Tổng quan về âm nhạc trong các nền văn minh cổ đại

07:00 AM, Thứ tư, 25/09/2024
1500

Âm nhạc thời cổ đại không những đạt được các thành tựu về sáng tác, biểu diễn mà còn có cả những kinh nghiệm về chế tác nhạc cụ, về giáo dục, đào tạo.

 

 

Thời cổ đại với chế độ chiếm hữu nô lệ, loài người dần chuyển sang các giai đoạn mới, cao hơn trong lịch sử phát triển của mình. Thời này xuất hiện những nền văn minh đầu tiên của loài người. Đó là một thời kỳ mà trí tuệ của con người mở rộng để hiểu biết thực tiễn, hiểu biết thiên nhiên, đồng thời triết học đã phát triển. Có những quốc gia đã hình thành hệ thống chữ viết của mình. Trong các ngành nghệ thuật: văn học, kiến trúc, tạo hình… đã sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, và nghệ thuật âm nhạc cũng nẩy sinh nhiều nhân tố mới, có ý nghĩa lớn lao, phản ánh trong phạm vi rộng hơn về hình tượng, tư duy.

 

Chế độ chiếm hữu nô lệ là bước ngoặt trong sự tiến bộ của loài người. Tuy nhiên, ở chế độ xã hội này lại phân chia thành đẳng cấp nên sự mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, liên tiếp diễn ra các cuộc đấu tranh giữa nô lệ và chủ nô. Điều đó được phản ánh trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng.

 

Nghệ thuật âm nhạc trong chế độ chiếm hữu nô lệ cũng phân thành hai: của đại đa số nhân dân và của tầng lớp quý tộc, vua chúa.

 

Ở thời cổ đại, âm nhạc dân gian vẫn tiếp tục phát triển, đồng thời còn xuất hiện những nhân tố của âm nhạc chuyên nghiệp. Đầu tiên là âm nhạc chuyên nghiệp bình dân của các ca sĩ, nhạc công dùng giọng hát, tiếng đàn của mình đi hát rong khắp nơi để kiếm kế sinh nhai. Tiếp đến, do nhu cầu trong cuộc sống của tầng lớp quý tộc, vua chúa họ được tuyển chọn vào các dinh thự của chủ nô để thực hiện các nghi thức hoặc thoả mãn các thú vui để trở thành âm nhạc chuyên nghiệp quý tộc, cung đình. Tất cả những dòng nhạc ấy là dòng nhạc thế tục.

 

Thời cổ đại, âm nhạc còn phục vụ các lễ nghi tín ngưỡng tôn giáo trong các đền đài, nhà thờ, (tuy không nhiều), đó là dòng nhạc tôn giáo.

 

Khác với thời nguyên thủy, âm nhạc thời cổ đại không gắn với những mục đích có ý nghĩa thực dụng. Âm nhạc thời đại này đã khẳng định vại trò của nó trong cuộc sống, khiến các nhà triết học đã dùng âm nhạc với mục đích giáo dục.

 

Âm nhạc thời cổ đại không những đạt được các thành tựu về sáng tác, biểu diễn mà còn có cả những kinh nghiệm về chế tác nhạc cụ, về giáo dục, đào tạo. Đồng thời, đã xuất hiện các môn khoa học về mỹ học, về lý thuyết âm nhạc và ở một vài quốc gia đã hình thành cách ghi nhạc. Âm nhạc thời cổ đại phong phú bằng các chủ đề và các thể loại mới. Âm nhạc vang lên trong các đền đài, cung đình và ngoài xã hội. Sáng tác dân gian là một kho tàng vô cùng phong phú và là nền tảng cho nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như nghệ thuật quý tộc, cung đình.

 

Thời cổ đại hình thành các nền văn minh lớn, những trung tâm âm nhạc nằm rải rác trên lục địa Châu Á,Châu Phi, Châu Âu và ở cả Châu Mỹ. Ở Châu Phi có nền văn minh Ai Cập; Châu Á có nền văn minh Lưỡng HàSyrie (Xi-ri), Palestrine (Pa-le-xtrin), Ấn ĐộTrung Hoa và cả nền văn minh Văn Lang, Âu Lạc…., còn ở Châu Âu có nền văn minh Hy Lạp, La Mã, Trung, Nam Mỹ là nền văn minh Andes (Ăng-đex), nền văn minh của người Maya của người da đỏ.

 

Nền âm nhạc của các nước Ai Cập, Lưỡng Hà, Palestrina, Ấn Độ, Trung Hoa, Hy Lạp, La Mã rất phong phú, đa dạng. Nền âm nhạc của họ đã tổng kết thành những kiểu điệu thức, những tổ chức quy luật của tiết tấu, nhịp điệu… khiến giai điệu và tiết tấu âm nhạc khá hoàn chỉnh. Các quốc gia này đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển âm nhạc, đặc biệt là sự phát triển về nhạc cụ và khoa học nghiên cứu âm nhạc.

 

Những giá trị nghệ thuật được sáng tạo từ những nền văn minh đầu tiên có ý nghĩa lịch sử rất lớn cho toàn nhân loại.

 

Những truyền thống của văn hoá cổ đại còn được tiếp nối ở các thời kỳ lịch sử âm nhạc tiếp theo của loài người.

 

1. Âm nhạc Ai Cập

 

Lịch sử văn hoá cổ đại Ai Cập được bắt đầu khoảng tự bốn nghìn năm trước công nguyên và đã để lại cho nhân loại những công trình nghệ thuật kiến trúc và tạo hình phong phú, hùng vĩ. Cho tới nay, tại nơi đây vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà con người vẫn chưa khám phá được hết. Trong mối liên quan đến xây dựng và kiến trúc, đã thể hiện rõ sự hiểu biết của người Ai Cập cổ về môn khoa học toán ở trình độ cao. Đồng thời trong lĩnh vực y học, nông học và âm thanh học của họ, cũng đạt được những thành tựu lớn lao.

 

Thơ ca, nhảy múa và âm nhạc của Ai Cập là những loại hình nghệ thuật phát triển sớm. Dựa vào những công trình văn học và những bức hoạ khắc trên tường, trong hầm mộ, đền đài và kim tự tháp đã nói lên sinh hoạt âm nhạc của Ai Cập cổ. Những cảnh nhảy múa và các nhạc công với các nhạc cụ trên tay đã thể hiện đặc điểm âm nhạc của Ai Cập cổ. Âm nhạc liên quan chặt chẽ với nhảy múa, thơ ca.

 

Những câu thơ biểu diễn với âm nhạc được miêu tả trên giấy chỉ thảo đã nói về nghệ thuật, phản ánh đời sống của nô lệ và chủ nô. Trong đó không chỉ biểu hiện những tâm trạng, liên quan đến lễ tiết của Hoàng đế Ai Cập cổ và Chúa trời, mà còn kể về những cảnh tù tội của nhân dân, về những cuộc khởi nghĩa của nô lệ chống lại chủ nô. Qua những bài ca lao động đã cho ta thấy mối liên quan tới công việc canh tác, xây dựng kênh đào, nghề biển và đóng tầu biển. Đồng thời, còn có những bài ca sinh ra từ những nhân tố xã hội, phản ánh sự bất bình đẳng.

 

Sự vĩ đại của các bậc thiên tài nhân dân đã mô tả trong hành động quần chúng -các trò diễn phát triển trên cơ sở thần thoại, là những kịch tôn giáo biểu diễn với âm nhạc. Kịch tôn giáo là loại hình cao của dân gian Ai Cập cổ: những bài hát đồng ca luân phiên với những trò diễn, đám rước và những cảnh sân khấu. Tính quần chúng ấy như thể hiện những yếu tố dân chủ, hiện thực trong nghệ thuật Ai Cập cổ. Truyền thống của những trò diễn quần chúng này còn ảnh hưởng đến nghệ thuật âm nhạc Châu Âu sau này. Nó trở thành nền tảng của loại kịch cổ đại và hàng loạt những phần nghi lễ được đưa vào nhà thờ Kitô giáo và Cơ đốc giáo.

 

Ở Ai Cập cổ, ngoài âm nhạc dân gian, còn có âm nhạc chuyên nghiệp. Đó là việc thờ cúng liên quan đến lễ nghi tôn giáo trong các đền đài và của giới thượng lưu, biểu diễn trong cung đình. Thể loại chính của âm nhạc cung đình là các bài ca và những bài chính ca. Ở cung đình có cả dàn nhạc và đồng ca. Khi hành quân cũng có âm nhạc dẫn dắt.

 

Cư dân Ai Cập có nhiều loại nhạc cụ như harpe, sáo, luth (luýt), kèn đôi([1])Clarinette… cũng như các nhạc cụ gõ. Một trong những nhạc cụ gõ điển hình nhất của Ai Cập cổ là sistre([2]) (xi-xtrơ). Do sự giao thoa với văn hoá Syrie, Phénicie, và sau này với Hy Lạp, nên trong văn hoá Ai Cập xuất hiện những yếu tố mới. Ảnh hưởng của âm nhạc Syrie khá mạnh và còn lưu giữ tới thời Trung cổ. Những bài ca Hymne (Him = chính ca) của Syrie trở thành nền tảng của âm nhạc Vijanti (Vi-dan-ti) và những bài thánh lễ Kytô giáo.

 

Từ mối giao thoa giữa văn hóa âm nhạc Ai Cập và Hy Lạp, sau này phát triển thành một dòng văn hoá âm nhạc mới mà trung tâm lớn nhất là thành phố Alexandria (A-lếc-xan-đria).

 

([1]) Kèn đôi là loại kèn có dăm, cùng họ với kèn Hautbois của Châu Âu.

 

([2]) Sistre là nhạc cụ gõ tương tự như những chuông nhỏ.

 

2. Âm nhạc Lưỡng Hà

 

Khoảng từ 3000 năm trước công nguyên hình thành một quốc gia chiếm hữu nô lệ chuyên chế hùng mạnh – đất nước nằm trên lưu vực giữa hai con sông Tigrơ (Ti-grơ) và Euphrate (Ơ-phrát) – đó là nền văn minh Sumère (Su-me-rơ) ở đồng bằng phía nam Lưỡng Hà và Akhad (Ắc-kát). Sau đó, được thay thế bằng nền văn minh Babylone (Ba-bi-lon), gắn liền với nền văn minh Hittite (Hi-tít), cũng như nền văn minh Assyrie (A-xi-ri). Nền văn minh này đạt tới sự cực thịnh ở khoảng thế kỷ thứ VI trước công nguyên.

 

Cùng với thành tựu của toán học, y học và xây dựng, kiến trúc… văn học và âm nhạc phát triển cao. Người Assyrie có cách ghi nhạc cổ nhất. Đó là những ký hiệu riêng trong kiểu tiết hình văn tự (neuma – lối ký âm “nơm”).

