Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam kỳ 8, nhiệm kỳ X

04:31 PM, Thứ sáu, 14/06/2024
389

Tác giả: Thanh Nhã

 

 

Ngày 13/6/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành khóa X, nhằm tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 và đề ra Phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024.

 

 

Đến dự có: đồng chí Nguyễn Công Dẫn – Phó vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương Thường trực phía Nam; TS Lê Trọng Nin – chuyên viên Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương.

 

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội, và các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ: nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSƯT Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; nhạc sĩ Lê Xuân Hoan - Ủy viên Ban Thường vụ, các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội và lãnh đạo các Ban chuyên môn của Hội...

 

Hội nghị đã nghe báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 do Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh chủ trì Hội nghị trình bày, và đánh giá cao các hoạt động của Ban Chấp hành thời gian qua:

 

 

Thực hiện các Đề án trọng tâm: Xây dựng kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của BCH TW về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; thực hiện kế hoạch 390-KH/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), Hội đã xây dựng Đề án tổng thể tổ chức các hoạt động: Đề án Tổ chức bình chọn và biểu diễn 50 tác phẩm tiêu biểu, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tầm vóc khu vực và thế giới, phản ánh được sự phát triển của Âm nhạc Việt Nam trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; Đề án Tổ chức làm phim chân dung 50 nhạc sĩ tiêu biểu qua các thời kỳ, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng và đời sống âm nhạc đất nước; Đề án tổ chức Phát động sáng tác, trao giải, biểu diễn tác phẩm thanh nhạc chủ đề  “Bài ca thống nhất” và Tổ chức Phát động sáng tác, biểu diễn ca khúc kỷ niệm 80 năm thành Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 -22/12/2024); Đề án chuẩn hóa và bản quyền nhạc nghi lễ quốc gia, làm cơ sở thống nhất nhạc lễ trong toàn quốc và hoạt động đối ngoại; Đề án Tổ chức Hội nghị toàn quốc Đánh giá 50 năm Âm nhac đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, kết hợp với chung kết Liên hoan âm nhạc toàn quốc chủ đề về Đất nước tình yêu và tôn vinh những tác phẩm âm nhạc xuất sắc trong 50 năm qua; Đề án Tổ chức Liên hoan âm nhạc mới Á-Âu và trao giải thường tác phẩm âm nhạc xuất sắc về đất nước, văn hóa con người Việt Nam...

 

Thực hiện Quyết định số 3462/QĐ - BVHTTDL ngày 13/11/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Phê duyệt Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và Hướng dẫn số 135-HD/BTGTW ngày 08/1/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và UBND tỉnh Điện Biên phát động Tháng Âm nhạc Bài ca Điện Biên, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Cuộc vận động sáng tác ca khúc Tháng Âm nhạc Bài ca Điện Biên đã thu hút nhiều tác giả tham gia. Đây là cuộc vận động sáng tác âm nhạc với nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên nền tảng số thuộc hệ sinh thái số của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

 

Về hoạt động chuyên môn:

 

Xây dựng Đề án số hóa, cổng thông tin Âm nhạc Việt Nam của Hội đã dần được hoàn thiện, sẽ đưa vào vận hành; phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và một số Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố khu vực Tây Bắc tổ chức chuyến hành hương về nguồn Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên từ 15-21/4/2024 với 12 nhạc sĩ, nghệ sĩ tham gia cuộc hành hương về nguồn “Qua  miền Tây Bắc – Về với Điện Biên”; phối hợp với Cục Chính trị Quân chủng Hải quân, Hội đã cử 16 nhạc sĩ đi thâm nhập thực tế sáng tác và thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức phát động Cuộc thi Sáng tác ca khúc ca ngợi Phụ nữ/Người mẹ Việt Nam; phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức cuộc vận động sáng tác về đề tài Tòa án Nhân dân, tổ chức Trại sáng tác từ ngày 25-29/5/2024 tại Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ và sáng tác tại Quảng Ninh với 16 nhạc sĩ tham gia dự trại, nghiệm thu được 23 tác phẩm ca khúc của các nhạc sĩ dự trại, 10 tác phẩm xuất sắc được dàn dựng và biểu diễn báo cáo bế mạc trại; phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Âm nhạc thành phố Hà Nội, tổ chức phát động Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân, hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2026). Ngày 5/6/2024, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức cho đoàn nhạc sĩ tham quan Nhà quốc hội, dự thính phiên chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhằm tạo điều kiện cho các nhạc sĩ có thêm những trải nghiệm thực tiễn về hoạt động của Quốc hội, khai thác tư liệu cảm xúc sáng tác; phối hợp với Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) phát động Cuộc thi sáng tác Bài ca giao thông đi cùng năm tháng, nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải Việt Nam (28/8/1945-28/8/2023). Ban tổ chức đã nhận được 158 tác phẩm tham gia dự của giới nhạc sĩ chuyên và không chuyên trong toàn quốc. Kết quả đã lựa chọn được 20 tác phẩm xuất sắc; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, UBND huyện Vĩnh Bảo, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, tổ chức Lễ phát động Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (ca khúc và kịch bản sân khấu) về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất (1585–2035), tại Khu Di tích quốc gia Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng; phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang tổ chức phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về Tuyên Quang, với chủ đề “Tuyên Quang - Khát vọng thịnh vượng”...

 

 

Về tổ chức Trại sáng tác và lớp tập huấn:

 

Tổ chức Trại sáng tác ca khúc với chủ đề “Bài ca Điện Biên” kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ và sáng tác ở Quảng Ninh cho 15 nhạc sĩ khu vực đồng bằng sông Hồng vào tháng 3; phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, tổ chức Lớp tập huấn chuyên môn tại Bạc Liêu cho hơn 70 hội viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, và các tác giả tỉnh Bạc Liêu, vào tháng 4; phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Trại sáng tác Âm nhạc tại Tam Đảo vào tháng 5...

 

Về công tác Lý luận:

 

Lãnh đạo Hội tham gia Hội thảo khoa học toàn quốc Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Ban Tuyên giáo và Hội đồng Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức, Chủ tịch Hội - Nguyễn Đức Trịnh với tham luận “Âm nhạc khắc họa chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước và những năm sau”, Phó Chủ tịch Hội - Nguyễn Thị Minh Châu với tham luận “Bao chiến sĩ anh hùng…”; PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm với tham luận Khí nhạc viết cho nhạc cụ dân tộc với đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” và tham gia các hội thảo Nghiên cứu và đào tạo ngành Việt Nam học do Viện Việt Nam học và khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, giới thiệu chuyên đề “xây dựng sản phẩm âm nhạc việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hoá” cho lớp Bồi dưỡng Lý luận phê bình VHNT trẻ do Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương tổ chức, tham luận tại hội thảo “Triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đông Nam Bộ do Thành ủy TP. Hồ Chí Mimh tổ chức; xúc tiến xuất bản sách “Nguyễn Đình Thi với âm nhạc” trên 400 trang khổ lớn nhân kỷ niệm 100 tuổi nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi…

 

Về công tác Chi hội:

 

Các Chi hội đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ: Lạng Sơn, Hà Giang. Một số Chi hội chưa thực hiện đúng kế hoạch tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, quá thời gian như: Khánh Hòa (2022), Lạng Sơn, Phú Yên, Đắk Nông (2023); Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Ninh Bình đang hoàn tất thủ tục hồ sơ thành lập Chi hội trong thời gian tới. Ban Chấp hành các Chi hội trên toàn quốc khá năng động và có tinh thần trách nhiệm tốt nên việc điều hành tại các địa phương tương đối thuận lợi, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn do không có nguồn kinh phí...

 

Về công tác đối ngoại: Lãnh đạo Hội: Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, PGS.TS.NS Đỗ Hồng Quân và nhà báo Trần Nhật Quang - Phó Trưởng Ban Đối ngoại, tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ủy Ban Bảo tồn Quốc gia Kaly Moldobasanov, Kyrgyzstan. Tham dự Diễn đàn quốc tế Hiệu trưởng các trường đại học đào tạo âm nhạc, nhân kỷ niệm 100 năm Khu tự trị Kara-Kyrgyz và kỷ niệm 30 năm Nhạc viện Quốc gia Kyrgyzstan. Chủ đề của diễn đàn là “Lịch sử, hình thành và phát triển của hệ thống giáo dục ở các cơ sở đào tạo đại học âm nhạc”; Chương trình Gala hòa nhạc kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Nhạc viện Quốc gia Kaly Moldobasanov, Kyrgyzstan; Chương trình Hòa nhạc của các nhà soạn nhạc đương đại nổi tiếng.

