Nhạc sĩ Phan Thị Thanh Bình sinh năm 1969 tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Trong suốt hành trình sáng tác của mình, chị đã nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen như giải thưởng của Hội Âm nhạc TP.HCM năm 2007 bài hát “Tiếng hát nơi đảo xa”, bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho chùm ca khúc viết về Trường Sa “Tiếng hát nơi đảo xa, Phút tưởng niệm, Tâm tình người lính biển, Bài ca người chiến sĩ hải quân”, giải nhì cuộc thi sáng tác Thăng Long - Hà Nội trong trái tim ta bài hát “Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội”, giải thưởng của Hội Âm nhạc TP.HCM năm 2011 bài hát “Huyền thoại Đồng Lộc”…
Năm 2006, công chúng biết đến chị qua bài hát “Ngọn lửa tuổi 20” viết về nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Trong một lần trả lời phỏng vấn phóng viên chuyên mục “Cửa sổ âm nhạc” của chương trình Ca nhạc theo YCTG về bài hát, nhạc sĩ Thanh Bình đã kể: "Hướng tới ngày 26/3, tôi rất nôn nao. Đã từng là đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, từng tham gia các phong trào cùng với các bạn đoàn viên tình nguyên tham gia các phong trào, đi thăm các trẻ khuyến tật, thăm người già neo đơn…những tháng ngày tuổi trẻ đó rất là vui nên khi bắt gặp những dòng nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm trên báo Tuổi Trẻ, tôi cảm thấy rất xúc động và đi từ xúc động đến khâm phục rồi tự hào cho nên nghĩ là mình phải viết một bài hát để tặng nữ liệt sĩ và cũng để gửi một thông điệp đến các bạn trẻ thanh niên bây giờ là: phải sống cho tốt hơn, sống đẹp hơn và cống hiến nhiều hơn cho đất nước của mình.
Điều ấn tượng nhất khi tôi đọc cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đó chính là tình cảm của chị Đặng Thùy Trâm đối với những người xung quanh. Bài ca thanh niên “Ngọn lửa tuổi 20” tôi viết mang tính chất cộng đồng, muốn để các bạn đoàn viên thanh niên ở mọi miền đất nước khi gặp nhau sẽ hát lên một tiếng hát, một lời nói chung: Chúng ta đến đây từ mọi miền đất nước, cùng nhau chung sức đắp xây ngày mai".
Nhạc sĩ Thanh Bình từng tâm sự “Tôi bắt đầu bài hát của mình bằng câu “Có một người con gái tuổi hai mươi…”. Lời bài hát chính là những gì mà chị đã mang đến cho bản thân tôi, và tôi tin là với nhiều người khác: “Chị đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống, chị đã thắp lên ngọn lửa tuổi hai mươi, chị đã đưa tôi vươn lên bằng khát vọng, dù chông gai vẫn không ngừng vươn tới”. Tôi gửi tặng bài hát này cho gia đình chị Trâm. Mẹ và em gái chị thích và nói với tôi: “Em đã viết bài hát này bằng trái tim mình, nên bài hát sẽ đến được với nhiều trái tim khác”.
"Ngọn lửa tuổi 20" do Võ Hạ Trâm trình bàyTrong chuyên mục “Bài hát mới của bạn” tháng 7/2006, Ca nhạc theo YCTG đã giới thiệu với thính giả bài hát “Ngọn lửa tuổi 20”. Rất nhanh sau đó chương trình nhận được thư cảm nhận về bài hát của thính giả. Một trong những lá thư gửi về có thư của bạn Trần Thanh Huyền thôn Tân Nẫm, Xã Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình. Bạn Trần Thanh Huyền đã chia sẻ với YCTG: “Sáng nay nghe chương trình, em được nghe thêm một bài hát mới, bài “Ngọn lửa tuổi 20” của nhạc sĩ Thanh Bình. Chị biết không, em đã rất xúc động khi nghe bài hát này, và nó khiến em không thể không cầm bút tâm sự ít dòng cùng chị và các bạn thính giả của Đài.
Cũng như bao người khác em đã không thể giấu được những dòng lệ tuôn trào khi đọc cuốn nhật ký của chị Thùy Trâm và anh Thạc. Chị biết không, trong diễn đàn “Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20” do tỉnh đoàn tổ chức em đã được huyện đoàn chọn đi thi đấy. Và em đã vinh dự biết chừng nào khi được giao đóng vai nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của em chị à.
Hôm nay được nghe bài hát ghi lại những cảm xúc của nhạc sĩ Thanh Bình về cuốn nhật ký của chị Trâm, em lại thấy bùi ngùi. Có lẽ nhạc sĩ Thanh Bình cũng đã rất cảm động trước tinh thần anh dũng của người con gái Hà Thành nên mới viết lên những lời ca hay đến thế. Cùng với giọng hát truyền cảm của ca sĩ và tốp ca, bài hát đã cho ta hình dung về một cô gái kiên cường, hiên ngang chống chọ với kẻ địch để bảo vệ an toàn cho bệnh xá. Máu của chị đã thấm đỏ từng trang nhật ký; thấm sâu vào đất mẹ; vào hòa bình của nhân loại, để cho hôm nay đất nước được yên bình. Có ai trong chúng ta lớn lên giữa thời đại này lại không nghĩ tới những con người như thế. Những con người đã hy sinh xương máu của mình cho sự bình an của dân tộc.
Hơn ai hết tuổi trẻ chúng ta hôm nay hãy là những người tiên phong nối tiếp truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước, để “Tiếp lửa truyền thống” cho tuổi 20 mãi mãi sáng ngời.
Có lẽ nhiều người sẽ không ngăn được những giọt nước mắt nóng hổi của mình khi nghe bài hát này. Bài hát đã làm xúc động lòng người bởi sự lắng đọng, đã góp phần thêm một lần nữa làm sống dậy tinh thần yêu nước; bầu nhiệt huyết cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của tuổi trẻ hôm nay”.
Bạn Trần Thanh Huyền bày tỏ: “Em nghĩ rằng, cho dù có một số bạn trẻ mải chạy theo đời sống hiện đại đến bao nhiêu đi nữa thì những cuốn sách, cuốn nhật ký thời chiến hay những bài ca đằm thắm trữ tình và trầm lắng như “Ngọn lửa tuổi 20” sẽ thức tỉnh họ, giúp họ hiểu đúng mình hơn, hiểu được trách nhiệm của bản thân đối với dân tộc”.
Kết thúc bài cảm nhận của mình, bạn Trần Thanh Huyền viết: “Em cũng là một người có rất nhiều tham vọng, mong muốn được sống và cống hiến hết mình cho xã hội. Khát vọng ấy luôn thường trực, thôi thúc em sống có ý nghĩa hơn để đạt được mục đích ấy, cho dù là nhỏ nhất. Bởi vậy em luôn cố gắng nhiều hơn nữa và chính hai tác phẩm “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và “Mãi mãi tuổi 20” đã giúp em có thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Em cứ nhớ mãi một câu trong cuốn nhật ký của chị Trâm: Ai đứng vững trong nước sôi lửa đỏ, người đó sẽ là người chiến thắng”.
(Nguồn: https://vov.vn/)