Tác giả: Thế Sinh
Giữa náo nhiệt của thủ đô tháng 3-2024, trong muôn sắc màu của buổi trao thưởng Cuộc thi sáng tác “50 năm lực lượng Cảnh sát cơ động Công an nhân dân”, tôi nhận ra anh trong chiếc áo truyền thống dân tộc Ê Đê: nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Y Phôn K’sor.
Lưu trú 3 đến 4 ngày bên cạnh nhau ở nhà khách 10 Nguyễn Quyền, mà tôi cứ dằn vặt mãi vì không kịp hỏi chuyện tác giả của những ca khúc nổi tiếng “Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời”, “Đôi chân trần”, “Chim pí bay về cội nguồn”... Điều tiếc nuối nhất với tôi là, thời sinh viên tôi và đồng liêu từng thực tập ở nơi Y Phôn sinh ra và lớn lên, đi “tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời”. Đó là buôn Seck, xã Dlie Yang (EaH’leo, Đắk Lắk). Đó là tôi cũng từng có một tuần lặn lội theo nghệ sĩ nhân dân Y Moan, người anh nghệ thuật của Y Phôn khi ngược đến thôn Tu Núc, hát phục vụ bà con đồng bào Cơ Tu, xã Cà Dăng, huyện Hiên (cũ), tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nào. Bên núi rừng trầm mịch của Trường Sơn, Y Moan và tôi từng có những phút trải lòng về những kỷ niệm đẹp tại “Một làng Zigan ở Tây Nguyên”, đó chính là buôn Seck và cả những chàng trai yêu ca hát như Y Phôn...
Nhưng, nếu có duyên tất phải có... cơ hội.
Khi khách mời đã rời nhà khách gần hết, tôi mở cửa ra thì gặp... Y Phôn! Buột miệng “Anh một mình lang thang trên đất này à?”, thì anh cười hiền “Có chút việc. Mà mình không một mình đâu. Bạn bè ở đây nhiều lắm”.
Sực nhớ, Y Phôn từng có 3 năm “tu nghiệp” ở Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội ở Thủ đô này. Chàng trai Ê Đê đã thấm với những con đường hoa sữa, con đường sấu rụng, quen mùi đậu phụ non với mắm tôm Bắc hay cả những nhà hàng sang trọng bậc nhất thủ đô từ người hâm mộ mời. Nhưng, sao tôi thấy anh vẫn... lạ. “Y Phôn rành Tây Nguyên chứ không phải Hà Nội. 3 năm ở Hà Nội mà chưa biết đường”, vẫn là lời giải thích của hàng chục năm trước.
Trong câu chuyện bên quán càphê nhỏ ở đường Nguyễn Thượng Hiền, Y Phôn bảo anh thích rừng hơn thích phố. Anh kể rằng, kể từ khi anh xa buôn Seck, anh không còn sáng tác những bài “dễ nghe” như trước, “ám ảnh” như trước. Nhưng, ánh mắt Y Phôn sáng lên khi tôi kể về kỷ niệm của thời sinh viên với quê anh, những Dlie Yang, Ea Sol, Ea Hiao; những kỷ niệm ôm đàn guitar hát trong ánh lửa bập bùng bên suối có Y Moan, Y Jack với đám trai bản. “Mình về buôn Seck rồi, nhà vẫn còn có gần mẫu cà-phê ở đó. Mẹ, Cha “ở” đó, Suối, Rừng “ở” đó...”.
Y Phôn giải thích, anh nói “vẫn còn” vì những cánh rừng mà “cha đi tìm quả ngọt rừng, cho con đỡ đói qua đêm” đã lùi xa bản làng tính hàng ngày đường. Nhưng Y Phôn tin, nguồn cảm hứng từ “Mẹ”, “Cha”, “Rừng”, “Suối” sẽ nối lại cái duyên với những khúc ca gan ruột. Anh muốn tìm lại sự đơn sơ, hay một góc khuất nào đó, những chất liệu giúp anh làm nên “Hoang sơ lời kể khan”, “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Chim phí bay về cội nguồn”, “Tak tà đêm trăng” và “Cô gái trở về một mình”... Y Phôn muốn, tiếng đing put, tiếng goong, âm điệu cồng chiêng sẽ đưa mình về lại khung trời tuổi thơ. Hay nói đúng hơn, anh không còn “một mình lang thang” trên chính mảnh đất quê hương, để “tìm lời ru ngàn đời”.
Y Phôn tâm sự, anh dự định sẽ viết nhiều về dòng ký ức, truyền thống của Tây Nguyên. Dự định sẽ sưu tầm, chế tác các nhạc cụ truyền thống. Dự định sẽ tập hợp những đồng nghiệp cũ cho một dự án làm du lịch bằng chính văn hóa truyền thống... Trong sâu thẳm của khát vọng bùng cháy như tiềm thức về núi lửa cao nguyên, anh muốn viết để giới trẻ thêm yêu Tây Nguyên, đi hát vừa là để quảng bá, giữ gìn vẻ đẹp Tây Nguyên, nuôi nghề chứ không phải chỉ thuần túy kiếm tiền…
“Chim phí bay ngang qua bầu trời/Chim phí vẫn bay về cội nguồn…”, Y Phôn ngân nga và lại kể về những kỷ niệm với người anh, người bạn quá cố Y Moan, những ca sĩ lớp sau như H’Lueng Niê, Brice Liêm, Y Joel Knul... Trong anh, ngọn lửa nghệ thuật và khao khát cháy bỏng ngợi ca đất và người quê hương như đang cháy bùng trở lại.
Chia tay nhau, kết nối zalo, anh rời Hà Nội trước tôi chỉ vài tiếng với lời hẹn gặp lại ở buôn Seck. Có cái gì đó rất xúc cảm khi anh một mình bắt xe ra sân bay Nội Bài, có cái gì đó như ngọn lửa trong tim nhưng vương vấn nỗi buồn trên mắt người nhạc sĩ. Bởi tất cả cũng chỉ là dự định, trong đó cả một game show mang tên Y Phôn K’sor...
Phải chăng như vận vào người, ca khúc “Đôi chân trần” từng lần lượt khiến Trưởng đoàn ca múa nhạc Đắk Nông Mỹ Thanh, Nghệ sĩ nhân dân Y Moan, nhạc sĩ Nguyễn Cường thay nhau khóc ấy bây giờ chuyển sang vào những dự định, làm người nghe phải ứa nước mắt.
Đến lúc này, tôi “muốn quên đi” khoảng không gian mênh mông mà một mình Y Phôn “qua sông, qua núi đồi”, như “con chim lạc baу trên trời cao”, như “con thú hoang lang thang trong rừng sâu”, như “dòng sông khao khát lời”, như “hạt mưa không có lời”... Tôi ước, có ai đó đi chung với Y Phôn trên con đường sắp tới, biến những dự định của người nhạc sĩ tuổi về hưu thành hiện thực, để anh trở lại những tháng ngày “hát giữa mọi người không ngại ngần”...
(Nguồn: https://cadn.com.vn/)