You are here

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam - 20 mùa xuân rực rỡ

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 7 tháng 10 năm 2022, tại Phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Trung tâm với chủ đề “VCPMC – 20 mùa xuân rực rỡ”.

Tới dự chương trình có: đồng chí Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá giáo dục của Quốc hội; ông Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Bejamin Ng (Hong Kong) – Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh Quốc tế các Hiệp hội tác giả - nhạc sĩ (CISAC), cùng đại biểu đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có ký thỏa thuận, hợp tác song phương (CMOs), đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đại diện các cơ quan quản lý văn hóa Trung ương, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các nhạc sĩ, nghệ sĩ; các đối tác trong nước và quốc, các cơ quan thông tấn, báo chí, các tác giả, nhạc sĩ, chủ sở hữu tác phẩn thành viên VCPMC.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam trân có: nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội, các nhạc sĩ trong Ban thường vụ, Ban Chấp hành, Ban kiểm tra của Hội.

Phát biểu chào mừng, đồng chí Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ghi nhận những thành tựu của VCPMC trong 20 năm qua, trong đó nổi bật như: phát triển hội viên; cấp phép, thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong các lĩnh vực, phân chia, chi trả cho hội viên ủy thác quyền cho Trung tâm; xây dựng, vận hành trang web riêng, phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu tác giả, chủ sở hữu đối với tác phẩm âm nhạc của hội viên; hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; triển khai hợp tác với tổ chức quốc tế và các quốc gia; ký kết chương trình phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan đàm phán cấp phép sử dụng, thu và phân chia tiền bản quyền khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định pháp luật…

Hoạt động phối hợp giữa Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng chặt chẽ trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý tập thể quyền tác giả; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng về quyền tác giả và vai trò của các tổ chức đại diện tập thể trong thực thi pháp luật và hội nhập quốc tế…

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phát biểu: Chúc VCPMC vững bước trên đường dài, hướng tới tương lai với trái tim nhiệt thành và nhân ái. Mục đích cống hiến cao thượng - tất cả vì con người, vì sự hỗ trợ phát triển sáng tạo và thực thi công bằng xã hội. Chúc các bạn lớn mạnh, phát triển không ngừng, đạt nhiều thành tích hơn nữa, đi tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền tác giả, xứng đáng với niềm tin yêu của văn nghệ sĩ và công chúng, bạn bè quốc tế.

20 năm qua, VCPMC đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy. Một Trung tâm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, nhà thơ - đồng tác giả của các tác phẩm âm nhạc. Trung tâm có sức hút và lan tỏa ngày càng sâu rộng không chỉ trong phạm vi cả nước mà còn là điểm sáng với các tác giả, tổ chức bản quyền của CISAC và thế giới.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, thay mặt Đảng đoàn Liên hiệp, tặng Bức trướng và Bằng khen cho VCPMC, đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật nước nhà

Tặng Bằng khen của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho các cá nhân là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà - gồm:

1. Cố Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Nguyên Giám đốc VCPMC. 

2. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC.   

3. Ông Hoàng Văn Bình - Phó Tổng Giám đốc VCPMC.

4. Bà Nguyễn Thị Lựu - Quyền Giám đốc Điều hành Khu vực phía Bắc.

5. Ông Phạm Ngọc Vinh - Kế toán trưởng VCPMC.       

6. Bà Đào Thị Hồng Hoa - Kế toán trưởng Chi nhánh phía Nam.       

Nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phát biểu:

Từ ngày đầu thành lập vô cùng khó khăn, đến nay, VCPMC là Tổ chức đại diện Quyền tác giả âm nhạc với hơn 5300 tác giả thành viên trong nước và trên 4 triệu tác giả nước ngoài. Số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc mà VCPMC thu được tăng dần qua các năm và tăng vượt bậc ở những năm gần đây.

Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam đánh giá cao Trung tâm trong mọi hoạt động, đặc biệt là sự minh bạch và khoa học - Đó chính là nội lực quan trọng đưa vị thế của VCPMC lên tầm các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam mong muốn và kỳ vọng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, phối kết hợp với các cơ quan chức năng, đưa ra những cảnh báo vi phạm nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như hạn chế tối đa xâm phạm quyền tác giả âm nhạc, nhất là trên môi trường số hiện nay. Bởi, các quốc gia đều thừa nhận rằng, lĩnh vực sở hữu trí tuệ là sản phẩm, đồng thời là một trong các công cụ đắc lực, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hoá một cách bền vững.

 Hội Nhạc sĩ Việt Nam tin tưởng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với 20 năm xây dựng và trưởng thành sẽ tự tin vững bước trước những đòi hỏi, thách thức của thời đại kỷ nguyên số để hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đóng góp tích cực cho nền âm nhạc Việt Nam mới ngày một phát triển hơn.

Chúc mừng 20 năm thành lập VCPMC - 20 mùa xuân rực rỡ, nhạc sĩ Đức Trịnh, thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tặng lẵng hoa tươi thắm cùng bức Trướng với dòng chữ: Trách nhiệm - Tận tình - Hội Nhập - Sáng tạo!

Nhân dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã quyết định tặng Bằng khen cho tập thể và các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác bản quyền âm nhạc.

Tập thể: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam.

Cá nhân:

1. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC.

2. Ông Hoàng Văn Bình - Phó Tổng Giám đốc VCPMC.

3. Bà Nguyễn Thị Lựu – Quyền Giám đốc Khu vực phía Bắc VCPMC.

4. Ông Phạm Ngọc Vinh - Kế toán trưởng VCPMC.

5. Bà Đào Thị Hồng Hoa - Kế toán trưởng Chi nhánh phía Nam VCPMC.

6. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Trưởng bộ phận pháp chế chi nhánh phía Nam VCPMC.

7. Ông Phan Phương - Phòng Hành chính VCPMC.

- Tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam” cho tập thể và cá nhân, vì đã có công đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền Âm nhạc Việt Nam “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”:

Tập thể: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam.

Cá nhân:

1. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC

2. Ông Đinh Quang Khiêm – Giám đốc BIDV Chi nhánh Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

- Tặng Kỷ niệm chương cho 14 cá nhân quốc tế:

1. Ông Benjamin NG (Hồng Kông) – Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương, Đại diện khu vực của CISAC.

2. Ông Ang Kwee Tiang (Hồng Kông) – Nguyên Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của CISAC.

3. Ông Satoshi Watanabe (Nhật Bản) – Chủ tịch Ủy ban Châu Á Thái Bình Dương của CISAC, Quản trị viên cấp cao Phòng Quan hệ Doanh nghiệp của Jasrac.  

4. Giseob You (Hàn Quốc) - Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Á Thái Bình Dương của CISAC, Tổng quản lý của Komca.

5. Thursday Alisco (Philippines) – Tổng Giám đốc FILSCAP. 

6. Bà Mijuki Kimura (Nhật Bản) - Điều phối viên cấp cao - Phòng Quan hệ Quốc tế của Jasrac.    

7. Ông Raymond Tan (Singapore) - Quản lý Cấp cao - Tài chính và Công nghệ thông tin của COMPASS.

8. Ông Ferialdi Meidi (Indonesia) - Tổng Giám đốc của WAMI.

9. Bà Camile Miserale (Singapore) – Trưởng Bộ phận phát triển kinh doanh Âm nhạc khu vực châu Á Thái Bình Dương – Công ty Meta (Facebook).

10. Ông Jason Foulkes (Singapore) – Trưởng phòng phát triển kinh doanh Âm nhạc khu vực châu Á Thái Bình Dương – Công ty Meta (Facebook).

11. Ông Sam Wang (Singapore) – Phụ trách đối tác xuất bản Âm nhạc khu vực châu Á Thái Bình Dương – Công ty Meta (Facebook).

12. Ông Loo Yew Ming – Giám đốc dịch vụ, khu vực Đông Nam Á, Công ty Apple Music.

