Smetana: Má Vlast (Tổ quốc tôi)

08:46 AM, Thứ sáu, 31/05/2024
457

 

Thông tin chung

 

Tác giả: Bedřich Smetana.

 

Tác phẩm: Má Vlast (Tổ quốc tôi)

 

Thời gian sáng tác: Năm 1874-1879.

 

Công diễn lần đầu: Các chương riêng lẻ của tác phẩm đã được công diễn rải rác trong vòng từ năm 1875-1880. Toàn bộ tác phẩm được ra mắt vào ngày 5/11/1882 tại Žofín Palace, Prague dưới sự chỉ huy của Adolf Čech.

 

Độ dài: Khoảng 77 phút.

 

Cấu trúc tác phẩm:
Bộ tác phẩm là sự kết hợp của 6 chương nhạc, là 6 bản thơ giao hưởng riêng biệt, có thể được biểu diễn tách rời như 6 tác phẩm khác nhau:
Chương I – Vyšehrad (Lâu đài ở trên cao)
Chương II – Vltava
Chương III – Šárka
Chương IV – Z českých luhů a hájů (Từ những khu rừng và cánh đồng xứ Bohemia)
Chương V – Tábor
Chương VI – Blaník

 

Thành phần dàn nhạc: piccolo, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, triangle, bass drum, cymbals, 2 harp và dàn dây.

 

 

Hoàn cảnh sáng tác

 

Vương quốc Bohemia trải qua một giai đoạn đầy bất ổn về chính trị vào nửa sau thế kỷ 19. Sự cai trị bất công và chuyên chế của đế chế Habsburg, lúc này đang chiếm giữ Bohemia, đã có hiệu lực tối đa và chủ nghĩa dân tộc của Đức được thể hiện trong một cảm giác tự mãn và kiêu ngạo về sự thống trị văn hóa. Theo luật Habsburg, tiếng Đức được áp dụng cho các dân tộc bản địa. Để chống lại, người dân Bohemia đã tạo ra các hình thức chủ nghĩa dân tộc của riêng họ, cố gắng giữ bản sắc Bohemia của mình, đầu tiên là ngôn ngữ Czech. Đây đã trở thành một điểm tập hợp, giống như một lá cờ. Tiếng Czech được sử dụng như một phương tiện để truyền đạt các giá trị truyền thống của dân tộc. Và từ đó, những loại hình nghệ thuật khác cũng ra sức bộc lộ chủ nghĩa dân tộc, góp phần kháng cự lại sự đàn áp của nước Đức.

 

Trong lĩnh vực âm nhạc, không có gì phải tranh cãi, Smetana đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Khởi đầu với vở opera về lòng yêu nước Braniboři v Čechách (Những nguời Brandenburg ở Bohemia), tên tuổi của Smetana ngày càng được khẳng định qua vở opera Prodaná nevěsta (Cô dâu bị đánh tráo), tác phẩm đầu tiên của Czech đạt được tiếng vang mang tầm quốc tế. Ông đã trở thành người khởi xướng nên chủ nghĩa dân tộc của xứ Bohemia, đóng một vai trò tương tự như Mikhail Glinka đối với âm nhạc Nga. Và tập thơ giao hưởng Má vlast (Tổ quốc tôi) là đỉnh cao không chỉ trong âm nhạc của Smetana mà còn đối với cả nền âm nhạc Czech. Chúng được tạo ra để tôn vinh lịch sử, vẻ đẹp, văn hóa và truyền thống của người dân đất nước này. Đó cũng là lời tuyên ngôn về lòng yêu nước bất khuất, mang trong mình những khát khao về sự tự tôn dân tộc, sự yêu chuộng hoà bình và tự do.

 

Má vlast bao gồm 6 bản thơ giao hưởng riêng biệt, 6 bức tranh bằng âm nhạc, được kết nối với nhau thông qua một sợi dây xuyên suốt, đó là những cảnh quan, lịch sử và thần thoại của xứ Bohemia. Qua tác phẩm, người nghe có thể cảm nhận được tình cảm thiêng liêng mà Smetana đã dành cho mảnh đất quê hương. Ông sáng tác Má vlast trong khoảng thời gian 1874-1879 và từng bản thơ giao hưởng riêng lẻ được biểu diễn ngay sau khi chúng hoàn thành. Toàn bộ Má vlast xuất hiện như là một tổng thể trọn vẹn diễn ra vào ngày vào ngày 5/11/1882 tại Žofín Palace, Prague dưới sự chỉ huy của Adolf Čech. Kể từ đó, Má vlast và đặc biệt là chương II, Vltava, phần nổi tiếng nhất của tác phẩm, đã trở nên quen thuộc và thường xuyên được biểu diễn, trở thành đại diện tiêu biểu và là sự kết hợp mạnh mẽ nhất giữa âm nhạc và lòng yêu nước.

 

Phân tích

 

Chương I – Vyšehrad

 

Vyšehrad trong tiếng Czech có nghĩa là lâu đài ở trên cao. Vyšehrad là một pháo đài lịch sử của Prague, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 10, từng là nơi ở đầu tiên của các vị vua Czech. Bên trong pháo đài có Vương cung thánh đường Thánh Peter, Thánh Paul và Nghĩa trang Vyšehrad, nơi chứa đựng di hài của nhiều người Czech nổi tiếng và của chính Smetana sau này. Vyšehrad được sáng tác từ cuối tháng 9/1874 đến ngày 18/11/1874 và công diễn lần đầu vào ngày 14/3/1875. Như nhiều nhà soạn nhạc khác, Smetana cũng để lại một miêu tả văn học cho tác phẩm: “Đàn harp của những nhà tiên tri bắt đầu. Nhà tiên tri bắt đầu hát về những sự kiện của Vyšehrad, danh tiếng, sự rực rỡ, các cuộc thi đấu, trận chiến và cuối cùng là sự suy tàn và đổ nát. Bài hát kết thúc bằng một giai điệu trang nhã”.

 

Chương nhạc mở đầu bằng tiếng harp, tượng trưng cho tiếng hát của ca sĩ huyền thoại trong dân gian Czech Lumír và rồi được chuyển sang những âm thanh mô phỏng cho kho vũ khí của lâu đài. Chương nhạc giới thiệu motif 4 nốt nhạc Si giáng – Mi giáng – Rê – Si giáng, tượng trưng cho lâu đài Vyšehrad. Chúng ta sẽ còn gặp lại motif này trong cuối chương II Vltava cũng như ở phần kết Blaník, như một sợi dây xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, tạo nên một kết nối mang tính tuần hoàn. Smetana đã dùng âm nhạc để kể lại câu chuyện về toà lâu đài, âm nhạc trở nên nhanh hơn, mang nhịp hành khúc, miêu tả những đoàn quân. Và rồi toàn bộ dàn nhạc đẩy đến một cao trào, tượng trưng cho sự chiến thắng. Nhưng điều này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian, mọi thứ lắng xuống, những quãng giảm dần xuất hiện, toà lâu đài sụp đổ. Giai điệu mở đầu trên harp xuất hiện trở lại, âm nhạc như muốn nhắc lại vẻ đẹp của Vyšehrad, nhưng giờ đây đã hoang tàn. Chương nhạc kết thúc trong lặng lẽ, miêu tả con sông Vltava chảy dưới toà lâu đài.

 

Chương II – Vltava

 

Vltava (theo tiếng Đức là Moldau) là con sông lớn nhất chảy qua Czech. “Tác phẩm miêu tả dòng chảy của Vltava, bắt đầu từ hai con suối nhỏ Vltava Ấm và Vltava Lạnh, đến sự hợp nhất của cả hai thành một con sông duy nhất, Vltava chảy qua cánh rừng và đồng cỏ, qua phong cảnh nơi có một đám cưới của người nông dân được tổ chức, một vũ điệu theo vòng tròn của những nàng tiên cá trong ánh trăng đêm, trên những tảng đá gần đó thấp thoáng những lâu đài, cung điện và tàn tích đầy kiêu hãnh. Vltava xoáy vào Ghềnh Thánh John (một dải nước chảy xiết trên Vltava), sau đó mở rộng, chảy về phía Prague, qua Vyšehrad và sau đó biến mất một cách hùng vĩ vào khoảng không, kết thúc tại sông Labe (Elbe trong tiếng Đức”. Chương nhạc đã được sáng tác trong khoảng 20/11/1874-11/12/1874 và được công diễn vào ngày 4/4/1875.

 

Vltava đã trở thành tác phẩm quen thuộc nhất của Smetana. Chủ đề chính của tác phẩm được lấy từ ca khúc La Mantovana do nhà soạn nhạc, giọng tenor thế kỷ 16 Giuseppe Cenci sáng tác. Vltava mở đầu trên một motif tăng dần, được hai flute chơi đan xen nhau trên nền đệm pizzicato của violin và harp. Bè clarinet gia nhập, nhưng được chơi giảm dần, thể hiện sự đối lập của hai dòng chảy, Ấm và Lạnh. Chủ đề chính được chơi trên violin, oboe và bassoon, rộng lớn và dâng trào hùng vĩ. Tiếng horn vang lên như trong một cuộc săn bắn, được oboe và bassoon hỗ trợ, dòng sông đang chảy qua những cánh rừng và đồng cỏ. Polka, một điệu dân vũ quen thuộc của xứ Bohemia, tượng trưng cho đám cưới giản dị, mộc mạc và vui vẻ của làng quê. Chủ đề Vltava xuất hiện trở lại, đầu tiên trong violin và oboe rồi trên cả dàn nhạc, rộn ràng khi nó vượt qua Ghềnh Thánh John và rồi đạt đến một vẻ đẹp tráng lệ. Kết cấu dàn nhạc mỏng dần, chỉ còn bè violin chơi một hợp âm rải và rồi Vltava kết thúc bằng hai hợp âm fortissimo của cả dàn nhạc.

 

Chương III – Šárka

 

Chương III được hoàn thành vào ngày 20/2/1875. Ngày công diễn lần đầu chưa được thống nhất, là vào ngày 10/12/1876 hoặc 17/3/1877). Šárka là một nữ chiến binh, nhân vật trung tâm trong câu chuyện cổ tích Dívčí válka (Cuộc chiến của các thiếu nữ), được lưu truyền trong dân gian Bohemia từ thế kỷ thứ 8. Smetana miêu tả: “Nó bắt đầu với một miêu tả của một cô gái tức giận thề sẽ trả thù toàn bộ nam giới vì sự không chung thủy của người yêu mình. Từ xa đã nghe thấy sự xuất hiện của những người đàn ông có vũ trang được Ctirad dẫn đầu, họ đến để trừng phạt Šárka và những thiếu nữ nổi loạn của cô ấy. Ở đằng xa, Ctirad nghe thấy tiếng khóc của Šárka, bị trói vào một thân cây. Khi nhìn thấy cô, vẻ đẹp của cô đã khiến anh bị chinh phục, anh đã yêu và giải thoát cho cô. Bằng một lọ thuốc đã được chuẩn bị trước đó, cô ấy đánh khiến anh và những người đàn ông của anh chìm vào giấc ngủ. Khi cô thổi còi theo một tín hiệu đã được sắp xếp trước, các thiếu nữ nổi loạn, ẩn nấp trên những tảng đá gần đó, lao đến và thực hiện hành động đẫm máu. Nỗi kinh hoàng của sự tàn sát chung và niềm đam mê và giận dữ trước sự trả thù của Šárka là phần cuối của sáng tác”.

 

Tác phẩm miêu tả những khoảnh khắc của cốt truyện chính với những motif khắc hoạ tính cách của các nhân vật. Những ô nhịp đầu tiên đại diện cho Šárka như một người phụ nữ hoang dã và đầy đam mê nhưng cũng vô cùng quyến rũ và xinh đẹp. Šárka đối thoại với Ctirad, với tiếng clarinet rên rỉ đầy gian xảo và cello ngạc nhiên và bi thương, được phát triển thành một cảnh tình yêu thắm thiết nhất trong toàn bộ tác phẩm. Họ được những tuỳ tùng của Ctirad cổ vũ qua những điệu nhảy. Tiếng bassoon hài hước vang lên, tất cả bọn họ đều ngủ thiếp đi. Trong sự im lặng căng thẳng của đêm tối, một tiếng horn vang lên thật mạnh, Šárka đã ra ám hiệu với đồng bọn của cô. Một đoạn clarinet đau thương ngân lên, sự hối hận của lương tâm Šárka. Một người cô yêu đã bị giết chết bằng một thủ đoạn gian dối. Âm nhạc kết thúc trong sự quay cuồng.

