Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

07:11 PM, Thứ ba, 06/06/2023
222

Tác giả: Đỗ Anh Vũ

 

Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi bật và tiêu biểu nhất, đó là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Mỗi người một vẻ, mỗi người một phong cách, song họ đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, chinh phục người nghe nhạc bằng những ca khúc có sức sống vượt thời gian.

 

Trong ba tên tuổi kể trên, Văn Cao là nhạc sĩ có số lượng tác phẩm ít hơn cả nhưng ông lại là người có những tác phẩm nổi tiếng sớm nhất, đồng thời là tác giả của bản "Tiến quân ca" hào hùng đã trở thành Quốc ca chính thức của Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Có nhiều cách khác nhau để tiếp cận thế giới nghệ thuật của một tác giả, nhưng trong khuôn khổ bài viết lần này, chúng tôi muốn đi vào hai cảm thức thời gian được trở đi trở lại trong nhiều ca khúc của Văn Cao, đó là mùa xuân và mùa thu.

Nhạc sĩ Văn Cao viết những bản tình ca đầu tiên từ cuối thập niên 30, thế kỷ XX khi nền tân nhạc Việt Nam còn đang giai đoạn hình thành.

THU

Cảm xúc u hoài về mùa thu được nối dài từ thơ ca cổ điển cho tới Thơ Mới lãng mạn, nó cũng phản ánh không khí thời đại và tâm trạng con người trước bối cảnh nước nhà còn chìm đắm trong ách cai trị của ngoại bang: “Sầu thu lên vút song song / Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu” ("Thu rừng" - Huy Cận), “Tiếng buồn trong sương đục/ Tiếng hờn trong lũy tre/ Dưới trời thu man mác/ Bàng bạc khắp sơn khê” ("Tình quê" - Hàn Mặc Tử). Thế nên, ta không lạ khi mùa thu đi vào trong khá nhiều ca khúc của Văn Cao trước 1945 với các mức độ khác nhau của nỗi buồn.

 

“Buồn tàn thu” (1939) là ca khúc được công bố sớm nhất của ông. Được ký âm ở giọng Rê thứ với một nhịp điệu chậm, “Buồn tàn thu” mang đến một không khí tê tái bi thương não nùng: “Đếm mùa thu chết, nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng…/ Còn nhớ đêm xưa kề má say sưa nhưng năm tháng qua dần, mùa thu chết bao lần/ Thôi tình em đấy, như mùa thu chết rơi theo lá vàng”.

 

Sau “Buồn tàn thu”, “Suối mơ” là một ca khúc nổi tiếng cũng gắn với mùa thu được viết với nhịp điệu êm ái, trong sáng. Nỗi buồn ở bài này không quá bi thương như “Buồn tàn thu” mà man mác, nhẹ nhàng, như một hoài niệm về mối tình đã qua: “Suối mơ! Bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng/ Ngày chưa đi sao gió vương. Bờ xanh ngắt bóng đôi cây thùy dương”. Trong một tình khúc nổi tiếng khác - “Trương Chi”, mùa thu cũng được chọn làm thời gian nghệ thuật chung cho toàn bộ nhạc phẩm: “Vương vất heo may hoa yến mong chờ/ Ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ/ Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang/ Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan…/ Sương thu vừa buông xuống bóng cây ven bờ sao mờ xóa giòng song”.

 

Cũng giống như “Buồn tàn thu”, cả “Suối mơ” và “Trương Chi” đều được viết với điệu thức thứ. Nhưng cũng trong giai đoạn trước 1945, Văn Cao còn một ca khúc nữa về mùa thu được viết với điệu thức trưởng. Đó là bản “Thu cô liêu” (ký âm Đô trưởng), bài hát ngắn nhất nhưng theo tôi lại cũng là nhạc phẩm mùa thu độc đáo nhất về điệu thức của ông, được sáng tác năm 1944: “Thu cô liêu tịch liêu, cô thôn chiều/ Ta yêu thu yêu thu yêu mùa thu. Vàng hoa đáy nước soi rọi đường đi”. (Một mùa thi, một mùa thi). “Lá thu rơi rụng buồn chi lá vàng”.

 

Sau 1945, Văn Cao viết về mùa thu với tâm thế hoàn toàn khác. Trong bản ''Trường ca Sông Lô'' sáng tác năm 1948, mùa thu xuất hiện ngay từ đầu nhạc phẩm với âm hưởng khoáng đạt, bay bổng, tráng ca và nhịp điệu phát triển nhanh dần trong những đoạn kế tiếp, càng ngày càng tươi vui: “Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu (…) Sông gầm âm vang súng trái phá/ Bao rừng thu như bát ngát cười…”.

 

XUÂN

Trước 1945, mùa xuân trong ca khúc Văn Cao cũng thường buồn nhưng cách thể hiện về mùa xuân trong các nhạc phẩm của ông khác biệt nhiều so với mùa thu. Mùa xuân trong bài “Cung đàn xưa” được viết ở nhịp Valse với điệu thức trưởng khiến bản nhạc dù buồn bã mà vẫn tạo được cảm giác trong sáng và sang trọng: “Hồn cầm phong hương hình bóng xuân tàn. Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn…/ Chiều năm xưa gót hài khai hoa mắt huyền lưu xuân dáng hồng thơm hương”.

 

Trong một ca khúc khác, mùa xuân là một chi tiết của tác phẩm và nhịp điệu của ca khúc được viết theo phong cách Blues nên tạo được những nét nhạc sáng và không rơi vào bi lụy: “Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng/ Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế/ Kìa nước xa xa sông Cấm còn mịt mùng ngoài bến xuân” (Đàn chim Việt).

 

Thực ra “Đàn chim Việt” là phiên bản hai của ca khúc “Bến xuân”, do Văn Cao và Phạm Duy cùng viết lời, được công bố lần đầu năm 1942. Nếu như ca từ của “Đàn chim Việt” thiên về tình cảm quê hương thì ca từ của “Bến xuân” thiên về tình yêu đôi lứa, một tình yêu thật đẹp mà nay chỉ còn trong hoài niệm: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Em đến tôi một lần/ Bao lũ chim rừng, họp đàn trên khắp bến xuân (…)/ Mắt em như dáng thuyền soi nước/ Tà áo em rung trong gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân…”.

 

Sau 1945, mùa xuân trong ca khúc Văn Cao đầy khỏe khoắn, tươi sáng, rộng mở. Trong bản ''Trường ca Sông Lô'' nổi tiếng, thời gian nghệ thuật của nhạc phẩm được mở ra bằng mùa thu và kết thúc bằng mùa xuân, như muốn diễn tả một sức sống bất diệt của thiên nhiên và con người Tây Bắc, cũng là sức sống bất diệt của cả dân tộc Việt Nam: "Mùa xuân tới, nước băng qua ngàn nước in ven bờ xanh in bóng tre/ Dòng sông Lô trôi".

 

"Tiến về Hà Nội" là ca khúc mang đầy tính dự báo thiên tài của Văn Cao, được viết từ 1949, 5 năm trước khi Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Nhịp điệu nhanh, lôi cuốn như một hành khúc được khép lại tác phẩm với những ca từ đầy ắp mùa xuân, mùa xuân của một bước chuyển mình lịch sử, mùa xuân của chiến thắng huy hoàng: “Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay, những xuân đời mỉm cười vui hát lên/ Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/ Như mùa xuân xuống cành, đường nghe gió về/ Hà Nội bừng Tiến quân ca”.

 

Cũng trong năm 1949, có một ca khúc đặc biệt của Văn Cao có sự hiện diện của cả mùa thu và mùa xuân với một cảm xúc trong trẻo tin yêu lạ thường. Đó là bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, một trong những ca khúc hay nhất về Bác Hồ kính yêu: “Người về mang tới ngày vui. Mùa thu nắng tỏa Ba Đình với tiếng Người còn dịu dàng hơn tiếng đất trời. Người về đem tới xuân đời, từ đất nước cằn, từ bùn lầy, cả cuộc đời vùng lên”.

Do những biến cố éo le và ngang trái của lịch sử mà Văn Cao đã tuyên bố gác bút, không viết thêm bất cứ một ca khúc nào trong vòng 20 năm. Mãi cho đến năm 1976, trong mùa xuân thống nhất đầu tiên của dân tộc, ông mới sáng tác trở lại và tặng cho cuộc đời một nhạc phẩm xuất sắc: ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”.

Theo lời tâm sự của Văn Cao, nếu như “Tiến quân ca” là bản nhạc đưa những người lính ra trận thì “Mùa xuân đầu tiên” là bản nhạc đón những người lính trở về trong một khát vọng sum họp và đoàn tụ. Cao hơn nữa, ca khúc còn gửi gắm một tư tưởng lớn về hòa hợp dân tộc, tôn vinh một hạnh phúc giản dị và đời thường của hòa bình: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”.

 

“Mùa xuân đầu tiên” cũng là một ca khúc được viết theo điệu Valse, một điệu thức trước đó nhiều lần được Văn Cao sử dụng qua các nhạc phẩm như “Cung đàn xưa” hay “Ngày mùa”. Nhưng với bản Valse mùa xuân này, tưởng như đây là một điệu luân vũ dặt dìu bất tận trong niềm hạnh phúc khôn nguôi, khi những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống nghẹn ngào trong cả người nghe, người hát và chính người sáng tác: “Nước mắt trên vai anh, giọt rơi ấm đôi vai anh/ Niềm vui phút giây như đang long lanh”. Xóa bỏ thù hận, chỉ còn lại yêu thương, tin cậy và cùng nhau hướng về tương lai. Một tư tưởng sâu sắc được viết ra bằng những lời ca giản dị mà lay động lòng người: “Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người”. Mùa xuân đầu tiên cũng có thể xem là ca khúc nổi tiếng cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của Văn Cao, dù sau đó ông có viết thêm hai bài: “Hành khúc công nhân toa xe” (1983) và “Tình khúc trung du” (1984).

 

Nhìn lại sự nghiệp sáng tác của Văn Cao, số lượng ca khúc của ông chỉ độ trên 30 tác phẩm nhưng dấu ấn của Văn Cao để lại là vô cùng to lớn. Trịnh Công Sơn đã từng nhận xét: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng”. Theo tôi, nhạc Văn Cao sang trọng cả về giai điệu lẫn ca từ, bởi bản thân Văn Cao cũng chính là một thi sĩ. Qua góc nhìn của bài viết này, chỉ đứng từ những cảm thức thời gian với mùa xuân và mùa thu, ta cũng thấy được một gương mặt âm nhạc Văn Cao với nhiều biến chuyển đa dạng, phong phú, gắn với những đổi thay lớn lao trong lịch sử dân tộc đồng thời gửi gắm những tư tưởng mang đầy tính nhân văn của người nhạc sĩ. Nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm sinh Văn Cao, bài viết nhỏ này cũng là nén tâm hương của một hậu sinh xin được tưởng nhớ ông.

 

(Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share
Bài viết liên quan
Xem thêm
Toru Takemitsu (1930-1996)

Nhạc sĩ

24/04/2023

Wagner có gì không ổn?

Nhạc sĩ

24/04/2023

Thầy Đỗ Nhuận của tôi

Nhạc sĩ

24/04/2023

Xem nhiều