyến đi dài nghiên cứu tưởng chừng như ấy đã chắp cánh cho tâm hồn nghệ sĩ trong ông.

Hơn 50 năm qua, nhà cổ nhân học Nguyễn Lân Cường đã tham gia không biết bao nhiêu cuộc khai quật cổ học trên mọi miền Tổ quốc để nghiên cứu những bộ xương người cổ. Chính vì vậy mà hôm nay tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã quyết định trao cho PGS.TS Nguyễn Lân Cường Kỷ lục “Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người Việt cổ Việt Nam”, với 1093 cá thể.

Ông Hoàng Thái Tuấn Anh – Trưởng đại diện miền Bắc Kỷ lục Việt Nam đọc Quyết định trao Kỷ lục gia cho PGS.TS Nguyễn Lân Cường

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường nhận Bằng chứng nhận Kỷ lục “Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người Việt cổ Việt Nam”

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng quyết định trao cho gia đình cụ Nguyễn Lân Bằng tôn vinh giá trị kỷ lục Việt Nam “Gia đình đầu tiên có 8 anh chị em ruột đều là giảng viên Đại học ở các bộ môn đóng góp nhiều giá trị nội dung đặc biệt cho nền giáo dục Việt Nam”

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.