Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu
Kỷ niệm nhà văn Nguyễn Đình Thi tròn 100 tuổi.
Tôi bắt đầu hành trình "đi tìm chân dung âm nhạc" này từ hơn mười năm trước để thực hiện cuốn sách Nguyễn Đình Thi với âm nhạc - món quà sinh nhật lần thứ 100 dành cho bố dượng tôi.
Chỉ với hai bài hát viết ở tuổi đôi mươi đã đủ đưa tên tuổi nhà văn Nguyễn Đình Thi vào danh sách các nhạc sĩ tiên phong của nền ca khúc cách mạng. Hai ca khúc để đời đó đã được các nhà sử nhạc, cũng như các cây bút chuyên bình luận âm nhạc trên các phương tiện truyền thông ngợi ca quá nhiều. Chỉ có điều vẫn dừng ở cách bình luận quen thuộc: chủ yếu dựa trên nội dung lời ca, chứ mấy ai liều lĩnh bàn sâu về ngôn ngữ âm nhạc. Đánh giá tác phẩm âm nhạc xưa nay thường loanh quanh trong phạm vi nội dung đề tài hoặc ý nghĩa lịch sử nhiều hơn là phân tích ngôn ngữ âm nhạc và mối quan hệ giữa nhạc với lời.
Phê bình thông qua giá trị nghệ thuật âm nhạc thuần túy không phải là việc dễ dàng. Tôi luôn cố làm điều này với các công trình tác giả - tác phẩm, tại sao lại không thể làm như thế với ông, người mà tôi được ở gần còn nhiều hơn cả cha ruột? Thế là tôi quyết dấn thân vào cuộc hành trình chông gai này.
Chông gia ở chỗ thu thập tác phẩm không đơn giản. Ngoài hai ca khúc nổi tiếng, các bài hát khác của ông được xuất bản chủ yếu từ giữa thập niên 40 thế kỷ XX. Tôi đã kỳ cạch ký âm một số bài trước khi may mắn tìm được bản in từ tám chục năm trước. Tôi còn ký âm qua file nhạc một số bài phổ thơ Nguyễn Đình Thi của nhạc sĩ hải ngoại vì nghe nói không còn bản nhạc. Rất kỳ công và mất khá thời gian để tập hợp ca khúc và hợp xướng phổ thơ Nguyễn Đình Thi, càng khó khăn hơn với các bản chuyển soạn Người Hà nội cho hòa tấu thính phòng và dàn nhạc của các nhạc sĩ đã mất.
Việc in ấn cũng chông gai không kém. Kinh phí hạn hẹp, in xong mới tá hỏa tam tinh: dù giấy khổ lớn mà vẫn không hiện rõ các dòng kẻ trong tổng phổ dàn nhạc. Sách quảng bá tác phẩm âm nhạc mà không đọc được nốt nhạc thì… vứt! Bắt buộc phải xoay xở mọi cách để in lại cho chuẩn chỉnh một "chân dung âm nhạc".
Và đây, xin được lược tả đôi nét về chân dung ấy qua những bài hát của ông.
Ông từng thổ lộ: “Tôi không dám nhận mình là nhạc sĩ, vì chỉ viết được hai bài hát. Thực ra ba bài. Bài thứ ba là bài Voi ca ngợi bộ đội pháo binh; mà là loại pháo có thể tháo rời từng bộ phận, thỉnh thoảng nện vào đồn Pháp mấy quả lại tháo ra di chuyển ngay. Bài hát được văn công dựng đi biểu diễn cho chiến sĩ ngoài mặt trận, được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát động viên, nhưng cũng chỉ đến đó, tôi thấy tạng mình không thể viết được bài hát nữa, nên thôi không dám viết thêm”.
Ông không thoải mái, thậm chí bẽn lẽn khi được gọi là nhạc sĩ. Có lẽ niềm phấn khích khi Bắc Nam sum họp đã giúp ông quên e ngại để viết thêm bài cuối sau 30 năm chia tay với âm nhạc. Còn bài nào sáng tác đầu tiên vẫn là ẩn số. Song qua những bài hát mà tôi tìm được vẫn có thể rút ra đôi điều về "chất nhạc" ở ông.
Điểm chung nổi bật ở các bài hát của Nguyễn Đình Thi là tính thời sự. Bài nào cũng liên quan trực tiếp tới các mốc lịch sử trọng đại trong hai cuộc kháng chiến: tiền khởi nghĩa năm 1945 (Căm hờn, Du kích quân, Diệt phát xít), hậu toàn quốc kháng chiến năm 1946 (Người Hà Nội), chuẩn bị chuyển sang giai đoạn tấn công đầu thập niên 50 (Con voi), sau thống nhất non sông năm 1975 (Đất nước yêu thương).
Vì tính thời sự và yêu cầu phổ cập đại chúng, lại là những bài hát đầu tay của một tác giả trẻ viết theo bản năng, các hành khúc đều có giai điệu đơn giản, dễ hát, gần ngữ điệu giọng nói. Âm nhạc chuyển tải những lời thề: “Thề diệt trừ quân tham tàn… Thề sống chết với quân thù” (Căm hờn); hàng loạt lời kêu gọi: “Mau mau mau vai kề vai…, vác súng gươm ta đi lên, ta tiến lên ta diệt quân thủ” (Diệt phát xít), “Vùng lên, chiến sĩ ta ơi!” (Người Hà Nội), “Voi ơi voi, voi gầm lên quát lên tan xác chúng nó ra” (Con voi); những tiếng hô khẩu hiệu: “Việt Nam muôn năm!” (Diệt phát xít); và tiếng gọi thiết tha: “Non nước mây trời, Việt Nam ta ơi” (Đất nước yêu thương).
Tính hành động với tiết tấu “chấm - giật” (chấm dôi và móc kép) và các chuỗi điệp âm như “hát nói” là đặc điểm nổi bật trong đường nét giai điệu. Giai điệu dễ nhớ hơn nhờ luôn lặp lại một vài câu nhạc (Căm hờn), nhờ lối phát triển bằng âm hình tiết tấu chủ đạo (Du kích quân) hoặc dịch chuyển một nét nhạc ở cung bậc khác nhau (Con voi).
Cũng như nhiều tác giả trẻ hưởng ứng phong trào yêu nước thập niên 40, Nguyễn Đình Thi đã dùng âm nhạc làm vũ khí đấu tranh, làm phương tiện cổ động và tuyên truyền chính trị. Từ kinh nghiệm đặt lời trên giai điệu Tây có sẵn trong phong trào hướng đạo, ông chuyển sang sáng tác hành khúc phục vụ hoạt động cách mạng. Đỉnh cao chùm hành khúc đầu tay của ông là Diệt phát xít. Bài hát mang tinh thần Quốc tế ca này hội tụ gần như đủ các đặc điểm vừa kể trên, đó cũng là những yếu tố dễ thấy ở các bài hùng ca thời đó. Lời thúc giục toàn dân chống phát xít được hát trên nét nhạc nhiều điệp âm, dấu lặng và âm hình tiết tấu “chấm - giật”. Bài hát kết thúc bằng tiếng hô khẩu hiệu, chính nhờ đoạn kết thiết tha hào sảng này mà Diệt phát xít từng là một trong những bài ứng cử quốc ca, song đã không “trúng cử” vì nội dung lời ca gắn vào mục tiêu nhất định và không còn phù hợp khi đã qua giai đoạn chống phát xít.
Có thể nhận thấy một tác giả “Tây học” ngay từ những thử nghiệm đầu tiên cũng đã hướng tới âm điệu dân tộc qua các quãng đặc thù ngũ cung và lối kết hợp vài thang năm âm ngũ cung khác nhau (Đất nước yêu thương, Du kích quân). Con voi được gói trọn trong một thang âm ngũ cung. Bài hát độc đáo, sống động như một hoạt cảnh vui nhộn với lời lẽ gần khẩu ngữ, mộc mạc, dí dỏm (một tính cách ngầm ít bộc lộ trong tác phẩm, cũng như trong giao tiếp của tác giả). Giai điệu rất gần với dân ca Bắc bộ nhờ các quãng đặc trưng ngũ cung. Có lẽ đây là một trong những bài hát đầu tiên về binh chủng pháo. Khẩu pháo được chăm chút như một thú cưng. Trong cảnh “voi ta” được đưa vào trận chiến, giai điệu đang “ì à ì ạch” ở nốt thấp nhất bất ngờ có bước nhảy quãng rộng, cứ như chú voi được nâng từ chân đèo lên đỉnh đồi, rồi nhả đạn “ầm… ầm!”. Sau tiếng gầm dữ dội lại nhẹ nhàng âu yếm tiếng gọi “ơi voi” - ở thập niên 40 không phải tác giả nào cũng chú tâm đến sự tương phản sắc thái và có chỉ dẫn biểu hiện cụ thể (từ cường độ rất mạnh đột ngột chuyển sang nhẹ nhàng) như thế. Với Con voi, ông đã góp thêm một hài khúc bên cạnh các chính ca vừa quyết liệt vừa lãng mạn trữ tình của ông.
Có thể nói, Nguyễn Đình Thi đã góp phần khởi nguồn cho hai thể loại ngày càng phát triển vào giữa thế kỷ XX: hành khúc (bài hát phổ thông ngắn gọn, đơn giản, thuần nhất, dễ hát) và trường ca (bài hát dài hơi, đa dạng, kết nối nhiều đoạn nhạc khác nhau về tính cách âm nhạc, phù hợp với lối diễn tấu có kỹ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp).
Ông từng tự trào: “Thật ra Người Hà Nội là một loại ‘quái thai’ của âm nhạc đấy! Bởi vì với nội dung ấy, thực tế ấy, cảm xúc ấy, thì phải viết một giao hưởng mới phải. Nhưng tôi, cũng như anh Đỗ Nhuận với Du kích sông Thao, anh Văn Cao với Sông Lô ... lúc ấy lại không đủ sức, đủ trình độ để viết giao hưởng, vậy là ra đời cái gọi là trường ca".
Bên cạnh tính lịch sử bởi sự gắn kết với những thăng trầm của đất nước, những bài hát của ông còn là dấu ấn cho sự hình thành nền ca khúc cách mạng. Song tác phẩm vẫn được hát được yêu thích sau gần tám chục năm qua không thể chỉ dựa vào ý nghĩa lịch sử, mà chính là nhờ vào giá trị nghệ thuật.
Cái đẹp biểu hiện ở sự sáng tạo, ở nền tảng văn hóa. Người ta vẫn nói “văn là người”, thì nhạc cũng là người. Nếu trong văn ở Nguyễn Đình Thi có một “Người Thơ” độc đáo và tự do, không bị trói buộc vào khuôn mẫu cấu trúc hay âm vần, vào số từ trong câu hay số câu trong bài, thì trong nhạc cũng có một Nguyễn Đình Thi tiên phong, sớm hướng tới cái mới chưa biết đến bao giờ trong cầu trúc và hình thức âm nhạc, cũng như xu hướng tư duy khí nhạc trong ngôn ngữ thanh nhạc.
Là người đa tài, nhà văn Nguyễn Đình Thi để lại dấu ấn đáng ngưỡng mộ trong nhiều loại hình văn học nghệ thuật. Riêng trong âm nhạc, những đóng góp của ông cũng rất đặc biệt với vai trò một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền ca khúc Cách mạng, một trong những tác giả được phổ thơ nhiều nhất. Với một giọng thơ đầy sáng tạo, giàu biểu cảm, đa dạng về đề tài, linh hoạt trong cách sử dụng ngôn từ và đặc biệt: rất điện ảnh, ông là tác giả lời ca của hơn 30 tác phẩm thanh nhạc, nơi cho thấy những nét tiêu biểu trong ngôn ngữ nhạc hát Việt Nam nói chung và các thủ pháp phổ thơ nói riêng.
Ông không chỉ có mặt trong lĩnh vực thanh nhạc, mà cả trong khí nhạc Việt Nam qua các bản chuyển soạn tác phẩm bất hủ Người Hà Nội cho nhạc thính phòng và dàn nhạc giao hưởng. Không những thế, giai điệu Diệt phát xít của ông nhiều lần được “tái sử dụng” để phục hiện sự kiện lịch sử đã qua trong một số tác phẩm giao hưởng của các nhà soạn nhạc khác.
Còn nhiều điều có thể khám phá trong cuốn Nguyễn Đình Thi với âm nhạc - một cuộc hành trình đi tìm chân dung âm nhạc của người chưa bao giờ tự coi mình là “nhạc sĩ”.