Tác giả: Hải Anh
Theo thông tin báo chí phản ánh về việc quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc bị xâm phạm nghiêm trọng, cụ thể là Công ty Bihaco/BHMedia đang được xem là không tuân thủ quyền tác giả do không thực hiện việc xin phép các chủ sở hữu quyền tác giả đối với các kênh của BHMedia và các kênh thuộc Net BHMedia trước khi sao chép tác phẩm để tạo ra bản sao/bản ghi âm, ghi hình và đăng tải các bản ghi đó lên YouTube.
Là một trong hàng chục tác giả, thân nhân tác giả bức xúc trước hành vi xâm phạm quyền tác giả mà BH Media đã và đang thực hiện không tuân thủ quy định của pháp luật và những quy định về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc.
Bà Hiếu Ngọc (vợ cố nhạc sĩ Giác An) cho biết: “Tôi thuộc mẫu người nói chuyện dở, hậu đậu không nói lưu loát, nhưng mà từ lâu lắm rồi, thời mà ông xã - nhạc sĩ Giác An còn sống, đã ủy quyền ký hợp đồng toàn bộ cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả phía Nam. Tuy nhiên, sau đó, ca sĩ Gia Huy có giới thiệu gia đình với bên BH Media, rồi lại nghe lời ngon ngọt nghĩ là sẽ thu được nhiều tiền hơn, hoặc là như người ta đứng ra làm tác phẩm phát hành. Nghe lời ngon ngọt thành ra mới bị dính với lại BH Media như vậy. Tuy nhiên, trong thời gian 2 năm BH Media không làm đúng theo hợp đồng, phớt lờ 2 năm trời chẳng đưa đồng xu cắc bạc nào hết. Khi chúng tôi gọi điện cho ca sĩ Gia Huy tác động thì BH mới đưa được 6 triệu. Xong lại nín thinh luôn. Bản thân mình cũng thấy cái hợp đồng không ổn nữa, trong khi đó VCPMC chỉ lấy dưới 20% phí quản lý trong khi BH lấy tới 50% rồi còn nhiều thứ khác nữa. Lúc đó chú cũng hơi yếu yếu rồi nhưng mà vẫn còn minh mẫn nên đã làm văn bản chú ký, yêu cầu BH Media chấm dứt hợp đồng để giao lại cho VCPMC. Tuy nhiên, không bao lâu chú bị nhồi máu cơ tim, chú mất mấy tháng sau cô lại gửi văn bản lên Trung tâm để giao toàn bộ giấy tờ và uỷ quyền, kể cả chứng tử của chú mà cô đứng toàn quyền ký, cùng văn bản gửi cho bên BH Media để xử lý nhưng BH Media cũng không nói năng gì, mặc dù cô đã gửi nhiều lần. Nhiều lúc cô nghĩ sao mà BH “lì quá”, phớt lờ lời của cô giống như “gió thoảng mây bay”.
Theo quy định, Công ty Bihaco phải đảm bảo tính hợp pháp và đầy đủ quyền tác giả của các bản ghi trước khi đăng tải lên bất kỳ nền tảng nào, bao gồm cả YouTube. Ngoài ra, việc các tác phẩm có nguồn gốc từ thư viện miễn phí của YouTube phải tuân thủ điều khoản của thư viện đó. Tuy nhiên, đối với các tác phẩm có bản quyền bên ngoài, việc xin phép chủ sở hữu là yêu cầu bắt buộc mà nhà sáng tạo nội dung, như Công ty Bihaco, phải tự thực hiện. Nếu không có sự cho phép này, việc sử dụng và đăng tải các bản ghi chứa tác phẩm có bản quyền có thể bị coi là vi phạm chính sách của YouTube và pháp luật về quyền tác giả. Trong khi đơn vị này lớn tiếng cáo buộc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) có hành vi vi phạm pháp luật; lạm quyền khi thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả đối với các ca khúc, thì trên thực tế, chính BHMedia cũng đã và đang áp dụng những biện pháp tương tự đối với các kênh, cá nhân sử dụng những bản ghi, tác phẩm mà họ tuyên bố rằng họ nắm giữ bản quyền. Không ít trường hợp ghi nhận BHMedia đã tiến hành đánh gậy bản quyền và đưa ra yêu cầu các bên phải chi trả những khoản phí không hề nhỏ để được gỡ bỏ cảnh báo vi phạm - một hành động mà chính họ lại đang phiến diện lên án khi VCPMC thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhạc sĩ. Việc BHMedia “nói một đằng làm một nẻo” như vậy - đặt ra một dấu hỏi lớn về tính khách quan, tính trung thực và sự thiện chí. Những cáo buộc mà BHMedia nhắm vào VCPMC, khi soi chiếu với chính hành động của họ, rất có thể mang dấu hiệu của hành vi vu khống, cố tình dẫn dắt dư luận.
