Bài hát
Thu sang
"Thu sang" được NGND Xuân Khải viết cho đàn Tam Thập Lục độc tấu cùng tốp nhạc đệm vào khoảng đầu những năm 1990. Khi tác phẩm hoàn thành, đã nhiều nghệ sĩ diễn tấu tác phẩm này. Nhưng "Thu sang" chỉ thực sự được công chúng biết đến khi NSƯT Thanh Hằng biểu diễn và giành Huy chương Bạc (không có Huy chương Vàng cho độc tấu Tam Thập Lục) trong Hội diễn Nghệ thuật toàn quốc năm 1992.
Tác phẩm được xây dựng dựa trên hai chủ đề tương phản nhau một cách mạnh mẽ. Chủ đề mở đầu với nhịp điệu dồn dập, hối hả như mô phỏng những cơn giông cuối hạ bất chợt ào đến, rồi mưa chợt dừng, mây đen tan đi, ngay lập tức mùa thu trải ra trước mắt với những tiếng lá khẽ rơi trên những con đường vắng, tiếng gió xào xạc lướt qua những hàng cây... Tất cả được diễn tả bằng những nét giai điệu mượt mà, trữ tình của dàn Dây, cùng với sự xuất hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế, lúc gần, lúc xa của Tam Thập Lục diễn tấu chủ đề thứ hai. Ở chủ đề thứ hai này, giai điệu của dàn Dây và của đàn Tam Thập Lục được thể hiện rõ nét hơn để khắc họa bức tranh mùa thu...
Xuyên suốt tác phẩm, hai chủ đề trên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, mỗi lần lại có sự phát triển để nhấn mạnh nội dung tư tưởng của tác phẩm. Tác giả mượn hình ảnh thiên nhiên để miêu tả cuộc đời của con người như một bức tranh với những màu sắc tương phản, có bão táp mưa sa, có thăng trầm chìm nổi, để rồi cuối cùng, con người đối diện với chính mình, chiêm nghiệm cuộc sống, hồi tưởng lại quá khứ, khát khao cuộc sống bình yên. Tác giả đã dùng chủ đề hai làm chủ đề kết thể hiện rõ nét nội dung tư tưởng này.
Là một nhạc sĩ hiểu rất rõ tính năng của cây đàn Tam Thập Lục, NGND Xuân Khải đã sử dụng một các tinh tế các kĩ thuật diễn tấu để nhấn mạnh chủ đề cũng như nội dung của tác phẩm. Với các kĩ thuật: vê, nẩy, gẩy bằng đuôi que đàn...người nghệ sĩ khi trình diễn có thể thỏa sức trưng trổ kĩ thuật và thể hiện cảm xúc diễn tấu tác phẩm một cách hấp dẫn nhất.
Tên khai sinh của ông là Đặng Xuân Khải, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1936, quê ở Thuận Thành, Hà Bắc.Tốt nghiệp Đại học Nhạc cụ dân tộc, Nhạc viện Hà Nội. Đã mất năm 2008, sinh thời cư trú tại Hà Nội.
Từ 1949, sinh hoạt âm nhạc trong Đội Võ trang Văn nghệ huyện Thuận Thành. 1954, ông là Đội phó Đội Văn nghệ Thanh niên xung phong thuộc Tổng đội tiền phương Công trình đường sắt Việt Nam. Năm 1959, tốt nghiệp Trung cấp khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), là giảng viên của trường cho tới khi nghỉ hưu. Từ năm 1975, là Chủ nhiệm Khoa Nhạc cụ dân tộc Nhạc viện Hà Nội. Đã nhiều năm làm công tác giảng dạy. Ông đào tạo được nhiều sinh viên trở thành nghệ nhân và là nòng cốt của các đơn vị nghệ thuật, góp phần giữ gìn phát huy vốn âm nhạc cổ truyền của đất nước.
Ông có một số tác phẩm cải biên, nâng cao, phát triển dân ca. Trong đó, có nhiều bài được thu đĩa, thu hình và được đưa vào giáo trình giảng dạy, đồng thời là tiết mục biểu diễn trong và ngoài nước, là những tiết mục cho Hội diễn thi âm nhạc chuyên nghiệp của các Trường và các Đoàn Văn công. Ngoài ra, ông còn đi biểu diễn và giới thiệu nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam tại Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, v.v…
Được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và Nhà giáo Nhân dân; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I (2001).
Một số tác phẩm khí nhạc tiêu biểu: Rừng sáng (Giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1992); Hồi tưởng (Giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1993), Nhớ về hải đảo (Giải Ba Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1994).
Không có mục để hiển thị