13. Bà Adeline Koh (Singapore) – Phục trách Âm nhạc và Video, khu vực Đông Nam Á, Công ty Apple Music.

14. Ông Boonyatikarn Siriyah (Thái Lan) – Tổng Giám đốc MCT.

Ông Benjamin Ng - Giám đốc CISAC Châu Á - Thái Bình Dương, phát biểu:

VCPMC đã làm rất tốt công việc của mình trong những năm qua, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, mặc dù là tình hình dịch Covid phức tạp nhưng VCPMC vẫn vượt qua với doanh thu rất tốt. Hy vọng VCPMC tiếp tục nỗ lực hoạt động bảo vệ quyền tác giả cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng CISAC nói chung.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc VCPMC, xúc động với những chia sẻ:

Năm 2022, đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Đó là một chặng đường nhiều chông gai nhưng cũng đầy niềm kiêu hãnh, tự hào của tập thể VCPMC, mang đậm dấu ấn với niềm tin, ý chí và sự nỗ lực hết sức mình của các thế hệ lãnh đạo và nhân viên qua các thời kỳ, đã tạo nên những đột phá và sự phát triển vượt bậc cho một VCPMC của Việt Nam - đối với trong nước và Quốc tế.

Để có được VCPMC – 20 mùa xuân rực rỡ, lãnh đạo và các cộng sự của VCPMC qua các thời kỳ đã cùng nhau cày xới và mồ hôi đã chảy thấm trên những cánh đồng bản quyền âm nhạc đầy khô cằn và nắng hạn trong những ngày đầu, đến hôm nay mầm xanh đã nhú lên, đơm hoa, kết ít trái ngọt đầu mùa. Trong 20 năm ấy, có những giai đoạn rất thăng trầm, VCPMC tưởng chừng không thể vượt qua nổi, trong bản giao hưởng bản quyền âm nhạc nhiều chương ấy, VCPMC như những nốt trì tục ở bè trầm giữ cho ổn định. Trên bè trầm đó, thỉnh thoảng vang lên những quãng nghịch, hợp âm nghịch liên tục trong nhiều năm tháng. Đến hôm nay, VCPMC đã có một CODA mà cả dàn nhạc đã được Tuti, mở Crescendo, trên đó vang lên những giai điệu đẹp đầy tính nhân văn và tình người.

Hành trình 20 năm xây dựng sứ mệnh phụng sự cộng đồng bởi những con người của VCPMC và chúng ta là một người trong số ấy, đã làm nên những kỳ tích của ngày hôm nay. Từng bước chân đi qua các thành viên đã gửi trọn sự tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo, vào những người đồng nghiệp sát cánh ngày đêm bên mình. Xin được cảm ơn sự cống hiến thầm lặng của các anh chị thành viên đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử phát triển của VCPMC. Một lần nữa, chúng tôi cũng xin được cảm ơn sự trao gửi niềm tin chân thành và đong đầy yêu thương của các anh chị, năng lượng và nhiệt huyết của các anh chị đã làm nên một VCPMC uy tín và phát triển bền vững trong cộng đồng. Chúng ta hãy cùng nhau cộng hưởng nguồn năng lượng tích cực để tạo ra các giá trị mới đưa VCPMC ngày càng phát triển sâu và rộng hơn nữa, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đóng góp cho ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ngày càng phát triển.

Tập thể VCPMC chụp ảnh cùng lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, lãnh đạo các Ban ngành, đại biểu

* Chương trình nghệ thuật chào mừng với phần biểu diễn của các nghệ sĩ hai miền Nam Bắc. Giám đốc âm nhạc: nhạc sĩ Đức Tân, chỉ huy dàn nhạc: NSND, Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi cùng nhóm bè VK, ban nhạc Đồng Đội Và Những Người Bạn, dàn nhạc vHz Strings:

Concerto đàn bầu với dàn nhạc giao hưởng “Đối thoại”, sáng tác – chỉ huy dàn nhạc: nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, biểu diễn: NSƯT Bùi Lệ Chi độc tấu đàn Bầu cùng dàn nhạc giao hưởng Hà Nội

Song tấu Sáo tranh “Vượt Sóng”, tác giả: NSƯT Đinh Linh, biểu diễn: NSƯT Hải Phượng – Đàn tranh, NSƯT Đinh Linh – Sáo

“Mơ về Hà Nội”, sáng tác: Đức Trịnh, biểu diễn: ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh

“Một đời người một rừng cây”, sáng tác: Trần Long Ẩn, biểu diễn: NSND Quốc Hưng

“Chảy đi sông ơi”, sáng tác: Phó Đức Phương, biểu diễn: ca sĩ Tùng Dương!