Căn cứ theo các quy định của pháp luật và việc xác định đúng chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả tương ứng với hành vi sử dụng, khai thác tác phẩm âm nhạc, VCPMC (đại diện cho các chủ sở hữu quyền tác giả) có quyền cấp phép quyền sao chép để đồng bộ hóa đối với các nội dung video chuyên nghiệp do các công ty, đơn vị sản xuất nội dung tạo ra và đăng tải trên YouTube cũng như trên các nền tảng số. Người đăng tải, chủ kênh (là cá nhân hoặc doanh nghiệp) có sử dụng tác phẩm âm nhạc khi kiếm tiền, kinh doanh trên YouTube thì họ trở thành đối tượng phải tự thực hiện nghĩa vụ của mình về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Công ty Bihaco cũng là một trong các doanh nghiệp như vậy.
YouTube nhấn mạnh trách nhiệm của nhà sáng tạo trong việc tuân thủ bản quyền: Các quy tắc và chính sách bản quyền được YouTube công bố công khai đã chỉ rõ, nhà sáng tạo nội dung phải có nghĩa vụ xin phép chủ sở hữu bản quyền trước khi sử dụng tác phẩm của họ trong video đăng tải lên nền tảng này.
Trường hợp của Công ty Bihaco/BHMedia theo hướng tiêu cực, nhằm mục đích làm xấu đi hình ảnh và uy tín của VCPMC trong bối cảnh các tranh chấp và hiểu lầm hay nhầm lẫn về bản quyền âm nhạc đang diễn ra phức tạp, chưa tiệm cận đúng mức cần thiết với chuẩn mực quốc tế. Điều này không chỉ gây tổn hại cho một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, cho các tác giả - giới sáng tạo, mà còn gây nhiễu loạn thông tin trong dư luận và xã hội, hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong mắt quốc tế cũng như cản trở sự tiến bộ, đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phát triển con người, phát triển văn hóa.
