NHÂN VẬT HỒ NGUYỆT CÔ - TỪ QUÁ KHỨ ĐẾN HIỆN ĐẠI

07:00 AM, Thứ sáu, 18/07/2025
104

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Lan

 

 

Từ những thập niên 90 của thế kỷ XX, bằng nhiều con đường khác nhau, nghệ thuật thể nghiệm đã có mặt tại Việt Nam.

Cho đến nay, thông tin bài viết giới thiệu hoặc phân tích về những hoạt động thể nghiệm từ điện ảnh, âm nhạc, hội họa… không có nhiều. Các tác giả, nghệ sĩ thuộc “trường phái” thể nghiệm đã dần tạo được những vị trí và đạt được một số thành công ở Việt Nam và nước ngoài như: Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân, Nguyễn Xuân Sơn, Ngyễn Ngọc Đại, v.v. Họ đã dần khẳng định được vị thế tiên phong và đặt nền móng cho dòng âm nhạc đương đại, thể nghiệm những bước đi đầu tiên ở Việt Nam.

Có thể nói, các tác phẩm thể nghiệm này luôn phụ thuộc vào ý tưởng, ý niệm của chủ thể sáng tạo cũng như sự tương tác - kết nối mà chủ thể đó muốn tạo ra với khán giả. Những điều này đã tạo nên một sự đa dạng trong các tác phẩm thể nghiệm, ở đó sự cố gắng thoát ra khỏi những “quen thuộc” đã đem lại nhiều mới mẻ và thu hút được sự chú ý đặc biệt là với khán giả trẻ, thế hệ được tiếp cận nhiều với đột phá của công nghệ.

Thật khó để có thể nói trọn vẹn định nghĩa hoặc khái niệm về nghệ thuật thể nghiệm, bởi lẽ mỗi một tác phẩm thể nghiệm đều mang dấu ấn cá nhân nhất định cộng với thông điệp được gửi trong đó. Những sáng tạo đó không chỉ là nhu cầu giải phóng cảm xúc mà ở một khía cạnh nào đấy, bằng cách tiếp cận mới cũng đem lại những giá trị tích cực cho con người, thúc đẩy nhu cầu phát triển bản thân, tạo ra những yếu tố tích cực cho xã hội.

Gần đây, tôi được tiếp xúc một số tác giả - tác phẩm của nghệ thuật thể nghiệm đương đại qua lớp học do Hội đồng Anh và Trung tâm Đom Đóm của các nhạc sĩ Trần Kim Ngọc và Nguyễn Xuân Sơn đồng phối hợp tổ chức. Trong quá trình tìm hiểu tôi thấy một số tác phẩm của các nhạc sĩ có điểm trùng hợp với những vấn đề mà tôi quan tâm đó là các nhạc sĩ đều khai thác nhân vật Hồ Nguyệt Cô trong tích Tuồng cổ vốn là mảng nghệ thuật dân gian truyền thống mà tôi yêu thích. Sau này, trong dịp trò chuyện ngắn ngủi trên điện thoại, nữ nhạc sĩ có nói rằng chị chọn Hồ Nguyệt Cô không chỉ ngẫu nhiên là một nhân vật nổi tiếng trong Tuồng mà còn vì có mối quan tâm dai dẳng đến những hiện thể của “tính nữ” và nhạc sĩ Kim Ngọc đã chọn Hồ Nguyệt Cô. Thật là bất ngờ khi chúng tôi có mối quan tâm chung rất ngẫu nhiên là đều thu hút bởi những tác phẩm có liên quan đến tính nữ. Vì vậy tôi đã chọn nhân vật Hồ Nguyệt Cô ở hai tác phẩm của hai nhạc sĩ đó là: “Hồ Nguyệt Cô hóa cáocủa nhạc sĩ Trần Kim Ngọc và Hai nàng Nguyệt Cô” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn (Sơnx) là điểm khởi đầu, để từ đó có thể hiểu thêm về những sáng tạo, đóng góp của họ trong việc đưa loại hình nghệ thuật thể nghiệm này đến gần hơn với các khán giả hiện nay. Đồng thời cũng biết thêm những khía cạnh được ẩn sâu trong tư duy của các nhạc sĩ có nhiều trăn trở với nghề, với số phận của con người.

