Ca khúc 'Eleanor Rigby': Minh triết về tuổi già của Paul McCartney

07:00 AM, Thứ tư, 07/08/2024
927

Tác giả: Thư Vĩ (Tổng hợp)

 

Eleanor Rigby là một trong những sự thay đổi triệt để nhất của The Beatles, cả về mặt âm nhạc lẫn cảm xúc. Paul McCartney mới chỉ 23 tuổi khi vẽ nên bức chân dung đầy đồng cảm về tuổi già chết đi không được ai nhớ tới này. Sự thấm thía này hóa ra thật sự tới từ một nơi minh triết.

 

1. McCartney đã loay hoay với câu chuyện cho đến khi bắt gặp hình ảnh "nhặt gạo trong nhà thờ nơi mới tổ chức đám cưới" (Ném gạo là tục lệ truyền thống của người Cơ đốc trong đám cưới, với mong ước về sự sinh sôi nảy nở và sung túc cho đôi vợ chồng mới). Như ông nói: "Thế là, nó trở thành ca khúc về những người cô đơn".

 

"Tôi không nghĩ chúng tôi từng cố gắng thiết lập xu hướng. Chúng tôi chỉ cố gắng tiếp tục tiến về phía trước và làm điều gì đó khác biệt". Câu nói này của Paul McCartney vào năm 1966 tiêu biểu cho thái độ kiên định "tiến về phía trước" - rồi sẽ trở thành tín điều của The Beatles - đặc biệt là từ năm đó trở đi.

 

Mặc dù dường như mọi bước đi mà The Beatles thực hiện trong âm nhạc thực sự đã trở thành "xu hướng" mới. Không ít người bắt chước họ khi muốn ghi dấu ấn trên các BXH. Tuy nhiên, với The Beatles, mục tiêu của họ chỉ đơn giản là đổi mới.

 

Ca khúc 'Eleanor Rigby': Minh triết về tuổi già của Paul McCartney - Ảnh 1.

“Eleanor Rigby” nằm trong số những ca khúc tranh cãi về tác quyền giữa Paul McCartney (trái) và John Lennon

 

Vô tình, họ đã vượt lên dẫn đầu bằng bước tiến trước đó với Yesterday, với tứ tấu đàn dây làm nền cho giọng solo và tiếng guitar acoustic của McCartney. Trong khi các đối thủ còn đang loay hoay bắt chước, họ đã có bước đi mới khiến dân tình há hốc miệng kinh ngạc. Đó là Eleanor Rigby.

 

Trong Eleanor Rigby, McCartney cùng nhà sản xuất George Martin chỉ dùng hai tứ tấu đàn dây. Các thành viên nhóm đều không tham gia chơi nhạc cụ. Như thế, Eleanor Rigby đã xuất hiện như một nét vẽ bậc thầy, cho thấy The Beatles vượt xa những người cùng thời của mình như thế nào.

 

Về mặt sáng tác, câu chuyện ban đầu khá đơn giản. Theo cuốn tiểu sử Paul McCartney: Many Years from Now (1997) của Barry Miles, McCartney bắt đầu viết ca khúc trong "phòng nhạc nhỏ"  ở số 57 phố Wimpole, London, nơi ông ở với bạn gái lúc bấy giờ là Jane Asher.

 

"Tôi nảy ra ca khúc khi đang ngồi bên đàn dương cầm" - McCartney nhớ lại - "Một vài khuông nhạc đầu tiên đến với tôi, và tôi nghĩ đến cái tên này trong đầu - Daisy Hawkins, bà nhặt gạo trong nhà thờ nơi mới tổ chức đám cưới… Những lời đó cứ tuôn ra như dòng ý thức, nhưng rồi chúng bắt đầu thiết lập giai điệu chung. Bởi vì sau đó ta bắt đầu tự hỏi: Đây là ý gì?"

 

"Đó là một điều kỳ lạ: hầu hết mọi người đều bỏ gạo lại, trừ khi bà là người dọn dẹp. Vì vậy, có khả năng bà là người dọn dẹp trong nhà thờ, hay có điều gì đó sâu sắc hơn thế? Bà có thể là một bà cô cô đơn nào đó trong giáo xứ, sẽ không bao giờ được tổ chức đám cưới, và đó là điều tôi đã chọn. Vì vậy, nó đã trở thành một ca khúc về những người cô đơn" - McCartney nói.

 

Câu hỏi là: John Lennon có đóng góp gì trong sáng tác ca khúc này? Câu trả lời là có, nhưng đóng góp bao nhiêu thì vẫn là tranh cãi.

 
 

Ca khúc “Eleanor Rigby” của The Beatles

 

Phía Lennon nói rằng "Eleanor Rigby là con của Paul McCartney nhưng tôi đã giúp nuôi dạy đứa trẻ" và "tôi đã viết nhiều phần ca từ, khoảng 70%". Phía McCartney thì khẳng định Lennon đóng góp "khoảng nửa dòng".

 

Nhưng tranh cãi về tác quyền giữa McCartney và Lennon không phải điều gây tò mò nhất về Eleanor Rigby (một phần bởi nó quá quen thuộc và không có hồi kết). Điều khiến người hâm mộ tò mò hơn cả, và dai đẳng trong hơn nửa thế kỷ, là Eleanor Rigby thật sự là ai? Và làm thế nào, McCartney 23 tuổi lại có được sự chiêm nghiệm sâu sắc về nỗi cô đơn tuổi già - những người âm thầm sống, âm thầm nỗ lực mà chẳng ai biết tới - như vậy?

 

"Eleanor Rigby" như một lời nhắc nhở rằng, trên mọi con phố trên thế giới, còn có vô số "người cô đơn", với những câu chuyện tuyệt vời đang chờ được kể.

 

2. Giống như nhiều ca khúc của tứ quái, các câu trả lời luôn có không ít dị bản theo thời gian.

 

Mãi tới năm 2021, Paul McCartney mới trả lời chi tiết về Eleanor Rigby, trong cuốn sách The Lyrics của ông. Có vẻ, cuối cùng thì người hâm mộ đã nhận được câu trả lời thỏa đáng. Nó phức tạp và đáng ngạc nhiên hơn nhiều so với những phỏng đoán trước đó.

 
 

"Loại kem dưỡng lạnh yêu thích của mẹ tôi là Nivea và tôi vẫn thích nó cho đến ngày nay. Đó chính là loại kem mà tôi đã nghĩ đến khi miêu tả khuôn mặt mà Eleanor giữ "trong một cái lọ cạnh cửa". Tôi luôn hơi sợ về việc phụ nữ thường xuyên sử dụng kem dưỡng lạnh" - Đó là cách McCartney bắt đầu kể về Eleanor Rigby.

 

Dù là một trong những bản nhạc buồn nhất của The Beatles, nhưng trên thực tế, nhiều hình ảnh lại xuất phát từ những ký ức tuổi thơ êm đềm. "Khi lớn lên" - McCartney kể tiếp - "Tôi quen biết rất nhiều cụ bà - một phần qua cái được gọi là Tuần lễ Bob-a-Job, nơi các hướng đạo sinh làm việc vặt để kiếm một đồng shilling (đồng tiền Anh - PV). Ta sẽ nhận được một shilling khi dọn dẹp nhà kho hoặc cắt cỏ. Tôi muốn viết một ca khúc có thể kể về điều này".

 

Ca khúc 'Eleanor Rigby': Minh triết về tuổi già của Paul McCartney - Ảnh 4.

Tượng “Eleanor Rigby” trên phố Stanley ở Liverpool như món quà tri ân của nhà điêu khắc Tommy Steele với The Beatles. Tấm biển trên bức tượng gửi tới “Tất cả những người cô đơn”

 

"Tôi không xấu hổ khi đi quanh và hỏi xem có cụ nào cần tôi đưa tới bác sĩ hoặc giúp các bà cụ qua đường. Tôi thấm nhuần rằng đó là việc tốt" - ông nhớ lại. Và chính qua hoạt động hướng đạo sinh này, McCartney đã gặp Eleanor Rigby ngoài đời thực, một nhân vật dựa trên "một cụ bà mà tôi rất thân thiết".

 

"Tôi thậm chí còn không biết lần đầu tiên tôi gặp "Eleanor Rigby" như thế nào, nhưng tôi đã đi vòng quanh nhà bà, không chỉ một đôi lần. Tôi phát hiện ra bà sống một mình. Vì vậy, tôi sẽ đi quanh đó và trò chuyện. Thật điên rồ nếu nghĩ đó là một thiếu niên Liverpool. Sau đó, tôi sẽ đề nghị đi mua sắm hộ bà. Bà sẽ đưa cho tôi một danh sách và tôi sẽ mang đồ về, rồi chúng tôi sẽ ngồi trong bếp nhà bà" - ông kể.

 

"Tôi vẫn còn nhớ rất rõ căn bếp vì bà có một chiếc radio pha lê nhỏ" - ông tiếp tục - "Đó không phải là kiểu tên thương hiệu; thực sự có pha lê bên trong nó. Đài pha lê khá phổ biến vào những năm 1920 và 1930. Thế nên, tôi đã đến thăm và nghe những câu chuyện của bà đã làm tâm hồn tôi phong phú hơn và ảnh hưởng đến những ca khúc tôi viết sau này".

 

Một thập kỷ sau, khi ngồi viết Eleanor Rigby, McCartney đã nhớ lại những cuộc trò chuyện đó, về sự cô lập tuyệt đối - nỗi cô đơn không thể chịu đựng được của người phụ nữ tự lực cánh sinh.

 

Ngoài đời, tên thật của "Eleanor Rigby" có lẽ là Daisy Hawkins. Cái tên "Eleanor Rigby" được McCartney nhìn thấy trên một bia mộ ở  nghĩa địa nhà thờ Thánh Peter ở Liverpool - "nơi John Lennon và tôi chắc chắn đã đi lang thang khắp nơi, không ngừng nói về tương lai của chúng tôi. Tôi không nhớ đã nhìn thấy ngôi mộ ở đó, nhưng tôi cho rằng có thể tôi đã ghi nhớ nó trong tiềm thức".

 

 

Điều thú vị là, chính tại sân nhà thờ này, McCartney đã được giới thiệu với John Lennon lần đầu tiên: "Trở lại mùa Hè năm 1957, Ivan Vaughan (một người bạn cùng trường) và tôi đã cùng nhau đến dự Lễ hội Làng Woolton tại nhà thờ, và cậu ấy đã giới thiệu cho tôi người bạn của mình John, người đang chơi trong ban nhạc The Quarry Men của cậu".

 

Như vậy, sau hơn nửa thế kỷ, người hâm mộ The Beatles cuối cùng cũng thật sự biết Eleanor Rigby là ai: một cụ bà sống trên một con phố yên tĩnh ở Liverpool và đã lấp đầy trí tưởng tượng của Paul McCartney bằng những câu chuyện thời trẻ của bà.

 

Thế giới có rất nhiều Eleanor Rigby và mọi người hẳn đều đã gặp họ. Có lẽ đó là lý do tại sao ca khúc của McCartney lại nổi bật như một trong những ca khúc thấm thía nhất trong danh mục nhạc của The Beatles. Nó như một lời nhắc nhở rằng, trên mọi con phố trên thế giới, còn có vô số "người cô đơn", với những câu chuyện tuyệt vời đang chờ được kể. Và Paul McCartney đã đủ khôn ngoan để lắng nghe.

 

Phá vỡ các quy ước âm nhạc phổ biến đương thời

 

Eleanor Rigby được phát hành dưới dạng đĩa đơn của album Revolver (1966). Ca khúc thể hiện sự chuyển mình của The Beatles từ một nhóm thiên về rock and roll và pop sang trải nghiệm và chuyên nghiệp hơn. Nó phá vỡ hoàn toàn các quy ước âm nhạc phổ biến khi đó, cả về âm nhạc và ca từ, gây sốc khá lớn cho khán giả.

 

Với McCartney, ca khúc thật sự là bước đột phá trong sự nghiệp sáng tác của ông, đưa "Tôi trở thành một nhạc sĩ nghiêm túc hơn, chứ không phải nhạc sĩ pop nữa".

 

Khi mới ra mắt, Eleanor Rigby đã đứng đầu ở nhiều quốc gia. Theo thời gian, ca khúc ngày một có ảnh hưởng lớn không chỉ về âm nhạc mà còn về mặt xã hội, là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà xã hội học. Trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling StoneEleanor Rigby được xếp thứ 243.

 

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều