Tác giả: Lê Hải Đăng
Cao độ, trường độ, cường độ, âm sắc là 4 yếu tố căn bản trong nghệ thuật âm nhạc, thậm chí nói rộng ra là hiện tượng vật lý liên quan đến âm thanh. Thế nhưng, nếu có cao độ, trường độ, cường độ, âm sắc mà thiếu sự tĩnh lặng, âm thanh nói chung khó thể đi vào nghệ thuật âm nhạc.
Lý thuyết âm nhạc cơ bản định nghĩa: “Lặng là sự ngừng vang”. Trong bản nhạc, lặng biểu thị bằng ký hiệu “dấu nghỉ” tương ứng với giá trị trường độ của âm thanh vang. Trên thực tế, lặng không chỉ đóng vai trò phân chia thời gian mà còn tham gia vào tác phẩm như một thành tố không thể thiếu. Không có dấu lặng trong bản nhạc hay sự tĩnh lặng trong không gian, âm thanh khó thể trở thành nghệ thuật âm nhạc. Nói cách khác, lặng chính là một trong những yếu tối cấu thành nghệ thuật âm nhạc. Lặng nằm giữa khoảng ngắt của âm thanh, đồng thời “lặng cũng là âm nhạc” theo nhà soạn nhạc thiên tài người Áo V. A. Morzart, một nhận định xác đáng nhằm trả cho lặng giá trị tuyệt đối trong nghệ thuật âm nhạc. Lúc nghe hay chơi nhạc, nhiều người thường chú ý đến âm thanh vang, nhưng không có lặng, biểu hiện cụ thể qua dấu lặng hay không gian tĩnh lặng, một phông nền cho âm nhạc lên tiếng thì âm thanh chỉ có tác dụng lấp đầy khoảng trống. Bản nhạc thiếu dấu lặng không khỏi khiến người nghe mệt mỏi, chưa kể có những loại hình âm nhạc bị giới hạn bởi cơ chế phát thanh, như thanh nhạc, nhạc cụ hơi… không thể không có lặng. Tất nhiên, người ta có thể tạo ra nguồn âm vô tận, như nhạc cụ điện tử hoặc tổ hợp giọng hát, nhạc cụ diễn tiến luân phiên, song vượt lên hết, lặng là một trong các yếu tố cấu thành âm nhạc, chứ không phải sự ngừng nghỉ hay ngừng vang như Lý thuyết âm nhạc cơ bản định nghĩa.
Như chúng ta biết, lặng không hề hiện hữu, vậy làm sao có thể coi lặng là “sự” (ngừng vang) được? Nếu lặng là thời gian “nghỉ” thì thú thật, đối với người chơi nhạc, chẳng ai tận hưởng nổi giây phút này để thảnh thơi! Thậm chí ở nhiều tác phẩm, vì sự xuất hiện của dấu lặng mà người chơi càng thêm căng thẳng, đặc biệt là âm nhạc cận đại. Ngoài ra, một khía cạnh khác đòi hỏi nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn, kể cả người thưởng thức cần nâng cao khả năng lĩnh hội về lặng. Như trên đã khẳng định, lặng cũng là âm nhạc, nhưng tai chúng ta lại “điếc” trước sự hiện diện của nó. Nhạc sĩ thường tự hào về đôi tai của mình, nhưng đó chỉ sự nhận biết về âm thanh, chứ đối với lặng, không mấy ai dám tự tin đâu, chứ đừng nói đến tự hào. Lặng có thể đạt tới tinh thần bình đẳng trước mọi đối tượng, bao gồm người sáng tạo, biểu diễn và thường thức. Đối với bất kỳ sự bình đẳng nào đạt tới tinh thần tuyệt đối, nó đồng nhất với Đạo, không phân biệt giữa sáng láng hay tối tăm về nhận thức. Nếu không, lặng chính là chỗ lắt léo phân chia sự khác biệt giữa mỗi cá nhân. Jonh Cage, nhà soạn nhạc người Mỹ sau khi hấp thu tư tưởng Thiền đã sáng tác tác phẩm “4’33 giây”, một tuyệt phẩm độc nhất vô nhị nhằm đùa giỡn, thách thức đôi tai của con người. Sự phản ứng của người thưởng thức trở thành nguồn cơn sản sinh hiệu ứng âm thanh từ tác phẩm. Và nhìn một cách kỹ thuật, “4’33” chính là một tác phẩm tụng ca lặng. Nó phá vỡ sự bám chấp của đôi tai vào âm thanh nhằm di chuyển sâu vào nội tâm người thưởng thức. Trong quá trình tiếp xúc nghệ thuật âm nhạc, đi vào chiều sâu, thay vì dừng lại ở bề nổi trở thành động cơ hối thúc người nghe đến gần tòa thành nhiều tầng, nhiều lớp của nghệ thuật âm nhạc. Tất nhiên, làm thế nào di chuyển vào chiều sâu tác phẩm âm nhạc đòi hỏi chúng ta phải không ngừng tinh tấn trên con đường tu dưỡng, rèn luyện… Riêng đối với lặng, mọi sự nỗ lực dường như đều tỏ ra bất lực trước sự bất biến của lặng. Lặng lúc nào cũng vậy, chỉ khác nhau ở khoảng thời gian dài hay ngắn. Tác phẩm có dấu lặng dài nhất được biết đến có lẽ là “4’33” của Jonh Cage, còn đa số tác phẩm sử dụng lặng để dựng lên mối tương quan với âm thanh vang. Tại đây, từng dấu lặng đong đầy ngụ ý, có thể tạo hình cho giai điệu, phân chia cấu trúc âm nhạc, tạo nên những tiếng thở dài hay đứt quãng… Dù gì, lặng tham gia tác phẩm với tư cách một phương tiện biểu hiện, đồng thời tôn vinh hiệu quả âm thanh vang, thông qua đó nhằm che giấu giá trị thật của mình, một cách khiêm nhường, hàm súc. Lặng chẳng hề phát ra âm thanh, một ý niệm minh họa cho tánh Không, vô ngôn, góp phần kéo dài sinh mạng ngắn ngủi của nghệ thuật âm nhạc bằng sự tịch lặng vô biên. Âm nhạc sinh ra từ không rồi trở về không, riêng lặng chẳng đến cũng chẳng đi, cứ tự tại giữa khoảng hữu hạn của âm thanh. Lặng làm phông nền cho các phương tiện khác lên tiếng, có tác dụng đưa chúng ta trở về trùng trùng Duyên khởi, nơi ngọn nguồn bất lực của ngôn ngữ để từ đó lòng người lại xôn xao trong cõi tịch mịch vô biên.