 

Chương IV – Z českých luhů a hájů

 

“Từ những khu rừng và cánh đồng xứ Bohemia” là chương nhạc được Smetana viết tại khu nhà của con gái ông tại miền quê Jabkenice. Chương nhạc được hoàn thành vào ngày 18/10/1875 và được công diễn vào ngày 10/12/1875. Tuy nhiên, Smetana đã suy nghĩ về nó trước cả khi sáng tác Šárka, khi trong một bức thư vào tháng 12/1874, ông đã muốn “viết một bản thơ giao hưởng về cuộc sống của người Czech qua những điệu nhảy và tiếng hát”. Smetana đã miêu tả: “Đây là bức tranh tổng hợp những cảm xúc khi nhìn về mảnh đất Czech. Có tiếng hát đầy nhiệt huyết từ mọi phía, cả vui tươi và u sầu từ những lùm cây và đồng cỏ. Những cánh rừng qua tiếng độc tấu của horn, vùng thung lũng Elbe vui vẻ và cả những vùng đất khác, mọi thứ đều được hát tại đây. Mọi người đều có thể vẽ bất cứ thứ gì họ muốn từ sáng tác – nhà thơ có một con đường tự do trước mặt, người bắn cung phải tuân theo sáng tác một cách chi tiết”.

 

Âm nhạc nhẹ nhàng, cách phối khí tinh tế. Phần đầu được Smetana viết ở dạng fugue, với các nhạc cụ đan xen và giao tiếp với nhau. Phần hai của chương nhạc miêu tả một lễ hội dân gian đang diễn ra sôi nổi, với tiết tấu của điệu polka quen thuộc. Chủ đề chính được vang lên trong kèn đồng lần cuối cùng trước khi chương nhạc kết thúc trong hân hoan với hai hợp âm lớn của toàn bộ dàn nhạc. Ban đầu Smetana đã có ý tưởng sử dụng chương nhạc này để kết thúc Má vlast.

 

Chương V – Tábor

 

Sau ba năm nghỉ sáng tác Smetana mới quay lại hoàn thành Tábor vào ngày 13/12/1878 tại Jabkenice và công diễn lần đầu vào ngày 4/1/1880. Tábor là thành phố ở phía nam Bohemia do người Hussite (những người theo phong trào Kitô giáo theo lời truyền đạo của nhà cải cách Jan Hus vào thế kỷ 13-15) thành lập và đóng vai trò là trung tâm trong các cuộc Chiến tranh Hussite. Smetana viết: “Tuyên ngôn: “Các bạn là chiến binh của Chúa”! Toàn bộ cấu trúc của bản nhạc được giữ nguyên từ bài hát tuyệt vời này. Tiếng hát này chắc chắn được cất lên mạnh mẽ và thường xuyên nhất ở dinh thự chính – ở Tábor. Tác phẩm cũng miêu tả một ý chí mạnh mẽ, các trận chiến thắng lợi, sự kiên trì, bền bỉ và ngoan cố một cách không khoan nhượng. Nó không thể được chia thành các chi tiết nhưng nhìn chung sẽ bao gồm vinh quang và sự ca ngợi các cuộc đấu tranh của người Hussite và sự kiên định trong bản chất của họ”.

 

Chủ đề đầu tiên của Tábor được lấy từ hai dòng đầu tiên của bài thánh ca “Hussite Ktož jsú boží bojovníci” (Các bạn là chiến binh của Chúa) và được xuyên suốt trong toàn bộ chương nhạc, được luân chuyển qua nhiều nhạc cụ khác nhau. Âm nhạc mở ra đều đều với bè trầm của dàn dây. Chủ đề chính được xuất hiện trên horn. Không khí u tối và huyền bí, ngay cả khi dàn nhạc gia nhập, khi các nhạc cụ đều chơi ở âm vực thấp. Rồi âm nhạc cũng trở nên phong phú hơn. Một tiếng nổ lớn vang lên từ kèn đồng đưa mọi thứ trở nên táo bạo hơn. Chủ đề chính được trở lại trên kèn đồng, được timpani đáp lại. Âm nhạc trong Tábor như đại diện cho nhiều gương mặt trong thành phố, với nhiều tâm trạng khác nhau. Chương nhạc kết thúc với sự xuất hiện lần cuối của chủ đề thánh ca.

 

Chương VI – Blaník

 

Hoàn thành vào ngày 9/3/1879 và công diễn lần đầu vào ngày 4/1/1880 ở Prague, Blaník được lấy theo tên gọi của ngọn núi ở Czech, theo truyền thuyết kể rằng một đội quân hiệp sĩ, dẫn đầu là Thánh Wenceslas, ngủ ở đó và sẽ thức tỉnh để giúp đỡ đất nước trong giờ phút nghiêm trọng nhất. Về mặt âm nhạc, Smetana muốn Blaník được chơi nối tiếp ngay sau Tábor mà không bị gián đoạn (attaca). Ông viết: “Nó là sự nối tiếp của bản nhạc trước đó: Tábor. Sau khi đánh bại các con sông Hussite, họ ẩn náu ở Blaník và chờ đợi trong cơn say giấc nồng khoảnh khắc nơi quê nhà cần ra tay giải cứu. Vì vậy, các motif tương tự như trong Tábor được sử dụng trong Blaník, làm cơ sở cho cấu trúc “Các bạn là chiến binh của Chúa”. Trên nền tảng của giai điệu này (nguồn gốc Hussite này) sự phục sinh của dân tộc Czech, hạnh phúc và vinh quang trong tương lai sẽ phát triển! Một chút intermezzo trong bản nhạc này cũng là một khúc đồng quê ngắn, vẽ lên vị trí của Blaník, chú chăn cừu nhỏ hét lên, chơi đùa và những tiếng vang đáp lại cậu ta”.

 

Sự bắt đầu của Blaník được tiếp nối ngay sau những ô nhịp cuối cùng của Tábor bằng cách trích dẫn bài thánh ca. Điều này sau đó biến thành một hành khúc của đám đông, như thể đang miêu tả một ký ức u ám về thời kỳ Hussite. Một khúc nhạc đồng quê thanh bình, yên ả hiện ra, giới thiệu chúng ta về ngọn núi Blaník. Nhưng rồi, âm nhạc trở nên kịch tính hơn, một trận chiến dữ dội bắt đầu. Khi đất nước Czech lâm nguy, đội quân đang ngủ say sẽ thức tỉnh để bảo vệ quê hương. Một giai điệu dân gian khác của xứ Hussite cất lên, bài hát “že konečně s ním vždycky zvítězíte” (Cuối cùng bạn sẽ luôn giành chiến thắng), như một tín hiệu giải thoát cho cuộc chiến tranh đẫm máu tồi tệ nhất. Một không khí khải hoàn bừng lên, đất nước Czech đã chiến thắng. Âm nhạc vang lên với sự phấn khích cuồng nhiệt nhất, dàn dây rung lên những nốt nhạc trong âm khu cao trên nhạc cụ của mình. Bộ gõ góp phần làm nổi bật tính chất của đoạn nhạc. Rồi âm nhạc chậm lại, mang một màu sắc uy nghiêm, tượng trưng cho hoàng gia trước khi sự tưng bừng lại vang lên một lần nữa Blaník kết thúc đầy hân hoan trong bè dây lung linh và màn phô trương kèn đồng hoành tráng nhất trong toàn bộ Má vlast, motif trong Vyšehrad xuất hiện trở lại, tạo nên một sự tuần hoàn thống nhất của tác phẩm. Việc sử dụng các bài thánh ca Hussite cùng với các giai điệu dân gian truyền thống khác của Czech khiến Blaník trở thành một đại diện thực sự cho di sản và văn hóa của Smetana.

 

Chúng ta luôn đề cập đến việc Beethoven trong nhiều năm cuối đời đã sáng tác trong hoàn cảnh bị điếc mà thường quên đi rằng, Smetana cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự khi bắt đầu viết Má vlast. Ông đã vượt qua những khó khăn của bản thân để cống hiến cho quê hương tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp của mình, một biểu tượng của nền âm nhạc Czech, lúc đó còn rất non trẻ. Thật đáng tiếc khi bản thân Smetana không thể thưởng thức được Má vlast. Năm 1946, Liên hoan âm nhạc mùa xuân Prague, được thành lập và từ năm 1952 trở đi, luôn được khai mạc vào ngày qua đời của Smetana, ngày 12/5. Má vlast vẫn luôn là tác phẩm được trình diễn đầu tiên, mở màn liên hoan – một sự tưởng nhớ tới nhà soạn nhạc vĩ đại và tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

 

Ngọc Tú tổng hợp

 

Nguồn:
wno.org.uk
classicalnotes.net
courses.lumenlearning.com

 

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều