Thầy Đỗ Nhuận của tôi

08:40 PM, Thứ hai, 24/04/2023
361
Nhạc sĩ Doãn Nho trình bày tham luận "Thầy Đỗ Nhuận của tôi" trong hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận

 

Tôi đã tốt nghiệp sáng tác tại Nhạc viện Traicôpxki ở Kiép – thủ đô nước Cộng hòa XHCN Ucraina (trong liên bang Xô viết) năm 1967, nhưng tôi vẫn coi nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người thầy sáng tác thực thụ của tôi. Vì ông truyền cảm hứng cho tôi và dạy tôi những bước đi đầu tiên và cơ bản nhất của một nhạc sĩ quân đội. Những năm 50 thế kỷ trước, tôi chỉ là quản ca của một đại đội, được chính trị viên đại đội động viên viết một ca khúc cổ vũ phong trào thi đua tăng gia sản xuất của đại đội, vậy mà theo sự gợi ý và khích lệ của ông, chỉ một thời gian không dài lắm, tôi đã viết được hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” (1955), “Chiếc khăn rơi” (tức Chiếc khăn Piêu – 1956) và đặc biệt “Tiến bước dưới quân kỳ” (1958)…

 

Bí quyết mà ông gợi mở cho tôi là phải ngấm dân ca với tất cả tâm hồn của mình, cùng với nắm bắt tính độc đáo trong ngôn ngữ của từng vùng. Cho đến bây giờ tôi vẫn rất khâm phục ông đã sáng tạo ra một thủ pháp mang cá tính riêng của ông nhưng hoàn toàn mới, không chỉ mới đối với nền âm nhạc trong nước, mà cả đối với nền âm nhạc thế giới qua nhận xét của thầy dạy sáng tác của tôi tại Nhạc viện Kiép, cũng là Giám đốc của Nhạc viện: thầy Андрей Яковлевич Штогаренко. Có lẽ bây giờ ít ai còn nhớ bài “Áo mùa đông” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết năm 47 – 48 thế kỷ trước…

 

Như vậy, chỉ trong một đoạn nhạc có cả trưởng thứ cùng chung một chủ âm, rất tự nhiên, rất gợi cảm, không đối lập nhau. Tôi vẫn vận dụng vào chủ đề trữ tình trong giao hưởng “Chiến thắng” của tôi: được phát triển từ một nét dân ca (“Lý cây xanh” của Nam Bộ) và nhờ có 2 nốt tạo nên trưởng thứ đi liền bậc cùng chung một chủ âm đã đem lại sự hấp dẫn đặc biệt cho chủ đề này.

 

Ở bài “Hành quân xa” đã gợi lên điệu tính Sol trưởng ngũ cung của Việt Nam. Trước đó năm 1944, bài “Du kích ca” cũng điệu tính Sol trưởng nhưng dựa trên thang âm 56723, ta nhận ra âm hưởng bài hò “là hò là khoan” trong “Trên đồi Him Lam” (1954), “Bài ca cách mạng tiến quân” (1956) và sử dụng nguyên một nét nhạc chèo trong “Chiến thắng Điện Biên”.

 

Những dẫn chứng trên là ở ca khúc, còn ở thể loại lớn hơn là hợp xướng, ta thấy thể hiện ngay ở câu nhạc mở đầu bài “Du kích sông thao” (Hát: Hồng Hà mênh mông đưa nước trên nguồn về xuôi).

 

Ông còn cho biết nhiều nét độc đáo trong ngôn ngữ âm nhạc của ông hầu như có nguồn gốc từ một bài dân ca, bài “Xuân nữ” mà ông đã ngấm từ lúc mới 17 tuổi.

 

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận không chỉ sáng tác nhạc, mà còn viết kịch và vẽ, đó cũng là đặc điểm của nhạc sĩ Văn Cao, các nhạc sĩ thuộc thế hệ đàn anh của chúng tôi. Vở “Cô Sao” – nhạc sĩ Đỗ Nhuận không chỉ là tác giả âm nhạc, mà còn là tác giả kịch bản và tham gia cả vào các khâu đạo diễn, phục trang, ánh sáng.v.v… Bên cạnh opera, còn giao hưởng và nhạc phim, nhạc múa.v.v… đều góp phần đặt nền móng cho sự sáng tạo tiếp theo của các thế hệ nhạc sĩ trẻ kế tiếp cho đến bây giờ!

 

Sở dĩ có được những thành công lớn như vậy, trước hết nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những trí thức dại diện cho xã hội Việt Nam lúc đó, mà xã hội Việt Nam lúc đó đại bộ phận là nông dân! Ai gần gũi với nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng cảm thấy điều này. Có lẽ vậy mà các màu sắc dân ca tế nhị đều có trong cảm hứng của ông (thí dụ: hai bài dân ca quan họ “Hoa thơm bướm lượn”, bài “Đèn cù”).

 

“Chất Đỗ Nhuận” rất đậm đặc còn ở chỗ ông là người lính cách mạng trải qua tù đầy, cái sống cái chết liền kề nhưng luôn kiên định, thậm chí không ngừng sáng tác. Một loạt bài đã được viết ra trong hoàn cảnh đặc biệt này: “Chiều tù”, “Hận Sơn La”, “Tiếng gọi tù nhân” (Lời: Đào Duy Kỳ). Ở trên tôi đã nói tới màu sắc trưởng thứ liền kề, còn ở đây chỉ nói tới màu sắc thuần túy, ta cũng đã nhận ra cá tính sáng tạo của ông!

 

Đã nói đến dân ca thì không thể không nhắc tới màu sắc hài, bởi vì trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân ta vẫn tồn tại vẫn phát triển, một phần nhờ ở bản chất, bản tính lạc quan. Điều này thể hiện rất rõ nét trước hết ở các điệu hát của các vai hề trong Chèo, Tuồng, Cải lương. Bà con mình thích đi xem Chèo, Tuồng, Cải lương cũng một phần nhờ có các vai hề! Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết thậm chí đã diễn những vai hề trong hoạt cảnh mà mình sáng tác, đem lại tiếng cười hả hê, thích thú trước chiến dịch và cả trong chiến dịch. Ông có nhắc tôi nhớ khai thác khía cạnh này khi thâm nhập xuống các địa phương. Quả thật đúng như vậy, khi tới Thanh Hóa tôi đã được học tập Dân ca Thanh Hóa, đặc biệt đã được trực tiếp nghe bài “Khăng khăng cửa đóng then cài” thật dí dỏm, thật tế nhị! Không nói ra nhưng ai cũng hiểu đây là một cách tỏ tình độc đáo, cửa đóng mà then không cài có nghĩa “hãy sáp dô”, “xin mời sáp dô!...”. Dựa trên chất liệu này tôi đã viết ca khúc hài “Quả bom câm”.

 

Vở opera “Bài ca tình yêu” được công diễn tối 21 và 22 tháng 12 năm 2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Toàn bộ vở, từ kịch bản đến âm nhạc với tính cách các nhân vật thể hiện qua các trạng thái tình cảm hỉ, nộ, ai, lạc đều nằm trong hướng đi, hướng sáng tạo mà tôi đã học được ở thầy Đỗ Nhuận.

 

Tôi luôn luôn biết ơn, nhớ ơn thầy!

 

Hà Nội, tháng 12 năm 2022, TS. Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share
Bài viết liên quan
Xem thêm

Xem nhiều