Lý luận phê bình âm nhạc trong thời đại kết nối

07:00 AM, Thứ sáu, 04/10/2024
160

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

 

 

Nửa thế kỷ qua, lý luận phê bình âm nhạc, cũng như lý luận phê bình các chuyên ngành văn học nghệ thuật khác, luôn gắn với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, một đất nước đầy thương tích sau nhiều thập niên đấu tranh giành độc lập đã dần hồi phục để được như hôm nay trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Dựa theo từng bước trong hành trình hòa nhập khu vực và quốc tế, có thể chia chặng đường năm thập niên thành hai phần tương đương, mỗi bên chừng 1/4 thế kỷ có ranh giới thời gian là sự chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, cũng là lúc tiếp nhận internet - phương tiện kết nối tuyệt hảo của kỷ nguyên số.

 

Giai đoạn thuộc thế kỷ XX là bước đệm chuẩn bị điều kiện cần cho sự mở rộng kết nối. Một số giới hạn được nới rộng, không ít rào cản được tháo gỡ. Nhiều thay đổi lớn lao trong đời sống xã hội, chính trị tư tưởng và khoa học kỹ thuật kể từ các thời điểm sau:

 

1/ Thống nhất đất nước năm 1975 (xóa bỏ giới hạn địa lý tại vĩ tuyến 17 và “nối vòng tay lớn” trên toàn lãnh thổ);

 

2/ Đổi mới tư duy sau chấm dứt cơ chế bao cấp năm 1986, sau sự tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu đầu thập niên 90 (cải cách đường lối với chính sách mở cửa trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa);

 

3/ Tiếp cận công nghệ thông tin giữa thập niên 90 (Việt Nam chính thức hòa mạng internet toàn cầu cuối năm 1997).

 

Cách mạng công nghệ thông tin được manh nha từ những năm cuối thế kỷ XX. Máy vi tính phổ cập vào đời sống xã hội đã dần dần loại bỏ mọi thao tác thủ công bằng tay để thay thế hoàn toàn bằng máy móc điện tử. Máy chữ mau chóng bị xếp xó vì đã có phần mềm soạn thảo văn bản words tiện ích, chuẩn xác và đẹp hơn nhiều - đây là món quà quý giá cho những người hoạt động âm nhạc chuyên ngành lý luận, nghiên cứu, sưu tầm, phê bình, báo chí, đào tạo, in ấn, xuất bản, lưu trữ... Các lĩnh vực sáng tác, phối khí, biểu diễn, thu âm, sản xuất băng đĩa cũng được hưởng tiện ích to lớn từ công nghệ điện tử với các phần mềm chép nhạc, hòa âm và thu thanh. Sang thập niên đầu thế kỷ XXI, internet bắt đầu lan tỏa với tốc độ chóng mặt đã không ngừng làm mới và nâng cấp các phương tiện tiếp cận, khai thác, xử lý, sáng tạo, xuất bản, quảng bá, thưởng thức và lưu trữ tài sản âm nhạc.

 

Luôn cập nhật và đổi mới là đặc điểm của đời sống âm nhạc thời đại kết nối. Ham mới lạ và dễ tiếp nhận vốn là đặc tính của tuổi trẻ. IT mang lại nhiều lợi thế cho giới trẻ, bởi vậy mà họ được mệnh danh “thế hệ @”. Người già thường khó chấp nhận thay đổi, nhưng họ không thể cứ đứng ngoài cuộc, và khi đã nhập cuộc theo xu thế thời đại rồi thì không ít người có tuổi cũng hoạt động tích cực không kém lớp con cháu trên các trang âm nhạc, blog cá nhân, mạng xã hội… IT kết nối mọi đối tượng từ cộng đồng yêu nhạc đến giới hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, trong đó có lý luận phê bình.

 

Từ nhiều năm này, các thông tin hoạt động và quảng bá lý luận phê bình âm nhạc cùng các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác được đăng tải trên báo điện tử, website chuyên ngành. Chỉ một chi tiết nhỏ nhặt cũng đủ thấy sự thâm nhập của IT vào hoạt động lý luận phê bình: từ lúc nào không nhớ, văn bản tham luận được yêu cầu soạn thảo theo quy định cỡ chữ, font, số chữ - một điều khó tưởng tượng trước đây; chưa kể trình bày tham luận có thể được minh họa trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh, biểu đồ với sự hỗ trợ của phần mềm Powerpoint, nền tảng số Youtube, các file lưu trữ dữ liệu định dạng Mp3, Mp4…; cũng chưa kể mọi liên hệ của ban tổ chức đều thông qua email và hội thảo hoặc tọa đàm nếu cần cũng có thể diễn ra theo hình thức trực tuyến như những năm đại dịch covid.

 

IT tác động mạnh mẽ đến cách sống cách nghĩ của người hoạt động âm nhạc và công chúng, thay đổi phương thức sáng tạo và cảm thụ âm nhạc, từ đó có ảnh hưởng lớn cả về lý luận và thực tiễn hoạt động âm nhạc.

 

Về lý luận, từ nhiều thế kỷ trước dân ta đã tiếp nhận và “Việt hóa” lý thuyết âm nhạc Trung Hoa, đến thế kỷ XX là sự ra đời nền nhạc mới trên cơ sở lý thuyết âm nhạc cổ điển phương Tây (Pháp, Nga, Đông Âu, Mỹ). Sang thế kỷ XXI, sự kết nối toàn cầu thông qua internet đã mở rộng chưa từng thấy cơ hội tiếp cận và tiếp nhận nhiều khái niệm mới mẻ: nhạc hiện đại (modern music), nhạc hậu hiện đại (postmodern music), nhạc đương đại (contemporary music), nhạc thể nghiệm (experimental music), nhạc điện tử (electronic music)... Các khuynh hướng sáng tác phong phú không chỉ ở nhạc chính thống, mà cả trong nhạc giải trí đại chúng với các nhánh: pop, rock, R&B, ballad, jaz, hiphop, rap, acounstic, indie… Gần đây giới bình luận âm nhạc giải trí hay sử dụng những cụm từ: meanstream - chính dòng, indie - độc lập và underground - một mạch ngầm không quảng bá công khai. Hoạt động chủ yếu trên các nền tảng số, loại nhạc không chính thống , không lệ thuộc xu thế thị trường và được sáng tạo hoàn toàn tự do theo sở thích cá nhân lại có lượt xem và nghe trực tuyến đôi khi còn vượt trội các meanstream.

 

Môi trường số đem lại cơ hội học từ xa, củng cố vốn lý thuyết âm nhạc đã du nhập trước đó và tiếp nhận nhiều kiến thức mới mẻ. Sự hỗ trợ tuyệt vời cho người muốn tự học trong trường đời là điểm cộng đáng giá, đặc biệt đối với phê bình âm nhạc là chuyên ngành hiện vẫn chưa có đào tạo bài bản. Cơ sở học thuật cho lý luận phê bình còn được mở rộng theo đà phát triển của các chuyên ngành âm nhạc khác, đáng kể là những đổi thay trong tư duy sáng tạo và quan điểm sáng tác: sự hướng tới tính đa dạng trong âm nhạc dành cho các đối tượng khác nhau và sự bình đẳng trong xu thế chấp nhận khác biệt văn hóa của thời đại toàn cầu; về nghiên cứu sưu tầm: nhìn nhận lại chính sách đối với nhạc cổ, trân trọng di sản dựa trên nguyên tắc song hành của UNESCO là bảo tồn - phát huy và kế thừa - phát triển, gây dựng một ngành mới mẻ trong nghiên cứu nhạc truyền thống là dân tộc nhạc học (ethnomusicology); về đào tạo: không còn đóng khung chỉ theo phương pháp của trường phái Nga như nửa cuối thế kỷ trước; về giáo dục: bắt đầu nhận thấy vai trò của cảm thụ âm nhạc và những bất lợi của việc chỉ nhồi nhét lý thuyết suông…

 

Về thực tiễn, cơn lốc cách mạng công nghệ tác động đời sống âm nhạc càng nhanh càng mạnh thì giới lý luận được hưởng lợi càng nhiều kèm theo rất nhiều bất lợi.

 

Không gian âm nhạc không ngừng rộng mở theo sự chuyển đổi phương tiện thưởng thức âm nhạc - từ radio, TV, cassette, CD, DVD… tới công nghệ IT. Internet phủ sóng mọi hoạt động âm nhạc với sự hiện diện của các gã khổng lồ Microsoft, Apple, Google, Meta; với các hình thức cập nhật qua truyền thông miễn phí: báo điện tử, web, blog, Facebook, Zalo, Instagram, Telegram…; với các kho nhạc vô tận: Youtube, Sportify, Itunes, Soundcloud, Zing Mp3Môi trường hoạt động âm nhạc càng phong phú, việc tiếp cận sản phẩm âm nhạc càng dễ dàng, thì càng nhiều đối tượng để nghiên cứu và khối chuyện để bàn cho các nhà lý luận phê bình.

 

Diễn đàn bình luận âm nhạc cũng lan tỏa theo môi trường số. Thế giới ảo là nơi có thể hưởng thụ sản phẩm âm nhạc không chỉ bằng cách nghe và xem, mà còn dễ dàng khai thác bản nhạc và mọi thông tin liên quan tác phẩm - tác giả - người biểu diễn. Đặc biệt có sự tương tác trực tiếp giữa công chúng với nhạc sĩ và nghệ sĩ. Một môi trường hoạt động mà cách đây không lâu giới nhạc nói chung và người làm lý luận phê bình đâu dám mơ tới. Xa rồi thời độc tôn báo giấy chỉ nhà báo chuyên trách mục âm nhạc hoặc nhạc sĩ chuyên nghiệp mới được đặt bài phê bình. Ngày nay bất kỳ ai cũng có thể bày tỏ cảm nhận của riêng mình và mạng xã hội hóa thành diễn đàn tự phát để người người đóng vai nhà phê bình âm nhạc.

 

Sự mở rộng môi trường âm nhạc và diễn đàn bình luận âm nhạc đòi hỏi giới nhạc, đặc biệt các nhà lý luận phê bình phải đối mặt với nhiều thách thức. Xin nêu vài vấn nạn: 1/hiện trạng mất cân đối giữa nhạc chính thống và nhạc thị trường, giữa nhạc hát và nhạc đàn; 2/sự nhiễu loạn thông tin, loạn chuẩn giá trị âm nhạc; 3/hiện tượng vi phạm bản quyền tác giả.

 

Trước hết cần ghi nhận những tín hiệu đáng mừng của kỷ nguyên số: hiệu quả xã hội hóa các loại nhạc kén khách như nhạc cổ điển hàn lâm, nhạc cổ truyền dân tộc tăng lên rõ rệt; số lượng thể loại nhạc cổ Việt Nam được đưa vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại không ngừng được bổ sung; ngày càng nhiều cuộc thi âm nhạc quốc gia và quốc tế được tổ chức ở Việt Nam và nghệ sĩ Việt Nam có mặt thường xuyên hơn trên sân khấu quốc tế; vài clip ca nhạc đại chúng đã lan truyền được ra thị trường âm nhạc giải trí nước ngoài… Song việc cân đối sự phát triển chung của ngành âm nhạc hiệu quả đến đâu không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực riêng lẻ của mỗi cá nhân hay từng chuyên ngành, mà phụ thuộc rất nhiều vào cái tầm và cái tâm của người quản lý, còn người quản lý làm tốt vai trò của mình hay không lại không thể thiếu vai trò quân sư của lý luận phê bình âm nhạc.

 

Cách làm sản phẩm ca nhạc thời IT thay đổi mạnh mẽ, khắc phục được hình thức nghèo nàn, đơn điệu, ấu trĩ, cứng nhắc trước đây. MV ăn khách hiện nay có chất lượng âm thanh cao và hình ảnh đẹp, không chỉ minh họa đơn thuần. Bài hát trở nên hấp dẫn hơn nhờ được dàn dựng theo kịch bản văn học, có cốt truyện, có nhân vật… Dần dần những thứ phụ trợ thuộc yếu tố “nhìn” vượt trội yếu tố “nghe”, từ đó dễ dẫn đến lẫn lộn giá trị thực của âm nhạc với những thứ ngoài âm nhạc. Nhìn nhận đúng giá trị âm nhạc lúc này rất cần đến sự trợ giúp của chuyên ngành lý luận phê bình.

 

Mạng xã hội đang trở thành yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống. Không cứ bọn trẻ mà cả người không còn trẻ cũng nghiện Facebook và ra sức “nuôi phây”. Cư dân mạng thoải mái bình luận âm nhạc, tiếp cận Idol, lập Fanclub, hùa nhau đẩy thuyền hay ném đá. Hiện có thêm một ứng dụng của Trung Quốc là Tik Tok đang làm mưa làm gió ở Việt Nam. Thỏa sức sáng tạo và chia sẻ video, các tiktoker, facebooker thay nhau nổi lên thu hút sự chú ý của đám đông, tạo nên trào lưu trong lối sống hoặc cách nghĩ. Cư dân mạng phát sốt với hot trend, bắt trend, đu trend... Cứ đua theo phong trào mãi thì thị hiếu âm nhạc của netizen cũng phụ thuộc vào đám đông. Các sản phẩm âm nhạc trên mạng xã hội và nền tảng số đều được đánh giá bằng số lượt truy cập (view). Khi giá trị tác phẩm do số đông quyết định thì càng khó với tới kiệt tác âm nhạc đỉnh cao. Quá nhiều thông tin trái chiều gây ô nhiễm môi trường âm nhạc, dẫn đến lệch lạc thẩm mĩ đại chúng. Thế mới thấy những nỗ lực âm thầm và lẻ tẻ của vài ba nhà lý luận còn xa mới có hiệu quả. Thế mới thấy cách diễn đạt những bài lý luận phê bình âm nhạc sao cho hay cho đủ sức thu hút đông đảo công chúng quả thực rất cần mà quá khó.

 

Bên cạnh nguy cơ loạn chuẩn còn có vấn nạn: đạo nhạc. Nhờ IT, kiểm soát và phát hiện đạo nhạc hay đạo văn trong âm nhạc dễ dàng hơn, nhưng vẫn không hạn chế được sự gia tăng hiện tượng này. Là kho lưu trữ vô tận để khai thác, tìm hiểu, tham khảo, học hỏi…, môi trường số giúp giới nhạc tiết kiệm rất nhiều công sức, tiền của và thời gian. Mặt khác, không đâu dễ nảy sinh thói gian lận như đây: thiếu gì ý tưởng, hình mẫu để sao chép, bắt chước, chôm chỉa sáng tác của người khác làm của mình. Người sáng tạo có nhân cách không cho phép mình lặp lại chính mình, chứ đừng nói đến đạo nhạc đạo văn của người khác. Thiếu cái tôi trong sáng tạo cũng như đạo đức nghề nghiệp, người cầm bút càng khó tự kiểm soát mình khi đời sống âm nhạc bắt đầu tiếp nhận thêm thành quả mới của nền văn minh nhân loại: trí tuệ nhân tạo.

 