 

Qua những bằng chứng của khảo cổ học, có những cảnh nghi lễ, trong đó có hình ảnh của những người chăn cừu chơi đàn luth hoặc thổi sáo. Việc thờ cúng dân gian cho người chết, và tin vào sự tái sinh, trở thành nền tảng cho việc trình diễn kịch, kèm theo những bài ca trữ tình xót thương. Rất nhiều cảnh trình bày thành những bức tranh hiện thực, mang tính phong tục từ cuộc sống thường nhật.

 

Âm nhạc cung đình xuất hiện trong các lễ nghi. Âm nhạc vang lên trong lễ hiến sinh, yến tiệc và ngày lễ. Nhạc công ở đây được quý trọng không chỉ trong nhân dân, mà cả trong cung đình và nhà thờ. Họ được xếp thứ hạng chỉ sau các thần và nhà vua. Cư dân ở đây tin rằng, âm nhạc có mối liên quan chặt chẽ với thiên nhiên, vũ trụ và thời tiết trong năm.

 

Nhạc cụ của họ rất phong phú, đa dạng như đàn lyre (lia), luth, harpe, sáo đôi có dăm (kiểu Hautbois) và sáo. Nhiều loại nhạc cụ gõ, trong đó có nhiều loại trống và sistre là nhạc cụ gõ phổ biến nhất. Người ta có thể hoà tấu nhạc cụ hơi, dây và gõ.

 

3. Âm nhạc Palestine

 

Nền văn hoá âm nhạc có nguồn gốc cổ nhất trên vùng cao nguyên giữa Syrie và Ai Cập ngày nay là Palestrine, sau đó, nhà nước Do Thái được xây dựng năm 1028 trước công nguyên qua nhiều sự biến động của lịch sử, xã hội.

 

Nền âm nhạc của cư dân tại đây khá phát triển, mà những chứng cứ được dựa trên các tư liệu từ nền văn học Hy Lạp – La Mã và từ sử thi tôn giáo Do Thái cổ. Âm nhạc phục vụ cho các lễ nghi tôn giáo, nơi biểu diễn các loại nhạc – thơ, điển hình của người Do Thái cổ là Thánh ca. Thánh ca có đặc điểm du dương, êm ái, nhưng có lúc lại mang tính ngẫu hứng, bi thương. Tính chất ngâm ngợi thể hiện rõ trong những giai điệu trang sức phong phú. Còn có cả những mẫu đặc biệt của Thánh ca – giai điệu một bè. Hình thức trình diễn là đơn ca và đồng ca, thường luân phiên của hai đồng ca hoặc của đơn ca và đồng ca.

 

Thánh ca không chỉ có đặc điểm ngợi ca, mà trong đó còn miêu tả những cảm xúc sinh động của con người. Những bài Hymne (Him), là điển hình của người Do Thái cổ, nó khác với tính chất ngâm ngợi của Thánh ca bằng các âm hình tiết tấu rõ ràng, ổn định. Các lễ nghi tôn giáo ở người Do Thái có tính chất sang trọng; còn bài văn thờ cúng lại được hát kèm với nhảy múa.

 

Nền tảng cấu trúc gam của âm nhạc Do Thái là đặc biệt và khác với các hệ thống gam khác. Người Do Thái dùng hàng âm thanh gồm 4 nốt nhạc – chuỗi bốn âm (tétracorde) sau này còn đưa vào âm nhạc Hy Lạp.

 

Nhạc cụ của cư dânở đây rất đa dạng như: Sofar (dạng kèn thổi bằng sừng như tù và), các nhạc cụ hơi giống Trompette, sáo, sáo đôi có dăm… các nhạc cụ bằng đồng khác và các nhạc cụ dây cùng họ với đàn Lyre.

 

Nền âm nhạc của họ giữ vai trò quan trọng, tạo bước ngoặt cho sự phát triển của lịch sử âm nhạc và còn có mối ảnh hưởng đến âm nhạc Tây Âu sau này. Nền âm nhạc này có mối quan hệ đến đạo Cơ đốc từ lối hát kinh thánh, mà sau này đạo Thiên chúa cũng tiếp thu từ ảnh hưởng này.

 

4. Âm nhạc Ấn Độ

 

Ấn Độ là một trong những nền văn minh lớn của thời cổ đại. Trong quá trình phát triển, nền văn minh này có mối quan hệ với văn minh Lưỡng Hà và văn minh Hy Lạp.

 

Các cư dân sông Ấn đã sáng tạo nền nghệ thuật cổ, độc đáo của mình trong điều kiện chế độ chiếm hữu nô lệ chuyên chế, hà khắc và sau này là chế độ phong kiến. Đó là các công trình kiến trúc vĩ đại như các cung đình, đền đài, hầm mộ, những tác phẩm điêu khắc, những bích hoạ đồ sộ, lộng lẫy. Nghệ thuật Ấn Độ phát triển mạnh, trong đó có âm nhạc. Hai bộ sử thi đồ sộ Mahabharata và Ramayana được ghi chép lại của nhiều thế hệ sáng tạo từ xa xưa trên lá cọ là những bằng chứng về nền văn minh ở đây.

 

Những bích họa tại Bhimbetka là những chứng cứ cho thấy người Ấn Độ cổ đã có sinh hoạt âm nhạc khá phong phú cách đây hàng 5.000 năm. Âm nhạc của các cư dân tại đây gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng, tôn giáo và âm nhạc còn có mối quan hệ mật thiết với ca, múa.

 

Một trong những công trình sáng tạo vĩ đại nhất của thiên tài dân gian là văn học Ấn Độ, ra đời khoảng từ 2.000 năm trước công nguyên – bộ kinhVeda([1]) (Vê-đa) viết bằng chữ Phạn cổ. Dòng nhạc cổ điển Ấn Độ được quy định rõ ràng trong bộ kinh Rig Veda (Ri-gơ Vê-đa). Một trong bốn tập của bộ này là Samaveda (Xa-ma-vê-đa), là tuyển tập những bài ca thánh thần. Các bộ sách kinh là những tư liệu quý báu về nghệ thuật cổ Ấn Độ. Quan điểm thẩm mỹ của người Ấn coi âm nhạc có vai trò lớn lao trong đời sống của họ. Tác dụng của âm nhạc không chỉ với con người, mà còn cả với động vật. Có nhiều làn điệu dùng để thuần dưỡng rắn và voi. Âm nhạc là phương tiện để biều hiện những cảm xúc sâu sắc của con người và họ còn tin vào nguồn gốc thần linh của âm nhạc. Nhân dân đã sáng tạo nên chuyện thần thoại về thần Sarasvata (Xa-ra-xva-ta) – đã ban cho người Ấn một món quà, là một trong những nhạc cụ họ yêu thích nhất là cây đàn Vina, cùng những âm điệu cơ bản của âm nhạc Ấnlà Râga (Ra-ga).

 

Thời kỳ này, Ấn Độ đã có chữ viết, nên họ đã có những công trình về lý luận âm nhạc bằng chữ Phạn, những sách dạy về ca hát, cách ghi nhạc… Họ còn tổng kết những vấn đề về hệ thống thang âm, tiết tấu, nhịp phách.v.v…

 

Giai điệu và tiết tấu của âm nhạc Ấn Độ rất đa dạng. Hình thành những mẫu hình giai điệu khác nhau: ngâm ngợi và lối nói nhanh; uyển chuyển, tình cảm; trang sức hoặc biến tấu. Tiết tấu rất đa dạng, phong phú, được tô điểm bằng đảo phách và luân phiên của nhịp hai, nhịp ba. Có khoảng 12, mẫu hình tiết tấu điển hình. Cơ sở của các tiết tấu là các tâla (ta-la). Tâla là tổ hợp của nhiều anga (ăng-ga). Anga là một đơn vị gồm một số lượng phách cố định. Mỗi nhân tố âm nhạc phải thể hiện một hình ảnh, tình cảm nhất định. Nền tảng điệu thức của âm nhạc Ấn Độ là thang âm 7 bậc, cách nhau bởi ba loại quãng khác biệt. Những quãng này gồm một lượng nhất định của các cruti (xru-ti). Cruti là những đơn vị cơ bản do quãng tám chia làm 22 phần không đều nhau. Do vậy, hệ thống này không giống các điệu thức 7 bậc của phương Tây. Họ sử dụng chữ cái đầu của một số từ viết theo chữ Phạn để gọi các bậc ấy là sa (sadja), ri (rishaba), ga (gandhara), ma (madhyama), pa (pancama), dha (dhaivata), ni (nishada). Người Ấn quan niệm mỗi nốt nhạc gắn với một tình cảm nhất định, nên mỗi râga cần phải liên quan đến một trạng thái tình cảm, tiêu biểu cho các mùa trong năm, có khi chỉ được dùng trong một thời điểm nào đó của ngày.

 

Sự phân chia đẳng cấp trong xã hội dẫn đến sự phân biệt cả trong âm nhạc. Âm nhạc của tầng lớp quyền quý có tính tượng trưng, nổi bật bằng các nghi thức lộng lẫy, hào nhoáng. Trong đền đài, người ta biểu diễn các bài lễ nghi tôn giáo từ kinh Regveda. Âm nhạc chuyên nghiệp có cả nhạc đàn, nhạc hát.

 

Âm nhạc dân gian phản ánh cuộc sống thường nhật của người dân. Người ta đã tìm thấy những tư liệu về sự tồn tại của các ca sĩ hát rong – người sáng tạo nên những bài ca. Âm nhạc dân gian là sinh động và liên quan chặt chẽ đến tình cảm của con người trong lao động và đa dạng về thể loại. Có những bài ca về canh tác, về những người chăn cừu và thuần dưỡng thú. Còn có cả những bài liên quan đến phong tục dân gian, những bài lễ nghi, những bài có tính trữ tình, thơ mộng, ca ngợi thiên nhiên. Trong sáng tác dân gian cũng không thiếu những bài với chủ đề có tính triết lý, hoặc ngợi ca anh hùng.

 

Từ những di tích văn hoá, còn cung cấp những tư liệu quý giá về các lễ nghi trong cung đình có âm nhạc hỗ trợ, và về những buổi trình diễn sân khấu, hình thành từ các ca sĩ, nhạc công dân gian. Từ thế kỷ thứ III – V sau công nguyên ở Ấn Độ đã phát triển loại hình kịch, biểu diễn bằng tiếng Phạn với đồng ca, đơn ca và có nhạc cụ đệm theo.

 

Âm nhạc của Ấn Độ là một bè, tuy nhiên cũng có nhữngmầm mống đơn giản của loại nhiều bè. Sự liên kết chặt chẽ giữa âm nhạc, nhảy múa và các động tác là một trong những tính chất đặc biệt của âm nhạc cổ Ấn Độ. Các vũ sĩ Ấn Độ đã đạt tới trình độ điêu luyện, để biểu hiện cảm xúc nội tâm phong phú của con người, đồng thời, họ có thể miêu tả những hiện tượng từ thiên nhiên, những hình ảnh tượng trưng từ thế giới hiện thực như hoa sen, nước, voi.v.v…

 

Nhạc cụ đa dạng của họ, tạo ra khả năng phát triển cho nhạc đàn và nghệ thuật biểu diễn đại tới trình độ điêu luyện. Nhạc cụ của Ấn Độ cổ gồm nhiều chủng loại. Nhạc cụ hơi có sáo, sáo đôi, gaiđa và sau này là các nhạc cụ hơi bằng đồng và sừng; các nhạc cụ gõ có các loại trống và cồng…; đặc biệt là nhạc cụ dây, trong đó phải kể đến vinacithàre (xi-ta) và các nhạc cụ dân khác. Đàn harpe được cấu trúc thành nhiều dạng và chiếm số lượng lớn của nền âm nhạc Ấn Độ trước và sau công nguyên.

 

([1]) Veda là tuyển tập các bài thơ Hymne, trước hết là lễ nhạc.

 

5. Âm nhạc Trung Hoa

 

Văn hoá Trung Hoa cổ đại đạt tới sự phát triển cao nhất trong chế độ chiếm hữu nô lệ từ thế kỷ XI trước công nguyên đến thế kỷ thứ III sau công nguyên. Những đường nét văn hoá cổ này còn được lưu giữ đến tận thế kỷ XIX, bởi sự thống trị lâu dài của chế độ phong kiến. Trong những điều kiện của chính quyền thống trị chuyên chế với sự bóc lột tàn khốc và những cuộc khởi nghĩa của nhân dân, các cư dân ở đây đã sáng tạo nên những báu vật nghệ thuật lớn lao của mình: công trình kiến trúc; đồ gốm; điêu khắc; những bức hoạ đa dạng về phong cách, thể loại…; ca dao và dân ca được tuyển chọn. Nền âm nhạc Trung Hoa cổ đại phát triển sớm. Từ đó đã cung cấp tư liệu quý giá cho âm nhạc.

 

Theo dã sử Trung Hoa, Phục Hy thời Tam Hoàng và Hoàng đế thời Ngũ Đế có nhiều công đóng góp cho âm nhạc. Họ cho rằng, Phục Hy đã chế tác ra đàn sắt gồm 50 dây, còn thời Hoàng đế có nhiều thành tự về lý thuyết âm nhạc đã hình thành. Các nhà thơ, các nhà triết học thời này đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa đạo đức với mỹ học và khả năng của nó ảnh hưởng tới con người. Do vậy, họ đã dùng âm nhạc là một phương tiện để giáo dục đạo đức. Người Trung Hoa còn hướng tới việc phát hiện bản chất của âm nhạc. Họ xác định rằng, có mối liên quan giữa âm nhạc, đời sống xã hội, tư tưởng và tâm sinh lý của con người. Do đó, âm nhạc được sử dụng trong cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng triết học khác nhau. Mối quan hệ giữa âm nhạc với thiên nhiên, và những hiện tượng trong vũ trụ, được khẳng định trong mỹ học của người Trung Hoa. Quy luật âm nhạc còn được xem xét trong mối quan hệ với cả thiên văn học.

 

Âm nhạc cung đình, đền đài nổi bật với tính chất lễ nghi, trang trọng. Ở đó người ta trình bày những bài chính ca, ngợi ca, những điệu múa và cả những cảnh kịch câm. Tính chất của nó là tượng trưng và đệm bằng nhạc cụ.

 

Sáng tác dân gian lại đa dạng về nội dung và thể loại. Nhiều bài ca phản ánh các sự kiện lịch sử – các cuộc chiến tranh và các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Các bài ca phong tục, trữ tình thấm đượm hình tượng của người lao động. Nhiều bài ca miêu tả những cảnh thơ mộng trong thiên nhiên; có bài còn có tính chất hài hước, châm biếm.

 

Công trình cổ nhất của sáng tác dân gian là tuyển tập gồm 305 bài dân ca.

 

Sự thống nhất giữa âm nhạc, lời thơ, động tác và nhảy múa khẳng định tính chất độc đáo của nghệ thuật âm nhạc; tăng cường ý nghĩa tư duy của các từ và phản ánh trong sự thay đổi âm điệu, ngôn ngữ. Việc thay đổi âm điệu trong cách phát âm của tiếng Trung Hoa có vai trò lớn để khẳng định ý nghĩa, nội dung của từ.

 

Âm nhạc Trung Hoa phong phú về âm điệu, tiết tấu và âm sắc. Nghệ thuật của họ, điển hình là sự tổng hợp giữa nhạc hát và nhạc đàn. Việc sử dụng giọng kim khi hát là phương tiện tạo vẻ đẹp về mầu sắc âm thanh, đã hình thành từ truyền thống cổ xưa. Sự phát triển có tính biến tấu và chuyển tiếp nhanh từ âm vực cao xuống âm vực thấp, hay ngược lại, là bản chất của lối tiến hành giai điệu. Hình mẫu tiết tấu với sự thay đổi tự do, thường xuyên, giữa nhịp chẵn và nhịp lẻ, cũng như đảo phách, đã khẳng định tính điển hình của âm nhạc Trung Hoa.

 

Từ thời cổ đại, người Trung Hoa đã tìm ra quy luật của âm thanh, đó là hệ thống luật, lữ. Họ đã xác định được mối tương quan toán học của các quãng tám, quãng năm và quãng bốn. Trên cơ sở này, đã hình thành phương pháp để tạo ra chuỗi âm thanh giống như hệ thống 12 bậc biến âm (Chromatic), mỗi bậc có tư duy tượng trưng. Chúng liên quan đến giờ, tháng, khẳng định màu sắc, những hiện tượng thiên nhiên và trạng thái tâm lý. Vậy là, lý luận của người Trung Hoa cổ về luật bình quân đã hình thành từ thời cổ đại.

 

Từ năm âm đầu tiên trong hệ thống luật, lữ theo lý thuyết Trung Hoa – tương đương với Pha- Xon – La – Đô – Rê – là thang âm đầu tiên. Đó là cơ sở cho sự hình thành năm điệu thức năm âm có tên gọi: Cung, Thương, Giốc, Trủy, Vũ.

 

Một trong những thành tựu lớn nhất của nền văn hóa âm nhạc Trung Hoa là loại hình ca nhạc có yếu tố sân khấu, bắt nguồn từ những bài ca, điệu nhảy và những cảnh kịch câm. Loại hình này xuất hiện từ nghệ thuật cung đình thế kỷ thứ VIII – V trước công nguyên, và sau này được hoàn thiện thành kịch nhạc cổ Trung Hoa trong thời Trung cổ (thế kỷ VII – XIII sau công nguyên).

 

Nhạc khí Trung Hoa cổ đại rất đa dạng và phong phú về âm sắc, bởi chúng được chế tác từ nhiều vật liệu khác nhau. Ngoài đàn sắt (như trên đã nhắc tới), còn có cả trống đất và sáo bằng ống sậy, đã có từ rất lâu đời. Âm nhạc cung đình sử dụng hoà tấu gồm nhiều nhạc cụ ở các chủng loại khác nhau và bộ trống có ý nghĩa đặc biệt. Nhạc cụ hơi cũng đa dạng: sáo, tiêu, sênh (cùng họ với khèn), các nhạc cụ bằng sừng, bằng đồng.v.v… Các loại đàn dây gẩy, và kéo như: nhị, hồ, gáo, tỳ bà, tranh, nguyệt… Các nhạc cụ gõ rất đa dạng: khánh, chuông, cồng, chiêng… và trống các loại.

 

6. Âm nhạc Hy Lạp, La Mã

 

Văn minh cổ Hy Lạp là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của thời cổ đại. Nền nghệ thuật cổ này là một truyền thống phong phú, mà các nhà tư tưởng tiên tiến của nhân loại ở các thời đại, đã tìm thấy những hình tượng, những quan điểm, những tiêu chuẩn giá trị thẩm mỹ, để cổ vũ họ đạt tới các khát vọng táo bạo của mình. Văn hoá cổ Hy Lạp phát triển rực rỡ với những toà kiến trúc nguy nga, tráng lệ; những pho tượng tuyệt mĩ; những vở bi kịch, những áng thơ ca, những công trình khoa học, triết học, lý luận âm nhạc nổi tiếng. Sự chinh phục của nền văn minh cổ Hy Lạp là rất to lớn.

 

Hy Lạp là đất nước vớichế độ chiếm hữu nô lệ đạt tới bước phát triển cao ở thế kỷ V- IV trước công nguyên. Nguồn gốc nghệ thuật cổ Hy Lạp là những sáng tác dân gian truyền miệng và những chuyện thần thoại.

 

Lịch sử nghệ thuật cổ Hy Lạp bắt đầu từ 3.000 năm trước công nguyên. Nguồn gốc chính của nền văn hoá này ở Crete (Crét) và thành phố Mycène (Mi-xen); sau này ở Spartes (Xpác-tơ) và Athènes (A-ten). Tư liệu về giai đoạn này dựa vào những bức họa trên tường và những bức hoạ trên các vật thể khác nhau. Những hình ảnh của các cảnh kịch câm, những nhạc cụ, đã cho thấy một trong những tính chất đặc biệt của âm nhạc cổ đại của cư dân ở đây là mối liên quan giữa âm nhạc, nhảy múa, thơ ca. Điệu nhảy nhanh có tính thượng võ, những bài ca trang trọng, cùng một vài thể loại khác của âm nhạc đã xuất hiện. Nhiều nhạc cụ được sử dụng như đàn Lyre, Kytara và đặc biệt là nhạc cụ hơi aulós([1]) (a-vơ-lốt). Trong văn hoá ở Mycène và Créte người ta còn tìm thấy cả đàn Sistre của Ai Cập. Từ đây và các thời kỳ tiếp theo, người Hy Lạp đã có mối giao lưu với phương Đông nên nẩy sinh hàng loạt những yếu tố từ nền nghệ thuật của Ba Tư, Tiểu Á, Phénicie, Palestrine, Ai Cập, Ấn Độ.

 

Từ thế kỷ X – VIII trước công nguyên, trong các áng thơ ca Iliade (i-li-át) và Odyssée (Ô-đi-xê) của Homere (Hô-me), người ta đã tìm thấy những tư liệu quý giá, miêu tả các thể loại nhạc dân gian khác nhau: những bài ca lao động; cưới xin, hát ru, than khóc, hội hè… Đồng thời hình thành cả nghệ thuật chuyên nghiệp.

 

Thành tựu lớn nhất của nghệ thuật cổ đại trong thời kỳ này là loại sử thi anh hùng, nẩy sinh từ các bài ca và các truyền thuyết anh hùng. Khởi đầu, chính các anh hùng – người tham gia và chứng kiến các sự kiện anh hùng lớn lao – đã vừa sáng, biểu diễn, còn sau này do các ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện gọi là aëdön(2) (a-ét). Họ vừa là tác giả, vừa là người biểu diễn, khi hát thường đệm bằng nhạc cụ dây Phomiene (Phô-mi-en). Sau này, còn xuất hiện cả loại Rhapsodie (Ráp-xô-đi) cũng thuộc loại sử thi anh hùng.

 

Khoảng thế kỷ VII – V trước công nguyên hình thành thể loại mới là lirique (li-rích) để biểu hiện thế giới nội tâm của con người bằng các bài hát đơn ca và đồng ca. Những bài lirique, nhất là lirique đơn ca thường biểu hiện tính chất tâm tình, diễn đạt được những khía cạnh tinh tế về tình yêu, và sâu sắc về tính triết lý. Tuy nhiên cũng có những bài lirique, nhất là lirique đồng ca có nội dung chiến đấu, hiệu triệu hay ngợi ca.

 

Đến thế kỷ thứ V trước công nguyên, bắt đầu thời kỳ mới của nền văn hoá cổ, những loại sử thi và lirique đã trở thành mẫu mực cổ điển, làm cơ sở cho loại kịch cổ Hy Lạp ra đời.

 

Ở thế kỷ thứ V trước công nguyên, sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh giải phóng chống Ba Tư, đời sống văn hoá xã hội lúc này rất phát triển và hình thức nghệ thuật cao nhất của thời cổ đại là bi kịch hình thành.

 

Bi kịch cổ ra đời từ những phong tục thờ cúng thần Dionysos (Đi-ô-nít) – người bảo vệ cho việc đồng áng và trồng nho, được nhân dân tôn vinh là thần rượu nho và sự vui vẻ. Đồng thời, trong bi kịch còn có cả những huyền thoại phương Đông cổ về thần Ojiride (Ô-di-rít) của Ai Cập và thần Odinide (Ô-đi-nít) của Phénicie. Hát, múa, đàn kết hợp với các cảnh có tính sân khấu được thực hiện trong loại hình này. Những bài hát có tính ngợi ca, trang trọng hay trữ tình, ngâm ngợi hoặc có tính trào phúng… đều có thể được sử dụng. Sau này, bi kịch trở thành loại hình sân khấu hoàn thiện, phát triển ở Athenes với các tên tuổi lớn như Aischýlos (Ex-klin: 525 – 456 tr. CN), Sophoklés (Xô-phốc: 496 – 406 tr. CN) và Euripides (Ơ-ri-pít: 480 – 406 tr. CN). Họ đồng thời còn sáng tác nhạc cho các bi kịch. Bi kịch gồm các phương tiện nghệ thuật âm nhạc khác nhau: hát đơn ca, đồng ca với phần đệm của nhạc cụ; đối thoại, động tác kịch câm và những cảnh đặc trưng sân khấu. Bi kịch của Aischýlos, đồng ca có vai trò chính. Bi kịch của Sophokles và Eripides, với sự tăng thêm số lượng diễn viên, nên vai trò của đối thoại được tăng cường và phần đơn ca cũng nhiều.

 

Song song với bi kịch, thời kỳ này còn có cả hài kịch. Các buổi trình diễn sân khấu thường có ba bi kịch và một hài kịch, và hài kịch thường nhái lại bi kịch. Các vở hài kịch đạt tới sự phát triển nhất trong sáng tác của Aristophanes (A-rix-tô-phan: 446- khoảng 385 tr. CN).

 

Bi kịch cổ của cư dân ở đây là những mẫu mực hoàn thiện nhất của nghệ thuật, mang ý nghĩa của toàn nhân loại.

 

Thế kỷ IV trước công nguyên với những cuộc xâm chiếm của Alexandros (A-lếch-xăng) ra phía Đông, nghệ thuật Hy Lạp thời kỳ này bao trùm toàn bộ các nước phía Đông Địa trung hải. Trong nghệ thuật nẩy sinh những yếu tố mới, là tổng hợp giữa nghệ thuật Hy Lạp với phương Đông. Nền văn hoá này tồn tại đến nghìn năm đầu sau công nguyên với trung tâm chính là Alexndra (A-lếch-xăng-đra).

 

Giai đoạn này, các nhạc cụ được hoàn thiện và phong phú. Hình thành những dàn nhạc lớn và những phòng hoà nhạc đồ sộ. Đàn Organ là nhạc cụ mới được sử dụng. Cũng trong thời gian này, nền văn hoá La Mã phát triển. Đế chế La Mã bao trùm các nước Địa trung hải. Cư dân La Mã kế thừa nền văn hoá cổ, phát triển từ thế kỷ VII – VI trước công nguyên. Từ thế kỷ thứ V trước công nguyên bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ nền khoa học, văn học và nghệ thuật Hy Lạp và từ thế kỷ thứ I sau công nguyên, nghệ thuật của Syrie, Phénicie phổ cập ở Rôm.

 

Người La Mã có nền âm nhạc độc đáo. Đó là những bài ca lao động, phong tục, chiến trận và những trò diễn được đệm bằng đàn aulós. Những nhạc cụ phổ biến là harpe, lyre, kitara, aulós và các nhạc cụ hơi bằng đồng. Người La Mã có thể loại mới là kịch câm. Kịch câm được biểu diễn bằng tiếng Hy Lạp, hát đồng ca và đệm bằng đàn aulós, sáo, kitara, lyre.

 

Người La Mã tách âm nhạc khỏi thơ ca. Họ còn tổ chức các buổi hoà nhạc lớn để trình bầy các kỹ xảo nhạc đàn, nhằm thoả mãn sự hiếu kỳ và phần nào đã mất đi ý nghĩa giáo dục, xã hội như trước đây của âm nhạc.

 

Với chính sách xâm lược của đế chế La Mã, âm nhạc Hy Lạp đã bị tiêu diệt hẳn tính cách dân tộc của mình. Phải đến hàng ngàn năm sau, nền âm nhạc Hy Lạp mới được phục hồi từ thời đại phục hưng.

 

Như ở trên đã đề cập, âm nhạc cổ Hy Lạp có mối liên quan chặt chẽ với thơ ca và nhảy múa. Nền âm nhạc này cơ bản là loại hát một bè. Giai điệu, tiết tấu âm nhạc là phản ánh những chi tiết trong âm điệu, cách phân ngắt nhịp điệu từ thơ, đồng thời tiết tấu âm nhạc có liên quan chặt chẽ đến các bước đi của các điệu nhảy.

 

Các nhà học giả Hy Lạp cổ đại đã hoàn thiện hệ thống âm nhạc theo thứ tự từ trên đi xuống. Hệ thống ấy chứa các chuỗi bốn âm (tétracorde), cùng một dạng thức quãng được sắp xếp theo gối đầu hoặc kế tiếp nhau. Căn cứ vào vị trí của cung và nửa cung, ba chuỗi bốn âm cơ bản là: dori (từ nốt mi), phrygi (từ nốt rê), và lidi (từ nốt đô).

 

Những điệu thức cơ bản, mang tên các chuỗi bốn âm Dori, Phrygi, Lidi hình thành từ hai chuỗi bốn âm đi xuống kế tiếp. Từ các điệu thức cơ bản ấy, nếu bổ sung chuỗi bốn âm kế tiếp ở hai đầu, ta sẽ được điệu thức biến thượng (cao hơn điệu thức cơ bản một quãng năm) và điệu thức biến hạ (thấp hơn điệu thức cơ bản một quãng năm)

 

Điệu thức Dori: Dạng thức quãng = cung + cung + 1/2 cung

 

Đầu tiên là các hệ thống diatonic. Sau này, để có thể biểu hiện lớn hơn, tạo màu sắc đặc biệt của lirique, dẫn đến sử dụng các âm chromatic. Kết quả là hệ thống điệu thức được mở rộng. Người Hy Lạp cho là, mỗi điệu thức có một tính chất riêng biệt. Chẳng hạn, Dori biểu hiện tính chất sáng sủa, mạnh mẽ; Lidi lại có tính trữ tình v.v… Họ còn phân biệt những quãng thuận và quãng nghịch, cũng như khái niệm về diatonic, chromatic và đẳng âm (enharmonic). Người Hy Lạp còn sáng tạo cách ghi nhạc bằng các chữ cái, đồng thời còn có cả cách ghi chuyên cho nhạc đàn.

 

Ở thế kỷ thứ V – VI trước công nguyên, người Hy Lạp còn sáng tạo và hoàn thiện hệ thống mỹ học, phát triển trong mối liên quan chặt chẽ với tư tưởng triết học và vai trò giáo dục đạo đức của âm nhạc. Các nhà triết học cổ vĩ đại Pythagoras (Pi-ta-go), Aristoteles (A-rix-tô-ten), Aristoxenos (A-rix-tok-xen)… đã nghiên cứu cả những vấn đề về mỹ học. Người Hy Lạp đã nêu lên chức năng xã hội và giáo dục của âm nhạc nên đã dùng âm nhạc là một trong những phương tiện giáo dục mạnh mẽ, nhất là cho thanh niên. Aristoteles và Aristoxenos còn nghiên cứu một cách chi tiết, rộng rãi và có hệ thống về điệu thức, tiết tấu và các yếu tố khác cùng sự cảm thụ âm nhạc.

 

Trong mỹ học cổ đại Hy Lạp thời kỳ này xuất hiện cuộc đấu tranh giữa những quan điểm âm nhạc khác nhau. Đó là phái harmonikoc (ác-mô-nich – người ưa sự hài hòa) và phái Kanonikoi(ca-nô-nich – ngưòi tôn sùng luật lệ). Đứng đầu phái kanonikoc là Pythagoras. Ông đã phân tích âm nhạc trong mối quan hệ của các con số. Tuy vậy, công trình lý thuyết về âm thanh có ý nghĩa tới ngày nay đó là hệ thống 12 bậc theo vòng quãng năm. Còn Aristoteles và môn đệ của ông là Aristoxenos lại lấy cảm thụ thính giác làm tiêu chuẩn và họ đứng đầu phái harmonikoi.

 

Về mặt thẩm mỹ, người Hy Lạp đi sâu nghiên cứu vai trò âm nhạc trong việc giáo dục đạo đức. Họ đã chứng minh một cách khoa học ảnh hưởng của âm nhạc tới tình cảm con người, dựa trên nền tảng triết học vững vàng nên chúng có ý nghĩa xã hội rất lớn. Mỗi giai điệu, mỗi tiết tấu, mỗi điệu thức có khả năng tác động một trạng thái tình cảm rõ ràng: vui vẻ, mạnh mẽ hoặc buồn bã, uỷ mị.

 

Nghệ thuật Hy Lạp cổ giữ vai trò lớn lao trong sự phát triển của nhân loại.

 

(1) aulós– tên gọi bằng tiếng Hy Lạp – là nhạc cụ hơi có hai ống, có dăm.

(2) aëdön – tên gọi bằng tiếng Hy Lạp – người hát

 

(Nguồn: https://redsvn.net/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share