Bế mạc Trại sáng tác Ca khúc chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

09:17 AM, Thứ ba, 09/04/2024
167

Tác giả: Thanh Nhã

Chiều 28/3/2024, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Bế mạc Trại sáng tác Ca khúc chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) tại Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ và sáng tác, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Dự bế mạc trại có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; nhạc sĩ Đinh Công Thuận – Ủy biên Ban Chấp hành, Chánh Văn phòng; nhạc sĩ Nguyễn Xuân Nhật – Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Ninh; lãnh đạo các Ban chuyên môn của Hội, cùng 16 nhạc sĩ tham dự trại thuộc 10 Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực phía Bắc: Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Phú Thọ Chi hội Quân đội Hà Nội, Văn phòng Hội, Đài Phát thanh – Truyền hình, Công an nhân dân…

 

Trại sáng tác diễn ra từ ngày 22/3 đến ngày 28/3/2024, đã thu được kết quả nhất định, biểu hiện sự sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc, với tinh thần lao động và có trách nhiệm của các nhạc sĩ đã góp phần làm nên sự thành công của trại sáng tác âm nhạc chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong thời gian dự Trại sáng tác, các nhạc sĩ được tham quan thực tế tại huyện Vân Đồn, được lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm, trực tiếp cung cấp những tư liệu quý về mọi mặt đời sống, văn hóa, tình hình phát triển kinh tế của địa phương cũng như quá trình xây dựng cơ sở vật chất, đời sống nhân dân ngày một nâng cao… Đây là yếu tố thuận lợi và là động lực mạnh mẽ để các nhạc sĩ có tác phẩm chất lượng khi viết về quê hương đất nước nói chung và về vùng biển đảo còn rất nhiều tiềm năng này. Trong chuyến đi thực tế sáng tác lần này, các nhạc sĩ lại có thêm cơ hội gặp gỡ và giao lưu, với tình cảm gắn bó giữa các nhạc sĩ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Thăm trường Nguyễn Bính Khiêm và giao lưu với lãnh đạo nhà trường, các thầy cô, học sinh tại đây trong một chương trình văn nghệ vô cùng thân thiện và ấm áp tình cảm chân thành, để chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, lãnh đạo Nhà trường rất mong các nhạc sĩ có bài hát viết về trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trường Nguyễn Bính Khiêm, là một trường phổ thông liên thông từ Tiều học đến Trung học và là một trong những trường có uy tín của tỉnh Quảng Ninh. Đây chính là niềm vui của các nhạc sĩ trong đợt dự trại sáng tác lần này.

 

Kết thức Trại, Ban tổ chức đã nghiệm thu được 18 tác phẩm ca khúc, trong đó có 01 ca khúc thiếu nhi.

1. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thao (Quảng Ninh) với ca khúc “Nhớ mùa Hoa Ban”.

2. Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ (Quảng Ninh) với ca khúc “Hát tiếp bài ca Điện Biên”.

3. Nhạc sĩ Mai Đoan (Hải Dương) với ca khúc “Bác Hồ với cây chỉ đỏ” (thơ: Ngô Văn Hanh).

4. Nhạc sĩ Bùi Thị Tường Vi (Hải Phòng) với ca khúc “Hát về anh, người lính năm xưa”.

5. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Hoài (Hải Phòng) với ca khúc “Hát mãi bài ca Điện Biên”.

6. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Bắc (Chi hội Quân đội Hà Nội) với ca khúc “Điện Biên – miền đất huyền thoại”.

7. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Hòa (Chi hội Quân đội Hà Nội) với ca khúc “Về Điện Biên mùa xuân” (phỏng thơ: Trọng Luân).

8. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Lưu (Chi hội Quân đội Hà Nội) với ca khúc “Cảm xúc Điện Biên”.

9. Nhạc sĩ Bá Môn (Chi hội Văn phòng Hội) với cá khúc “Mùa hoa ban”.

10. Nhạc sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Chi hội Văn phòng Hội) với ca khúc thiếu nhi “Em lên thăm Điện Biên”.

11. Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng (Chi hội Văn phòng Hội) với 3 ca khúc “Điện Biên còn mãi trong tôi”, “Hát mừng nông thôn mới”, “Ru tình đá Hạ Long” thơ: Quốc Khánh.

12. Nhạc sĩ Trần Khắc Tiệp (Chi hội Công an) với ca khúc “Tự khúc hòa bình – Điện Biên chào tương lai”.

13. Nhạc sĩ Lê Xuân Thủy (Vĩnh Phúc) với ca khúc “Huyền thoại Điện Biên Phủ”.

14. Nhạc sĩ Ninh Mạnh Thắng (Ninh Bình) với ca khúc “Khát vọng Điện Biên”.

15. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Thực (Phú Thọ) với ca khúc “Điện Biên lừng lẫy địa cầu” (thơ: Nguyễn Chương Phú).

16. Nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh (Chi hội Đài Thát thanh Truyền hình) với ca khúc “Điện Biên mùa xuân về” (lời: Vũ Minh).

Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng trại, trong báo cáo hoạt động của trại cho biết: Sau một tuần tham gia Trại sáng tác tại Quảng Ninh của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với 16 trại viên được hội tụ từ nhiều địa phương, tỉnh thành phía Bắc, chúng tôi đã tham gia nhiều hoạt động sáng tạo tích cực, nhằm có được những tác phẩm mới mang hơi thở của cuộc sống hôm nay nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Các nhạc sĩ thấy rất vinh dự là những nhạc sĩ đầu tiên tiếp thu những ý kiến của lãnh đạo Hội về việc tham gia sáng tác một sự kiện lớn của đất nước, đó là kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), chỉ trong một tuần, hầu hết các nhạc sĩ tham gia trại đợt này đã có bài hát viết về Điện Biên và được báo cáo trong chương trình tổng kết trại hôm nay…”.

 

Tại chương trình, một số tác phẩm có chất lượng tốt đã được dàn dựng và được các nghệ sĩ, ca sĩ của Quảng Ninh và tác giả biểu diễn:

Hát tiếp bài ca Điện Biên, biểu diễn: Tốp ca

Nhớ mùa hoa ban, biểu diễn: Phương Anh

Điện Biên còn mãi trong tôi, biểu diễn: Trần Thanh Tùng

Về Điện Biên mùa xuân, biểu diễn: Thanh Tâm

Theo cha về Điện Biên, biểu diễn: Ngọc Hòa

Bác Hồ với cây chỉ đỏ, biểu diễn: Thanh Tâm

Điện Biên lừng lẫy địa cầu, biểu diễn: Nguyễn Đức Thực

Khát vọng Điện Biên, biểu diễn: Thanh Tâm

Điện Biên – miền đất huyền thoại, biểu diễn: Xuân Bắc – Ngọc Hòa

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã đánh giá:

“Trại sáng tác đã thực hiện đúng kế hoạch của Ban Chấp hành đề ra, đây là trại sáng tác vô cùng có ý nghĩa, ngoài việc trau dồi chuyên môn, trao đổi về kinh nghiệm sáng tác, Trại lần này chủ yếu là sáng tác ca khúc về chủ đề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một trong những đề tài gợi ý nhìn lại Điện Biên 70 năm qua, nó khác với Điện Biên trong chiến tranh trước đây.

 

Trong chiến tranh Điện Biên, các nhạc sĩ đi trước như Hoàng Vân đã sáng tác “Hò kéo pháo”, Đỗ Nhuận có “Hành quân xa”, “Giải phóng Điện Biên”, Nguyễn Thành có “Qua miền Tây Bắc”, Văn An có “Đường lên Tây Bắc” lay động lòng người… Chúng ta ngày nay ở góc độ đổi mới, Điện Biên của thế kỷ XXI, Điện biên đã vươn mình mạnh mẽ, có đường sân bay rộng mở, giao thông hiện đại với những con đường lớn; hơn nữa, Điện Biên là nơi sinh sống của rất nhiều đồng bào các dân tộc anh em còn nhiều khó khăn, đó là đường, trường, trại, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng… cần khai thác thêm và phát hiện các đề tài mới, cách đặt vấn đề mới, sẽ phong phú và hay hơn…

 

Về âm nhạc, các trại viên là những nhạc sĩ chuyên nghiệp viết sạch sẽ, gọn gàng, vuông vức, nhưng có điểm đột phá hay không về mặt khúc thức, về giai điệu, tiết tấu… còn ít. Có một số bài khá tốt, có tìm tòi sáng tạo mới, có bài có cấu trúc tương đối dài hơi hơn, có cấu trúc hơi thở của cuộc sống hôm nay, có nét dân ca Thái…, nhưng ở đây ít có bài khai thác âm hưởng dân ca của các vùng Tây Bắc, âm hưởng luôn gắn với đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Bắc, chúng ta chỉ cho thấy hình ảnh hoa ban, Mường Phăng, Mường Nhé… chỉ là kể tên các địa danh; về ca từ, cần chú ý hơn nữa đến ca từ là thơ tạo thành âm hưởng về mặt ngôn ngữ chứ không đơn thuần về mặt câu chữ…

 

Về chương trình biểu diễn báo cáo, các ca sĩ của Quảng Ninh rất nhiệt tình, biểu diễn chuyên nghiệp, thể hiện âm vực cao, xử lý nốt rất tốt, tôn lên tác phẩm rất trọn vẹn; một số bài vì không có ca sĩ nên chính tác giả đã hát, vì vậy không được đúng với những gì mình viết, nhưng đấy cũng là sự hiện diện của lao động nghệ thuật.

 

Với thu hoạch trong một trại sáng tác như vậy là đạt yêu cầu, ghi nhận những cố gắng, thành tích của các nhạc sĩ, đã góp phần vào tiếng nói hưởng ứng Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát động, và có nhiều hoạt động, đặc biệt có một chuỗi các livestream trên nền tảng tiktok bắt đầu từ ngày 30/3. Hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm tốt hưởng ứng đợt sáng tác này”.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều