Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Tình yêu ở lại

07:00 AM, Thứ ba, 12/11/2024
617

Tác giả: Nam Uyên

 

Phan Huỳnh Điểu là tác giả của nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng, cũng là nhạc sĩ gắn liền tên tuổi của mình với những bản tình ca sâu lắng, ngọt ngào đi theo chiều dài đất nước. Được gọi là “con chim vàng của âm nhạc Việt Nam”, với tình yêu của mình, ông đã để lại cho cuộc đời một gia tài sống cùng năm tháng, để lại những sắc màu riêng biệt cho dòng nhạc cách mạng và trữ tình Việt Nam.

 

Triển lãm ảnh Phan Huỳnh Điểu với chủ đề “Cánh chim bay về” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (ảnh tư liệu)
 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11-11-1924, mất ngày 29-6-2015.

 

Ông sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng nhưng nguyên quán gốc thì ở Điện Bàn, Quảng Nam. Được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam", ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là các bài hát phổ thơ. Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc. Những nghệ sĩ thể hiện thành công tác phẩm của ông có thể kể đến NSND Quốc Hương, NSƯT Vũ Dậu và NSƯT Tuấn Phong.

 

Với những đóng góp lớn cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật vào năm 2000.

 

Tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại Đà Nẵng.

 

Nhạc sĩ của những bản tình ca theo chiều dài đất nước

 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sớm trưởng thành trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta và là một trong số những nhạc sĩ kinh qua nhiều cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc.

 

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp sáng tác, ông được người yêu nhạc biết đến qua nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng, trường tồn với thời gian. Các sáng tác của ông không chỉ phản ánh lịch sử cách mạng mà còn khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước như:“Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Đoàn giải phóng quân”(sau đổi thành “Đoàn Vệ quốc quân”)… Riêng bài hát “Đoàn Vệ quốc quân” với giai điệu hào hùng, mạnh mẽ đã trở thành biểu tượng âm nhạc, gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Bài hát nổi tiếng này của ông được phổ biến đầu tiên trên quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong thời gian đó, trên các đoàn tàu hỏa chở những đoàn quân Nam tiến khi dừng lại tại ga Đà Nẵng, Đội văn nghệ tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh cùng với người chiến sĩ - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã ca vang bản hùng ca “Đoàn Vệ quốc quân” như gửi gắm một thông điệp rực lửa quyết tâm của những người thanh niên lên đường cứu nước.

 

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, trong một lần vô tình đọc được bài thơ “Ngày và đêm” của tác giả Bùi Công Minh, ngay lập tức ông phổ nhạc và cho ra đời ca khúc nổi tiếng “Hành khúc ngày và đêm”. Đây là một hành khúc vừa hào hùng vừa lãng mạn, chứa chan tình ca và là một bản tình ca được hóa thân bằng một hành khúc trong những ngày đất nước còn chiến tranh.

 

Cùng những sáng tác âm nhạc cách mạng, người yêu nhạc còn nhớ tới nhạc sĩ tài hoa này qua những bản tình ca sâu lắng, ngọt ngào đi theo chiều dài đất nước. Trong hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu luôn không ngừng chắt chiu, gom góp chất liệu âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật vùng miền, từ Bắc chí Nam, từ miền núi, cao nguyên đến vùng sông nước, đồng bằng. Khi con tim cảm được sự rung động tươi mới, ông cho ra đời những giai điệu âm nhạc đi vào lòng bao thế hệ người Việt Nam như:“Tình trong lá thiếp”, “Những ánh sao đêm”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Đêm nay anh ở đâu”, “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Bóng cây Kơ nia”...

 

Hơn một nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã dành trọn cho tình ca, gắn tình yêu đôi lứa với bối cảnh xã hội, với hoàn cảnh đất nước. Theo các nhà nghiên cứu, một trong những biệt tài của ông chính là phổ thơ thành nhạc với hơn một nửa số ca khúc từng là những bài thơ nổi tiếng. Ở các ca khúc mang âm hưởng cách mạng, viết về chiến tranh có nỗi buồn, đau thương, mất mát nhưng ca từ và nhạc điệu trong tình ca Phan Huỳnh Điểu đều chứa đựng một tinh thần lạc quan, tươi sáng vào ngày mai. Một nét độc đáo khác là bằng sự tinh tế của đôi mắt và trái tim luôn lãng mạn, ông đã thổi vào thể loại hành khúc cách mạng Việt Nam những nét mềm mại, lãng mạn.

 

Một điều dễ nhận thấy về sức sống của nhạc Phan Huỳnh Điểu là trong dòng chảy của âm nhạc dân tộc, trên các sân khấu lớn, tại các cuộc thi, rất nhiều nghệ sĩ chọn nhiều ca khúc của ông để thể hiện và rất thành công. Không chỉ là những tên tuổi gạo cội mà nhiều ca sĩ trẻ với sở trường nhạc nhẹ, nhạc trẻ vẫn thích hát các ca khúc của ông - một nhạc sĩ đi qua khói lửa chiến tranh.

 

Vợ chồng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (ảnh tư liệu)

 

Dành trọn tình yêu cho mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng

 

Trong mảng ca khúc viết về quê hương mình, Phan Huỳnh Điểu đã dùng những ca từ mộc mạc như tâm hồn chân chất, khoáng đạt của con người xứ Quảng. Ngay cả những bài hát ra đời trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, tuy không trực tiếp nhắc đến địa danh quê hương nhưng người nghe vẫn nhận ra hình bóng mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng qua những giai điệu thúc giục, hào hùng như “Đoàn Vệ quốc quân”, “Mùa đông binh sĩ”, “Những người đã chết”, “Ra tiền tuyến”… Về sau, đất Quảng xuất hiện đậm đặc ngay từ tên của từng ca khúc như: “Quảng Nam yêu thương”, “Đà Nẵng là nỗi nhớ”, “Tiếng hát từ Đà Nẵng”, “Đà Nẵng ơi chúng con đã về”, “Hát về thành phố tôi yêu”, “Về với sông Hàn”, “Phố xanh”… Trong ông, luôn in đậm hình bóng quê hương.

 

Triển lãm ảnh Phan Huỳnh Điểu với chủ đề “Cánh chim bay về” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

 

Nói về tình yêu của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đối với mảnh đất nơi mình sinh ra, cũng là nơi cuối cùng trở về, nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, nơi đây ông đã cất tiếng khóc chào đời cách đây tròn 100 năm, và cũng là nơi ông đã trở về với hồn sông núi. Tro cốt của ông đã hoà vào dòng sông quê hương đúng như di nguyện, đúng như lời ca của một trong những tác phẩm cuối cùng “Neo về Đà Nẵng, về với sông Hàn, về với tình yêu”. Ông đã đi rất nhiều nơi, khắp mọi miền đất nước, rồi cả nước ngoài, đến đâu cũng để lại những ca khúc mang đậm tình đất, tình người. Nhưng ưu ái nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông vẫn là vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. “Trong âm nhạc Phan Huỳnh Điểu người ta có thể thấy một con người chân thành, dịu dàng, hóm hỉnh, tinh tế và thâm thuý. Một con người nhạy cảm trước cái đẹp và nhạy bén trước thời cuộc. Chính vì vậy mà ông viết nên những tác phẩm vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị nghệ thuật. Nhờ thế mà tác phẩm của ông sống mãi. Ông ra đi nhưng tình thì còn ở lại trong những giai điệu đẹp và những lời ca đầy chất thơ sống mãi với thời gian” - bà Nguyễn Thị Minh Châu đánh giá.

 

Kể từ ca khúc đầu tay sáng tác năm 1940 là “Trầu cau” đến khi qua đời, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác hơn 100 ca khúc. Đó là một gia tài âm nhạc đồ sộ của một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Phan Huỳnh Điểu, người con ưu tú của đất Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những nhạc sĩ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một nhạc sĩ và là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

 

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ 11-11 (1924 -2024), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND TP Đà Nẵng tổ chức chuỗi hoạt động về ông, gồm: Lễ đặt tên đường Phan Huỳnh Điểu; Tọa đàm khoa học về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu; Triển lãm Phan Huỳnh Điểu với tiêu đề “Cánh chim bay về” và đặc biệt là Chương trình nghệ thuật “Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Cùng tình yêu ở lại”. Đây không chỉ là một lời tri ân sâu sắc tới người nhạc sĩ tài hoa mà còn là dịp để tôn vinh những cống hiến xuất sắc của ông đối với nền nghệ thuật nước nhà.

 

(Nguồn: https://cadn.com.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều