Nguyên Nhung
(1933 – 2009)
Chuyên ngành sáng tác
Tên khai sinh của ông là Nguyễn Bá Nhung, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1933; quê ở xã Quảng Hòa, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông là nhạc sĩ quân đội, hàm Đại tá, công tác tại Phòng Văn nghệ quân đội. Đã mất năm 2009.
Vào bộ đội năm 1950 ở Đội Văn nghệ Trung đoàn 18, sau đó chuyển sang hoạt động trên đất Lào và Campuchia. Năm 1955, thành lập Văn công Sư đoàn, được tuyển về đây làm diễn viên, nhạc công. Năm 1957, ông vào học lớp sáng tác nhạc do chuyên gia giảng dạy tại Hà Nội. Năm 1960, công tác tại Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị, lúc này bài hát Tiếng đàn môi của ông đã gây ấn tượng trong công chúng. Năm 1963, học tại Nhạc viện Hà Nội.
Những năm 1968-1969, ông được quân đội điều vào phục vụ tuyến lửa Quân khu 4. Đây là thời kỳ thai nghén để ông viết ra Bài ca cánh võng nổi tiếng. Từ năm 1970 ông trở lại Hà Nội và sáng tác nghệ thuật tại Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị.
Những tác phẩm hợp xướng: Mặt trời chiếu sáng vùng Tây Bắc (5 chương), Cờ chiến thắng (7 chương), Giải phóng (7 chương). Liên khúc Thành Vinh ra trận (7 bài), Khe Sanh (7 bài), Sông Gianh (4 bài), Đêm Gio Cam, Quảng Bình ngày mới, Đây là Tổ quốc tôi… Ông còn viết nhiều tổ khúc giao hưởng, nhiều tác phẩm sân khấu, nhạc cho múa.
Đã xuất bản: tuyển tập bài hát Từ trên đỉnh núi, tuyển tập bài hát Bài ca cánh võng, trong đó có Chim yến bay (thơ Lê Thị Mây). Bài Cờ ba nhất phấp phới bay – Giải Nhất cuộc thi ca khúc năm 1961, Khúc nhạc tưởng niệm được Nhà nước chọn làm khúc nhạc tưởng niệm chính thức năm 1971 (cùng với Lưu Hữu Phước và Đỗ Nhuận).