Tôi sẽ không đi sâu vào phân tích chi tiết vì tôi nghĩ rằng mỗi tác giả có một cách sáng tạo khác nhau, điều đó cũng đồng nghĩa với cảm nhận của từng khán giả khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật cũng sẽ không giống nhau. Nên áp đặt cảm nhận của mình cho khán giả là việc vô cùng khiên cưỡng. Cùng với thời đại công nghệ 4.0 rồi 5.0, việc các bạn trẻ ngồi xem trọn vẹn một tác phẩm truyền thống như môt vở Chèo, Tuồng là việc không dễ. Ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, khi một bộ phận các em học sinh, sinh viên được đào tạo chủ yếu theo giáo trình của Tây phương từ trung cấp cho đến đại học. Ngay từ nhỏ làm quen, tiếp xúc đa phần với âm nhạc cổ điển châu Âu, vậy khi có cơ hội tiếp cận với âm nhạc truyền thống nguyên bản không nhiều, các bạn ấy sẽ lĩnh hội được gì? Làm cách nào để đưa âm nhạc đến gần các bạn trẻ hơn mà không bị xa lạ, khó hiểu. Tôi nghĩ: với những tích truyện cổ hay một tác phẩm kinh điển trong quá khứ được sáng tạo lại thì may chăng các bạn trẻ đó xem xong các tác phẩm này mà yêu thích và trở lại tìm hiểu về âm nhạc và nghệ thuật truyền thống.

Đồng thời việc làm của những nhạc sĩ trên cũng góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống xưa nhưng mang đầy hơi thở thời đại.

1. Câu chuyện về con cáo trong tích cổ

Hồ Nguyệt Cô hóa cáo hoặc Tiết Giao đoạt ngọc, Võ Tam Tư trảm cáo là những vở Tuồng dựa trên tích truyện nằm trong bộ Đường Chinh Tây (có từ thời nhà Đường bên Trung Hoa) do những soạn giả Tuồng nổi tiếng như Nguyễn Diêu và Đào Tấn soạn lại từ khoảng thế kỷ XIX cho đến nay luôn được công chúng yêu thích và coi là tác phẩm kinh điển của nghệ thuật Tuồng.

Dù có những tình tiết khác nhau nhưng nội dung chính của vở Tuồng này kể về một con cáo đã được Tiên Mẫu ấn điểm, giúp tu luyện hàng ngàn năm để có được một viên ngọc phép thuật mà nhờ ngậm viên ngọc đó con cáo đã được hóa thành một cô gái xinh đẹp (Hồ Nguyệt Cô). Vì mới thoát kiếp cáo nên Hồ Nguyệt Cô chưa hiểu nhân tình thế thái. Trong lúc bỡ ngỡ, Hồ Nguyệt Cô gặp Võ Tam Tư - một vị tướng được triều đình cử đi đánh giặc, hai người gặp gỡ, trò chuyện cảm mến rồi nên duyên vợ chồng. Để giúp chồng đánh giặc, Hồ Nguyệt Cô đã xông pha vào chiến trận. Ở chốn sa trường, khi giáp mặt Tiết Giao - một tướng giặc, người có khuôn mặt màu đỏ, trẻ đẹp và dũng mãnh. Hồ Nguyệt Cô chợt nhớ lời tiên mẫu nói về một người có khuôn mặt giống như Tiết Giao sẽ làm chồng mình. Ngay lúc ấy, Hồ Nguyệt Cô đã si mê và rơi vào bẫy tình của Tiết Giao. Vì trúng nam nhân kế của bên địch và bị Tiết Giao lừa đoạt mất viên “ngọc người”, Hồ Nguyệt Cô đã bị biến trở lại thành con cáo. Quá đau đớn khi phát hiện ra mình không còn là người nữa, Hồ Nguyệt Cô đã chạy về phủ của Võ Tam Tư. Tuy nhiên, vị tướng không biết con cáo đó chính là vợ mình nên Hồ Nguyệt Cô đã bị chết thảm dưới nhát gươm của chồng.

Dù đã ra đời được hàng trăm năm, nhưng tích truyện kể trên vẫn mang dấu ấn thời đại và được nhiều tác giả sử dụng làm chất liệu để khai thác cho các tác phẩm của mình.

2.Tác phẩm Hồ Nguyệt Cô hóa cáo

Tác giả: Trần Kim Ngọc (dài 18 phút 30 giây)

Video: Nguyễn Trinh Thi

Quay phim: Maxtone Graham

Diễn viên: Nghệ sĩ ND Mẫn Thu và NSƯT Lộc Huyền

Chỉ huy: Honna Tetsuji cùng nhóm Hoà tấu đương đại Hà Nội

Hồ Nguyệt Cô hóa cáo được sáng tác năm 2017 và viết cho ngũ tấu biễu diễn phối hợp cùng video.

Lấy ý tưởng từ câu chuyện của vở Tuồng truyền thống là nhân vật Hồ Nguyệt Cô với phần kể chuyện bám sát nội dung của tích cổ nhưng được thể hiện thành những lớp thời gian khác nhau: phần cổ ở đây được thể hiện trên hai kênh video được biên tập trước, video 1 là phần kể chuyện (tuyến 1 đại diện cho sự hiển thị của lớp quá khứ), dẫn dắt do NSND Mẫn Thu đảm nhiệm kiêm diễn xuất; phần video 2 (tuyến 2 đại diện cho lớp ký ức ) là màn diễn xuất do NSƯT Lộc Huyền đảm nhiệm. Nhạc sĩ Kim Ngọc đã thực hiện phần sáng tác âm nhạc hoàn toàn mới (có tổng phổ chi tiết) cho ngũ tấu trước hai màn hình cùng một lúc với edit phim (tuyến 3 đại diện cho lớp thực tại). Ở tác phẩm này, câu chuyện về nhân vật nổi tiếng trong Tuồng truyền thống theo trình tự như tích cũ nhưng khác ở chỗ ngôn ngữ và phương tiện thể hiện của tác phẩm lúc này đã hoàn toàn khác.

Đây là một sáng tạo thể nghiệm dựa trên ý tưởng rất độc đáo, như một thông điệp được gửi gắm xuyên suốt từ quá khứ cho đến hiện tại. Cách sáng tạo này mang đến những hiệu ứng không chỉ mới mẻ về thị giác, thính giác mà còn gợi lại những gì từ rất xưa, rất cổ truyền trong lịch sử mà không bị cũ, nhàm. Nói về tác phẩm của mình chị Kim Ngọc chia sẻ: “Đấy là câu chuyện của những lớp thời gian và lớp ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau được đặt trong một mối tương quan, giữa âm nhạc tuồng cổ và với định tính của các nhạc cụ phương Tây, giữa phim tài liệu với phim âm nhạc, giữa biểu diễn trực tiếp với phim âm nhạc, giữa câu chuyện ở tích cổ với con người ở thực tại…”. Khi tiếp cận tác phẩm Hồ Nguyệt Cô của chị, tôi thấy đây là một tác phẩm cực kỳ công phu, chi tiết. Âm nhạc chỉ là một mắt xích được đặt trong tổng thể, vũ đạo và diễn xuất được chắt lọc gọn, kỹ xảo hình ảnh được tính toán ăn khớp từng giây.

Ví dụ: ngay mở đầu tác phẩm lúc mở màn đã gây bất ngờ với khán giả bằng tiếng kêu thất thanh mất ngọc của Hồ Nguyệt Cô: “Tiết Giao! Trả ngọc ta”. Đến chữ “ta” dàn nhạc đồng loạt chơi ở âm khu trầm và kết thúc nét nhạc đó bằng tiếng chuông (nhạc cụ trong bộ gõ giao hưởng) như báo hiệu định mệnh cho một bi kịch bắt đầu của Hồ Nguyệt Cô. Lúc này, NSND Mẫn Thu dùng nói lối Bóp (cách nói trong hát Tuồng) thể hiện. Trong màn hình video là nghệ sĩ Mẫn Thu xuất hiện cùng một số hình ảnh được quay đặc tả như đôi hài và những nét vẽ trong hóa trang mặt diễn viên.

Phần này được NSND Mẫn Thu dẫn tự nhiên mộc mạc, mạch truyện của người kể, cũng là cầu nối giữa nhân vật và dàn nhạc rất ăn ý. Trong vai trò kể chuyện, video của nghệ sĩ được đặt ở vị trí phía sau dàn nhạc tạo hiệu quả xa mờ, dường như nghệ sĩ đang kể và hồi tưởng một câu chuyện của quá khứ. Dàn nhạc lúc này ở vai trò đồng thoại cùng người dẫn chuyện, đôi khi là làm nhạc nền cho người dẫn chuyện, lúc điểm xuyết cho diễn xuất. Màn trình diễn của nhạc công violon đã làm xuất sắc vai trò miêu tả (phút 5 - 6:19) sự phấn khích của Nguyệt Cô khi nhìn thấy mặt Tiết Giao:

Ối! Đẹp, đẹp thiệt
Mới thấy mày ngài mắt phượng
Chợt nhìn thấy lẫm liệt oai phong…

Chỉ vài giây sau khi solist Thiện Minh hóa thân thành nhân vật tướng giặc Tiết Giao trên video thứ hai góc bên phải và có màn “đối thoại cực ăn ý” với Hồ Nguyệt Cô (phút 6:20-7:30). Bi kịch thực sự đẩy lên cao trào (phút 9: 52). Khi Hồ Nguyệt Cô phát hiện mất ngọc và thét gọi tên Tiết Giao để đòi ngọc. Dàn nhạc gần đổ bộ gấp rút tốc độ và mạnh dần như một cơn lốc. Khoảng (phút thứ 10) trở đi lúc này nhân vật Hồ Nguyệt Cô than khóc cho sự bẽ bàng vì đã mất ngọc, lúc này nói lối Xuân nữ trong Tuồng được khai thác triệt để và đây cũng là yếu tố truyền thống được giữ lại rất rõ nét, nguyên vẹn. Piano điểm thánh thót luân phiên trong cao độ giữa các quãng khá là cách xa với sự phụ trợ của bộ gõ, kèn clarinette ngân dài đôi chỗ. Cách mà các nhạc cụ thể hiện khiến ta mường tượng đến khung cảnh tĩnh lặng trong rừng khi chỉ có ánh trăng trôi chầm chậm trên cao và dõi theo Hồ Nguyệt Cô. Đến cả con ngựa cũng không nhận ra chủ cũ của nó mà hoảng sợ bỏ chạy.

Chao ôi! Tinh thần rũ riệt.

Hồn phách lại đê mê

Thoảng gió man mác mù mịt chốn u khê

Bóng trăng lạc, bóng trăng lạc… mơ màng nơi bạch lãnh

Thôi thôi đã phủi rồi son phấn

Son phấn (ư) một trường

Kiếp trở lại nước non ngàn dặm

Ngàn dặm thẹn thùng cùng non nước

Ngẫm mơ màng than trước thân sau

Dặm hòe một bước một đau

Nhìn xem cảnh cũ ra màu dở dang

Ôm lòng hổ với phu lang…

Ở đoạn này, một số làn điệu đặc trưng trong âm nhạc Tuồng truyền thống được nghệ sĩ Tuồng sử dụng là nói lối mà cụ thể là nói lốp bóp, nói lối ai (Xuân nữ), hát Nam ai của nhân vật nữ được sử dụng để lột tả tâm trạng bi thương đầy tủi hổ của Nguyệt Cô với chồng của mình là Võ Tam Tư. Đây chính là yếu tố bi đặc trưng của nghệ thuật Tuồng truyền thống được phát huy tối đa.

Về ánh sáng được tác giả cũng rất chú trọng, không gian được làm mờ, để tăng hiệu quả tương phản cho sân khấu, thủ pháp khá là ấn tượng với thị giác của khán giả. Bằng kỹ xảo quay chậm động tác (slow motion) của nhân vật  khi hóa cáo nhằm đặc tả và thu hút sự chú ý cho nhân vật đến từng chi tiết hành động. Ngoài ra, diễn xuất của nhân vật được thu hẹp lại, động tác múa được gọt giũa trong sự cho phép của thời lượng. Không gian của video thứ hai đặt bên phải dàn nhạc nhưng với khán giả vẫn cảm nhận được sự biến đổi tâm lý nhân vật cũng như tình tiết của sự việc từ Người thành Cáo từ một nơi xa xăm. Từng động tác mặt và ngón tay, chân thay đổi dần dần mọc móng vuốt và lông ở mặt ở tay mọc dài như một quá trình lột xác ngoạn mục được diễn viên thể hiện gần như nguyên vẹn, các phần đặc tả về con cáo và quá trình hóa khiếp từ người thành cáo cũng được giữ nguyên.

Điểm qua một số chi tiết trong tác phẩm của nhạc sĩ Kim Ngọc, tôi thấy từ một ý tưởng về nhân vật Hồ Nguyệt Cô mà tác giả đã “trình làng” một tác phẩm mới mẻ, độc đáo. Việc tác giả sắp xếp để người dẫn chuyện và nghệ sĩ diễn xuất ở hai màn hình và dàn nhạc chơi tại đó khiến ta liên tưởng đến những gì xưa cũ trong quá khứ và sự xuất hiện của dàn nhạc là hiển hiện của hiện tại. Lối kết hợp này như là một cầu nối được nối dài thêm nhịp từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, thoáng qua thì có vẻ như trái ngược hoàn toàn với thẩm mỹ cũ nhưng phải nghe đi nghe lại hàng chục lần mới cảm nhận được cái “thần” của tác phẩm. Tác phẩm đã thể hiện một góc nhân sinh quan rất hiện đại, rất giản dị và rất đậm Việt Nam (Music theatre).

 Qua tác phẩm âm nhạc thể nghiệm này, tôi nhận thấy nghệ thuật truyền thống không những mất đi mà còn được hồi sinh trong một diện mạo mới.

3.Hai nàng Hồ Nguyệt Cô của tác giả Lê Xuân Sơn được sử dụng trong phim  Tương lai của truyền thống - (8phút 30 giây)

Đạo diễn và dựng phim: Barley Norton

Nhân vật trong phim được phỏng vấn: nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn (Sơnx)

Đây là một tác phẩm được tác giả khai thác yếu tố truyền thống cho một câu chuyện hoàn toàn mới. Ở tác phẩm này, với vai trò là người sáng tạo Sơnx đã sử dụng con cáo lấy từ trong Tuồng và một con cáo từ trong Chèo để xây dựng một nội dung mới, mang những thông điệp về một vài hiện tượng của xã hội hiện đại thông qua lăng kính của người nghệ sĩ kỳ cựu và đầy tâm huyết với nghệ thuật truyền thống.

Câu chuyện được bắt đầu khi hai con cáo gặp nhau trong rừng và kể cho nhau nghe về thân phận của mình, một con thì buồn bã khi không được trở lại làm người vì mất ngọc, con còn lại thì lại ném ngọc đi và vui mừng khi thoát khỏi kiếp người được trở lại làm cáo. Hai con cáo với hai tâm trạng, con buồn - con vui đối lập cùng hai khát khao trái ngược nhau đã thu hút sự tò mò khám phá mục đích ẩn sau nó.

Nghệ sĩ Sơnxlý giải: “Mình không muốn mọi người hiểu đây là cô Nguyệt Cô trong Tuồng và đây là cô Xúy Vân trong Chèo, mình muốn hai nhân vật đó hiểu họ là hai con cáo nên mình mới làm ra hai con cáo gặp nhau ở trong rừng, hai con cáo tâm sự, con này tu luyện 1000 năm trong rừng và bị mất viên ngọc, con cáo kia thì bảo cũng tu luyện 1000 năm nhưng khi trở thành người nó thấy không có tự do, nó thấy cuộc sống của con người bị ô nhiễm quá, nhiều vấn đề quá nó không thích và vứt viên ngọc đi để quay lại đời sống thiên nhiên… ”. Theo Sơnx, hai con cáo là hai đại diện cho hai số phận, hai khát vọng và hai lựa chọn khác biệt và anh tôn trọng hai lựa chọn này. Được sống đúng và thật với chính mình ở trong xã hội của con người vốn vô cùng phức tạp cũng là sự lựa chọn đáng trân trọng.

 Ở cuối câu chuyện vào phút thứ (5:10) “xuất hiện một người đeo mặt nạ như một hiện thân của một lối sống mà ở đó con người với con người mang nhiều lớp mặt nạ khác nhau và người ta cũng sống cái cách như vậy, không có nhiều người sống bằng sự chân thành, không nhiều người sống bằng sự thật thà”.

Đây cũng chính là thông điệp đắt giá nhất của tác phẩm, khi xã hội loài người đã phát triển đến tột bậc của công nghệ và những sản phẩm trí tuệ bùng nổ thì cũng là lúc con người đối mặt với muôn vàn trở ngại của chính xã hội hiện đại đã tạo ra. Con người loay hoay để trở lại với bản ngã của chính mình, rũ bỏ lớp mặt nạ của hiện tại để về với thiên nhiên cũng chính là quay lại “bản ngã” của mình. Một câu chuyện được kể lại nhẹ nhàng, ngôn ngữ tự nhiên, gủi gắm những ý niệm đơn giản.

Trên sân khấu, tác giả đã sử dụng triệt để thủ pháp “đối thoại” làm thủ pháp sáng tạo chính, từ việc nhân vật đối thoại với nhân vật, nhạc công đối thoại với nhạc công, giữa âm nhạc Tuồng - Chèo, truyền thống và hiện đại… tất cả là những cặp đối thoại tung hứng làm cho tác phẩm có màu sắc khác biệt mà rất gần gũi với khán giả. Ở phần âm nhạc, chất liệu truyền thống luôn được tác giả “ưu tiên” dù trong phim anh đã rất khiêm tốn tự nhận là mình chỉ biết rõ về truyền thống mà không biết về hiện đại. Cách anh khai thác yếu tố truyền thống rất chọn lọc và rất vừa đủ cho ta thấy góc nhìn của một người đã thấm đủ những trải nghiệm của cuộc đời và xuất thần cho những cuộc chơi ý tưởng.

Tóm tắt một vài điểm của hai tác phẩm:

Tương đồng

Khác biệt

-Sử dụng nhân vật Hồ Nguyệt Cô

-Sử dụng một phần âm nhạc Tuồng

-Thể hiện tư duy thời đại

-Có sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại

-Không gian thu gọn

-Khai thác kỹ xảo điện ảnh

-Yếu tố trình diễn

-Số phận của con người (đặc biệt là phụ nữ)

 

 

Hồ Nguyệt Cô hóa cáo:

-Sử dụng nhạc cụ phương Tây

-Công nghệ video hai kênh, kỹ xảo (mix media, slow motion, ..)

-Phương pháp thể hiện tác phẩm mới lạ

-Âm nhạc hoàn toàn dùng nhạc cụ phương Tây

-Khai thác chất bi đặc trưng của Tuồng

-Ngôn ngữ âm nhạc được xây dựng theo khuynh hướng antonal (phi điệu tính) kết hợp âm nhạc Tuồng.

-Tác phẩm là sự kết nối hoàn chỉnh giữa các mạch thời gian - không gian- mang đậm màu sắc phương Đông.

Hai nàng Nguyệt Cô:

-Sử dụng hai nhân vật nổi tiếng của nghệ thuật Tuồng, Chèo để nói về một vai diễn.

-Dàn nhạc dân tộc Tuồng - Chèo được sắp xếp theo ý đồ riêng.

-Tác phẩm mang thông điệp của cuộc sống đương đại mang triết lý về cuộc sống hiện đại rõ rệt.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share