Nguyễn Văn Quỳ
Chuyên ngành sáng tác
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ còn có bút danh là Đỗ Quyên, sinh ngày 2 tháng 1 năm 1925, quê ở Hà Nội. Nguyên công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.
Ông là một trong những người hoạt động âm nhạc ở Hà Nội từ ngày tạm chiến. Năm 1954, ông là một gương mặt nổi bật vừa cầm đàn vừa hát trong dòng người chào đón bộ đội tiến về giải phóng Hà Nội.
Ngoài công việc giảng dạy âm nhạc, đào tạo của nhà trường, ông còn sáng tác một số tác phẩm ca khúc như: Hà Nội giải phóng, Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu...
Ông say mê học hỏi và tự nghiên cứu để sáng tác khí nhạc, đặc biệt là thể loại sonate.
Ông đã viết 9 bản sonate cho violon và piano, trong đó có hai bản số 4 và số 8 được Giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hai bản sonata này đã từng được biểu diễn tại Singapore và Paris.
Đã xuất bản Băng nhạc Nguyễn Văn Quỳ cùng với tuyển tập ca khúc của ông (DIHAVINA và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1995).
Sự thành công trong sáng tác của ông được cho là đến từ việc thể hiện những chủ đề âm nhạc tương phản. Các tác phẩm của ông nhìn chung được chứa đựng triết lý của cuộc sống, điều này được xem là điểm khác biệt trong âm nhạc Nguyễn Văn Quỳ với các bản nhạc cổ điển trên thế giới. Các bản sonata do ông sáng tác cũng thu hút được sự chú ý của công chúng trong và ngoài nước Việt Nam, đem lại cho ông biệt danh "Beethoven Việt Nam" hay "Ông Quỳ xô nát". Tuy vậy, việc ông sáng tác sonata cũng bị xem là không hợp thời trong bối cảnh sonata là dòng nhạc cao cấp ở Việt Nam thời bấy giờ.
Những năm cuối đời, Nguyễn Văn Quỳ sống bằng lương hưu của một nhà giáo và số tiền kiếm được từ việc sáng tác âm nhạc. Ông sống tại một ngôi nhà ở phố Nguyễn Quang Bích (Hà Nội). Nguyễn Văn Quỳ qua đời tại Hà Nội ngày 27 tháng 1 năm 2022 ở tuổi 97.