Gần đây dư luận xôn xao trước sự xuất hiện mấy ca sĩ ảo có nghệ danh hẳn hoi. Liệu mấy cô nàng con đẻ của trí tuệ nhân tạo và công nghệ thực tế ảo (AR) có thay thế các ca sĩ thực trong làng giải trí? Sau ca sĩ nhạc giải trí chắc hẳn đến lượt các nghệ sĩ nhạc chính thống? Rồi còn chatGPT nữa, công cụ này xem chừng vượt mặt các thư ký, hữu ích hơn mọi trợ lý, thông tỏ hơn mọi cố vấn, chỉ sau vài giây có thể thâu tóm thông tin, giải đáp thắc mắc, đưa ra lời khuyên, hoàn thành bài viết: thơ văn, báo chí, lý luận, nghiên cứu, phê bình… Đó, lại thêm cơ hội gian lận cho kẻ háo danh quen “ăn sẵn”. Chưa kể dữ liệu nạp vào thiếu kiểm định thì kết quả nhận được từ ChatGPT chắc gì đã chuẩn xác. Có người “chơi xỏ” ChatGPT bằng cách đưa ra kết quả sai cho một phép tính đơn giản để bắt bẻ khiến nhà thông thái này vội phủ nhận ngay đáp án đúng và ngoan ngoãn nhận “lỗi thuộc về tôi”. Cứ thế thông tin giả có thể được phát tán trong hiện trạng vốn đang nhiễu loạn giá trị chuẩn mực.

 

Công nghệ IT hỗ trợ nhiều thao tác trong mọi lĩnh vực âm nhạc, nhưng không thể thay thế cảm xúc con người. Ca sĩ siêu thực dù siêu việt đến đâu, có giọng hát được tính toán âm thanh tuyệt đối chuẩn xác mức nào thì vẫn chỉ là máy móc. ChatGPT cũng vậy, dù thông minh uyên bác đến đâu cũng vẫn chỉ là công cụ phục vụ con người, chỉ “sáng tác” dựa trên những dữ liệu có sẵn, chứ không phải từ rung động trái tim. Rốt cuộc, yếu tố con người vẫn quyết định tất cả.

 

Chúng ta có luật sở hữu trí tuệ con người, nhưng chưa có luật sở hữu trí tuệ nhân tạo. Để hoàn thiện luật bảo vệ bản quyền tác giả trong kỷ nguyên số, cũng như hạn chế hiện tượng đạo nhạc và loạn chuẩn, trước hết phải xúc tiến công cuộc chuyển đổi số và gây dựng thư viện điện tử âm nhạc quốc gia. Từ năm 2023, dữ liệu số được coi là tài nguyên quốc gia, đáp ứng mục tiêu hàng đầu: phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Thế còn văn hóa số, chẳng nhẽ lại chưa cấp thiết sao?

 

Không thể để văn hóa tụt lại sau văn minh. Từ đây lần ngược từng bước theo chuỗi tác động dây chuyền như sau: mấu chốt trong xây dựng con người văn hóa trong thế giới văn minh luôn là giáo dục - đào tạo; giáo dục - đào tạo nuôi dưỡng khả năng sáng tạo và tư duy độc lập, có vai trò quyết định trong hình thành bộ lọc tốt và đạo đức nghề nghiệp ở mỗi cá nhân; nhân cách và sức sáng tạo phát triển trong môi trường hướng thiện là nơi mà âm nhạc chiếm vị trí đặc biệt; việc nâng cao thị hiếu âm nhạc đại chúng và chất lượng nghệ thuật âm nhạc chuyên nghiệp lại luôn cần đến lý luận phê bình. Nếu lý luận phê bình được nhìn nhận đúng vai trò, được hỗ trợ đúng lúc đúng mức, được tạo điều kiện lên tiếng, thì chắc chắn sẽ đóng góp rất hiệu quả trong việc tận dụng những lợi thế và hạn chế những bất lợi trong đời sống âm nhạc kỷ nguyên số.

 

Cuối cùng, xin lại nhấn mạnh ý nghĩa “kết nối” trong thời đại kết nối - đặc tính IT, của âm nhạc và của lý luận phê bình âm nhạc. Các nhà lý luận phê bình âm nhạc, cũng như các nhà quản lý, các tổ chức quản lý nhà nước nếu tiếp tục dị ứng với mạng xã hội, không tận dụng mạng xã hội và các nền tảng số thì không bao giờ thực sự hiểu giới trẻ thích gì, muốn gì, người dân phản hồi thế nào trước mọi bất cập trong quản lý và trong sinh hoạt âm nhạc của thời đại kết nối.

 

31-10-2023

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều