Hiểu đúng về bản quyền tác giả âm nhạc

09:42 PM, Thứ bảy, 24/08/2024
432
Tác giả: Hoàng Minh 

Theo phản ánh của một số tác giả do chưa hiểu rõ về hoạt động cấp phép, thời gian qua một số đơn vị đã lợi dụng khi đưa ra những lời mời, hứa hẹn với lợi ích thu tiền bản quyền cao hơn rất nhiều lần so với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Tuy nhiên, sau khi rút ủy quyền tại VCPMC, kết quả thực tế với lại không được như mong muốn, thậm chí một số tác giả còn vướng vào những khiếu kiện.

Xung quanh vấn đề này, báo Đại Đoàn Kết đã có trao đổi với NSƯT - Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

VCPMC tham dự cuộc Họp Đại Hội Đồng CISAC toàn cầu tại Seoul Hàn Quốc - 2024. Ảnh: VCPMC.

PV: Thưa ông, theo phản ánh việc ủy quyền, khai thác quyền tác giả âm nhạc của VCPMC hiện nay không được triệt để, nhất là trong lĩnh vực online (Youtube, Facebook, Tiktok, Apple…). Vậy thực tế khi là thành viên của VCPMC các tác giả sẽ nhận được những quyền lợi gì?

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Hiện nay VCPMC là đại diện duy nhất của Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những Nhà soạn nhạc và lời thế giới - CISAC, năm 2009. Điều này đồng nghĩa với việc Trung tâm được công nhận tiêu chuẩn chuyên nghiệp quốc tế. Tính đến tháng 8/2024, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 88 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới có phạm vi điều chỉnh ở 227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với những cam kết ràng buộc này, Trung tâm hiện là tổ chức đại diện quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam có quyền đại diện, bảo vệ lợi ích của hơn 6.400 tác giả trong nước và hơn 5 triệu tác giả âm nhạc trên thế giới.

Hiện các lĩnh vực được VCPMC quản lý và cấp phép bởi hai bộ phận chính gồm bộ phận nhạc nền (Offline) và bộ phận Digital. Trong đó, bộ phận Offline bao gồm các lĩnh vực Phát thanh truyền hình, trung tâm thương mại, quán café, nhà hàng, quán Bar, vũ trường…. Đối với lĩnh vực này, ngoài hai địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, VCPMC đã và đang thực hiên cấp phép bao phủ toàn bộ các tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn do ý thức thực hiện bản quyền tác giả âm nhạc đối với các đơn vị chưa tốt, đồng thời do khủng hoảng kinh tế nên các đơn vị cũng cắt giảm chi phí hoạt động dẩn đến nguồn thu tiền bản quyên từ lĩnh vực này chưa đạt như kỳ vọng và mực tiêu đề ra.

Còn với bộ phận Digital VCPMC đang khai thác và cấp phép gần 30 lĩnh vực có sử dung âm nhạc trong hoạt động kinh doanh thương mại. Hiện VCPMC đã và đang thực hiện cấp phép cho hầu hết các nền tảng âm nhạc bao gồm các ứng dụng, Website, các mạng xã hội trong nước và quốc tế như Youtube, Facebook, Tiktok, Apple, Sportify, Zingmp3, nhaccuatui…. Kể từ năm 2019, VCPMC thu tiền bản quyền âm nhạc lĩnh vực Digital đối với các Website/app, nền tảng âm nhạc nêu trên chiếm khoảng 86% nguồn thu của tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, VCPMC cấp phép và thu tiền từ hàng trăm website/ứng dụng có sử dụng âm nhạc tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Cũng xin thông tin, theo báo cáo của CISAC năm 2023, từ năm 2019 đến năm 2022, VCPMC đứng thứ nhất trên toàn cầu về tốc độ tăng trưởng trong thị phần bản quyền âm nhạc trên nền tảng số. Bên cạnh đó, hiện tiền bản quyền mà các tổ chức quốc tế có hợp tác song phương với VCPMC thu được chuyển về cho tác giả Việt Nam thông qua VCPMC (được thể hiện trong báo cáo hàng năm của VCPMC) đã tăng hơn trong những năm gần đây và được phân phối cho các tác giả theo từng kỳ. Các tác phẩm âm nhạc Việt Nam của tác giả thành viên VCPMC được cấp phép, thu tiền ở 227 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đoàn Việt Nam tại cuộc họp Đại Hội Đồng CISAC toàn cầu tại Seoul Hàn Quốc - 2024

PV: Thời gian qua, một số đơn vị đã đưa ra những lời mời “có cánh” để một số tác giả rút ủy quyền tại VCPMC, tuy nhiên lợi ích thực lại hoàn toàn không đúng thực tế ?

