You are here

Violon Concerto số 1 của Prokifiev

Tác giả: 
Lê Long tổng hợp

Tác giả: Sergei Prokofiev
Công diễn lần đầu: ngày 19/10/1923 tại Opera Paris; Serge Koussevitzky chỉ huy Paris Opera Orchestra; độc tấu: Marcel Darrieux (cùng trong chương trình hôm đó, Stravinsky lần đầu bước lên bục chỉ huy tác phẩm Octet for Wind instruments của chính mình)

Tác phẩm gồm 3 chương:
I.Andantino
II.Scherzo. Vivacissimo.
III. Moderato

Chủ đề chính mở đầu và cũng mang sắc thái chung của toàn bộ tác phẩm đã hình thành từ năm 1915 (được cho là lấy cảm hứng từ tình yêu dành cho Nina Mescherskaya). Thoạt tiên Prokofiev dự định dùng nó làm chất liệu chính cho một concertino nhưng sau đó ông bỏ dở để chuyển sang một số dự án tham vọng khác như opera The Gambler (Người chơi bài) dựa theo truyện của Dostoevsky; Scythian suite (tận dụng chất liệu từ Alla và Lolli). Bước vào năm 1917 đầy biến động nhưng cũng là năm sáng tác sung sức của Prokofiev với việc cho ra đời một loạt các tác phẩm mới mẻ ở nhiều thể loại: Symphony No. 1 “Cổ điển”, Sonata cho piano số 3 và 4, vision fugitives cho piano solo, cantata “Số 7, họ là số 7” và Violin Concerto số 1 với chủ đề từ concertino bỏ dở năm 1915, đồng thời Prokofiev cũng bắt đầu viết Piano Concerto số 3.

Sergei Prokofiev

Prokofiev vốn có thói quen ghi chép và quay trở lại với các chủ đề bỏ dở, chỉ trong vài tháng hè năm 1917, nhạc sĩ nhanh chóng phát triển và hoàn thiện Violin Concerto số 1. Đây là tác phẩm khí nhạc quy mô thứ hai trong sự nghiệp sác tác của Prokofiev mà cả về phong cách và phương pháp theo lời ông là “được viết với chủ đích xa rời đàn piano”. Bởi Prokofiev thường xử lý piano như một nhạc cụ bộ gõ với tính chất bùng nổ, nên khi có ý định thử ”xa rời” nhạc cụ sở trường này, ông đã viết Symphony số 1 với mong muốn “màu sắc dàn nhạc trong suốt hơn” (cũng khá phù hợp với cấu trúc và lớp phủ ngoài mang hơi hướng cổ điển phong cách Haydn). Trong khi ở Violin Concerto, được viết cho dàn nhạc quy mô nhỏ với biên chế bộ gõ rất khiêm tốn, dàn nhạc được tiết chế tối đa trong vai trò biểu hiện cảm xúc. Tác giả đã giảm đi các đoạn thuần túy dàn nhạc và hạ thấp vai trò của chúng, chủ yếu làm bè đệm cho violin xuyên suốt và mải miết, với những câu nhạc rất dài và thường ở âm khu cao, tạo hiệu ứng trong suốt và thoát tục. Bước qua giai đoạn những năm 1910 đánh dấu những nỗ lực gây sốc “kiểu Stravinsky” của Prokofiev thông qua những dự án ballet và opera gắn với ông bầu Diaghilev, sự tiếp nối không quá khó hiểu từ danh hiệu “cậu bé ngỗ nghịch” gắn với thời kỳ nhạc viện của Prokofiev đã khiến nhạc sĩ trẻ nổi tiếng với xu hướng “Chống lãng mạn” bằng nắm đấm sắt của chủ nghĩa hiện đại, âm nhạc “lập thể” và vị lai. Diễn giải theo cách này có thể tìm thấy một Violin Concerto, từ chủ đề lãng mạn “kiểu Mendelssohn” được phân tách dưới cái nhìn theo phương pháp lập thể cùng với niềm yêu thích chuyển động cơ khí máy móc, đã làm nên một concerto đa dạng đầy tương phản giữa yếu tố trữ tình của chất liệu chủ đề với những hành khúc sắt đá, khô cứng nhưng lôi cuốn trong nhịp điệu của chuyển động và kết hợp giữa các nhân tố được thêu dệt tinh vi.

Có lẽ do xuất phát từ một concertino nên Violin Concerto số 1 khá súc tích và tự do về hình thức. Chương một và ba cùng xu hướng lẫn độ dài, violin dường như hút lấy năng lượng từ dàn nhạc, dần đạt tốc độ cùng sức mạnh qua những biến đổi đầy lôi cuốn rồi lại dần trở về sự yên bình. Ba chương nhạc lần lượt mở đầu ở giọng Rê trưởng (D major), Mi thứ (E minor) và Sol thứ (G minor).

Kỹ thuật cho phần violin solo mang lại nhiều phấn khích lẫn thách thức cho người chơi với nhiều nét vuốt (glissando) và âm bội, những đoạn láy rền (trill) được xử lý đa dạng về màu sắc gia tăng tính chất mỉa mai, châm biến đôi khi khắc nghiệt mà đã xuất hiện thấp thoáng trong Symphony số 1 “Cổ điển”, sau này trở thành một trong những đặc trưng đáng chú ý của Prokofiev mà tính chất biểu hiện trở nên tầm vóc ở những tác phẩm giao hưởng như Symphony số 5 và 6.

Chương I mở đầu tác phẩm có vẻ rất …siêu thoát, đẹp kỳ ảo và dường như không thuộc thế giới thực, từ giai điệu đơn lẻ vang lên giữa hư không, dàn nhạc dần hòa nhịp một cách khiêm tốn. Flute cất lên một giai điệu phụ họa violin bật ngón trước khi chuyển sang diễn tấu ở giọng trầm, rồi lại dần tăng tốc, điên cuồng trong những chuyển động. Trong phần nhắc lại, chủ đề mở đầu lại chiếm ưu thế trong không khí bảng lảng, mơ hồ như chìm trong những ảo ảnh chập chờn dịu nhẹ.

Chương II là một khúc scherzo nhí nhảnh châm trọc với mạch nhịp và tiết tấu liên tục, sự xen kẽ đa dạng của bật ngón, vuốt và nét nhấn trầm đục của kèn tuba và timpani chắc gọn.

Chương III mở đầu với tiết tấu chậm khôi hài của 2 bassoon, violin tiếp nối khẳng định sự giống nhau giữa chương III và chương I về khí sắc, phảng phất nét điềm tĩnh và tươi mát của chủ đề lãng mạn mở đầu. Trong phần giữa của chương nhạc, âm nhạc được đẩy lên cao trào. Dàn nhạc đóng vai trò như dấu chấm câu, gọn gàng phân cách các trường đoạn diễn tấu dai dẳng của violin, mà bộ gõ, kèn đồng và bassoon trì trục gần như được khai thác đơn lẻ trong từng trường hợp. Duy nhất trong chương III, dàn nhạc dâng trào như những đợt sóng ngắn ngủi trước cơn gió biến thiên bất tận tạo bởi violin độc tấu trên không gian khoáng đạt. Violin tăng hoặc giảm dần đều tốc lực qua một quá trình dai dẳng như bước trên những bậc thang lên xuống tạo bởi các nhạc cụ của dàn nhạc, khi vuốt nhọn lên cao vút dưới sự hỗ trợ của picolo, flute mảnh, sắc nhọn, lúc xuống âm khu trầm, gằn đục hòa cùng bassoon và tuba. Dàn nhạc đôi khi trào dâng mở ra những cách cửa nơi violin bước qua một không gian mới… âm nhạc phát triển qua nhiều tầng lớp rồi dần trở về nếp cũ, một lần nữa vang lên chủ đề chính của chương I, diễn đạt bằng tiếng láy ríu rít ở âm cao dẫn dắt dàn nhạc biến âm đi dần vào hư không khiến chủ đề này mang ý nghĩa như nét chủ đạo của toàn bộ tác phẩm.

Phải trải qua nhiều năm, concerto này mới dần tìm được chỗ đứng. Tác phẩm được cho là lấy cảm hứng phần nào từ tác phẩm Myth của Karol Szymanowski do violinist Paul Kochanski biểu diễn năm 1916. Ban đầu Prokofiev muốn mời Kochanski công diễn tác phẩm. Song đến năm 1923, sau thời gian theo đuổi các dự án ballet và opera của Diaghilev tại châu Âu, nhạc sĩ không còn liên lạc được với Kochanski và buổi công diễn tại Paris không mấy thành công một phần do không tìm đươc soloist thích hợp. Nathal Milstein khi đó vẫn đang ở Nga miệt mài lưu diễn như chú ngựa nòi của ông bầu Kogan cùng chị em nhà Horowitz. Rốt cuộc người công diễn là concert master trong dàn nhạc của Koussevitzsky, dù là một tay violin dày dạn kinh nghiệm nhưng không mấy nổi tiếng. Cũng phải kể đến thị hiếu của công chúng Paris, vào cùng thời điểm khá hào hứng với ballet Chout và Scythian suite của Prokofiev thì violin concerto của ông dường như quá “lãng mạn” với họ. Ngay cả Octet của Stravinsky được biểu diễn trong cùng chương trình với những yếu tố hơi hướng Tân cổ điển cũng không nhận được phản ứng tích cực. Còn với các thính giả ưa chuộng xu hướng lãng mạn đã thống trị châu Âu trong hơn nửa thế kỷ, violin của Prokofiev dường như có phần kỳ quặc, không bình thường nếu so với cảm xúc ngập tràn đơn thuần như trong violin concerto của bộ đôi Elgar và Kreisler thành công vang dội trong những năm trước đó (1910).

Nathal Milstein khi đó 19 tuổi chơi violin và Horowitz đệm piano thay dàn nhạc đã trình diễn violin concerto của Prokofiev và Szymanowski trong cùng chương trình tại Liên Xô chỉ 3 ngày sau buổi công diễn ở Paris. Ông đã nhắc đến trong cuốn Từ nước Nga tới phương Tây: “Tôi cảm thấy rằng nếu có một tay piano cừ khôi như Horowitz đệm cho thì bạn không cần đến dàn nhạc”. Cũng như đa phần các buổi diễn của Horowitz và Milstein trong giai đoạn này, chương trình được công chúng đón nhận nhiệt liệt. Tuy nhiên điều này là vô ích cũng như nhận định chung của Milstein lẫn Horowitz lúc bấy giờ về toàn bộ thành công của họ ở Liên Xô bởi dù họ có làm gì thì không ai biết đến họ từ châu Âu cả.

Thời gian sau đó Violin Concerto này mới dần có tiếng vang. Szigeti đã biểu diễn tác phẩm ở Prague dưới sự chỉ huy của Fritz Reiner. Đến năm 1925 tác phẩm được công diễn tại Mỹ, Koussevitzky chỉ huy dàn Boston Symphony và violin solo là Richard Burgin - concert master của dàn nhạc.

(Nguồn: nhaccodien.info)

Cùng xem David Oistrakh - violin, Lovro von Matacic - conductor & London Symphony Orchestra:

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.