Nhiều bà vợ của một nhạc sĩ "xông" đến đòi tiền bản quyền âm nhạc
Chia sẻ với Dân Việt, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, cơ chế chi trả tiền bản quyền âm nhạc cho các tác giả thành viên của Trung tâm là theo quý. Mỗi quý, tiền bản quyền sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của từng người, kèm theo mail thông báo và bảng kê doanh thu chi tiết tiền bản quyền với đầy đủ các thông tin: Tên tác phẩm; Lĩnh vực thu tiền; Tên tổ chức, cá nhân trả tiền, số hợp đồng/hóa đơn và Số tiền. Nếu ai có bất kỳ thắc mắc nào đều có thể liên hệ trực tiếp VCPMC thì sẽ có một bộ phận chuyên trách để giải đáp.
VCPMC không dám công khai tên tuổi nhạc sĩ nào nhận được nhiều nhất vì việc này phải xin phép tác giả hoặc người thân của tác giả.
"Chúng tôi đã từng rất đau đầu khi giải quyết việc thừa kế tiền bản quyền của tác giả. Một nhạc sĩ có tới 3 – 4 bà vợ cho nên khi vừa công bố tiền bản quyền của tác giả xong các bà vợ lao đến hỏi ngay.
Có một nhạc sĩ, lúc còn sống thì người vợ sống cùng ông được nhận tiền bản quyền của ông để nuôi các con. Nhưng khi ông vừa qua đời cái là hai bà vợ cũ cũng xông tới đòi quyền lợi cho các con của mình. Tôi đã phải bảo bộ phận pháp chế và tài chính ngưng việc chi trả tiền bản quyền theo hình thức cũ để chờ quyết định của tòa án trong việc phân chia quyền thừa kế đối với các con của vị nhạc sĩ đó.
Tuy nhiên, khổ nỗi, các con của bà vợ hiện tại đang rất bé và trông chờ hết vào tiền bản quyền, nếu không chi cho họ thì con họ sẽ thất học. Vì thế mà chúng tôi đành phải "tương kế tựu kế" để giải quyết mọi việc cho êm thấm nhưng mỗi lần đối diện với chuyện này chúng tôi rất đau đầu".
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, năm 2023, VCPMC đã thu tổng tiền bản quyền (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là hơn 344 tỷ đồng. VCPMC đã phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả hơn 305 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2022. Trước đó, năm 2021, VCPMC đạt được con số 160 tỷ đồng. Nếu so với con số 78 triệu đồng của năm đầu thành lập VCPMC thì đây quả là một bước tiến cực kỳ lớn.
Thông thường, VCPMC sẽ trích lại từ 5 đến 25% tổng số tiền bản quyền thu được để làm hành chính phí, tác giả sẽ được hưởng từ 75% đến 95% tùy từng lĩnh vực. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tỉ lệ phần trăm chia sẻ ở các đơn vị khác sẽ thường giao động từ 30% đến 50%. Tức là đơn vị được ủy quyền khai thác bản quyền tác phẩm âm nhạc hoặc bản ghi âm – ghi hình sẽ được hưởng 30% đến 50%; tác giả được hưởng từ 50% đến 70%.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn trong top nhạc sĩ nhận tiền bản quyền âm nhạc cao nhất
Các báo cáo của VCPMC cho thấy, năm 2016, top 5 tác giả nhận tiền bản quyền âm nhạc cao nhất thuộc về các nhạc sĩ/người được ủy quyền: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với 682 triệu đồng; nhạc sĩ Thanh Sơn (Lê Văn Thiện) 600 triệu đồng; nhạc sĩ Khánh Đơn 480 triệu đồng; nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận 416 triệu đồng và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là 378 triệu đồng.
Năm 2019, 5 giả nhận tiền bản quyền âm nhạc cao nhất thuộc về: nhạc sĩ Khánh Đơn, Nguyễn Ngọc Thiện, Thanh Sơn, Nguyễn Văn Chung, Thái Thịnh. Các nhạc sĩ nằm trong top 5 này có mức thu nhập từ 200 đến 700 triệu đồng/quý (3 tháng).
Trong nhiều năm liền, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn có mặt trong top 10 nhạc sĩ có tiền bản quyền âm nhạc cao nhất. Điều này chứng tỏ âm nhạc của ông vẫn rất được ưa chuộng và có sự lan tỏa trong đời sống. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ với Dân Việt rằng, tiền bản quyền âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hiện nay do đại diện gia đình là vợ chồng bà Trịnh Vĩnh Trinh (em gái) – ông Nguyễn Trung Trực (em rể) nhận. Có thời điểm, VCPMC sao kê các khoản thu để gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đối soát nhưng vì quá nhiều và cũng tin tưởng hoàn toàn VCPMC nên không đối soát cụ thể.
Tiền bản quyền âm nhạc giúp nhạc sĩ và gia đình thay đổi cuộc sống
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng là một trong những nhạc sĩ nhận tiền bản quyền âm nhạc cao nhất trong năm 2021. Theo đó, nếu vào năm 2006, số tiền bản quyền âm nhạc anh nhận được chỉ hơn 9 triệu đồng thì năm 2020, tổng số tiền thu được đã hơn 1,2 tỷ đồng; năm 2021 là khoảng 1,2 - 1,4 tỷ đồng; năm 2022 là khoảng 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Số tiền này minh chứng cho sức sống và độ lan tỏa của các tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Văn Chung. Đồng thời cũng hé lộ rằng, việc nhạc sĩ ngày nay, sống tốt và sống khỏe nhờ tiền bản quyền âm nhạc là có thật.
"Tiền bản quyền âm nhạc vẫn là nguồn thu ổn định nhất, là thu nhập thụ động của tôi. Dù không làm gì thì tôi cũng có nguồn thu nhập đó. Tiền này đến từ việc những quán cà phê, quán karaoke sử dụng nhạc của tôi, hay là ca sĩ nào đó cover, hoặc đơn vị tổ chức sản xuất biểu diễn sử dụng bài hát của tôi trong chương trình. Ngoài ra, tôi còn có thu nhập chủ động từ việc sản xuất album, chương trình, viết bài hát cho nhãn hàng...", Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Trong khi đó, con cả của cố nhạc sĩ Châu Kỳ cũng tiết lộ rằng, khi cha anh mất đã để lại khoảng 400 nhạc phẩm. Ngày trước, trung bình mỗi quý gia đình anh nhận được khoảng 30 - 40 triệu đồng/quý tiền bản quyền âm nhạc. Khoảng 1-2 năm nay, con số này tăng vọt, hiện tại cao nhất khoảng 800 - 900 triệu đồng/quý.
Con trai cả của cố nhạc sĩ Châu Kỳ giải thích, trước đây nguồn thu tiền bản quyền từ các đêm nhạc, chương trình phát sóng... vốn không nhiều; sau này tăng vọt nhờ thêm nguồn từ các ứng dụng và nền tảng trực tuyến. Vì vậy, mỗi người con của nhạc sĩ Châu Kỳ nhận hơn 200 triệu đồng/quý, tương đương hơn 70 triệu đồng/tháng.
"Đây là chuyện không ai ngờ. Khi thấy mẹ lĩnh 30 - 40 triệu đồng/quý, chúng tôi đều thấy quá nhiều, nghĩ bụng sau này có thêm vài triệu đồng mỗi tháng đã tốt, không tưởng tượng bây giờ lại cao đến vậy", con của nhạc sĩ Châu Kỳ bộc bạch.
Theo báo cáo của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới - CISAC năm 2023, từ năm 2019 - 2022, VCPMC là đơn vị đứng thứ 1 thế giới về tốc độ tăng trưởng trong thị phần bản quyền âm nhạc trên nền tảng số. Trong 20 năm hoạt động, VCPMC thu được khoảng 1.063 tỷ đồng tiền bản quyền âm nhạc.
(Nguồn: https://danviet.vn/)