“Biển nghiêng”, sáng tác: Đinh Trung Cẩn, biểu diễn: NSND Tạ Minh Tâm

“Gimme Gimme Gimme”, tác giả: ABBA, biểu diễn: ca sĩ Minh Thư

“Đường đến vinh quang”, sáng tác: Trần Lập, biểu diễn: ca sĩ Minh Thư và ban nhạc “Đồng đội và những người bạn”

“Nhớ anh Phó Đức Phương” , sáng tác: Nguyễn Lân Hùng, biểu diễn: ca sĩ Lê Anh Dũng

*
*    *

Khởi nguồn từ ngày 19/04/2002, tại một căn phòng nhỏ bên cổng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội với diện tích 6m2, chỉ có vài người làm việc với đồng lương khiêm tốn, trang thiết bị gần như không có gì ngoài vài tập giấy và bút, trong khi đó lãnh đạo không có lương chỉ có lòng khát khao mãnh liệt được cống hiến trọn vẹn để đặt những viên gạch đầu tiên cho đứa con mới chào đời VCPMC.

Vượt qua muôn vàn khó khăn trong những ngày đầu thành lập, VCPMC đến hôm nay đã khẳng định được uy tín bằng những con số biết nói:

Ngày đầu thành lập chỉ có 247 tác giả ủy quyền, đến hôm nay trên 5.300 tác giả, nhạc sĩ Việt Nam ủy quyền cho VCPMC; trên 5 triệu tác giả quốc tế từ nhiều tổ chức CMOs thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ủy quyền cho VCPMC để quản lý khai thác tác phẩm trên lãnh thổ Việt Nam.

Năm 2007, VCPMC là thành viên dự bị của CISAC; qua quá trình nỗ lực thực hiện theo các tiêu chí chuyên nghiệp của CISAC đề ra, đến tháng 7/2009 VCPMC được công nhận là thành viên chính thức của CISAC. VCPMC bắt đầu bước vào ngôi nhà chung CISAC toàn cầu, cũng từ đó với chiến lược đã được đặt ra, Lãnh đạo VCPMC cùng với bộ phận đối ngoại hàng năm liên tục đi các nước, đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các CMOs quốc tế, và đến hôm nay VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 87 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới có phạm vi điều chỉnh ở 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số tiền bản quyền âm nhạc từ những năm đầu tiên mới thành lập chỉ vài chục triệu đồng, biểu đồ tăng trưởng với số tiền thu được tăng lên đều đặn qua số liệu hàng năm đã được kiểm toán, đến riêng năm 2021 là 167 tỷ đồng; tổng cộng 20 năm thu trên 1.000 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ thuế Nhà nước gần 100 tỷ đồng.

Từ ngày thành lập không có thiết bị để hoạt động, đến hôm nay VCPMC đã áp dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến trong thời đại 4.0: Phần mềm lưu trữ và phân phối Mis@asia do COMPASS (tổ chức bản quyền Singapore phát triển vận hành); Hệ thống mạng lưới cơ sở dữ liệu CIS-NET (thuộc sở hữu của liên minh CISAC); phần mềm kế toán FAST Business do Fast Software tư vấn và cung cấp; phần mềm đối soát dữ liệu digital PRONTO do công ty BMAT (Tây Ban Nha cung cấp); Hệ thống đối soát dữ liệu Aibiz do công ty Aibiz phát triển, vận hành; Hệ thống giải pháp âm nhạc VCPMC do Alta Sofware phát triển và chuyển giao; Ứng dụng điện thoại VCPMC (App VCPMC); Phần mềm quản lý nội bộ VCPMC dự án đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022; Dự án số hóa dữ liệu tác giả, tác phẩm NFT (Non – Fungble token); Hệ thống trao đổi dữ liệu kỹ thuật chung của khu vực Châu Á Thái Bình Dương thuộc JASRAC (tổ chức bản quyền Nhật Bản); Dự án xây dựng kênh âm nhạc cho các nhạc sĩ, tác giả là thành viên của VCPMC… ứng dụng công nghệ Blockchen, AI (trí tuệ nhân tạo).

Nhờ áp dụng những công nghệ tiến tiến, đến nay VCPMC đã đàm phán và ký hợp đồng song phương với các đối tác chiến lược: Google/Youtube, Facebook, Spple, Spotifile, Tiktok… khai thác bản quyền âm nhạc trên không gian mạng.

20 năm qua, VCPMC luôn đồng hành cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức các Hội nghị, Hội thảo ở các tỉnh, thành phố để tuyên truyền phổ biến pháp luật, đưa Luật Sở hữu trí tuệ từng bước đi vào đời sống. Cũng từ đó đến hôm nay các đơn vị, doanh nghiệp khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc đã một phần nào nhận thức và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả âm nhạc theo luật pháp đã qui định.

Từ những năm đầu tiên khi mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chỉ nhận được số ít tiền bản quyền cho những tác phẩm của mình, thì đến hôm nay rất nhiều tác giả đã có thể yên tâm sống được bằng tiền bản quyền âm nhạc được trả tương xứng cho giá trị lao động kết tinh trong các sáng tạo của mình.

Nhân kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển, VCPMC đã vinh dự đón nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên lĩnh vực âm nhạc, trao tặng cho:

- Tập thể Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam

- Tặng Bằng khen cho 2 cá nhân gồm: 

1. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam;

2. Ông Hoàng Văn Bình - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam,   

VCPMC – Định hướng trong 10 năm tới:

1- Tiếp tục kiện toàn bộ máy nhân sự, đào tạo trong nước và quốc tế, nhằm nâng cao năng lực xử lý công việc ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

2- Xây dựng kế hoạch và chiến lược quản lý, khai thác và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của các thành viên phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ 4.0, để bảo đảm quyền và lợi ích cho các thành viên ngày một tốt hơn.

3- Tiếp tục đón đầu các công nghệ hiện đại, tiên tiến nhằm phát triển các phần mềm lưu trữ, quản trị hệ thống nội bộ, phần mềm xử lý dữ liệu, phát hiện vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan để bảo đảm việc khai thác triệt để các quyền tài sản của các thành viên.

4- Tăng cường đội ngũ pháp chế, luật sư và nâng cao năng lực xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của các thành viên ủy quyền cho VCPMC.

5- làm việc với tác tổ chức thành viên quốc tế để trao đổi dữ liệu, kinh nghiệm quản lý, khai thác quyền tác giả nhằm bảo đảm lợi ích tối đa đối với các tác phẩm của các thành viên được sử dụng trên thị trường và các nền tảng quốc tế.

6- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục triển khai hội nghị tuyên truyền các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước để thực hiên việc cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan của các thành viên.

7- Thành lập các Văn phòng đại diện ở các khu vực: Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… để phủ lấp mạng lưới thực thi bản quyền âm nhạc được đồng bộ trên cả nước.

8- VCPMC là tổ chức phi lợi nhuận, vì vậy trong tương lai tiếp tục giảm hành chính phí chỉ đủ để trang trải hoạt động, tăng tỷ lệ phần trăm trích lại cho các tác giả thành viên.

9- Thực hiện Quỹ phát triển Văn hóa Nghệ thuật theo tiêu chí thành viên của CISAC, nhằm phát triển những tài năng âm nhạc của nước nhà, mở các trại sáng tác hàng năm theo tiêu chí của VCPMC và CISAC, hỗ trợ kịp thời cho các tác giả, nhạc sĩ, các chủ sở hữu tác phẩm có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật…

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.