Tác giả: Lê Hải Đăng
Nhấn nhá là một thủ pháp trang sức trong âm nhạc truyền thống. Theo “Từ điển tiếng Việt”, “nhấn” có 3 nghĩa: “1. Ấn, gí nhẹ xuống; 2. Dìm cho ngập vào nước, vào bùn; 3. Dùng lời lẽ hay giọng điệu khác thường làm cho người khác chú ý đến điều được coi là quan trọng, đáng quan tâm hơn những cái khác.” Còn “nhá là nhai kĩ cho giập, cho nát một vật gì dai, cứng, khó ăn” hay “nhá”, giống như “nhé”.
Như vậy, “nhấn” có cơ sở đi vào lĩnh vực âm nhạc, trở thành một từ chỉ kỹ thuật nhấn mạnh, nhấn cao, nhấn chùng dây đàn… “Nhấn” phổ biến trong nhiều lĩnh vực, phương diện của đời sống, bao gồm cả nghệ thuật thị giác, văn học, ngôn ngữ... Riêng “nhá”, theo cách giải thích của “Từ điển tiếng Việt” dường như chẳng liên quan đến âm nhạc! Vậy, “nhấn nhá” có thể hiểu là một từ láy, giống như hỏi han, giữ gìn, tử tế, thẫn thờ… chăng?
Như chúng ta biết, âm nhạc châu Á thường sử dụng thủ pháp trang sức, như: đưa hơi, rung, đổ hột… Trong thủ pháp melisma có cấu tạo gồm một ca từ vây bọc bởi nhiều cao độ. Những thủ pháp đặc trưng này đã ảnh hưởng từ nhạc hát sang nhạc đàn. Theo đó, “nhấn” là cách đẩy âm thanh cao hơn, mạnh hơn. Còn “nhá” có nghĩa là gì? Qua cách giải thích trong “Từ điển tiếng Việt” khẳng định, “nhá” chẳng liên quan đến âm nhạc! Nếu coi “nhấn nhá” là một từ láy, vô hình trung đã tước đoạt nội hàm của “nhá”. Trong khi nhấn nhá xuất hiện thường xuyên trong âm nhạc truyền thống, thậm chí trở thành một thuật ngữ âm nhạc. Vậy, giữa “nhấn” và “nhá” chắc hẳn có sự khác biệt!?
Ở tiếng Quảng Đông, một ngôn ngữ cũng gọi là tiếng Việt hay Bạch thoại, Đường thoại, “nhá” có nghĩa là chạm, đụng, sờ, như “nhá máy”, một cách gọi điện thoại nhằm báo hiệu, không cho đổ chuông dài. Như vậy, “nhá” là việc dùng tay chạm nhẹ, đụng hờ vào dây. Thay vì biến đổi cao độ như ở “nhấn”, “nhá” nhằm biến đổi âm sắc, ngắt âm. Khi chỉnh dây, người đàn cũng dùng tay (trái) chạm nhẹ vào dây, vừa có tác dụng ngắt âm, vừa nhằm thay đổi âm sắc.
Trên thực tế, việc sử dụng bàn tay, ngón tay, cườm tay hay bất kỳ bộ phận nào chạm nhẹ vào vật thể tạo âm đều sản sinh hiệu quả biến đổi âm sắc, kể cả cao độ. Tuy nhiên, trong âm nhạc truyền thống, thay đổi cao độ, cường độ đã sử dụng thủ pháp “nhấn”, nên “nhá” dường như phản ánh thủ pháp ngắt âm, kỹ thuật mổ ngón... Đối với nhạc cụ phương Tây, cụ thể là đàn dây, việc chạm, sờ, đụng nhẹ vào dây có thể tạo ra bồi âm hoặc bịt âm (pizzicato). Nói về thủ pháp này, đàn bầu là một trường hợp điển hình. Bởi, đối với đàn bầu, ngoài âm cơ bản có cao độ bằng tần số chiều dài sợi dây (buông), các cao độ khác đều hình thành từ bồi âm (Harmonique). Để tạo ra bồi âm, người đàn sử dụng cườm tay chạm nhẹ vào dây trước khi gảy. Cách làm này không dừng lại ở mục đích ngắt âm, bịt âm hay thay đổi âm sắc mà nhằm tạo ra cao độ. Vậy, “nhấn” và “nhá” ở đàn bầu sử dụng đan xen, phối hợp với nhau. Nhấn cùng một lúc thực hiện bởi sự phối hợp giữa kỹ thuật gảy (kích âm) của bàn tay phải và điều chỉnh vòi đàn của bàn tay trái, trong đó, nhá sử dụng cườm tay chạm vào dây. Thủ pháp chạm dây kết hợp với gảy cũng sản sinh kỹ thuật “bịt âm” (pizzicato)… Qua đó thấy rằng, cùng một động tác kỹ thuật có thể tạo hiệu quả âm thanh khác nhau, vô cùng phong phú, đa dạng.
Một thủ pháp khác cũng thường xuất hiện trong âm nhạc truyền thống là kỹ thuật mổ. Đối với thủ pháp này, người đàn dùng tay đụng nhẹ vào dây, động tác nhanh, dứt khoát, vừa có tác dụng ngắt âm, vừa có chức năng phân câu, tiết… So với nhấn, nhá được triển khai một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng, ít mất sức hơn.
“Nhấn nhá” thường ghép đôi, đi cặp với nhau. Người đàn không chia tách nhấn ra khỏi nhá. Đặc biệt đối với một số nhạc cụ đặc trưng như đàn bầu, trong nhấn có nhá và ngược lại. Tất nhiên, có thể khẳng định, nhấn và nhá vốn khác nhau, nhưng khi vận dụng vào thực tế, người ta kết hợp đan xen, liên tục, hài hòa với nhau.
Ngoài ra, “nhá” có thể hiểu là “nhả”. Theo triết lý Âm dương, mọi sự vật đều tồn tại dưới dạng đối lập nhằm duy trì trạng thái cân bằng. Âm nhạc truyền thống vừa thể hiện quan niệm thẩm mỹ, vừa vận dụng mô hình triết lý Âm dương. Trong tác phẩm, từ dạng liên khúc cho đến câu, tiết nhạc… thường xuất hiện cấu trúc cân phương, đăng đối. Trong phương pháp kích âm, nhấn và nhá chính là một cặp đôi kết hợp giữa kỹ thuật tạo áp lực, gia tăng căng thẳng và hòa hoãn, buông lỏng nhằm trở về trạng thái cân bằng. Sự kết hợp giữa nhấn và nhá (nhả) giúp cho chuỗi âm thanh đi qua nhiều cung bậc cảm xúc một cách hài hòa. Sau nhấn có nhá, trước nhá có nhấn, nhấn và nhá nâng đỡ, tôn vinh lẫn nhau. Nhờ nhá mà nhấn có thể tích tụ năng lượng, nhưng không bị tiêu hao vô ích mà được phục hồi, tái sinh. Nhấn nhá từ một động tác kỹ thuật đã trở thành thành thủ pháp nghệ thuật, thể hiện quan niệm thẩm mỹ truyền thống, nơi cái đẹp ký thác. Bất luận thế nào, nhấn nhá vẫn trường tồn suốt thời gian dài. Nó phải có những lý do đủ mạnh mẽ để vượt qua thời gian, trở thành một thuật ngữ phổ biến trong âm nhạc truyền thống.