 

NSƯT Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đã đón tiếp và làm việc, trao đổi âm nhạc với Đoàn trường Cao đẳng Âm nhạc Berklee tại TP Hồ Chí Minh, trong đó có nghệ sĩ Danie Abussi - Phó Giám đốc Tuyển dụng Thăm dò; và nghệ sĩ Damien Bracken - Trưởng khoa Tuyển sinh của trường  Cao đẳng Âm nhạc Berklee.

 

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các nhạc sĩ Ủy viên Ban Chấp hành, về các các nội dung: Giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần được nâng tầm Giải thưởng quốc gia, trong đó có hạng mục Giải thưởng riêng của Hội; tiếp tục tổ chức Liên hoan âm nhạc toàn quốc, có sự kết hợp giữa sáng tác và biểu diễn, Trung tâm âm nhạc Trẻ của Hội tham gia thực hiện chuyên đề về biểu diễn, huy động xã hội hóa, tạo ra hoạt động có thu nhập; tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam 03/9 tại Hà Nội và tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức có hiệu quả và tiết kiệm; chú trọng công tác đối ngoại, đặc biệt là tổ chức Festival Âm nhạc quốc tế Á-Âu và kế hoạch tổ chức Liên hoan các Ban nhạc quốc tế tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; đầu tư nâng cao về công nghệ, số hóa Tạp chí Âm nhạc, triển khai công tác số hóa cho Văn phòng Đại diện tại TP Hồ Chí Minh, phối hợp với Trung tâm bảo vệ  quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam để ứng dụng công nghệ mạnh hơn nữa; chú trọng công tác hội viên, rà soát lại danh sách hội viên, điều chỉnh thông tin chính xác hơn; thúc đẩy các chi hội để có các buổi sinh hoạt thường kỳ trong năm; về hoạt động lý luận phê bình cần kết hợp trao đổi lý luận tại các Trại sáng tác, lớp tập huấn âm nhạc, lý luận gắn với đời sống âm nhạc, kết hợp tổ chức hội thảo với các chuỗi hoat động chương trình kỷ niệm 100 năm các nhạc sĩ lão thành, quảng bá các hoạt động của Hội thông qua lý luận phê bình; có kế hoạch tài chính, xã hội hóa cho một số hoạt động âm nhạc của Hội; Logo Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần được nhận diện và đăng ký bản quyền Sở hữu trí tuệ; xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội cơ sở và tiến tới Đại hội toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025 – 2030)...

 

 

Tiến sĩ Lê Trọng Nin – Chuyên viên Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại Hội nghị, đã có những nhận xét, đánh giá cao về các hoạt động âm nhạc của Hội rất hiệu quả, trong 6 tháng triển khai được khối lượng công việc rất lớn; thực hiệu tốt các nhiệm vụ như: thực hiện kế hoạch 390 của Ban Tuyên giáo Trung ương, thành lập Ban đối ngoại và Trung tâm Âm nhạc Trẻ, triển khai số hóa trong âm nhạc... mong rằng thời gian tới, Hội tiếp tục triển khai tốt các mục tiêu, kế hoạc đã đề ra.

 

Phát huy những thành tích đã đạt được, Ban Chấp hành Hội đã đề ra kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2024:

 

Phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phát động và triển khai cuộc vận động sáng tác âm nhạc Chủ đề “Bài ca Thống nhất”; tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 15 (3/9/2024); phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Trại sáng tác âm nhạc tại Nha Trang vào tháng 10; tổ chức Lớp tập huấn chuyên môn tại Phú Yên vào tháng 10; triển khai các hoạt động thuộc đề án tổng thể thực hiện Kế hoạch 390 của Ban Tuyên giáo Trung ương sau khi được phê duyệt các đề án thành phần; tổ chức triển khai tập hợp, lưu trữ, số hóa các tác phẩm âm nhạc; tổ chức xét Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2024; xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ XI (2025 - 2030)...

 

Tại Hội nghị, Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội đã giới thiệu Cổng thông tin Âm nhạc Việt Nam của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang hoàn thiện để đưa vào vận hành trong thời gian tới.

 

Ban Chấp hành cũng đã họp xem xét 60 hồ sơ để kết nạp 38 hội viên mới (các chuyên ngành: Sáng tác: 16; Lý luận:1; Đào tạo: 6; Biểu diễn: 15).

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều