Cô và mẹ

08:34 AM, Thứ sáu, 28/04/2023
279

Tác giả: Phạm Hồng Tuyến

Đăng ngày 07/03/2023 - 20:41

 

Đầu năm 1974 có một niềm vui lớn - gia đình tôi được chuyển về Khương Thượng, khu lắp ghép đầu tiên của Hà Nội, được ở nhà cao tầng, có khu vệ sinh khép kín, rất là oách xà lách thời bấy giờ. Tôi nghe bố mẹ bảo là nhà mua theo kiểu trả dần, có điều để vào danh sách mua nhà thì cũng phải có nhiều điều kiện ưu tiên. Khỏi phải nói, đứa trẻ con như tôi sung sướng biết chừng nào khi được dọn về nơi ở mới, và ngay lập tức có những người bạn mới. Cho đến bây giờ, các cô bạn thuở khu tập thể Khương Thượng vẫn là bạn chấy rận, tuy xa cách nhưng mỗi lần gặp nhau là vui nổ trời, tán chuyện tí tách không biết bao giờ ngừng.

 

Khu Khương Thượng thời ấy có 5 toà nhà, 4 tầng, đánh số từ A4 - A8 (các nhà A1-A3, rồi A9-A12 sau này mới xây dựng và có 5 tầng). Dân trí trong khu khá cao vì toàn cán bộ, công nhân viên chức, đặc biệt nhiều nghệ sĩ, bác sĩ, giáo viên. Nhà tôi ở tầng 3, diện tích nhỏ xinh 24 m2 (căn đầu hồi là 28 m2), trần thấp thấp, bây giờ nhìn lại thấy chật hẹp, nhưng hồi ấy là niềm mơ ước của nhiều người. Quãng thời gian sống ở Khương Thượng là thời gian tôi ghi nhớ và có nhiều kỷ niệm nhất của tuổi thơ vì sống qua cả giai đoạn mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3 tới đại học.

 

Dọn nhà đến đúng dịp đón Tết Giáp Dần, bố mẹ còn sắm cả một chiếc ti vi của Ba Lan (hồi ấy toàn đồ các nước XHCN được phân phối), thế là được xem bộ phim Em bé Hà Nội, cả nhà rưng rưng xúc động như nhìn thấy tình cảnh gia đình mình tháng 12 năm 1972. Có ti vi nên hàng xóm, rồi thì cả lũ trẻ con trong làng Khương Thượng cũng hay vào xem nhờ.

 

Tôi và mấy cô bạn (sàn sàn, kém nhau năm một) đồng loạt được gửi đi học mẫu giáo ở trường gần nhà nhất, lúc ấy chỉ có Mầm non Đống Đa, đối diện nhà B1 Kim Liên. Chúng tôi học ở tầng 2, còn tầng 1 lại là trường Mẫu giáo Kim Liên. Lúc này tôi học mẫu giáo lớn lớp cô Hải, hiệu trưởng là bác Bắc, sau nửa năm tôi lên học lớp vỡ lòng (tương đương lớp 1 bây giờ), học chữ, đánh vần… nhưng vẫn nằm trong trường mẫu giáo. Tất nhiên là các cô giáo đều phát hiện ra bố tôi là nhạc sĩ nên lại “khẩn thiết” mong muốn có được bài hát mới cho các con ở trường. Lần này thì bố đã đầy mình “kinh nghiệm” viết cho lũ chíp hôi nên nhận lời ngay, đằng nào con mình cũng có thêm bài để hát mà.

 

Mẹ tôi vẫn luôn là người đồng hành cùng bố trong việc ra đời các bài hát nên ý tứ của bài ca nhỏ đã nhanh chóng hình thành. Bài hát “Cô và mẹ” ngợi ca những người mà các em bé vô cùng yêu quý, chăm sóc các em ở nhà và trường, lời ca giản dị, mộc mạc, giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc, thỏ thẻ mà tình cảm đã được đón nhận nhiệt tình. Tất nhiên trước khi phổ biến thì tôi là đứa bé sẵn sàng hát thử nghiệm ở nhà, nghe ổn một cái thì bố đến trường dạy cho các cô.

 

Thế rồi bài hát đã lan nhanh, vượt khỏi trường Mầm non Đống Đa đến với các bạn nhỏ khắp nơi nhờ làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi cùng một số bạn lớp mẫu giáo lớn và nhỡ được chọn đi thu thanh bài “Cô và mẹ”. Sau giờ ngủ trưa, chúng tôi được gọi dậy ăn quà chiều, rồi lên ô tô đến phòng thu Đài TNVN, khỏi nói cả lũ thích mê đi, nói chuyện rôm rả trên đường. Tới nơi, tôi ra vẻ hiểu biết chỉ chỉ trỏ trỏ cho các bạn, dù gì mình đã từng thu ối bài ở đây rồi mà…. Bài hát đơn giản nên thu thanh không mất thời gian lắm, tôi được chọn lĩnh xướng một đoạn. Sau bao năm khi nghe lại băng âm thanh với phần đệm piano giản dị, tôi và các bạn cùng trang lứa không khỏi bồi hồi, xúc động vì tiếng hát trong trẻo, thơ ngây nhưng đi vào lòng người đến thế.

 

Năm tháng qua đi, “Cô và mẹ” vẫn là bài hát được các bé thuộc lòng khi đi học mẫu giáo. Và trong mấy chục năm tồn tại bài hát cũng được “bịa” thêm lời, như mấy câu cuối đã bị “xuyên tạc” thành: “Cô và mẹ là hai con cáo, Mẹ và cô ấy hai mẹ mìn”… Mẹ tôi thì bực lắm, bà là nhà sư phạm mẫu mực nên nghe mấy lời nhảm nhảm thế thì rất không hài lòng. Bản thân tôi, khi còn bé, tính hay vui đùa, không ít lần hát lời linh tinh, nên tôi có suy nghĩ “thoáng” hơn một chút: có lẽ bài hát của bố đã được phổ biến sâu rộng, tới mức như bài dân gian, nên việc “chế” lời nhiều khi cũng là một sự khẳng định bài hát còn mãi với mọi người, với thời gian. Nghĩ vậy tự nhiên thấy vui vui….

 

Trích sách HỒI ỨC TUỔI THƠ: BÀI HÁT LỚN LÊN CÙNG CON của Phạm Hồng Tuyến

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều