Tác giả: Trần Thị Trường
Có thể nói tôi là một người hạnh phúc khi nói tôi có tình bạn vong niên với cặp đôi cellist nổi tiếng, đều là Nghệ sĩ nhân dân: Trần Thị Mơ và Ngô Hoàng Quân. Tôi yêu mến họ và ngược lại. Tình bạn của chúng tôi từ những năm 90 từ thế kỷ trước. Tôi có dịp cùng Trần Thị Mơ đi diễn trong tour diễn “Tiếng hát Ngọc Tân”. Ngay từ ngày đó, tôi đã mê tiếng đàn của người đàn bà đẹp này. Cũng từ đó tôi chứng kiến tình yêu của Trần thị Mơ và Ngô Hoàng Quân. Nói không ngoa, họ là cặp đôi đáng mơ ước về nhièu mặt: Ngô hoàng Quân cũng đẹp trai. Cả hai cũng từng du học và tốt nghiệp loại ưu của Nhạc viên danh tiếng Tchaikovsky, cùng là cellist hàng đầu của Việt Nam. Cùng trải qua mất mát, đau khổ thuở ban đầu và cùng là những người không chỉ tài năng mà là những người sống nhân ái nên giàu cảm xúc, kèm với đức kiên trì bền bỉ rèn luyện, họ xứng đáng được công chúng ngưỡng mộ trong đó có tôi/ một người kỹ và khó trong thưởng thức âm nhạc.
*
Trước hết nói về NSND Trần Thị Mơ:
Chị bắt đầu học cello từ năm 12 tuổi và tốt nghiệp xuất sắc tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1982, chị được chọn tham gia cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Tchaikovsky tại Moskva. Chị từng biểu diễn các tác phẩm của các nhà soạn nhạc nổi tiếng như A. Vivaldi, P.I. Tchaikovsky, F. Schubert, D. Shostakovich, J. Brahms, C. Saint-Saëns, A. Dvořák và E. Elgar. Ngoài ra, chị còn thể hiện thành công các tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam như Nguyễn Văn Thương, Hoàng Dương, Nguyễn Tài Tuệ và Nguyễn Văn Nam. Chị từng giữ vị trí bè trưởng cello của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Hiện nay, dù ở tuổi nghỉ hưu chị vẫn được mời biểu diễn thường xuyên, là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (The Sun Symphony Orchestra).
Tôi đã nhiều lần được đến những buổi hoà nhạc, được nghe tiếng đàn của NSND Trần Thị Mơ trong các bản concerto cho cello. Một sự điêu luyện đầy sức thuyết phục, không phô diễn mà là khai mở: một thứ cello kể chuyện, nhẹ mà đau, mong manh mà ám ảnh. Chị không đàn để “gây ấn tượng” mà để “lưu giữ một linh hồn”, đó là linh hồn của một người phụ nữ Việt trưởng thành trong âm nhạc cổ điển nhưng mang tim và trí đầy chất dân tộc. Tình cảm và nữ tính Trần Thị Mơ không thiên về lối chơi hoành tráng hay quá mạnh mẽ như nghệ sĩ cello phương Tây mà chị chắt lọc những gì tinh tế nhất, để từng giai điệu như một lời tâm sự. Trong các tác phẩm trữ tình như “Hát ru” của Ngô Hoàng Dương, tiếng đàn của chị như lời thì thầm, như lời ru của người mẹ Việt: ngọt ngào, đau đáu, đầy bản sắc Á Đông. Kỹ thuật vững vàng, cảm xúc dẫn dắt. Chị sở hữu nền tảng kỹ thuật cello cổ điển bài bản. Chị không trình diễn kỹ thuật mà “kể chuyện bằng tiếng đàn”. Với những tác phẩm như concerto của Elgar, Saint-Saëns hay Dvořák, chị thể hiện được bản lĩnh chắc chắn, nhưng vẫn đưa người nghe đến những cung bậc cảm xúc rất riêng. Trong các bản nhạc của: Nguyễn Văn Thương “Trở về đất mẹ” (Trần Thị Mơ đoạt Huy chương bạc Hội diễn 1982), của Nguyễn Văn Nam “Concerto số 3 viết cho cello và dàn nhạc” (Trần Thị Mơ đoạt Huy chương vàng toàn quốc 1997), hay tác phẩm viết về Tây Nguyên của Nguyễn Tài Tuệ, NSND Trần Thị Mơ diễn tấu bằng một tinh thần “nội tâm hóa” rất Việt Nam, khiến cello không còn là nhạc cụ Tây phương mà trở thành “người kể chuyện quê hương”. Nhạc sĩ Nguyễn Thụ nói về Trần Thị Mơ: “Một tiếng đàn đẹp hiếm có, một nhân cách nghệ sĩ không màu mè, mà giàu chiều sâu.” Với tôi, chị là một nghệ sĩ gần gũi, nhưng tiếng đàn thì sâu sắc, giàu cảm hứng và đã nghe thì không thể quên. Tiếng đàn chị là sự kết hợp giữa kỹ thuật vững chắc, tâm hồn nhạy cảm và bản sắc Việt Nam, tạo nên một phong cách rất riêng, không ồn ào nhưng thấm sâu. Nếu có “ồn ào” một chút ấy là bởi nhan sắc và mái tóc đầy cá tính của chị.
Tôi nhớ mãi hình ảnh và tiếng đàn của chị trong Concerto cung mi thứ op. 85 – Edward Elgar (Trình diễn trong “Hòa nhạc Toyota 2014” cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam) Trong phần mở đầu Adagio – Moderato, tiếng cello của chị bước vào như tiếng vọng từ một chiều sâu ký ức, trầm lắng, hơi khàn, nhưng không yếu đuối. Đó không còn là cello, mà là một tâm sự của một người đàn bà từng trải, biết cách nén cảm xúc để dẫn dắt người nghe vào vùng tối dịu dàng của Elgar. Trong phần Allegro molto, thay vì chọn hướng bùng nổ mạnh mẽ, chị xử lý bằng nội lực tiết chế, để âm thanh như những đợt sóng ngầm dồn dập, sâu thẳm – tạo một sự tương phản rất “Mơ”, rất nữ tính mà vẫn dữ dội. Cả tác phẩm được chị làm đầy bằng chất xúc cảm Anh - Việt pha trộn: u buồn kiểu Elgar nhưng chan chứa tình tự phương Đông. Hay trong tác phẩm “Hát ru” của NSND Hoàng Dương, người thầy của chị và cũng là bố chồng (trình diễn solo trong chương trình “Hoàng Dương – Nỗi buồn sang trọng”). Ngay từ những nốt đầu tiên, cello trong tay Trần Thị Mơ không phải là nhạc cụ, nó là giọng ru của người mẹ miền Nam, u uẩn, mộc mạc, thăm thẳm. Âm thanh đi theo nhịp võng, bồng bềnh mà buốt giá, gợi hình ảnh mái nhà tranh trong chiều hoàng hôn người mẹ ngồi ru con với giọng khản đặc vì buồn bã. Âm cuối của bản nhạc tắt dần như một lời tạ từ, khiến người nghe không chỉ xúc động mà còn như cảm được nhịp tim của người nghệ sĩ đang rung lên dưới từng lớp âm thanh…
Chồng chị, NSND Ngô Hoàng Quân. Anh bắt đầu học cello từ cha mình, nhạc sĩ Hoàng Dương. Sau đó, anh theo học tại Nhạc viện Tchaikovsky dưới sự hướng dẫn của Giáo sư S. Kalianov. Sau khi tốt nghiệp, anh về nước và đảm nhận vai trò bè trưởng cello của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Anh từng biểu diễn với nhiều dàn nhạc quốc tế như Bangkok Symphony Orchestra, Osaka Symphony Orchestra, Vienna Workshop Symphony Orchestra và Macedonian Philharmonic Orchestra. Và biểu diễn xuất sắc các tác phẩm kinh điển như Concerto cho cello của Antonín Dvořák, cũng như tham gia các chương trình âm nhạc quốc tế như cuộc thi J.S. Bach và P.I. Tchaikovsky. Tiếng đàn của anh da diết, đằm thắm, tinh tế và giàu cá tính. Cũng như Trần thị Mơ, nếu đã nghe Ngô Hoàng Quân đàn một lần thì không bao giờ quên được. Ngoài sự nghiệp biểu diễn, Ngô Hoàng Quân còn giữ vai trò quản lý văn hóa, từng đảm nhận vị trí Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và sau đó là Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Những màn trình diễn đáng nhớ của cặp đôi này trong nhiều chương trình. Như: “Giai điệu mùa thu” năm 2017 tại TP.HCM, họ đã cùng biểu diễn với Dàn nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và nhiều nghệ sĩ quốc tế, mang đến phần trình diễn cello tuyệt vời khiến cho khán giả TP HCM rất nể phục.
Trong đêm nhạc “Điều còn mãi”, NSND Trần Thị Mơ biểu diễn tác phẩm “Hát ru”, còn NSND Ngô Hoàng Quân thể hiện “Hướng về Hà Nội”, cả hai đều nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ khán giả. Cặp đôi NSND Ngô Hoàng Quân và NSND Trần Thị Mơ không chỉ là những nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc mà còn là những người thầy tận tâm, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ. Họ đã góp phần quan trọng trong việc phát triển và nâng cao vị thế của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam. Tên tuổi của họ luôn ở hàng đầu trong giới âm nhạc cổ điển Việt Nam, không chỉ bởi tài năng biểu diễn xuất sắc mà còn bởi sự gắn bó và cống hiến không ngừng nghỉ cho nghệ thuật suốt hơn 40 năm qua. Trong Concerto viết cho hai cello và dàn dây của Vivaldi họ lại một lần nữa “duo” cùng nhau. Họ thể hiện sự hoà quyện tuyệt vời giữa hai tâm hồn, bổ sung và nâng đỡ lẫn nhau, tưởng như hai nhánh suối đan vào nhau, một dịu dàng, một mạnh mẽ cùng dàn nhạc tạo nên một bản hoà tấu đầy cảm xúc và kỹ thuật. Hay trong “Hướng về Hà Nội” của NGND Ngô Hoàng Dương (Phiên bản song tấu cùng Ngô Hoàng Quân) Trần Thị Mơ biến cello thành tiếng nước chảy, trong trẻo, dịu êm, vừa gợi núi rừng, vừa gợi gió sông. Âm thanh không dày mà mảnh, như sương, như khói, nhưng trong đó lại có một sức nặng tâm linh. Cặp đôi cello trong bản này không phải là hai tiếng đàn, mà là hai linh hồn đối thoại, đối nhau trong im lặng, hòa quyện trong thinh không.
*
Ôi, càng viết càng thấy không thể nào viết hết những tài hoa của họ. Họ làm rạng danh nền âm nhạc biểu diễn các tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới. Nhưng họ giản dị trong đời thường. Họ ghi dấu ấn trong sự nghiệp riêng, để lại tình cảm sâu sắc trong quan hệ bạn bè, họ là những người thầy được kính trọng về tài năng và phương pháp sư phạm trong lòng các thế hệ học trò.