Trao đổi với báo chí, bà Hiếu Ngọc cũng không giấu được những ấm ức trong lòng. Bà nói: “Gia đình cô rất khó khăn, bản thân cô cũng lớn tuổi, bệnh tật, cuộc sống rất là khó khăn liệu cơm gắp mắm, thắt lưng buộc bụng mà BH lấy tiền nhạc của chú thì cũng tội nghiệp cho cô với các con. Cô đã nhờ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bảo vệ tài sản của chú cho gia đình để BH Media đừng có mà làm như vậy nữa. Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí mấy ngày qua, bên BH có đến gặp, thuyết phục và cũng đưa ra nhiều lời giải thích khôn khéo, ngọt ngào lắm và cũng tự trách mình chưa quan tâm đến gia đình, rồi cũng đổ thừa không liên lạc được với gia đình. Đó là sự ngụy biện hơi lạ, bởi lúc ký, họ đến nhà mà lại nói không liên lạc được, rồi đổ thừa nhân viên nghỉ làm đi nơi khác - chẳng lẽ BH hết người, hổng ai đếm sỉa gì tới gia đình?. Sau tất cả thanh minh, ngụy biện như vậy, tôi cũng thấy tội nghiệp, nhưng tôi khẳng định là gia đình nhất quyết rồi, vì hồi lúc chú Giác An còn sống chú với cô đã thống nhất, chứ không phải đợi chú mất rồi cô mới quyết định gửi văn bản cho BH. Thành ra, ý của chú từ trước không phải ý của riêng cô nên phải tôn trọng người đã mất. Thậm chí BH nghĩ là do VCPMC tác động nhưng không phải vậy. Cô học đạo, thiệt tình lắm. Cô thông cảm nhưng cũng thông cảm cho cô, đưa lại cho cô tác phẩm của chú. Nhìn cái phòng trọ tồi tàn của cô, cô nghèo khổ, nói chung cô chỉ biết lặp đi lặp lại “đưa lại tác phẩm của chú để VCPMC quản lý khai thác cho chú - cô chỉ tin tưởng uỷ quyền cho VCPMC”.
Từ sự việc cụ thể của gia đình cố nhạc sĩ Giác An, và rất nhiều những trường hợp khác mà báo chí đã phản ánh, Bộ phận pháp lý của VCPMC cho biết luôn quyết tâm bảo vệ Quyền tác giả các tác phẩm âm nhạc của thành viên bằng mọi biện pháp pháp lý hiệu quả nhất”. Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khẳng định: “ VCPMC kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, xứng đáng của các chủ sở hữu quyền tác giả là thành viên VCPMC; thúc đẩy hơn nữa việc xử lý xâm phạm, khởi kiện các vụ việc xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết và yêu cầu bồi thường thiệt hại; kiến nghị đến cơ quan nhà nước để xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định. Trung tâm sẽ khởi kiện yêu cầu Công ty Bihaco cải chính thông tin, công khai xin lỗi VCPMC vì đã đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm VCPMC. Trung tâm sẽ tiếp tục bảo vệ cho các tác giả, gia đình tác giả có dấu hiệu bị rơi vào tình trạng yếu thế, thiệt thòi, thiếu được tôn trọng… trong một số giao dịch với Bihaco”.
VCPMC cũng đưa ra thông điệp để các tác giả thành viên và công chúng hiểu rõ bản chất vấn đề: “VCPMC luôn nghiêm túc thực hiện báo cáo và giải trình theo yêu cầu đầy đủ, cụ thể, chuẩn xác đến cơ quan chủ quản là Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước là Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan. Với nhiệm vụ được Nhà nước giao phó, với trách nhiệm của một CMO trong việc bảo vệ quyền lợi của các thành viên, VCPMC sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu đến các cơ quan các nội dung, kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu trong lĩnh vực quyền tác giả. VCPMC rất mong không chỉ Công ty Bihaco mà còn nhiều tổ chức/cá nhân khác hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, khai thác nội dung âm nhạc/nội dung chuyên nghiệp có sử dụng tác phẩm âm nhạc cần chuyên nghiệp hơn, tìm hiểu kỹ hơn các quy định pháp luật và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định. VCPMC luôn cởi mở, thiện chí và đồng hành cùng các đơn vị sử dụng vì mục tiêu chung là tạo môi trường thụ hưởng âm nhạc sạch về bản quyền”.
Nhạc sĩ Giác An (1957-2024) tên thật là Nguyễn Quốc Thái. Ông có hơn 200 ca khúc ca ngợi đời sống tâm linh và đạo Phật. Ông là một nhạc sĩ tài hoa, một người con Phật chân thành, một tấm lòng yêu thương con người, một đời cống hiến cho âm nhạc Phật giáo với những ca khúc mang âm hưởng nhẹ nhàng, da diết, thấm đẫm tình yêu thương và lòng từ bi. |