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Theo phản ánh, các đơn vị khi ký với tác giả dưới hình thức hợp đồng ủy quyền quản lý khai thác quyền tác giả đang có nhiều “chiêu trò” gây nhầm lẫn về nội dung cho các tác giả. Đơn cử như nội dung thì hầu hết các hợp đồng thường bao gồm quyền sử dụng, quản lý và cấp phép quyền tác giả, thường ở dạng độc quyền. Điều này dẫn đến việc tác giả không thể thu được tiền bản quyền từ việc sử dụng trực tiếp của đơn vị đó. Đồng thời, khi đơn vị khai thác tác phẩm, họ thường áp đặt các hạn chế đối với việc sử dụng tác phẩm bởi các bên khác (đặc biệt là trên môi trường internet). Điều này có thể làm giảm sút đáng kể tiền bản quyền mà tác giả nhận được.

Hay như thời hạn một số hợp đồng không quy định rõ thời hạn hoặc quy định thời hạn vĩnh viễn hoặc quy định không có thời hạn như trong Hợp đồng chuyển nhượng hay Hợp đồng thuê sáng tác bài hát cũng có nghĩa là vĩnh viễn, kèm theo điều khoản không được chấm dứt trước thời hạn. Điều này có thể dẫn đến hậu quả giống như việc tác giả bán đứt tác phẩm của mình (trong khi đó pháp luật quy định thời hạn bảo hộ tác phẩm âm nhạc là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời).

Đặc biệt, khi tác gỉa đơn phương chấm dứt hợp đồng thì các công ty, đơn vị đó thường không cho phép tác giả làm điều này, và đặt ra các điều khoản phạt và yêu cầu bồi thường thiệt hại rất lớn nếu tác giả muốn chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp tác giả muốn đơn phương chấm dứt, họ thường phải khởi kiện ra tòa. Có nhiều trường hợp tác giả đã phải theo đuổi vụ kiện kéo dài hơn 3 năm, và trong thời gian này, tác phẩm sẽ không thể được khai thác, gây thiệt hại đáng kể cho tác giả.

PV: Vậy quyền lợi thực tế giữa việc ủy quyền cho VCPMC và các đơn vị khác là như thế nào?

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Hiện nay các tác giả ủy quyền cho VCPMC nhận tiền bản quyền hàng quý thông qua tài khoản cá nhân. Mỗi khi chi trả tiền bản quyền, VCPMC cũng gửi mail thông báo kèm bảng kê doanh thu chi tiết tiền bản quyền với đầy đủ các thông tin: Tên tác phẩm; Lĩnh vực thu tiền; Tên tổ chức, cá nhân trả tiền, số hợp đồng/hóa đơn và Số tiền. Nếu ai có bất kỳ thắc mắc nào đều có thể liên hệ trực tiếp VCPMC thì sẽ có một bộ phận chuyên trách để giải đáp.

Còn về “độ chênh”, xin dẫn chứng như ở lĩnh vực online, hiện VCPMC đang thu tiền bản quyền từ hàng trăm nền tảng online, bao gồm các ứng dụng, Website, các mạng xã hội trong nước và quốc tế: Youtube, Facebook, Tiktok, Apple, Spotify… Trong khi đó, các đơn vị khác chỉ thu được tiền bản quyền ở một vài nền tảng online. Hay như về cơ chế giám sát, tư cách pháp lý, VCPMC luôn có báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý nhà nước và CISAC về thu tiền bản quyền, phân phối tiền bản quyền cho tác giả thành viên. Đảm bảo công khai, minh bạch. Tỷ lệ hành chính phí cụ thể VCPMC trích lại từ 5 đến 25%, tác giả được hưởng  từ 75 đến 95% tủy từng lĩnh vực. Trong thời gian tới, VCPMC sẽ giảm dần tỷ lệ trích lại hành chính phí để có thể tối đa quyền lợi cho tác giả.

Còn với các đơn vị, công ty khác, về cơ chế kiểm tra giám sát theo như quy định riêng của từng đơn vị và họ hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Theo đó, có đơn vị đưa ra tỷ lệ hợp tác: công ty 50%, tác giả được hưởng 50% hoặc công ty 30%, tác giả được hưởng 70% (tùy thỏa thuận của từng đơn vị)…

Với những thông tin cung cấp trên, VCPMC tin rằng tác giả sẽ có những nhận định đúng đắn và đưa ra quyết định sáng suốt để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

 

Xin trân trọng cảm ông!

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share