Tác giả: Thanh Nhã
Từ ngày 25 đến 27/4/2025, tại Khu Du lịch Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên, đã diễn ra Lớp tập huấn chuyên môn Âm nhạc năm 2025, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
Dự lớp tập huấn có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; bà Vũ Thị Thu Hường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên; nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên; nhà báo Trần Văn Thép - Tổng Biên Báo Văn nghệ Thái Nguyên; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên.
Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; các nhạc sĩ Ủy viên Ban Chấp hành: NSND Trọng Đài, NSND Ngô Hoàng Quân, nhạc sĩ Đinh Công Thuận; nhạc sĩ Quốc Tây – Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh, và một số nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh...
Lớp tập huấn đã tập trung gần 100 các nhạc sĩ, ca sĩ, các nhà lý luận âm nhạc từ các Chi hội, Đoàn Nhạc sĩ các tỉnh: Nam Định, Lạng Sơn, Lai Châu, Hòa Bình, TP Hải Phòng, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hà Nam, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, và các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Hà Nội như: Chi hội các cơ quan lẻ, Phát thanh truyền hình, Văn hóa Giáo dục, Quân đội...
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, phát biểu khai mạc, rất phấn khởi, biểu dương các nhạc sĩ đã có mặt đầy đủ dự Lễ Khai mạc lớp bồi dưỡng chuyên môn trong thời điểm cả nước đang chào đón những ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước:
Trong những ngày này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam hòa trong không khí của cả nước, tổ chức lớp tập huấn âm nhạc tại Thái Nguyên. Đây là hoạt động chuyên môn rất bổ ích, từ nhiều chi hội các nhạc sĩ hội tụ về Thái Nguyên, bên cạnh Hồ Núi Cốc xinh đẹp, tại lớp sẽ có những nội dung đặc biệt trao đổi về chuyên môn, cập nhật thông tin, tình hình thời sự, sự kiện, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa đã được đưa vào Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày nay ứng dụng công nghệ phát triển, nhất là các nhạc sĩ cần nắm bắt một số phần mềm về bản quyền, sáng tác âm nhạc, công cụ viết nhạc. Hội Nhạc sĩ có kế hoạch xây dựng một bảo tàng số về âm nhạc vào những năm tới, kể cả âm nhạc dân gian và âm nhạc đương đại
Hy vọng, sau đợt tập huấn tại Thái Nguyên, các nhạc sĩ sẽ có những tác phẩm âm nhạc mới về Hồ Núi Cốc, về đất và người Thái Nguyên, và hướng tới tập trung cho kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 2/9/2025 rất sôi động. Trong thời gian tới, các nhạc sĩ cần sáng tạo được các tác phẩm mới, hòa chung với không khí của cả nước – một kỷ nguyên vươn mình,
Tại lớp học, nhạc sĩ Đức Trịnh cũng trao đổi về chủ đề “Sắp xếp cơ cấu tổ chức Hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác số hóa trong hoạt động âm nhạc thời gian tới”.
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu, đã nhận định: Lớp tập huấn là sự cố gắng của cả Ban Chấp hành và các Chi hội, các nhạc sĩ ở nhiều tỉnh, thành đã tập hợp về đây trong không khí sôi động của cả nước kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc.
Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa được dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), được sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã tổ chức sáng 25/4; 500 đại biểu các thế hệ văn nghệ sĩ với các tham luận, ý kiến rất tự hào, đặc biệt sự rạo rực tự hào lớn trong toàn xã hội, toàn nhân dân; cả nước trong không khí rợp màu cờ đỏ… đó chính là tâm thế của toàn nhân dân hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trao đổi chuyên đề “Tâm thế của giới âm nhạc đồng hành trong kỷ nguyên vươn cùng đất nước”. Ông cho rằng: “Tâm thế của các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong giai đoạn này, cả đất nước và quốc tế đều hướng tới Việt Nam – một đất nước, toàn dân đã chiến thắng oanh liệt trong công cuộc chống giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc. Mùa xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn quân và nhân dân chúng ta đã đạt được kỳ tích, đó là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước, đưa đất nước của chúng ta sang một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đi lên con đường mới. Trong thời gian này, tâm thức của các văn nghệ sĩ được lồng vào tình cảm của nhân dân cả nước.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội đồng bình chọn trên kết quả giới thiệu của các Chi hội trong toàn quốc, đã chọn ra được 50 tác phẩm ca khúc và 05 tác phẩm thể loại lớn như nhạc kịch, vũ kịch, concerto, giao hưởng… là sáng kiến hưởng ứng của giới âm nhạc chúng ta.
50 năm nhìn lại, âm nhạc đã có đóng góp rất lớn, sự kiện lịch sử đã tác động tới giới âm nhạc, tiếp bước các thế hệ nhạc sĩ đàn anh đi trước, mỗi người nghệ sĩ, nhạc sĩ chúng ta hôm nay có nguồn năng lượng mới, luôn luôn đặt chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa yêu nước lên hàng đầu, để viết tiếp nhiều tác phẩm, quảng bá tác phẩm tích cực, phát hiện những khía cạnh của cuộc sống, về chủ đề nông thôn, biển đảo, đất và người Việt Nam, về các bà mẹ anh hùng, chiến sĩ anh dũng, tình yêu đôi lứa… xuất phát từ tinh thần công dân, ý thức trách nhiệm của mỗi người nghệ sĩ chính là các công dân ưu tú; văn nghệ đích thực phải làm rung động lòng người, xuất phát từ trái tim!”.
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên, phát biểu, đã thể hiện sự vui mừng: Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Thái Nguyên được đón các nhạc sĩ ở các vùng miền tề tựu về đây, có những nhạc sĩ ở các vùng miền rất xa đến với Thái Nguyên để để cùng nhau trao đổi nghiệp vụ. Cảm ơn Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn Thái Nguyên trong những ngày đặc biệt này để tổ chức một sự kiện quan trọng tại Thái Nguyên.
Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa, có rất nhiều địa danh gắn với quá trình xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà, nơi có trụ sở rất đặc biệt của Hội Văn nghệ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp, nơi có rất nhiều tên tuổi của nền âm nhạc nước nhà đã sống, sáng tạo và cống hiến như: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tài Tuệ… và rất nhiều nhạc sĩ khác. Địa chỉ đó sẽ đón các nhạc sĩ hôm nay trở về, tiếp thêm nhiều cảm hứng để tiếp tục sáng tác được nhiều tác phẩm mới…”.
Nhạc sĩ Mai Kiên với chuyên đề “Một số công cụ AI cho hát và tạo bè cho giọng hát”, tập trung vào ứng dụng AI trong sáng tác thanh nhạc những năm gần đây; gợi ý trao đổi cách sử dụng các công cụ hỗ trợ cho các nhạc sĩ tốt nhất trong nghề nghiệp, như: công cụ AI cho giọng hát và tạo bè, giới thiệu một số phần mềm như công cụ ACE Studio: chuyển từ MIDI sang giọng hát, xử lý giọng hát, tạo hợp xướng, thay đổi giọng hát, tách từng bè, từng nhạc cụ, chuyển đổi từ PDF sang Music XML...; dùng Chat GPT: Câu lệnh, ngữ cảnh viết một ca khúc, yêu cầu cụ thể, chi tiết bổ sung, giới hạn và định dạng...; một số ví dụ về thực hành…
NSND Hà Thủy trao đổi với chuyên đề “Ca sĩ với nhạc sĩ trong sáng tác ca khúc hiện nay, những vấn đề về kỹ thuật thanh nhạc và thể hiện tác phẩm”. Đây là chủ đề có sự liên quan, tương tác và cần đến nhau giữa nhạc sĩ sáng tác, đến khâu dàn dựng phối khí và các nghệ sĩ biểu diễn là ca sĩ. Ca sĩ là người sáng tạo thứ 2 sau nhạc sĩ, họ đưa được sáng tạo ra công chúng, làm cho tác phẩm đẹp hơn.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, âm nhạc phát triển phong phú, có nhiều người làm sáng tác là các ca sĩ đến các nhà thơ. Nhưng các nhạc sĩ sáng tác có tính chuyên nghiệp rất cao thường tư duy bài hát theo một chất giọng, quãng giọng cho các ca sĩ phù hợp, chất giọng của ca sĩ với từng loại giọng. Họ hiểu biết không những khúc thức và hiểu chất giọng của ca sĩ với từng loại giọng khi họ sáng tác, khi họ đưa bài hát cho ca sĩ thì lập tức được đón nhận ngay và được lan tỏa rất nhanh.
Theo NSND Hà Thủy, có rất nhiều nhạc sĩ phần lớn chỉ lấy cảm xúc cá nhân để sáng tác một bài hát chứ không theo chất giọng nào, chưa nói lên được mong muốn của mình, không nghĩ bài hát của mình chọn nam hay nữ hát, cho giọng cao hát hay cho giọng nữ hát. Chính vì thế nên quãng rất khó trong thanh nhạc, tư duy có thể là mới nhưng nốt rất cao, vì vậy rất khó, giai điệu ở dòng nhạc nhẹ không hát được, không mang được tinh thần của tác phẩm. Đây là vấn đề mà nhiều nhạc sĩ chưa để ý đến.
Sáng tác cần tư duy quãng giọng, sáng tác của mình sẽ đi đúng điểm, đưa bài hát sẽ thuận cho ca sĩ, nhiều nhạc sĩ sáng tác nhiều bài hát nhưng chưa được công chúng đón nhận. Cần biết được quy luật để sáng tác một bài hát hay, ngôn ngữ Việt Nam đặc biệt khó, luyến láy, vùng miền. Ngôn ngữ vô cùng quan trọng, cần nghiên cứu đúng điểm, sáng tác cho ca sĩ nào? Cần chọn ca sĩ đưa tác phẩm để thành công ở các dòng nhạc khác nhau. Các ca sĩ cần hát rõ lời, các nốt nhạc cần đi theo ngôn ngữ, giai điệu, cách ngân dài hay đóng âm. Các nhạc sĩ sáng tác cần định hình dòng nhạc và ca sĩ, càng ngày tư duy cần chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là dòng nhạc mới hiện nay…
Tham quan và dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia 27/7, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
Trong thời gian dự lớp tập huấn, Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ đi thực tế tham quan một số địa danh của tỉnh Thái Nguyên như: tham quan và dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia 27/7, huyện Đại Từ; đi thực tế tại vùng chè đặc sản Tân Cương để các nhạc sĩ có thêm cảm hứng sáng tác.
Kết thúc chương trình, các nhạc sĩ được trao Giấy chứng nhận đã tham dự lớp tập huấn:
Các nhạc sĩ Chi hội Nam Định, Lạng Sơn, Lai Châu, TP Hải Phòng
Các nhạc sĩ Chi hội Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh
Các nhạc sĩ Chi hội Nghệ An, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hà Nam, Ninh Bình
Các nhạc sĩ Chi hội Phú Thọ, Bắc Giang, Lào Cai, Quảng Ninh
Các nhạc sĩ Chi hội Bắc Ninh, Hưng Yên, Tuyên Quang, Thái Bình, và Hà Nội
Các nhạc sĩ Chi hội Quân đội Hà Nội, Thái Nguyên