You are here

Ravel: Tứ tấu đàn dây giọng Pha trưởng

Tác giả: 
Ngọc Tú (tổng hợp)

Tác giả: Maurice Ravel.
Tác phẩm: Tứ tấu đàn dây giọng Pha trưởng
Thời gian sáng tác: Tháng 4/1903.
Công diễn lần đầu: Heymann Quartet chơi tại Paris ngày 5/3/1904.
Độ dài: Khoảng 30 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng cho thầy giáo của Ravel, nhà soạn nhạc Gabriel Fauré.
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Allegro moderato – Très doux
Chương II – Assez vif – Très rythmé
Chương III – Très lent
Chương IV – Vif et Agité

Igor Stravinsky có câu nói nổi tiếng: “Những nhà soạn nhạc tốt thì mượn… những nhà soạn nhạc giỏi thì ăn cắp”. Có thể câu nói này áp dụng được với trường hợp của người bạn và đồng nghiệp của Stravinsky, Maurice Ravel. Bản tứ tấu đàn dây được Ravel sáng tác vào năm 1903 chịu ảnh hưởng to lớn và không thể chối cãi từ bản tứ tấu đàn dây được sáng tác 8 năm trước đó của Debussy, từ những chi tiết bề mặt cho đến những tầng lớp ý nghĩa sâu hơn. Cho đến thời điểm đó, Ravel mặc dù đã có được một số sáng tác đáng kể (Jeux d’eau, Pavane pour une infante défunte…) nhưng chưa có một tác phẩm nào thể hiện hết được thế giới quan của ông. Tứ tấu đàn dây của Debussy như một món quà quý báu, từ đó Ravel có thể thể hiện được những khát vọng và ý tưởng của mình. Nếu như không có tác phẩm của Debussy, tứ tấu đàn dây của Ravel có thể đã rất khác.

Đây hoàn toàn không phải là sự bắc chước lố bịch. Trên thực tế, nếu đặt hai tứ tấu cạnh nhau, sự thích thú mà người nghe cảm nhận chắc chắn đến từ khác biệt sâu sắc chứ không phải sự tương đồng. Cả hai tứ tấu đều được sáng tác theo hình thức truyền thống, chương đầu tiên ở dạng sonata, sử dụng những chủ đề chính xuyên suốt toàn bộ tác phẩm; chương scherzo mang âm hưởng từ bán đảo Iberia với những tiếng gảy bập bùng giống với guitar hay chương chậm mờ tối, chơi tắt tiếng. Nhưng ý đồ sử dụng lặp lại chủ đề của từng nhà soạn nhạc là rất khác nhau. Debussy sử dụng một chủ đề duy nhất trên cả 4 chương nhạc. Theo nghĩa này, ông bị cuốn hút bằng sự biến đổi liên tục, một sự tiến hoá duy nhất nhưng với cảm giác luôn thay đổi. Ravel sử dụng nhiều chủ đề hơn, hai chủ đề chính trong chương I và một trong chương II. Các chủ đề lặp lại với ít biến tấu hơn, giữ được tính nguyên bản, hoạt động giống như các chủ đề trong một bản sonata duy nhất, cung cấp cho tứ tấu một cảm giác mạnh mẽ về trật tự của sự cân bằng. Nói cách khác, ta thấy xu hướng tân cổ điển trong tứ tấu của Ravel, còn đối với Debussy thì đó là sự tự do theo chủ nghĩa Ấn tượng. Với Ravel, âm nhạc thanh lịch, rực rỡ, hài hoà, tác phẩm không phải sự từ chối truyền thống trong quá khứ, mà ngược lại tôn vinh tích cực nó, với một thứ ngôn ngữ mới lạ của riêng ông.

Chương I Très doux (rất ngọt ngào) theo hình thức sonata là một minh chứng điển hình. Chủ đề “tuyên ngôn” của tác phẩm, bắt đầu ngay đơn giản và nhẹ nhàng, tăng lên 4 ô nhịp và giảm đi 4 ô nhịp nữa; câu trả lời cho chủ đề này, một chủ đề tương phản, tương tự cũng chiếm 8 ô nhịp, một chủ đề trữ tình theo thông lệ. Các chất liệu âm nhạc biến đổi hối hả, phấn khích. Phần phát triển tiếp tục khai thác các giai điệu du dương này, dẫn đến một cao trào. Chủ đề trữ tình trở lại trong phần tái hiện, dẫn đến một coda rực rỡ như mặt trời trước khi lặn xuống, giảm dần qua từng hợp âm. Một sự kết hợp tuyệt vời giữa cấu trúc rõ ràng của chương nhạc với ngôn ngữ hài hoà gợi cảm trong âm nhạc của Ravel; thêm vào đó là khả năng phối khí tài tình của nhà soạn nhạc, âm nhạc sống động và đầy màu sắc.

