1. Ẩn sinh và hiện thể
Ẩn sinh (隱生集) là một tuyển tập âm nhạc chủ yếu được sáng tác, biểu diễn bởi nghệ sĩ Isabbell Hsing (邢筱寬), người Đài Loan. Tuyển tập gồm 8 tác phẩm, trong đó có 7 tác phẩm do chính Isabbelle sáng tác, biểu diễn và 1 tác phẩm (Chuyển trần) của nhà soạn nhạc Liu Yu Yun.
Isabbelle Hsing - Hình Hiểu Khoan vốn là một cư sĩ, nghệ sĩ đàn tranh, từng được thiền sư Thánh Nghiêm nhận làm đệ tử ở chùa Pháp Cổ Sơn, một trong ba đạo tràng lớn, nổi tiếng nhất Đài Loan. Isabbelle có nhiều năm sinh sống, làm việc tại Indonesia, Việt Nam. Là một nghệ sĩ, cư sĩ sống trong tu hành và tu hành trong cuộc sống, Isabbelle vân du khắp các thánh địa Phật giáo trên thế giới. Nhờ xê dịch, không ngừng mở rộng kiến văn, cộng với quá trình tu tập, hướng nội khiến cho tác phẩm âm nhạc của Isabbelle Hsing phong phú về chất liệu, đồng thời vẫn giữ được vẻ thuần khiết của một cư sĩ thiên về đời sống nội tâm, đúng như tên gọi của tuyển tập Ẩn sinh (Sống ẩn) phản ánh.
Isabbelle Hsing trong Lời bạt, viết: “Nhiều năm bôn ba xứ lạ, đối diện với sự khác biệt văn hóa, chịu tác động bởi ngôn ngữ, tư tưởng, sau khi gắng gượng ổn định cuộc sống, dệt mộng đã trở thành thói quen nhằm tìm kiếm niềm vui cho riêng mình… Trong hàng trăm giấc mộng, (tôi) chọn ra tám cảnh mộng có mối liên quan với nhau, vượt qua không gian, thời gian. Đây vốn là niềm vui bất chợt, tưởng tượng dòng thời gian trôi, đùa giỡn với hình ảnh, âm thanh của mình, mặc sức lắp ghép, tái hiện, lắng xuống chiều thời gian, hiện lên một thế giới không có sự chỉ dẫn của tư tưởng, không có sự quấy nhiễu dư thừa, thật an nhiên.”
Tuyển tập Ẩn sinh được nghệ sĩ Isabbelle Hsing ấp ủ, thể nghiệm, lựa chọn, hoàn tất trong khoảng thời gian 5 năm. Giai đoạn căng thẳng nhất của trận đại dịch năm 2021, bản thân cô đã nhiễm Covid, phải tự cách ly tại nước Đức xa xôi, cuối cùng, nhờ sự động viên của bạn bè, đặc biệt là nghệ sĩ đàn tỳ bà nổi tiếng người Đài Loan Vương Thế Vinh, nhà soạn nhạc Liu Yu Yun, Tuyển tập Ẩn sinh đã hiện thể.
Hồi tưởng lại khoảng thời gian chuẩn bị cho Tuyển tập này, Isabbelle Hsing tâm sự: “Trải qua quãng thời gian 5 năm, từ thiết kế ý tưởng cho đến thu âm, tôi không ngừng giày vò bản thân nhằm phục hiện diện mạo âm thanh xuất hiện trong tâm trí, dù thời gian hư hao cũng không cho kỹ xảo mảy may tồn tại. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã ôm đàn tới non cao đất rộng, những nơi thưa thớt bóng người, lặng lẽ quán chiếu tâm cảnh, lắng nghe âm thanh phát ra từ cõi lòng…”
Tuyển tập này chính thức gây ấn tượng mạnh, không chỉ bởi nó đi ra từ những giấc mơ mà còn nằm ở cách thức sáng tạo. Isabbelle Hsing không hề gắng gượng sáng tác, cô chỉ tìm lại những âm thanh đã thất lạc trong miền ký ức. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là trở về bản tâm, lục lọi tìm kiếm những gì đã xảy ra, rồi lắp ghép chúng lại.
