Tuyển tập 101 ca khúc về quê hương: “Hà Tĩnh quê mình - Câu đợi câu chờ…”

01:00 AM, Chủ nhật, 06/04/2025
1855

Tác giả: Thanh Nhã

 

 

Tuyển tập 101 ca khúc về quê hương “Hà Tĩnh quê mình - Câu đợi câu chờ…” của tác giả - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội vừa cho ra mắt bạn đọc vào tháng 3/2025. 

Tuyển tập đã tập hợp 101 tác phẩm âm nhạc, là những ca khúc tâm đắc của tác giả được người yêu nhạc đón nhận, đạt nhiều giải thưởng và được các ca sĩ nổi tiếng thể hiện. Trong Tuyển tập có nhiều ca khúc phổ thơ của các nhà thơ: Ngọc Vượng, Đức Ban, Bùi Thị Thủy, Mai Hồng Niên, Phú Tài, Lê Cảnh Nhạc… Sự kết hợp thơ và nhạc cho ra đời những ca khúc ấn tượng, là nét độc đáo của tác giả. Ngọc Thịnh thường tìm thấy những giai điệu trữ tình, mộc mạc đằm thắm, tình cảm tha thiết, da diết yêu thương với: Anh có về chiều nay (thơ Bùi Thị Thủy), Bài ca từ những dấu chân người, Cỏ dại lưng đèo, Đò dọc sông đêm (thơ Bùi Quang Thanh), Mẹ, Một đời của mẹ (thơ Xuân Bính), Nhớ mẹ (thơ Lê Xuân Bắc…; tình cảm, trong sáng, hồn nhiên với: Bản Giàng, người Chứt nhớ anh (thơ Phú Tài), Cẩm Thành ngàn thương, Đồng Chiều, Huyền thoại một miền quê (thơ Võ Hồng Hải), Khúc đồng giao, Mỹ Lộc anh về cùng em…; tươi vui, rộn ràng với: Chào Hà Tĩnh – thành phố tương lai, Còn đây hơi ấm của Người, Cùng chung nguyện ước; Một khúc ca xuân…; tình cảm yêu thương sâu lắng, dạt dào say đắm với: Bến đợi (thờ Bùi Thanh Quang), Ca Dao sông quê, Câu đợi câu chờ, Câu hát giữa hai đầu thương nhớ (thơ Mai Hồng Kiên), Chớm Đông (thơ Tuyết Mây), Cổ tích quê mình (thơ Ngọc Vượng), Còn đây ân tình (thơ: Dương Quyết Thắng), Con thuyền không bến (thơ Tạ Thanh Hùng), Đò ngược (thơ Đỗ Bạch Mai), Đò tìm về bến sông quê (ý thơ: Lương Khắc Thanh), Em hát tháng Tư, Giấc mơ mẹ ru (thơ Khanh Lê), Hương Khê tình đất tình người (thơ Lê Cảnh Nhạc), Mãi là màu tím hoa sim (thơ Mai Hồng Niên), Miền Trung mùa lũ (thơ Trần Đăng Vinh), Tình đất tình người Cẩm Xuyên (thơ Mai Hồng Niên), Tình mẹ bao la; Với Dòng La (ý thơ Trần Nam Phong); phong cách nhạc nhẹ với: Biển thức (thơ Đức Ban), Cội nguồn; Hà Tĩnh quê mình, Những cánh rừng hồi sinh, Sợi dây hạnh phúc (thơ La Quốc Tiến)…; phong cách dân gian, dân gian đương đại với: Câu Giặm non hồng, Con nước dòng đời, Cung đàn Thúy Kiều, Đêm Ca Trù (thơ Đức Ban), Duyên nợ Nghi Xuân, Em lại về quê anh (thơ Lê Cảnh Nhạc), Hồng Lĩnh muôn trùng xanh, Lời quê, Một chiều đền Bích Châu, Nam Giới Long Ngâm Xứ, Nhịp cầu yêu thương, Như mây vô thường, Sông Lam xanh, Thạch Mỹ quê em, Tháng Giêng (thơ Nguyễn Văn Hoan), Thuở ấy quê hương, Tình em câu Giặm (thơ Nguyễn Văn Hoan), dân ca Xứ Nghệ với: Nước non ơn Người trong lời mẹ ru; âm hưởng Ca Trù với: Chùa Hương Tích…; hạnh phúc, tươi vui, mạnh mẽ, tự hào với: Có chúng tôi trên cửa khẩu Cầu Treo (thơ Quang Thanh), Hà Tĩnh yêu thương (thơ Đặng Quốc Vinh), Hai quê một khúc tâm tình (thơ Đức Ban), Hát mãi về anh, Về Trả Nha (thơ Phan Duy Đường)…; phong cách nhạc đồng quê, tâm tình hoài niệm với: Năm tháng tuổi thơ tôi (thơ Nguyễn Đăng Giáp)…

Với số lượng 101 ca khúc về quê hương, thì đây mới chỉ là một phần trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Thịnh, nhưng đủ cho ta thấy sức lao động nghiêm túc, bển bỉ, tình cảm chân thành tha thiết của tác giả với quê hương xứ sở.

Theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì: “Tuyển tập 101 ca khúc về quê hương Hà Tĩnh của nhạc sĩ Ngọc Thịnh cho chúng ta thấy một mảng sáng tạo quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Quê hương là một đề tài rất rộng, trong đó có lịch sử vùng đất, con người, truyền thống yêu nước và cách mạng, vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, sông núi, biển đảo… nhạc sĩ Ngọc Thịnh đã đứng vững trên nền tảng âm nhạc dân gian Nghệ - Tĩnh và vận dụng có sáng tạo những giai điệu, tiết tấu, ca từ thuần chất và sâu lắng mạch nguồn dân ca; những giai điệu trong ca khúc của ông có hơi thở mới, nhưng vẫn phẳng phất giai điệu Ví Giặm, Ca Trù… bút pháp của nhạc sĩ là vừa tiếp thu dân ca - dân nhạc, vừa phát triển làn điệu mới, kết hợp với giọng điệu Trưởng - Thứ, hình thức hai đoạn đơn mạch lạc, đôi khi kết hợp biến âm nửa cung làm cho giai điệu ngũ cung thêm phong phú và gần với nhạc trẻ hôm nay”.

 

 

 

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh (Nguyễn Ngọc Thịnh) sinh ngày 29 tháng 12 năm 1958, quê quán khu phố Thành Đông, thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (nay là phường Tiền Giang, thành phố Hà Tĩnh). Sinh ra và lớn lên trên vùng đất địa linh nhân kiệt với Núi Hồng - Sông La, âm vang nhịp phách Ca Trù Cổ Đạm thấm đượm hồn thơ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du. Đất mẹ đã nuôi dưỡng người nghệ sĩ lớn khôn và thành danh. Ông đã trả ơn cho quê hương như “con tằm rút ruột nhả tơ” bằng những tác phẩm âm nhạc chân thành sâu lặng tình người.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh là hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, nguyên Trưởng phòng nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh đã đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các tổ chức văn học nghệ thuật khác. Nhưng có lẽ phần thưởng hơn cả đó chính là sự đón nhận yêu mến của đông đảo công chúng với những tác phẩm của ông.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều