Tác giả: Thanh Nhã
Sáng 21 tháng 3 năm 2025, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trung tâm và Lễ Giỗ tổ nghề Hát Xẩm (22 tháng 2 âm lịch).
Đến dự có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam; Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám; UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa; đại diện lãnh đạo Ban quản lý chợ đêm chợ Đồng Xuân; Ban Quản lý Khu Di tích Đình Đền Hào Nam, đông đảo các các câu lạc bộ nghệ thuật dân gian, các nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, hội viên nhiều thế hệ của Trung tâm…
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu chỉ đạo, thể hiện sự vui mừng: “20 năm là một chặng đường phấn đấu của cả tập thể kể từ khi mới thành lập với quyết định thành lập một trung tâm bảo tồn nền âm nhạc dân tộc Việt Nam, trải qua rất nhiều khó khăn, ghi nhớ công lao của các nhạc sĩ sáng lập như nhạc sĩ Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Thao Giang và nhiều thế hệ tiếp nối sau này; được sự đồng thuận của nhân dân là các cụ nghệ nhân, các cấp, ban, ngành, đoàn kết quyết tâm với tâm nguyện gìn giữ được một phần nào đó nền âm nhạc dân tộc nhưng thực tế Trung tâm đã đạt được rất nhiều thành tích và mở rộng nhiều hoạt động nghệ thuật dân ca dân nhạc, sưu tầm các làn điệu hát Xẩm, hát Văn, Trống quân, dân ca các vùng miền, mở các lớp đào tạo phát triển đội ngũ kế cận…
20 năm là chặng đường có nhiều thành tích với một đội ngũ các nghệ sĩ và cộng tác viên của các nghệ sĩ chuyên và không chuyên và lực lượng công chúng ngày càng đông đảo trên khắp mọi miền đất nước và cả kiều bào ở nước ngoài thưởng thức nghệ thuật âm nhạc đã góp phần giữ gìn và lan tỏa văn hóa dân tộc của chúng ta.
Đánh dấu 20 năm trưởng thành và phát triển âm nhạc dân tộc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm cần tiếp tục tìm ra phương thức mới để hoạt động, không chỉ nhắc lại những chương trình cũ, địa điểm biểu diễn như chợ đêm Chợ Đồng Xuân, Văn Miếu Quốc Tử Giám, mà Hà Nội còn có những địa điểm rất thuận lợi như Hoàng Thành Thăng Long, Bảo Tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Lịch sử… nơi có rất nhiều khách du lịch và đặc biệt là khách du lịch quốc tế… trong thời kỳ chuyển đổi số và công nghệ 4.0 phải có thái độ chống lại các sản phẩm văn hóa, các sản phẩm âm thanh nhân tạo, hát nhép… mỗi buổi biểu diễn là sự cống hiến và sáng tạo để ngày càng phát triển đi lên khẳng định tính chuyên nghiệp, đi đúng đường lối xây dựng của một trung tâm nghệ thuật, trở thành nơi chuyên nghiên cứu phổ biến các giá trị về âm nhạc tuyền thống, không chỉ có xẩm, ca trù, mà còn rất nhiều loại hình như Dân ca Quan Họ Bắc Ninh, Chèo và các loại hinh liên quan đến âm nhạc; đặc biệt bồi dưỡng các thế hệ trẻ, sinh viên, học sinh… tạo điều kiện sinh hoạt trong môi trường nghệ thuật âm nhạc dân gian dân tộc.
Với Trung tâm, tiếp tục vững vàng đi lên ở tuổi 20 sôi nổi trưởng thành để bước tiếp đóng góp cho nền văn học nghệ thuật dân tộc vào sự nghiêp phát triển văn hóa chung của đất nước trong một thời kỳ mới, đất nước vươn mình chuyển biến trong một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh phồn vinh và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam…”.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Xuyên – Giám đốc Trung tâm, trình bày báo cáo tổng kết 20 năm của Trung tâm, cho thấy Trung tâm từ những ngày đầu thành lập mùa xuân năm 2005, với mục tiêu Trung tâm là tổ chức hoạt động về nghệ thuật biểu diễn Âm nhạc dân gian, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đoàn kết, giúp đỡ các tài năng nghệ thuật âm nhạc truyền thống và đương đại. Tổ chức các chương trình Hội thảo và biểu diễn trong nước, giao lưu Quốc tế, giới thiệu các tác phẩm, tác giả đương đại cũng như các loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian truyền thống. Sưu tầm bảo tồn, đào tạo truyền dạy phát huy các giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Phối hợp với các đơn vị văn hóa nghệ thuật xây dựng, phổ biến kịp thời, đầy đủ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trung Tâm đã quy tụ được nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam về âm nhạc dân gian như GS.TS Minh Khang, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Giám đốc đầu tiên của Trung tâm), nhạc sĩ Thao Giang, các NSƯT Văn Ty, NSND Xuân Hoạch, NSND Hạnh Nhân, NSND Thanh Ngoan, NSƯT Thanh Bình, NS Lê Cường và một số nghệ sĩ khác, với tấm lòng nhiệt huyết và yêu nghệ thuật dân gian dân tộc, các nghệ sĩ đã tự bỏ công, bỏ của điền dã ở nhiều tỉnh thành, tìm ra những nghệ nhân còn lại trong quần chúng, sưu tầm các làn điệu hát Xẩm, hát Văn, Trống quân, dân ca các vùng miền để ghi âm, phục dựng nâng cao chuyên nghiệp hơn.
Thành tích 20 năm xây dựng và phát triển mà Trung tâm đã đạt được:
- Về công tác sưu tầm, bảo tồn phục dựng phát triển nghệ thuật truyền thống:
Trung tâm đã sưu tầm phục dựng nâng cao và thu thanh được hàng trăm các làn điệu dân ca các vùng miền trong cả nước. Đặc biệt là bộ môn Hát Xẩm đã được Nhạc sĩ Thao Giang cùng nhóm nghệ sĩ của Trung tâm đã sưu tầm, phục dựng phát triển phần nhạc “Lưu không” chuyển điệu cho phong phú, tạo ra nhiều lớp lang, quãng ngắt, nghỉ, cao trào đánh mạnh vào ấn tượng người xem, hấp dẫn người nghe…
Biên soạn hệ thống lại hơn 10 làn điệu hát Xẩm như: Xẩm thập ân, Xẩm huê tình, Xẩm Phồn huê, Xẩm tàu điện, Xẩm Nhà tơ, Xẩm hò khoan, Xẩm sai, Xẩm chợ, Xẩm ngâm, Xẩm xoan… trên cơ sở các làn điệu hát Xẩm các nghệ sĩ đã chọn những bài thơ nổi tiếng để lồng điệu, như thơ: “Giăng sáng vườn chè”, “Lỡ bước sang ngang”, “Chân quê” của Nguyễn Bính; “Cô hàng nước” của thi sĩ Á nam Trần Tuấn Khải; “Mục hạ vô nhân” của Nguyễn Khuyến; “Nhớ Mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy… và thơ của nhiều tác giả khuyết danh cũng như đương đại khác.
Ngày nay hát Xẩm được phổ biến rộng rãi trong quần chúng trong nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Xẩm được biểu diễn trên các sân khấu lớn và ở các cuộc thi “Sao Mai” toàn quốc. Việc phục dựng và sân khấu hóa bộ môn hát Xẩm của Trung tâm đã xóa đi những quan niệm cũ rằng: Hát Xẩm chỉ dành cho những người khiếm thị hát kiếm sống ở những nơi “đầu đường, góc chợ”! Để khuyến khích các tài năng trẻ và những nhà nghiên cứu có công trình giá trị đóng góp về hát Xẩm,Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã lập ra “Giải thưởng Trần Quốc Đĩnh” nhằm tôn vinh nghệ thuật hát Xẩm. Cùng hát Xẩm các bộ môn hát Văn, hát Trống quân được Trung tâm sưu tầm hệ thống lại bài bản, dàn dựng đưa lên sân khấu biểu diễn rất hiệu quả.
- Về biểu diễn giới thiệu âm nhạc dân gian:
Là một trong những nhiệm vụ chính của Trung tâm, sau một năm thành lập Trung tâm đã có những tiết mục âm nhạc dân gian đặc sắc được vinh dự biểu diễn trong các hoạt động văn hóa phục vụ “Hội nghị cấp cao APEC 2006” tổ chức tại Việt Nam.
Thời gian qua, khán giả Thủ đô và du khách quốc tế đã quen với sân khấu của Trung tâm trên những tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội như Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Ngang, Hàng Đào, sân khấu chợ đêm Đồng Xuân và khu Di tích Quốc gia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, địa chỉ quen thuộc mà những tối cuối tuần khán giả được thưởng thức những tiết mục hát Xẩm, hát Văn, hát Chầu Văn diễn xướng hầu đồng và những bộ môn nghệ thuật dân gian đã được Unesco ghi danh là văn hóa phí vật thể của nhân loại, do các nghệ sĩ của Trung tâm biểu diễn. Đến thời điểm này tại Sân khấu chợ đêm Đồng Xuân, chương trình nghệ thuật âm nhạc dân gian “Hà thành 36 phố phường” với nội dung phong phú hấp dẫn khán giả như hát Xẩm, hát Văn, ca trù… độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, múa dân gian với sự tham gia của nhiều nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ Ưu tú, nơi đây vẫn là điểm hẹn và sự lựa chọn của du khách trong nước và quốc tế những người yêu âm nhạc dân gian, chương trình đã tạo nên những cung bậc cảm xúc thăng hoa giữa nghệ sĩ và khán giả.
Ngoài thế mạnh là hát Xẩm, hát Ca trù, hát Văn, Trống Quân… chương trình hát Quan Họ trên thuyền Rồng dưới lòng hồ Văn trong khu Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào những ngày tết Nguyên đán hàng năm được khán giả đặc biệt yêu thích, chương trình được tổ chức và biểu diễn bài bản nghiêm túc, an toàn và rất thành công tạo điểm nhấn trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đón xuân trong khu quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Mở rộng các hoạt động biểu diễn phục vụ quần chúng, Ban văn nghệ Miền núi - Biên giới Biển đảo đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn phục vụ vùng biên giới, biển đảo vùng sâu vùng xa, biểu diễn giao lưu với đồng bào các dân tộc thiểu số và các chiến sĩ ở các đồn Biên phòng tại huyện Mường Tè - Lai Châu, Điện Biên, Quảng Bình… Tham gia Lễ hội ném Còn quốc tế Việt Nam- Lào-Trung Quốc tại Lai Châu, mà nòng cốt là những diễn viên trẻ của Đoàn nghệ thuật Thanh thiếu niên Ánh Dương của Trung tâm. Không chỉ biểu diễn trong nước, những năm 2010 và năm 2018 Trung tâm đã đi biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam và giao lưu quốc tế tại một số nước châu Âu như CH Pháp, CHLB Đức, CH Séc, Italia… được bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài đánh giá cao và đón nhận nhiệt tình. Câu lạc bộ Dân ca Xứ Nghệ hàng năm đến ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 đều biểu diễn phục vụ tại các Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng ở Thuận Thành, Bắc Ninh, Duy Tiên – Hà Nam, Ninh Bình…
-Về đào tạo, truyền dạy:
Tiếp nối thế hệ đi trước các nghệ sĩ trẻ của Trung tâm đã tiếp thu kế thừa nghệ thuật truyền thống, phát huy sáng tạo vào truyền dạy và biểu diễn, Trung tâm là nơi đào tạo và chắp cánh cho nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu về nghệ thuật hát Xẩm như: Nhóm Xẩm Hà Thành với những nghệ sĩ trẻ Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Khương Cường... đã phát triển dòng Xẩm đương đại; nhóm nhảy chuyển soạn các làn điệu Xẩm với nội dung phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đương thời, thể nghiệm kết hợp Xẩm với Rock, Rap, Hiphop, Beatbox, để tạo nên những sản phẩm âm nhạc độc đáo.
Để có nguồn nhân lực trẻ chuyên nghiệp kế thừa những di sản âm nhạc dân gian, Trung tâm đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp mã ngành đào tạo. Trên cơ sở đó Trung tâm đã liên kết với Học viện Âm nhạc Huế đào tạo ở bậc đại học và cao học về Âm nhạc Di sản chuyên ngành hát Xẩm - Trống Quân, hát Văn, hát Quan Họ và nhạc cụ truyền thống. Kết quả khóa đầu tiên (2011-2016) đã đào tạo và cấp bằng cho 20 cử nhân, năm 2018 có 6 thạc sĩ (trong đó có 3 thạc sĩ đã được cấp bằng).
Hàng năm nhân ngày Âm nhạc Việt Nam 03/9 và kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, Trung tâm thường xuyên tổ chức những cuộc Liên hoan nghệ thuật quần chúng đàn và hát dân ca ở hai địa điểm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để các Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian có cơ hội giao lưu và thể hiện những tiết mục đặc sắc của mỗi Câu lạc bộ, đã có tới gần 100 Câu lạc bộ tham gia ở mọi lứa tuổi, phong phú về thể loại.
Năm 2009 Trung tâm đã cùng với Ban quản lý Di tích Đình – Đền Hào Nam phục dựng lại điệu Múa “Con đĩ đánh bồng” một điệu Múa cổ của của làng Hào Nam; tổ chức xây dựng và truyền dạy cho phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân - Hà Nội và thôn Tam Đồng, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình được 2 dàn nhạc Lễ để phục vụ các ngày Lễ trọng tại địa phương. Năm 2018, 2019 Trung tâm đã phối hợp với Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nam (năm 2008), Đoàn Chèo Phú Thọ (năm 2005) mở lớp tập huấn truyền dạy những kỹ năng, phong cách, thể cách hát truyền thống cho lực lượng nghệ sĩ trẻ một số bộ môn hát Xẩm, hát Văn, Ca Trù…
Với phong trào quần chúng Trung tâm đã thường xuyên mở các lớp truyền dạy nghệ thuật Ca trù tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình... mà nòng cốt truyền dạy bộ môn này tiêu biểu như Nghệ nhân Nhân dân Ngô văn Đảm, Nghệ nhân Ưu Tú Phùng Thị Hồng, Kép đàn Tạ Văn Hợi. Trung tâm đã cử nhiều thành viên tham gia các cuộc Liên hoan nghệ thuật dân gian, Liên hoan nghệ thuật lứa tuổi thiếu nhi cấp thành phố, cấp quốc gia như: Liên hoan Ca trù toàn quốc và Hà Nội; Liên hoan ca nhạc dân tộc thanh thiếu niên Hà Nội; Liên hoan tiếng hát Sơn Ca của Đài tiếng nói Việt Nam, nhiều thành viên đã đạt được giải cao trong các liên hoan.
NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thay mặt Ban Thường vụ trao Bằng khen của Hội cho các nghệ sĩ có thành tích xuất sắc trong công tác:
1. Nhạc sĩ Trương Ngọc Xuyên - Giám đốc Trung tâm.
2. NSƯT Phạm Văn Ty - Phó Giám đốc Trung tâm.
3. Nghệ sĩ Vũ Đức Huy - Phó Giám đốc Trung tâm.
4. Ông Hoàng Văn In - Trưởng ban Văn nghệ miền núi, biên giới và biển đảo.
5. Nhà thơ, nhạc sĩ Lê Ngọc Ninh (Ngọc Lê Ninh) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ, Trung tâm phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam.
Bằng khen của Trung tâm cho các Câu lạc bộ Xẩm Vạn Phúc, Văn Khê 2, phường Ngọc Khánh, Vừng Hồng; Chợ Lồng (Ninh Bình)
* Chương trình nghệ thuật đặc biệt, biểu diễn một số tác phẩm nổi tiếng của các bậc tiền bối, do các nghệ sĩ của Trung tâm thể hiện:
Hòa tấu Tỳ Bà “Đường xa vang mãi tiếng đàn”, sáng tác: nhạc sĩ Thao Giang, biểu diễn: NSND Mai Phương, nghệ sĩ Thanh Thư và tốp giảng viên Câu lạc bộ nghệ thuật đàn, hát dân ca
Ca trù “Thét nhạc”, biểu diễn: NSƯT Phùng Thị Phương Hồng (ca nương), nghệ nhân Tạ Văn Hợi (kép đàn), NNND Ngô Văn Đảm (cầm chầu), NSƯT Văn Ty (trống cái), nghệ nhân Văn Lâm (chiêng)
Hát xẩm Tầu điện “Cô hàng nước”, thơ: Ả nam Trần Tuấn Khải, biên soạn: nhạc sĩ Thao Giang và NSƯT Văn Ty, biểu diễn: Top nữ
Độc tấu đàn nhị “Kể chuyện ngày mùa”, sáng tác: nhạc sĩ Thao Giang, biểu diễn: Thanh Tùng.
Hát Xẩm Thập Ân “Oán Thập Điều”, biểu diễn: nghệ nhân trẻ Bùi Công Sơn
Hát Xẩm Xoan (Huê Tinh Chênh Bong) “Còn duyên chớ có làm cao”, chuyển soạn: nhạc sĩ Thao Giang và NSƯT Văn Ty, biểu diễn: Tài năng nhí Bảo Hân
Độc tấu sáo “Ngày hội non sông”, tác giả: Nguyễn Văn Thương và Ngọc Phan, biểu diễn: NSƯT Xuân Hùng
Hát Chầu Văn “Xá Thượng”, biểu diễn NSƯT Phạm Văn Ty (đàn và hát), nghệ sĩ Lê Cường (sáo, tiêu), nghệ sĩ Văn Hợi (mõ), nghệ sĩ Thái Hà (bộ gõ), múa minh họa: nghệ sĩ trẻ Đình Kiên và top nữ.