Bài hát
Nhớ về Nam
"Nhớ về Nam" được Nhạc sĩ Ngọc Phan chuyển soạn cho sáo trúc từ Bài dân ca Trung bộ "Lý hoài Nam", sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương bổ sung và phát triển thành một tác phẩm hoàn thiện. Ban đầu, tác phẩm có tên là "Lý Hoài Nam" nhưng sau một lần Ngọc Phan biểu diễn cho Bác Hồ nghe, Người đã đặt lại tên tác phẩm thành "Nhớ về Nam".
Ở phần trình bày, tác giả đã giới thiệu nguyên vẹn bài dân ca Trung bộ "Lý hoài Nam", đây cũng chính là chất liệu được dùng để phát triển trong toàn tác phẩm. Tương phản với phần trình bày, phần phát triển được bắt đầu với tiết tấu nhanh, nhịp điệu rộn ràng kết hợp một cách hài hòa với các kĩ thuật thổi Sáo Trúc như: đánh lưỡi đơn, đánh lưỡi kép, láy, láy rền, rung, ngắt âm, luyến âm...Đặc biệt, ở phần cadenza, các kĩ thuật trên được tác giả sử dụng một cách triệt để và sáng tạo, như bắt trước tiếng chim kêu, vượn hót, những âm thanh của núi rừng... để tạo nên một bức tranh đầy màu sắc cho tác phẩm.
Sự kết hợp và phát triển một cách tài tình giai điệu của một bài dân ca với những kĩ thuật mới mẻ và đặc sắc của diễn tấu Sáo Trúc, tác giả của "Nhớ về Nam" đã thổi một luồng sinh khí mới cho làn điệu dân ca quen thuộc của miền Trung. Không chỉ khai thác kĩ thuật diễn tấu đặc biệt, toàn bộ tác phẩm đã vẽ lên một bức tranh sinh động về cảnh sắc thiên nhiên cũng như tình cảm sâu đậm của mỗi con người đối với quê hương đất nước.
Từ khi ra đời đến nay, trên bất cứ một sân khấu biểu diễn nghệ thuật nào, chuyên nghiệp hay không chuyên, trong nước hay quốc tế, "Nhớ về Nam" cũng là lựa chọn hàng đầu của các nghệ sĩ biểu diễn, để mỗi khi nhắc đến Sáo Trúc, người ta lại nhắc đến "Nhớ về Nam".
Ngọc Phan
Chuyên ngành biểu diễn
Tên khai sinh của NSƯT Ngọc Phan là Nguyễn Ngọc Phan, sinh ngày 10 tháng 1 năm 1938, quê Kiến An, Hải Phòng. Hiện nghỉ hưu ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ông là một trong những nghệ sĩ chơi sáo điêu luyện và nổi tiếng. Năm 1956, học Trường Âm nhạc Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, về công tác tại Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu (1991). Từ năm 1962 đến 1985, ông được tặng thưởng nhiều huy chương vàng, bạc qua các thời kỳ hội diễn toàn quốc.
Từ năm 1959 đến nay, ông tham gia giảng dạy đào tạo nhiều thế hệ biểu diễn sáo trúc tại Nhạc viện Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, các đoàn văn công và nhiều công nhân, bộ đội, học sinh, sinh viên Hà Nội và các tỉnh.
Đã sáng tác nhiều tác phẩm cho sáo trúc, nhị và các nhạc cụ dân tộc, trong đó có Lý hoài nam, Cánh chim chuyền, Cánh chim hòa bình, Ngày hội non sông, Tiếng sáo bản Mèo, Én lạc trên mây, Tiếng sáo quê hương, Gọi trăng, Mùa xuân biên phòng… nhạc cho sân khấu Chèo, Cải lương.
Âm nhạc của ông có giai điệu phóng khoáng, trữ tình, giàu âm hưởng dân gian. Ông còn viết một số giáo trình, bài tập cho sáo trúc, và một công trình tổng kết về kỹ thuật sáo trúc 10 lỗ.
Không có mục để hiển thị