Chương II Assez vif (khá sinh động), Ravel đã dựa dẫm lớn vào nguồn gốc của gia đình. Mẹ ông là một người xứ Basque và lớn lên ở Madrid, nên âm hưởng âm nhạc Tây Ban Nha trong chương nhạc qua những tiếng gảy, búng dây cũng như nhịp điệu sống động, tự hào là điều dễ hiểu. Trong khi đó, cha ông là một nhà phát minh, một thợ cơ khí lành nghề với hình ảnh cũng hiện rõ qua sự chính xác và tính phức tạp của chương nhạc, đầy những bánh răng đa nhịp điệu dù di chuyển ở những tốc độ khác nhau nhưng vẫn hoàn toàn ăn khớp. Chủ đề “tuyên ngôn” được che khuất, với cao độ nằm trên giai điệu chính nhưng không dễ để nhận ra. Phần giữa đăm chiêu xen lẫn với một giai điệu thê lương trên âm vực cao của cello. Bầu không khí chìm vào một giấc mơ phiêu bồng, nơi mà các motif và nhịp điệu của phần trước đó xuất hiện trở lại, đôi khi hăm doạ, đôi khi phù du, kết hợp và xoay vòng trong một bầu không khí mờ mịt. Tuy nhiên, cuối cùng chúng được gọi lại trong một thế giới sống động, tỉnh táo của phần chính. Ravel một lần nữa khẳng định sự trung thành của mình với cách sử dụng âm nhạc đầy màu sắc lung linh, biến ảo.

Chương III Très lent (rất chậm) mở đầu với chủ đề “tuyên ngôn” từ chương I, lần này dưới dạng recitative đầy tâm trạng: đầu tiên là viola, sau đó là cello và tiếp tục là violin 1, mỗi lần đều có sự thay đổi. Câu hỏi đã được nêu 3 lần, theo 3 cách khác nhau, nhưng câu trả lời đến lúc đó đã bị hoãn lại. Thay vào đó, khung cảnh tan biến vào một aria dành cho viola, than vãn và cô đơn, được đệm trong một kết cấu rõ ràng và đơn giản nhất. Theo thời gian, chủ đề “tuyên ngôn” phản ứng lại thầm lặng từ đâu đó xa xăm – lơ lửng, xinh đẹp nhưng xa khuất. Cello xuất hiện đầy đe doạ, khơi dậy sự sợ hãi trong đêm tối. Cuối cùng giai điệu bài hát của viola lại vang lên, như ánh đèn dẫn dắt trong đêm tối. Gần cuối, phần recitative đầy tâm trạng cũng được tái hiện, ở dạng biến tấu và lần này chủ đề “phương châm” đã cung cấp câu trả lời: 3 lần, sáng chói và dần xa khuất tầm mắt.

Chương IV Vif et Agité (sôi nổi và kích động) giống như chương I, được viết theo hình thức sonata, cân đối và trang nhã nhưng chứa đựng nhiều năng lượng và sự bùng nổ hơn. Quay cuồng và mạnh mẽ, sự năng động của chương nhạc không đến từ nhịp 5/8 không ổn định mà từ thủ pháp thông minh khi bắt đầu bằng một giọng khác chủ âm – một kỹ thuật mà Beethoven, Mendelssohn và Schumann đã sử dụng. Chủ đề “tuyên ngôn” xuất hiện như một nhân vật chuyển tiếp, hướng dẫn chúng ta du lịch từ nơi này tới nơi khác. Chủ đề hai trữ tình ở chương I cũng có mặt, nhưng với một tinh thần vui tươi, nhẹ nhàng hơn. Chương nhạc đầy màu sắc, khi phấn khởi, khi gầm gừ, khi thanh lịch. Chủ đề “tuyên ngôn” có ở khắp mọi nơi, một coda khép lại tác phẩm với một bầu không khí vô cùng phấn khích.

Khi xuất hiện bản tứ tấu đàn dây của Ravel ngay lập tức đã được đón nhận, bất chấp việc Gabriel Fauré, thầy giáo và là người được Ravel đề tặng tác phẩm này lại tỏ ra thờ ơ. Tờ Mercure de France đã nhận xét: “Tác phẩm đặc biệt đáng chú ý bởi sự mơ hồ của ý nghĩa, không mạch lạc và sự lập dị trong hoà âm kỳ lạ”. Ngày nay, bản tứ tấu đàn dây được coi là một trong những kiệt tác đầu tiên của Ravel và là một trong những tác phẩm thính phòng được biểu diễn nhiều nhất và là bệ phóng để Ravel vươn tới những thành tựu lớn hơn trong tương lai.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.