Nhà soạn nhạc Liu Yu Yun với vai trò tổng giám đã viết: “Quá trình thu âm diễn ra một cách liền mạch, âm sắc và sự phối hợp của các nhạc cụ hòa quyện, nhịp nhàng, tự nhiên. Những âm thanh này dường như đã ẩn náu trong tâm từ lâu… Tuyển tập này không chỉ là tập hợp tác phẩm mà còn là ấn tượng của những giấc mơ, nó giống như một cuốn sách, góp nhặt hoài niệm mà tác giả đã dùng năm tháng cuộc đời để ghi chép lại”.
2. Tìm lại giấc mơ
Tuyển tập Ẩn sinh tuyển chọn 8 giấc mơ, sắp xếp theo thứ tự gồm:
Giấc mơ thứ nhất: Violet, sắc màu của những giấc mơ
Giấc mơ thứ hai: Một mình
Giấc mơ thứ ba: Nhạc rung Bali
Giấc mơ thứ tư: Tìm đường
Giấc mơ thứ năm: Lung linh que xiên
Giấc mơ thứ sáu: Ở giữa
Giấc mơ thứ bảy: Màu trà
Giấc mơ số tám: Chuyển trần
Hầu hết tác phẩm trong Tuyển tập Ẩn sinh đều được nhà soạn nhạc, nghệ sĩ Đương đại dòng nhạc Thể nghiệm châu Âu sử dụng, đưa vào tác phẩm điện ảnh... Sở dĩ Isabbelle Hsing chọn dòng nhạc Thể nghiệm không chỉ xuất phát bởi sự lựa chọn ngôn ngữ, phương tiện biểu hiện của âm nhạc mà sâu xa hơn là một nhu cầu vượt thoát khỏi những ràng buộc về kỹ pháp, khúc thức, chất liệu âm thanh, cũng như tư duy sáng tác. Trong các tác phẩm âm nhạc Cổ điển, Lãng mạn, Ấn tượng… hệ thống âm thanh hay “hệ từ vựng” dường như được ấn định trong những cao độ ổn định. Bắt đầu từ trào lưu Hậu hiện đại, tư duy sáng tác đã chuyển hướng từ cấu trúc sang giải cấu, từ điệu tính sang phi điệu tính, từ biên chế dàn nhạc ổn định sang xu hướng tái cấu trúc, hấp thu chất liệu đa dạng… đến trào lưu Đương đại, chất liệu âm thanh, tư duy sáng tác mở rộng đến mức phi hạn độ, đặc biệt là dòng nhạc Điện tử, Thể nghiệm. Như chúng ta biết, tác phẩm “4’33 giây” của nhà soạn nhạc John Cage người Mỹ còn phủ định cả chất liệu căn bản của nghệ thuật âm nhạc là âm thanh.
Ở trường phái âm nhạc Đương đại, xuất hiện khá thường xuyên vai trò kiêm nhiệm của người sáng tác và biểu diễn, thậm chí còn có sự phối hợp của kỹ sư âm thanh. Nghệ sĩ Isabbelle Hsing đã hoàn thành tác phẩm của mình trong phần lớn vai trò vừa là người sáng tác, vừa là người biểu diễn. Tất nhiên, điều này cũng chưa có gì mới mẻ. Âm nhạc truyền thống các nền văn hóa trên thế giới đều cộng tồn các vai trò sáng tác, biểu diễn, giáo dục, truyền bá, thưởng thức… vào một cá thể. Nó cho thấy nhiều khía cạnh mang tính phức hợp bên trong thực thể âm thanh. Có điều, trong vai trò sáng tác, Isabbelle chỉ đi theo tiếng gọi của những giấc mơ, trong vai trò biểu diễn, cô tìm kiếm miệt mài những âm thanh đã xuất hiện trong mơ. Đặc biệt hơn nữa, quá trình này hoàn toàn đồng hiện, nghĩa là sáng tác và biểu diễn nhập lại làm một. Thủ pháp ngẫu hứng tại chỗ cũng thị hiện theo phương thức này, chỉ khác ở chỗ, nó không phải là ngẫu hứng thuần túy, mà là tái hiện miền ký ức âm thanh khuất nẻo trong mơ. Khán thính giả, những người tiếp xúc tác phẩm không thể can dự vào giấc mơ của tác giả, cũng không biết mộng cảnh thế nào, chỉ biết rằng, sau khi khách thể hóa chủ thể thẩm mỹ, tác phẩm âm nhạc đã hiện ra với thế giới âm thanh đầy biến ảo, huyễn mộng, kỳ diệu.
(1) Giấc mơ thứ nhất: Violet, sắc màu của những giấc mơ
Tác phẩm này chiếm thời lượng 7’31với hình ảnh đa chiều, đan xen, chồng lên nhau. Giấc mơ hiện lên qua “tấm choàng màu violet tím nhạt phủ từng lớp giăng giăng trong ánh sáng dịu, thuần khiết, thanh tịnh, không ô nhiễm. Những sợi tơ trắng ngần như áo lông vũ phủ lên mình, cảm giác không trọng lượng… chơi vơi, nhẹ tênh như dòng suối giữa hang trống… cảm giác bình yên, an nhiên, như thai nhi trong bụng mẹ được ôm ấp bởi tình yêu”.
(2) Giấc mơ thứ hai: Một mình
“Mình khoác áo dài lông trắng đứng trên mũi thuyền nhẹ như tàu lá… chầm chậm trôi về phía trước, vượt qua mặt nước lặng sóng như gương…không nghe thấy một tiếng động nhỏ, lặng lẽ, bình yên… Tôi vẫn đứng, buông tay an nhiên, giống như quán sát… rồi từ từ nhắm mắt “nhìn” thấy “không” và thở sâu.”
(3) Giấc mơ thứ ba: Nhạc rung Bali
Những âm thanh thánh thót, chuyển động nhịp nhàng của nhạc Gamelan, vừa như không có điệu tính, vừa rất đỗi dịu êm. “Nhân gian dường như chẳng có cảnh này. Tiên và người nơi đầu mây xa ngóng nhau.”
(4) Giấc mơ thứ tư: Tìm đường
“Bay lên… Bay lên
Trời trong sáng
Vô biên vô tận…
Chẳng thấy bóng dáng ngôi nhà người đi săn
Cũng chẳng có sao Bắc đẩu chỉ lối đưa đường
Đâu mới là nơi cần đến
Ai nói với tôi đây?
Bỗng
Xa xa bồng bềnh những áng mây trắng
Ánh sáng dịu dàng chiếu qua kẽ mây
Nơi đó phải chăng là bến bờ nương tựa của những linh hồn?”
(5) Giấc mơ thứ năm: Lung linh que xiên
“Tiếng nhạc lung linh, từ trời vọng xuống
Tinh tang… tinh tang
Tiếng đàn tranh và đàn harp ngân nga
Tiên nhạc hòa quyện
Chỉ có giọng thiên nữ nhẹ và đẹp du dương…”
(6) Giấc mơ thứ sáu: Ở giữa
“Gió thổi, cây rung, chim bay ngang
Trời
Một màu xanh rất nhạt rất nhạt…
Một bầu trời hiện lên trên mặt nước
Giữa hai bầu trời
Gió thổi, cây rung, chim bay
Chẳng hề lay động
Ở giữa…”
(7) Giấc mơ thứ bảy: Màu trà
“Pha tách trà
Khói nhẹ bay…
Lặng lẽ - Cảnh trong gương đâu ra
An định - Vị thiền từ tâm ra
Chớp mắt - Một lá đổi sắc mới
Mùi hương phảng phất trong nước trà thổn thức”
(8) Giấc mơ thứ tám: Chuyển trần
“Sao đêm đầy trời sáng lấp lánh
Nguyệt Nga ngoảnh đầu cười khúc khích…
Mặt mày hữu tình duyên chúng sinh
Ngẩng nhìn trăng sao chưa hết sáng”
Cả 8 tác phẩm đều đi ra từ những giấc mơ, thực hư, ẩn hiện qua ngôn ngữ âm thanh mà đàn tranh đóng vai trò người kể chuyện, cũng là nhân vật chính. Các nhạc cụ khác, như đàn tỳ bà, trống tabla, sáo bansuri, đàn violon, cello, trống sắc không, chuông chùa, chuông gió… đan xen tạo nên tính chất đa tầng, đa chiều quyện vào nhau.
Đối với nghệ sĩ, tự do vừa là niềm tin, vừa là mệnh lệnh. Khi tác phẩm được sáng tạo trên hành trình tìm lại giấc mơ, nghệ sĩ giống như người được dẫn đường chỉ lối trong bóng tối hư vô. Tất cả nhờ vào sự kỳ diệu của duyên và nghiệp, duyên hạnh ngộ và nghiệp tạo tác, từ đó, tác phẩm hiển thị qua bức màn âm thanh nhiệm mầu.
3. Tỉnh và mộng
Trong quá trình tìm lại giấc mơ, có những tác phẩm, như Giấc mơ thứ hai mang tên “Một mình”, tác giả đã nhốt mình trong phòng thu, miệt mài tìm kiếm, tái hiện âm thanh trong mơ, sau 8 giờ đồng hồ mới hoàn thành. Trong trạng thái xúc cảm thăng hoa, nghệ sĩ ngẫu hứng một lần duy nhất để hoàn thành tác phẩm. Tác phẩm này đặt ở vị trí số 2 trong Tuyển tập, đồng thời cũng là tác phẩm cuối cùng thu xong lúc hơn 2 giờ sáng, sau khi hoàn thành, Isabbelle Hsing như tỉnh cơn giấc mộng và đã thốt lên, “thật ơn đời”.
Nghệ sĩ Isabbelle Hsing tâm sự: “Tuyển tập hình thành từ những giấc mơ là một ý tưởng bất ngờ trong cuộc đời. Nhờ bạn bè động viên, nên tôi đã chia sẻ giấc mơ… Nói một cách nghiêm túc, Tuyển tập này không viết cho đàn tranh, chẳng qua mượn âm nhạc để tái hiện cảnh mộng, thật kỳ diệu là đàn tranh đã thị hiện nhiều lần trong giấc mơ của tôi.”
Nhớ giai thoại vua Đường Minh Hoàng sáng tác đại khúc “Nghê thường” cũng đi ra từ một giấc mơ. Có những lúc thiết triều, ông vua phong lưu bậc nhất trong lịch sử các vương triều Trung Hoa thủ sẵn một cây sáo ngọc dò tìm âm thanh xuất hiện trong mơ. Tác phẩm “Nghê thường vũ y khúc” đã biến mất khỏi không gian văn hóa, thời gian lịch sử. Lạc cảnh “Chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian. Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần” xuất hiện trong tác phẩm Thiên thai của nhạc sĩ Văn Cao từng hoài niệm về nhạc khúc này. Sự mất mát của nó khiến người đời cứ phải ngẩn ngư đi tìm một dĩ vãng đã xa! Còn Tuyển tập Ẩn sinh của Isabbele Hsing đã được thu âm, phát hành với một ê kíp gồm tổng giám, thu âm, mixer Yu-yun Liu, cố vấn, chụp hình Huntz Yen, phiên dịch văn bản Daniel Yu, thiết kế mỹ thuật Yen-Tsen Chen, các nghệ sĩ tham gia hợp tác có Yi-Ru Lin, Toshihiro Wakaike, Shyan, Chu-Ju Ko, Chang Hung Chang, Công ty Muway Digital Studio, Liuyuyun Music Studio chế tác.
4. Mơ về mùa xuân
Mơ mộng vốn là viễn tượng con người không ngừng thêu dệt trong cuộc đời. Có người mơ cả lúc tỉnh lẫn lúc ngủ. Trang Chu từng nói: “Đời người như giấc mộng lớn”. Suốt bao nhiêu năm qua, con người vẫn không ngừng mơ mộng. Giấc mộng nào rồi cũng qua, tất nhiên không phải ai cũng tỉnh sau mỗi giấc mộng. Vốn là tín đồ Phật giáo, nghệ sĩ, cư sĩ Isabbelle Hsing thấu hiểu chân lý “Các pháp đều vô thường”, đồng thời theo đuổi mục đích giải thoát tối thượng. Những tác phẩm đi ra từ giấc mộng, cho thấy mối liên quan mật thiết giữa duyên và nghiệp của chính tác giả. Sợi dây vô hình ấy đã buộc lấy cô, bằng hành động trả nghiệp, hoàn duyên, Isabbelle Hsing gỡ bỏ từng nút thắt thông qua tác phẩm để nhẹ gánh thênh thang trên con đường trần.
Một mùa xuân mới lại đang đến gần. Nó đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa đất trời, vạn vật như vừa bừng tỉnh sau giấc ngủ mùa đông. Hoa của đất trời ngập tràn trên lối đi, hoa của lòng người nở tràn trên môi cười. Lạc cảnh và tâm cảnh lại thị hiện giữa chốn nhân gian. Bởi, mùa xuân chưa từng lỗi hẹn bao giờ.
Tác giả: Lê Hải Đăng
Đăng ngày 16/01/2023 - 22:38