Với dàn ê-kíp nghệ sĩ tham gia lên tới hàng trăm người, vở nhạc kịch được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn đặc biệt và khả năng sản xuất tác phẩm nghệ thuật theo hướng sân khấu nhạc kịch Broadway của Quân đội. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với Trung tá, nhạc sĩ Đỗ Bảo, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội - đồng tác giả soạn nhạc cho vở nhạc kịch (cùng với Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy).

 

Một vở nhạc kịch chưa có tiền lệ

 

Phóng viên (PV): Làm nhạc kịch - loại hình sân khấu âm nhạc cổ điển rất nổi tiếng của phương Tây, nhưng được biết câu chuyện của vở nhạc kịch “Những con đường” phần lớn mang hơi thở của đời sống người lính trong thời kỳ đổi mới. Điều này có làm khó đội ngũ sáng tạo và ê-kíp sản xuất, thưa anh?

 

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Giữa bối cảnh trào lưu âm nhạc, nghệ thuật rộng mở thì người làm sáng tác như chúng tôi có cảm hứng hơn khi được làm những tác phẩm mang tính anh hùng ca, tô thắm giá trị cũ, nhưng luôn có sự liên kết với hiện thực để thu hút công chúng. Nếu ngày nay làm nghệ thuật về hình ảnh của Quân đội, về người lính thiếu tính kết nối với đời sống hiện thực thì đó mới là điều bất cập và gây nhiều trăn trở.

 

Vở nhạc kịch "Những con đường": Công trình nghệ thuật tôn vinh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ đổi mới

Nhạc sĩ Đỗ Bảo làm việc cùng dàn nhạc. Ảnh do nhân vật cung cấp 

 

Vở nhạc kịch rất tươi mới. Cốt chuyện tạo đất rộng và tính hấp dẫn cho câu chuyện âm nhạc đương đại của tôi, một người lính, nghệ sĩ sinh ra trong thời bình và đang sống với nhịp điệu phát triển của đất nước. Hơn nữa, tôi là một thầy giáo đang sống và giảng dạy sinh viên trẻ, làm việc với đồng nghiệp cùng lứa tuổi của mình thì sự quan tâm cũng như nhận thức về thẩm mỹ nghệ thuật phải phù hợp với ngày hôm nay. Nhạc kịch “Những con đường” có đầy đủ và đậm đặc câu chuyện của người lính từ quá khứ đến thời bình, có khoảng lặng và xung đột nhưng được diễn tả bằng ngôn ngữ và cái nhìn thẩm mỹ của ê-kíp sáng tạo ở mọi thành phần từ âm nhạc, thơ ca, sân khấu, biên đạo múa... đều thuộc thế hệ 7X, 8X.

 

Hơn nữa, loại hình nhạc kịch có mẫu mực nhất định, tuy nhiên trong nhạc kịch có hình thức thể hiện là cổ điển và musical (ca hát và nhảy múa). Với vở diễn này, chúng tôi thể hiện theo hình thức musical, đưa đa dạng thể loại âm nhạc như ballad, rock, pop... vào vở. Xuyên suốt vở sẽ không hạn chế về biểu đạt, tạo tính hấp dẫn, gần gũi với sự tiếp nhận của khán giả ngày hôm nay. Vở diễn về đề tài người lính nhưng không chỉ được người lính xem mà còn đến với đông đảo công chúng.

 

PV: So với những tác phẩm nhạc kịch được viết bởi các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đi trước, hầu hết đều về đề tài chiến tranh cách mạng, câu chuyện kể về quá khứ-thời chiến tranh. Còn vở diễn lần này kể dài từ quá khứ đến thời bình, rồi cả yếu tố làm nhiệm vụ quốc tế của người lính. Vậy ê-kíp đã phải làm thế nào để có thể điều tiết và hài hòa được những phân cảnh, kể câu chuyện nhạc kịch hấp dẫn?

 

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Trước đây có nhiều nhà hát từng làm nhạc kịch, khá nhiều vở nhạc kịch chiến tranh cách mạng của các tác giả nổi tiếng như: “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; “Lá đỏ” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; gần đây là vở “Bài ca tình yêu” của nhạc sĩ Doãn Nho... Có những nhà hát, đơn vị tư nhân “nhập khẩu” những vở nhạc kịch nổi tiếng của thế giới về dàn dựng lại, được công chúng đón nhận, quy trình sản xuất của họ theo "nguyên đai nguyên kiện" đóng gói sản phẩm nghệ thuật công nghiệp, về Việt Nam chỉ cần dàn dựng theo đúng khâu sản xuất như vậy. Còn với vở nhạc kịch lần này của Quân đội đầu tư lại chưa có tiền lệ, vở có quy mô, tầm mức quốc gia với biên chế dàn nhạc, hợp xướng, biểu diễn trên sân khấu lên cả trăm người. Ê-kíp sáng tạo khá áp lực, nhưng thử thách cũng là cơ hội để chúng tôi được sáng tạo, làm nghề và hào hứng được đóng góp, cống hiến tài năng, trí tuệ tập thể cho một công trình nhạc kịch lớn nhất từ trước tới nay. Tôi nghĩ người xem đến với vở nhạc kịch sẽ không chỉ nhắc nhớ đến điều gì mà qua vở nhạc kịch sẽ mở ra điều gì cho họ nhiều hơn.

 

Vở có cái tên ban đầu là “Khát vọng đỏ”, hiện đổi tên là “Những con đường”. Tại sao là những con đường? Vở diễn kể cho người xem nhiều lựa chọn về con đường, cách sống trong đời sống của người lính ngày nay. Cũng là đòi hỏi vở nhạc kịch chuyển tải minh bạch, đậm nét nhất những con đường, hình mẫu sống, cống hiến, học tập và rèn luyện để qua đó tô đậm hình tượng, giá trị cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong công cuộc đổi mới.

 

Muốn khán giả tò mò, háo hức chờ đợi sản phẩm nghệ thuật của Quân đội

 

PV: Anh đã soạn nhạc cho nhiều vở nhạc kịch chưa? Khi làm nhạc cho vở diễn lần này, anh chờ đợi điều gì?

 

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Tôi từng viết nhạc cho nhiều vở kịch, nhưng đây là lần đầu tiên làm một vở nhạc kịch lớn. Chính vì thế tinh thần của ê-kíp muốn hướng đến xây dựng một vở nhạc kịch Broadway mang tầm cỡ thế giới, chuẩn mực của nhạc kịch đỉnh cao thế giới chứ không phải là vở nhạc kịch giải trí thông thường. Tôi lạc quan nghĩ rằng chúng ta đang có đủ điều kiện, nguồn lực và tiềm lực để có thể chinh phục được những đỉnh cao mới, đưa nghệ thuật của Quân đội vươn xa.

 

Vở nhạc kịch biểu diễn live 100%, không thu âm bất kỳ nội dung nào, đây cũng là điều khác biệt và nâng tầm sản xuất tác phẩm nghệ thuật của Quân đội. Khán giả đến với vở nhạc kịch sẽ cảm nhận được những âm thanh chân thực từ cây sáo, từng lời ca của nghệ sĩ hát trực tiếp... Tất nhiên có cái khó, thử thách thì người làm nghề sẽ vượt qua được và chắc chắn khán giả đến thưởng thức sẽ nhìn thấy sự nỗ lực của tập thể để mang tới trọn vẹn cảm xúc cho một vở nhạc kịch đang được chờ đợi.

 

PV: Trong quá trình dàn dựng vở diễn, còn điều gì khiến anh trăn trở?

 

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Để dàn dựng tốt thì âm nhạc là không đủ. Bởi nhạc kịch có rất nhiều khâu cần phải đề cao tính chuyên nghiệp, từ người chỉ huy dàn nhạc, sân khấu, thiết kế mỹ thuật, biên đạo múa, trang phục... đòi hỏi chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ở khía cạnh soạn nhạc, ê-kíp gồm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, tôi và nhà thơ Phạm Vân Anh (viết lời ca) đã hoàn tất phần tổng phổ, đúng hình thức, tính chất của nhạc kịch có tính sinh động, hấp dẫn. Âm nhạc vang lên khoảng 80% trong vở nhạc kịch có độ dài dự kiến khoảng gần 100 phút.

 

Thị trường nghệ thuật khá phong phú, nhưng rõ ràng nhạc kịch vẫn là thể loại nghệ thuật đỉnh cao để góp phần nâng cao thẩm mỹ và tiêu chuẩn thưởng thức của khán giả trong Quân đội nói riêng, khán giả cả nước nói chung. Khi đã sản xuất ra sản phẩm hướng đến chất lượng đỉnh cao, rất cần chú tâm đến yếu tố chuyên nghiệp ở khắp các khâu, từ nhận diện hình ảnh vở diễn, truyền thông... để làm sao ngay từ bây giờ vở diễn đã có thể trở thành một sản phẩm nghệ thuật mang màu cờ sắc áo của Quân đội nhưng lại có sức hút, chờ đợi trong sự háo hức của đông đảo công chúng, tránh làm xong lại cất kho, như thế sẽ rất lãng phí.

 

PV: Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

 

Vở nhạc kịch kể câu chuyện về gia đình Thiếu tướng, GS, TS Hoàng An, nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y, một đảng viên kiên trung, một quân nhân mực thước, tiêu biểu của những người lính đi ra từ khói lửa chiến tranh. Ông là người tôn trọng những giá trị truyền thống, luôn hướng con cái đi theo đường binh nghiệp, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, lý tưởng và quan niệm sống của ông bị con trai thứ hai (Hoàng Sơn, sau thời gian du học ở nước ngoài trở về) và con dâu cả (Thùy Linh, một bác sĩ quân y) cho là thủ cựu, lỗi thời. Đối mặt với áp lực từ việc con dâu ngoại tình dẫn đến ly hôn của vợ chồng con trai cả (Hoàng Giang - một bác sĩ quân y giỏi đang công tác tại địa bàn biên giới), sự không nghe lời của con trai út... ông cố gắng dùng sự khoan hòa và bản lĩnh của mình để khuyên bảo, định hướng các con. Khi cần, ông cũng không quản ngại tuổi cao, ra sức hỗ trợ các bác sĩ trẻ chống dịch, giành lại sự sống cho người dân.

Vở diễn do Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội làm Tổng đạo diễn; kịch bản văn học: TS Nguyễn Đăng Chương; chuyển thể lời ca: Nhà thơ Phạm Vân Anh, Nghệ sĩ Ưu tú Ánh Tuyết; hai dàn nhạc với gần 60 người của nhà trường và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB); dàn hợp xướng 20 người; dàn solist 2 kíp dự kiến 12-15 người đều là những gương mặt nghệ sĩ nổi bật của Quân đội như ca sĩ Trịnh Phương, Lê Xuân Hảo, Minh Ngọc, Ngô Đức, Nguyên Lương, Trường Lâm; phía VNOB có nghệ sĩ opera tốp đầu ở Việt Nam là Đào Tố Loan, các giọng ca khác như Ngô Hương Diệp, Huy Đức... Chỉ huy dàn nhạc do nghệ sĩ Đồng Quang Vinh đảm nhận.

 

(Nguồn: https://www.qdnd.vn/)