CÓ MÙA XUÂN NÀO ĐẸP BẰNG…

07:00 AM, Thứ sáu, 07/02/2025
380

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

 

 

Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng
Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân...

Chỉ vài nét chấm phá thế thôi đã đủ gợi ra không khí xuân và những xốn xang đầu mùa, để rồi cảm xúc xuân hòa vào nỗi nhớ thương quê hương và những người thân yêu - vợ chồng, mẹ cha, con nhỏ… Lời ca mau chóng dẫn dắt từ cảnh xuân thực tại sang ước mơ về “những mùa xuân bóng dáng tương lai”, từ rung cảm đời thường hướng tới những điều lớn lao, từ hình ảnh cụ thể tới hình tượng khái quát. 

Không còn thụ động ngắm đất trời vào xuân, mà chính ta có thể tạo nên mùa xuân, có thể xây đắp những mùa xuân ước vọng cho mình và cho đời. Không còn chỉ dõi theo từng đôi chim bay để thầm gửi lời nhớ nhung tới nửa đất nước ruột thịt, mà ta phải chủ động đi lên xây đời, và chính ta lại là người dẫn đường gọi đàn chim cùng cất cánh về tương lai, về phía ánh sáng rạng rỡ chân trời mới.

Xuân là mùa của đôi lứa - chim vẫn có đôi mà hai miền chia cắt, tình người ngăn cách. Xuân là mùa của màu xanh - màu của áo mới, của mộng đời, của niềm tin. Đối nghịch với xuân là mùa đông - là mây mù, gió mưa, buồn thương… Những ẩn dụ ấy được chắp cánh bởi giai điệu đằm thắm, mượt mà, bay bổng. Không một chút lên gân hô hào, không lời thề đanh thép quyết diệt kẻ thù, cũng không một từ nhắc đến thế lực đen tối. Mọi nghịch cảnh gian nan cũng như nỗi đau cùng cực vì chiến tranh chỉ gói gọn vào hình ảnh gió mưa, mây mù…, để đọng lại niềm tin “mùa đông và mây mù sẽ tan” trong câu kết nhẹ nhàng và sâu lắng.

Quá dịu dàng! Quá lãng mạn! Có lẽ vì thế bài hát không được đánh giá đúng mức khi ra đời. Nhà xuất bản Âm nhạc từ chối in và yêu cầu tác giả chỉnh sửa sao cho phù hợp với tình hình cách mạng lúc đó. Thay may Bài ca hy vọng vẫn được nhạc sĩ Văn Ký giữ nguyên gốc, vì sáng tác từng bị chê “không hợp thời” hóa ra lại là một trong những bài hát được yêu thích nhất của mọi thời.

Vì sao ư? Đấy không hẳn là điều bí ẩn, nhưng không phải ai cũng nhận thấy và không phải thời nào cũng biết tận dụng sức mạnh tiềm tàng trong vẻ đẹp của âm nhạc. Bài ca hy vọng là một minh chứng cho sức mạnh chân - thiện - mỹ. Chính vẻ đẹp của giai điệu trữ tình và lời ca lấp lánh niềm tin đã truyền năng lượng và cảm hứng, giúp bao người có đủ nội lực vượt qua những khoảnh khắc kinh hoàng, những gian truân bất hạnh. Nhiều tù nhân chính trị bị tra tấn thể xác và khủng bố tinh thần đã hát về ngày mai tươi sáng mà quên đớn đau, quên cả chuyện sống chết mất còn. Anh thương binh cận kề cái chết vào lúc tuyệt vọng nhất đã níu giữ được sự sống nhờ niềm tin chứa chan trong giai điệu Bài ca hy vọng. Bài hát còn giúp người lính nén nỗi đau mất người thân để lấy lại dũng khí lên đường xung trận, đã tiếp sức cho người tha hương đối mặt với áp lực cuộc sống. Yêu bài hát đã đồng hành trong mọi thành bại buồn vui cuộc đời, có người còn bày tỏ ý nguyện được đưa tiễn bằng “từng đôi chim bay đi” khi trở về cát bụi.

Vẻ đẹp bình dị mà cuốn hút của Bài ca hy vọng hình thành trong sự hòa quyện khéo léo giữa lời và nhạc, giữa những chi tiết tinh tế mang tính học thuật và lối phát triển linh hoạt của dân gian. Có thể thấy sự liên kết hai truyền thống âm nhạc Tây và ta trong mối quan hệ điệu tính - điệu thức. Nhờ nhấn nhá vào những nét đặc trưng nhạc cổ dân tộc mà chuỗi bảy âm trong điệu rê trưởng phương Tây hóa thành phép tổng của thủ pháp lồng vài thang năm âm của điệu thức ngũ cung.

Thêm nữa, bài hát không duy trì tính cân đối vuông vắn của những nhịp đầu, cũng không tái hiện, mà dựa trên nguyên tắc phát triển liên tục. Đoạn trước mang tính tự sự với âm hình tiết tấu chủ đạo nhấn vào các âm cùng cao độ, ứng với các cụm từ “…đôi chim bay đi”, “chim yêu thương tới…”, “…Nam quê hương nhắn…”, “ta đi lên xây…”, “trong hoa thơm có…”. Đoạn sau mở rộng biên độ vươn tới âm khu cao hơn. Dựa trên bước nhảy các quãng 4 và 5 đặc trưng ngũ cung, giai điệu dâng dần lên đỉnh điểm cao trào. Trước đó không câu nhạc nào dừng ở âm chủ, có lẽ âm chính được để dành cho vị trí cao nhất ứng với từ “chiếu” ngân dài trong cường độ mạnh nhất, như tăng thêm độ vững chãi cho niềm tin tỏa sáng.

Giai điệu luôn đổi mới không làm mất đi tính thống nhất của toàn bài là nhờ đoạn sau vẫn bảo lưu đôi nét luyến láy đã có trước đó: “mộng đời” lặp lại nguyên xi nét lướt của “rộn ràng”; “gió mưa buồn thương” họa lại “”chứa chan niềm tin”; còn “màu xanh áo mới” lại mượn cao độ “chim xao xuyến gió”; và cũng từ “xao xuyến gió” mà sinh ra nét nhạc “về tương lai” ở đầu cả hai câu của đoạn sau. Lối tô điểm đậm chất dân ca đó cho phép giai điệu di chuyển tự do hơn, một từ uốn lượn trên hai - ba, thậm chí bốn nốt nhạc. Đặc biệt truyền cảm là từ “sẽ” ngân nga hết nhịp áp chót với cường độ tăng lên rồi giảm dần, làm cho câu kết trở nên mềm mại và lắng đọng tình yêu thương.

Bài ca hy vọng là một trong những dẫn chứng cho “tính khí nhạc trong thanh nhạc” khá hiếm hoi vào những năm 50 thế kỷ trước. Bên cạnh những nốt thêu lướt và những chỉ dẫn sắc thái biểu hiện còn có thể kể đến vai trò dấu lặng. Tuyến giai điệu bị ngắt vụn đem lại cơ hội “điền vào chỗ trống” cho nhạc cụ lên tiếng đối đáp với giọng hát. Ngay từ năm 1958, tác giả còn viết thêm phiên bản giọng la giáng trưởng kèm phần đệm piano, đưa Bài ca hy vọng lên tầm romance (ca khúc nghệ thuật).

Nhờ tiềm ẩn tính khí nhạc, Bài ca hy vọng còn được diễn tấu như nhạc không lời, không chỉ độc tấu nhạc cụ (violon, violoncelle, guitare, flute…), mà cả hòa tấu thính phòng, dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc giao hưởng. Bài hát đã đi vào điện ảnh, làm sống lại cảnh phòng giam nữ tù chính trị trong phim Nguyễn Văn Trỗi (1966) và góp mặt trong nhạc nền phim Đừng đốt (2009).

Chào đời bằng giọng ca kỳ cựu Khánh Vân, Bài ca hy vọng luôn là lựa chọn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng các thế hệ khác nhau: Trung Kiên, Bích Liên, Lê DungQuang ThọThanh Hoa, Lan Anh, Tùng Dương… Được coi là một trong những bài ca hay nhất về mùa xuân, đây cũng là tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Văn Ký - người được phong tặng Giải thưởng Nhà nước (2001) và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2022). 

Bài ca hy vọng được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ bản viết tay của tác giả như một kỷ vật lịch sử - kỷ vật về một giá trị phi vật thể mãi còn xanh thắm cùng những mùa xuân tương lai.

Nghe bài hát tại đây https://www.youtube.com/watch?v=tVqifXRXKLk

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều