Tác giả: Phan Đông Viên
Năm 1951, sau khi Đại tướng Pháp De Tassigny mở các chiến dịch truy quét Việt Minh ở đồng bằng Bắc bộ bị thất bại, căn cứ kinh nghiệm và thành tích từ chiến dịch biên giới 1950, Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) quyết định phương hướng có lợi nhất trong thời cơ này là mở chiến dịch lên chiến trường miền núi. Ngày 17/7/1952 Trung ương quyết định thành lập khu Tây Bắc gồm 4 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La với diện tích 44.300km2 và dân số 44 vạn người.
Là một vùng chiến lược hiểm yếu, nếu quân Pháp chiếm đóng Tây Bắc có thể uy hiếp căn cứ cách mạng Việt Bắc và hỗ trợ cho vùng Thượng Lào để khống chế toàn Đông Dương. Vì vậy tháng 9/1952 Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc từ 14/10/1952 đến 10/12/1952, cử ông Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, ông Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, ông Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm chính trị, ông Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm hậu cần.
Ngày 7/10/1952 bộ đội ta bắt đầu vượt sông Thao và sông Đà tiến vào Tây Bắc. Chiến dịch chia làm 3 đợt:
Đợt 1: Từ 14 đến 23/10/1952: quân ta bắt đầu tấn công các đồn Pháp ở Nghĩa Lộ và các vùng lân cận từ tả ngạn sông Đà đến hữu ngạn sông Thao. Tuy có số lượng vũ khí nhiều cùng với không quân, nhưng bị động trước chiến thuật của quân ta nên quân Pháp đã thua. Chỉ sau 10 ngày chiến đấu QĐNDVN đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch (cả binh sĩ và vũ khí) ta chiếm và kiểm soát một vùng từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà (từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai) rộng 10.000km2.
Đợt 2: Từ 07 đến 22/11/1952: quân ta lại vượt sông Đà tấn công các hệ thống phòng ngự của Pháp trên cao nguyên Mộc Châu và các vùng lân cận, buộc quân Pháp ở Sơn La phải rút chạy về Nà Sản. Hai đại đoàn 308 và 312 của QĐNDVN đã tiêu diệt các tiểu đoàn Lê dương và truy kích quét sạch phòng tuyến Pháp trên bờ sông Đà và các trận địa pháo của Pháp ở Mộc Châu. Ngày 18/11/1952 quân ta chiếm đồn Mộc Châu, quân Pháp thua phải chạy sang hướng Sầm Nưa (Lào), cánh cửa từ đường số 6 vào trung tâm Tây Bắc được mở rộng tạo điều kiện cho quân đội ta từ 18 đến 22/11/1952 giải phóng xong tỉnh Sơn La.
Đợt 3: Từ 30/11 đến 10/12/1952: Đêm 30/11 đến sáng 1/12/1952 các đơn vị của 2 đại đoàn 308; 312 QĐNDVN tiếp tục tấn công sân bay Nà Sản và các cứ điểm lân cận. Đêm hôm sau, 11 tiểu đoàn QĐNDVN ồ ạt tấn công 2 đồn chính của Pháp bảo vệ Nà Sản. Đến 10/12/1952 quân Pháp còn lại phải rút lui về sau phòng tuyến Tassigny ở phía bắc Hà Nội với thiệt hại nặng về quân số và trang thiết bị vũ khí.
Đến thời điểm đó, trong gần 2 tháng, những mục tiêu chính của chiến dịch do ta đặt ra đã được giải quyết. Ngày 10/12/1952, TW quyết định mở Hội nghị sơ kết chiến dịch Tây Bắc, Bác Hồ đã khen ngợi: "TW Đảng, chính phủ và Bác bằng lòng với các chú, lần này chưa phải hoàn toàn nhưng đã hơn mọi lần trước". Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nhận định: "Chiến dịch Thu đông 1952 là chiến dịch Tây Bắc đã thành công vượt mức dự kiến, đã rèn luyện cho bộ đội ta về kỹ thuật, chiến thuật, củng cố và mở rộng căn cứ địa, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường lực lượng kháng chiến của nhân dân, nâng cao lòng tin tưởng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với Đảng và Hồ Chủ Tịch".
Chiến thắng Tây Bắc đã phá tan 3 âm mưu của Pháp:
- Lập xứ Thái tự trị
- Uy hiếp căn cứ địa cách mạng Việt Bắc.
- Lập căn cứ gần nước Lào để xiết chặt khống chế toàn Đông Dương.
Ngoài ra chiến thắng Tây Bắc còn có ý nghĩa chiến lược, tạo ra thế và lực mới để thực hiện cuộc tổng tấn công Đông Xuân 1953- 1954 bằng trận Điện Biên chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên đất nước ta. Thành tích chung của chiến thắng Tây Bắc, ngoài công sức của lực lượng chính là QĐNDVN còn có sự đóng góp nhân tài vật lực của toàn thể nhân dân và các lực lượng khác, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động, đi cùng các cánh quân có lực lượng của những phóng viên chiến trường, các văn nghệ sĩ... Riêng ngành âm nhạc còn một số tư liệu quý do các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn, Lương Ngọc Trác, Nguyễn Đình Phúc, Tử Phác, Nguyễn Văn Tý, Đặng Đình Hưng, Lưu Bách Thụ, Bùi Công Kỳ, Hoàng Vân, Hồng Đăng, Văn An, Nguyễn Thành, Bùi Đức Hạnh v.v...một số bài lấy chất liệu từ những làn điệu dân ca Tây Bắc như bài Tình ca Tây Bắc của N.S. Bùi Đức Hạnh, bài Mừng chiến thắng Tây Bắc của Đặng Đình Hưng lấy chất liệu tự nhịp điệu cồng chiêng Mường Tây Bắc v.v...
Các tư liệu xếp thứ tự theo thời điểm từ bắt đầu cho đến kết thúc chiến dịch.
Nhân kỷ niệm 72 năm chiến thắng Tây Bắc 10/12, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ./.