Lưu giữ Di Sản Văn Hóa Cơ Tu còn lắm nhọc nhằn

07:00 AM, Thứ tư, 20/11/2024
300

Tác giả: Văn Thu Bích

 

Đến nay, thể loại nói lý - hát lý, nghề dệt thổ cẩm và điệu múa Tung tung da dá của tộc người Cơ Tu tỉnh Quảng Nam đã hơn 9 năm được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong thời gian qua chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và cộng đồng đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy di sản, tích cực khai thác và phát huy tiềm năng văn hóa trong cộng đồng tộc người Cơ Tu xứ Quảng. Tại Hội thảo Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới” do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tại Quảng Ngãi ngày 16/8, các nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa cũng quan tâm đến việc lưu giữ phát huy các di sản bản địa của các tộc người thiểu số Nam Trung Bộ, trong đó có văn hóa Cơ Tu.

 

Riêng lĩnh vực sưu tầm và nghiên cứu âm nhạc dân gian của tộc người Cơ Tu tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã được đề cập khá nhiều. Ngoài thể loại nói lý - hát lý còn có các làn diệu dân ca và nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu như: hát ru, hát Cheo, hát Crơ lới, hát Xà ru, hát Tế trâu, hát đối đáp, hát giao duyên Cha chấp, Babooch... nhạc cụ có đàn Abel, Tăm bet alui, đàn Gơrưna, đàn môi… và đặc biệt là cồng chiêng. Qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá, đồng thời giới thiệu âm nhạc dân gian tộc người Cơ Tu tỉnh Quảng Nam đến với công chúng. Bên cạnh đó, điệu múa dân gian Tung tung da dá (Vũ điệu dâng trời) hòa cùng dàn cồng chiêng vòng quanh cây nêu trong các lễ hội truyền thống cũng luôn được diễn xướng tại cộng đồng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, thi hát dân ca, thi trang phục thổ cẩm. Các vốn quý này vẫn đang được các già làng, nghệ nhân truyền dạy công phu nhằm bảo tồn di sản văn hóa bản địa.

 

Những điều tích cực

 

Nhìn chung, lĩnh vực bảo tồn âm nhạc dân gian có nhiều tiến bộ, phát triển sâu rộng khá đa dạng và phong phú, rộng khắp, góp phần phát triển diện mạo đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Cơ Tu với sự thay đổi sâu sắc và rõ nét.

 

Tại thành phố Đà Nẵng trong những năm gần đây Hội Văn nghệ dân gian thành phố đã ấn hành nhiều công trình qua các đợt điền dã sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Cơ Tu tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Đến các vùng đất người Cơ Tu sinh sống như Hòa Phú, Hòa Bắc huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng và Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang tỉnh Quảng Nam. Tiến hành cùng lúc với nhiều hoạt động hỗ trợ tộc người Cơ Tu tỉnh Quảng Nam, huyện Hòa Vang- thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Vốn dân ca, dân nhạc và dân vũ của người Cơ Tu luôn được bà con gìn giữ, trình diễn vào dịp Tết cổ truyền, lễ mừng lúa mới, kết nghĩa ăn thề. Nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu đang được khôi phục dần với những sản phẩm chất lượng.

 

Năm 2022, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành đề án “Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cộng đồng người Cơ Tu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030”. Từ đó đến nay, với sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương, đời sống văn hóa, ý thức giữ gìn và phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Cơ Tu được nâng cao thiết thực. Sở Văn hóa - Thông tin đã hỗ trợ trang bị dàn nhạc dân gian và bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống đồng bào Cơ Tu .

 

Những hạn chế đáng suy ngẫm

 

Bên cạnh những thành tựu đáng kể đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua cũng còn nhiều vấn đề cấp bách cần khắc phục, những nhu cầu bức thiết cần phải giải quyết. Đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số còn rất khó khăn so với đồng bằng. Trong đó, vấn đề đặc biệt cấp bách đặt ra là bản sắc văn hóa của các tộc người này bị mai một nhanh chóng 

 

Song hành với bối cảnh đó, vẫn còn những hạn chế là các giá trị văn hóa của các cộng đồng tộc người thiểu số nói chung, người Cơ Tu nói riêng đang có nguy cơ đối mặt với những thách thức như: bị phai mờ, lai tạp và dễ bị đồng hóa, biến dạng trong quá trình hội nhập và phát triển; một số đặc trưng văn hóa truyền thống đang dần bị mai một và không còn có vị trí quan trọng trong đời sống các thế hệ trẻ: Trang phục thổ cẩm truyền thống như khố, váy và các loại cườm, vòng trang trí không còn giữ được nguyên gốc mà thay vào đó là sử dụng các trang phục phổ biến hiện đại, cồng chiêng của thôn làng đang dần bị hư hại do biến thiên thời gian, diễn tấu cồng chiêng không được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư thanh niên trẻ tuổi mà chủ yếu tập trung vào những người cao tuổi và trung niên. Các loại hình dân nhạc, dân ca, dân vũ như hát dân ca, múa tung tung da dá ít được lưu truyền và phổ biến trong lớp trẻ... Gần đây một thông tin khá gây bất ngờ khi nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Nam nêu lên hiện tượng tại một lễ hội, các già làng, nghệ nhân không mặc trang phục thổ cẩm Cơ Tu mà mặc áo dài khăn đóng của người Kinh diễn tấu nhạc cụ dân gian và thầy cúng người Cơ Tu lại mặc trang phục truyền thống người Kinh trong một tiết mục tái hiện lễ cúng Cơ Tu tại liên hoan du lịch Đông Giang năm 2022, hình ảnh gây phản cảm này tạo phn ứng mạnh tại Hội thảo nói trên.

 

 Khi xảy ra sự cố đáng tiếc này, thử hỏi vai trò cơ quan quản lý ở đâu, hậu quả của việc buông lỏng quản lý hay cố tình làm ngơ không thẩm định nội dung, gây ngộ nhận cho người tham dự. Họ quên đi nghề dệt thổ cẩm đã qua 8 năm được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tộc người Cơ Tu tỉnh Quảng Nam, đây là niềm vinh dự cho người Cơ Tu mà nhiều tộc người thiểu số khác từng mong ước.

 

 

 

Già làng A lăng Mơ  người Cơ Tu huyện Nam Giang mặc áo dài

khăn đóng truyền thống của người Kinh diễn tấu đàn Gơrưna

 

 

Tái hiện lễ cúng Cơ Tu huyện Đông Giang, thầy cúng với trang phục

áo dài khăn đóng truyền thống của người Kinh

 

Nhớ lại trong đợt điền dã vào tháng 5 năm 2018, chúng tôi gặp cô gái trẻ Cơ Tu  Bùi Thị Hạnh, 30 tuổi – Trưởng thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang hát dân ca lời mới theo làn điệu hát giao duyên Chachăp, phải chăng câu ca nguyên gốc chỉ còn trong tiềm thức các bậc cao niên, thi thoảng mới ngân vang khi các cụ già làng trầm ngâm hoài niệm về quá khứ. Còn đối với lớp trẻ thì vẫn thích hát dân ca được đặt lời mới hơn là lời cổ. Đáng buồn là trong các liên hoan - hội diễn hay các dịp lễ hội, cưới hỏi, nam nữ thanh niên Cơ Tu lại thích hát các ca khúc mới. Hỏi vì sao không hát bài dân ca của dân tộc mình, họ trả lời rằng: “Hát nhạc mới thì thể hiện được đẳng cấp, phù hợp trào lưu hiện đại không bị coi là quê mùa, thiếu thức thời”. Thật đáng buồn cho suy nghĩ nông cạn của lớp trẻ người Cơ Tu ở xứ Quảng hiện nay!

 

Ngoài ra, thực trạng trong nhiều năm qua, ảnh hưởng từ vòng xoáy mãnh liệt của cuộc sống hiện đại và nguồn kinh phí khó khăn của nhà nước cũng như nguồn xã hội hóa,  các lễ hội truyền thống như tế trâu, mừng lúa mới, cúng máng nước không còn được tổ chức thường xuyên tại các thôn làng, trong đó lễ tế trâu không được phép đâm trâu còn sống để hiến tế mà thay bằng trâu gỗ làm biểu tượng nên đồng bào miền núi thấy không còn tính thiêng. Ngay cả nhà gươl còn gọi là nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, làng thi thoảng mới được dân làng sử dụng làm nơi hội họp và sinh hoạt truyền thống, một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, nạn tảo hôn, bùa ngãi... đang có nguy cơ quay trở lại. 

 

Trong các liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh Quảng Nam, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thường kỳ hai năm một lần, điều chúng tôi mong mõi là gặp được đội ngũ những người Cơ Tu trẻ để sưu tầm thì hầu như quá trống vắng! Những thanh niên Cơtu từng hát cho chúng tôi nghe một vài làn điệu dân ca quen thuộc trước đây thì đến nay đã xa xứ, rời làng buôn đi làm ăn tận nơi khác vì việc mưu sinh, cồng chiêng thi hư hại xuống cấp nhiều. Đó là một thực trạng đáng báo động trong tiến trình bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân gian Cơ Tu trong giai đoạn hiện nay.

 

Tại Đà Nẵng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ của đề án “Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cộng đồng người Cơ tu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030” còn chậm, đơn cử là chưa tổ chức thường xuyên các lễ hội và sinh hoạt văn nghệ truyền thống tại các thôn, việc hỗ trợ trang phục thổ cẩm truyền thống chỉ đáp ứng cho một bộ phận người Cơ Tu… Vì thế, thiết tưởng trong thời gian tới, các ngành, địa phương nên quan tâm hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, tránh ảnh hưởng đến kết quả chung của đề án, cũng như sự mong chờ của cư dân bản đại nơi đây.

 

Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng: “Nguyên nhân của những hạn chế đó có thể do trình độ nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số còn hạn chế, cuộc sống đa phần khó khăn, do đó việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào còn gặp rất nhiều trở ngại; tâm lý của người dân tộc thiểu số bình đẳng, cả tin, thực tế, cụ thể, đơn giản, ỷ lại, dựa dẫm vào cộng đồng, xã hội; một số nơi còn tồn tại hủ tục lạc hậu. Trong quá trình hoà nhập với xã hội, do thay đổi tập quán sinh sống, thay đổi phương thức làm ăn, bị sự tác động mạnh của cơ chế thị trường…khiến đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, từ đó dẫn đến xao nhãng việc duy trì các phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

 

Công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tuy đã được chú ý nhưng sự đầu tư còn thấp, kinh phí phân bổ hằng năm còn hạn hẹp, không đảm bảo cho việc điều tra khảo sát, nghiên cứu biên soạn, dẫn đến nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu đã và đang có nguy cơ mai một. Trong khi đó, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn nên ảnh hưởng tới việc duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống; lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng thiếu vắng, người lớn mất dần.

 

Nghệ thuật diễn xướng của các tộc người Cơ Tu, Cor, Xơ đăng, Giẻ - Triêng và hàng trăm làng truyền thống với các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc về kiến trúc, trang phục dân tộc, nghề truyền thống và các món ăn truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội… đang đứng trước nguy cơ biến mất theo xu hướng đô thị hoá, hiện đại hóa hoặc do tác động của xã hội cần phải được hướng dẫn, hỗ trợ để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại.

 

Nên chăng chính sách phát triển văn hóa cho miền núi trong thời gian tới cần phải định hướng cho từng dân tộc một cách cụ thể. Nếu chỉ muốn xây dựng áp đặt văn hóa miền núi giống hệt như miền xuôi thì vô hình chung là đã thủ tiêu văn hóa các dân tộc thiểu số. Quan điểm đồng hóa đem ánh sáng văn hóa miền xuôi lên miền núi chính là làm biến dạng văn hóa dân tộc thiểu số, cần có chính sách ưu đãi nghệ nhân, cấp kinh phí cho việc truyền dạy lớp trẻ học dân ca, nhạc cụ truyền thống, diễn tấu cồng chiêng cùng với các điệu mua dân gian.

 

Đã hơn 9 năm thể loại nói lý - hát lý, nghề dệt thổ cẩm và điệu múa Tung tung da dá được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tộc người Cơ Tu tỉnh Quảng Nam. Quá trình ấy có nhiều thuận lợi song cũng còn lắm gập ghềnh theo cùng những nỗ lực của các cấp, các ban ngành có thẩm quyền liên quan và cả cộng đồng người Cơ Tu vùng Quảng Nam - Đà Nẵng nhằm lưu giữ và quảng bá các di sản này không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn có thể vượt qua biên giới đất nước. Tất cả phải đồng lòng chung sức lưu giữ và phát huy, không để những lôi cuốn nhất thời trong lối sống hiện đại làm phai mờ tính nguyên gốc đặc trưng đáng trân quý trong nét đẹp của di sản văn hóa Cơ Tu. Các nhà quản lý cần có chuyên môn cao để định hướng và cộng đồng người Cơ Tu đóng vai trò là chủ thể trong hoạt động bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong đó có âm nhạc dân gian, gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cư dân Cơ Tu cần nêu cao ý thức tự tôn dân tộc, nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch của chính cộng đồng mình ngày càng tiến triển, nhất là giữ lửa cho các di sản đã được tôn vinh bên cạnh vốn di sản bản địa của mình.

 

Phải chăng do nhận thấy tầm quan trọng ấy mà hiện nay Cục Di sản văn hóa Việt Nam và Cục Di sản văn hóa Lào đang xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận Vũ điệu Tung tung da dá của người Cơ Tu Việt Nam và người Cơ Tu Lào là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Có thể nói trong các loại hình nghệ thuật dân gian thì âm nhạc luôn gắn liền với đời sống tinh thần cũng như tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, âm nhạc truyền thống của cộng đồng các tộc người thiểu số rất cần được bảo tồn và phát huy để góp phần làm nên sự đặc sắc và đa dạng trong nền văn hóa Việt Nam. Trong nhiều năm qua, ngành văn hóa, Hội Văn học nghệ thuật các địa phương cùng với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc lưu giữ di sản âm nhạc của các tộc người thiểu số bên cạnh vốn di sản văn hóa truyền thống của cả nước.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share