Kỳ vọng đưa âm nhạc cổ điển đến gần với đại chúng

05:03 PM, Chủ nhật, 09/07/2023
556

Tác giả: Hoàng An

 

Từ những đêm diễn kín chỗ nhà hát và sự hưởng ứng của khán thính giả dành cho dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn (Saigon Philharmonic Orchestra, viết tắt SPO), ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc Nghệ thuật của SPO, tin vào tương lai âm nhạc cổ điển quốc tế sẽ phát triển và đến gần hơn với công chúng Việt Nam. Tuy vậy, đây là một hành trình thay đổi cần sự nỗ lực từ nhiều bên.

 

Thách thức nhưng vẫn là mảnh đất tiềm năng

Từ năm 2019 đến nay, dàn nhạc SPO đã có rất nhiều đêm diễn lớn tại các điểm nhà hát thành phố. Ông Nguyễn Bảo Anh, nghệ sĩ chơi kèn Bassoon sau 6 năm về tiếp quản với mong muốn góp sức phát triển SPO tham vọng đưa tinh hoa của thế giới về Việt Nam và đưa tài năng Việt Nam ra thế giới, bày tỏ niềm phấn khởi khi nhìn vào sức lan tỏa ngày qua ngày của dòng nhạc cổ điển này.

 

“Chúng tôi có 12 đêm diễn vào mỗi năm 2019, 2020, tổ chức tiếp sau dịch năm 2022, 2023 trước sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Bằng chứng qua các đêm diễn hòa nhạc luôn kín vé và hội tụ rất nhiều nhạc công quốc tế đến cùng nghệ sĩ Việt Nam trình diễn”, ông nhấn mạnh.

 

Dàn nhạc giao hưởng SPO đang biểu diễn hòa nhạc tại nhà hát. Ảnh: SPO
Dàn nhạc giao hưởng SPO đang biểu diễn hòa nhạc tại nhà hát. Ảnh: SPO

Nhìn nhận người nghe dòng nhạc cổ điển còn chưa phổ biến ở Việt Nam, ông Bảo Anh cho rằng Việt Nam đang gặp thách thức từ nhiều yếu tố như cơ sở vật chất đủ điều kiện tổ chức đêm diễn, trình độ của nghệ sĩ, môi trường rèn luyện tay nghề nghiêm túc và trung thực. Bên cạnh đó, mức độ truyền thông thể loại này đến với mọi người, như cách thể loại nhạc trẻ, loại hình nghệ thuật khác đã được khán giả tiếp cận từ lâu, vẫn chưa rộng rãi. Tuy vậy, từ kinh nghiệm tổ chức đêm diễn có yếu tố quốc tế, ông chia sẻ nghệ sĩ nước ngoài nhìn thấy Việt Nam đang là một sân chơi tiềm năng để phát triển dòng nhạc này.

 

“Thực tế, âm nhạc cổ điển là văn hóa thế giới và ở Việt Nam chúng ta chỉ mới đang chớm phát triển như buổi rạng sáng, vậy nên cơ hội để khai thác thêm luôn có. Thời kỳ hoàng kim đang dành cho những thế hệ trẻ tương lai. Điều này cũng góp phần biến Việt Nam trở thành điểm đến biểu diễn hấp dẫn của nhạc công nước ngoài, thêm kích cầu du lịch, đa dạng văn hóa”, vị giám đốc này nói thêm.

Không gian hòa nhạc ở nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: SPO
Không gian hòa nhạc ở nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: SPO

Qua thời gian dài tiếp xúc với khán giả mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ, ông đánh giá sự cởi mở, tiếp thu nhanh nền văn hóa thế giới hiện nay là lợi thế để nhân rộng âm nhạc cổ điển. Theo những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực, loại hình nghệ thuật này không kén người nghe hay chỉ dành cho những ai thích “hàn lâm, học thuật”, quan trọng vẫn là người nghệ sĩ có đủ tầm và trình độ để phục vụ phổ cập đến cộng đồng hay không.

Vị giám đốc nghệ thuật tâm niệm không được đánh giá thấp nhu cầu thẩm mỹ, giải trí của khán giả. Ban tổ chức làm đêm diễn bán vé nhưng không ai mua, thì phải nhìn nhận lại nhạc công đã đủ khả năng đem đến đêm diễn cảm xúc tương xứng với số tiền người nghe bỏ ra hay chưa, chứ không nên đổ lỗi người nghe không cảm thụ được âm nhạc mình đang biểu diễn.

 

Đưa âm nhạc cổ điển len lỏi vào đời sống

Là nền nghệ thuật lâu đời trên thế giới, âm nhạc cổ điển ở các quốc gia khác từ lâu đã tiếp cận đến các cộng đồng người nghe một cách gần gũi nhất. Dàn nhạc SPO cũng đang ấp ủ hành trình đưa thể loại này đến với mọi người và khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường.

 

Đại diện dàn nhạc giao hưởng cho biết sẽ có những buổi biểu diễn không phải là những không gian sang trọng trong nhà hát, giới hạn ở vị trí nào mà là nhân rộng ở mọi điểm diễn công cộng như bệnh viện, trường học… như một hình thức sinh hoạt âm nhạc bình thường trong đời sống đại chúng. Theo các nhạc công, vì thế hệ khán giả tương lai luôn ở đó, quá trình phổ biến loại hình nghệ thuật này sẽ bắt đầu từ mục đích phục vụ cộng đồng, lắng nghe phản ứng của khán giả và không tách rời nhu cầu của người dân.

Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn sẽ có nhiều đêm diễn với đa dạng chủ đề từ đây đến cuối năm. Ảnh: SPO
Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn sẽ có nhiều đêm diễn với đa dạng chủ đề từ đâyđến cuối năm. Ảnh: SPO

“Dàn nhạc hoạt động có mục đích phát triển các mắt xích xã hội như giáo dục, giải trí với âm nhạc cổ điển… không chỉ SPO, các dàn nhạc khác cũng nên trở thành một phần của xã hội, được công chúng trong nước sử dụng chứ không phải chỉ phục vụ hay thu hút khán giả nước ngoài xem”, nghệ sĩ Bảo Anh giãi bày. Đây là mối quan hệ hai chiều giúp các đêm diễn đến gần với khán giả và ban tổ chức chương trình cũng thuận lợi trong khâu quảng bá đêm nhạc, tìm đơn vị đồng hành ở Việt Nam

 

Hiện nay, chi phí tổ chức đêm diễn đến từ nhiều nguồn chính như xã hội hóa, tìm nhà tài trợ, mạnh thường quân. Doanh thu bán vé chỉ chiếm khoảng 20% kinh phí cho 400 – 550 chỗ ngồi tại hai nhà hát lớn ở TPHCM và Hà Nội. Giá vé xem hòa nhạc dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng tùy vị trí chỗ ngồi.

Một phân cảnh trong buổi biểu diễn bán vé. Ảnh: SPO
Một phân cảnh trong buổi biểu diễn bán vé. Ảnh: SPO

Được biết, mỗi đêm biểu diễn hiện tại, dàn nhạc tập trung rất nhiều gương mặt nghệ sĩ quốc tế. SPO đã được đi lưu diễn nước ngoài, góp phần khẳng định vị trí dòng nhạc cổ điển trong lòng khán giả Việt Nam suốt gần 6 năm qua.

 

Chia sẻ với KTSG Online, vị này hy vọng không chỉ nhạc cổ điển mà các thể loại âm nhạc khác sẽ được ban ngành, giới làm nghề đầu tư và sáng tạo một cách chỉn chu. Việc làm này sẽ thu hút ca sĩ, nhạc sĩ quốc tế về Việt Nam, góp phần nâng tầm âm nhạc Việt Nam ra bản đồ thế giới qua các chương trình âm nhạc, đại nhạc hội.

 

(Nguồn: https://baomoi.com/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều