Nhớ nhạc sĩ Nhật Lai

10:33 PM, Thứ năm, 15/06/2023
70

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Thầy dạy chính của tôi là những dàn cồng, dàn chiêng, những dàn trống dân tộc, những bài dân ca, những điệu dân vũ... Nhật Lai[1]

 

Nhật Lai, tên thật là Nguyễn Tuân, sinh ngày 12-5-1931, tại Tuy An, tỉnh Phú Yên trong một gia đình tiểu thương. Cha là thầy lang, kiếm sống tạm đủ với nghề bốc thuốc. Họ hàng bên nội giàu sang, không con cái nên luôn tìm cách lôi kéo cậu cả Tuân và em trai (sau này là nhà thơ Nguyễn Mỹ[2]) về phía nội để làm người nối dõi tông đường. Mọi cách thuyết phục, kể cả sự “mua chuộc” bằng tiền bạc của họ nội mãi chẳng thành. Trước “hai phe” đối lập nội ngoại không chỉ ở sự giàu nghèo, mà còn vì quan điểm khác nhau, gia đình chú bé Tuân lúc đầu còn trung lập “đứng cửa giữa”, về sau nghiêng hẳn về bên ngoại nghèo, tài sản chẳng có gì ngoài một thứ gia truyền đáng quý: tài năng âm nhạc. Ông ngoại từng là thầy dạy nhạc trong triều đình Huế, nhiều ông cậu bà dì là những nghệ nhân đờn ca nhạc cổ, riêng trong nhà hợp lại cũng đủ một dàn nhạc lễ. Họ vô tình đan kết thành cái nôi âm nhạc bao bọc lấy tuổi thơ của bé Tuân, một tuổi thơ ngày ngày được nghe, được tập đàn hát những bài dân ca, tuồng cổ.

 

Hiếu động, hiếu thắng, nhưng rất mơ mộng và giàu trí tưởng tượng, cậu bé còn sớm bộc lộ khả năng tổ chức hoạt động văn nghệ, thích tụ hợp lũ năm lũ bảy nổi đình nổi đám với các cuộc hát ca, chơi đàn, diễn kịch. Cậu tự khoét những cây sáo mò o, để sớm chiều mê mẩn thổi vào không gian mênh mông nắng và gió của miền biển Phú Yên những bài hát tân nhạc lãng mạn nổi tiếng thời đó. Nỗi đam mê ca nhạc đến dị thường khiến cho người mẹ cũng phải thắc mắc, không biết thứ “bùa mê quỷ ám” gì đã làm con trai bà cứ đàn hát suốt ngày đêm “như điên dại vậy”[3].

 

Từ năm 16 tuổi ra Quãng Ngãi học trường Trung học bình dân miền Nam Trung bộ, Nguyễn Tuân mới được tiếp thu một cách bài bản hơn những kiến thức âm nhạc phương Tây, học hòa âm, đánh violon và harmonium. Chính nơi đây đã nảy sinh ra biệt danh vui đùa “Nhật lùn, Nhật lai” dành cho anh chàng trông như “lai” người Nhật. Rồi chỉ ít lâu sau, thay cho cái tên khai sinh tình cờ trùng với nhà văn Nguyễn Tuân, biệt hiệu “Nhật Lai” đã trở thành tên gọi chính thức gắn liền với một sự nghiệp âm nhạc.

 

Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Nhật Lai là bài hát viết cho quê hương Chiều trên cầu Bồng Sơn (1948). Cảm xúc trước cảnh đập Đồng Cam bị tàn phá và nạn đói ở quê nhà đã dẫn đến Căm thù thằng Tây cướp mùa lúa đen, một bài hát ngấm sâu vào lòng người Phú Yên những năm kháng chiến chống Pháp. Lớn lên trong một đại gia đình nhiều người tham gia cách mạng và thoát ly đi kháng chiến, bản thân lại mê kiếp hiệp, sẵn “máu” anh hùng cá nhân, luôn tự thân tồn tại, chàng nhạc sĩ tuổi mười tám đã tình nguyện vào vùng địch hậu Đắc Lắc làm công tác tuyên truyền chống Pháp. Thế là sau Phú Yên - nơi sinh thành, nơi lưu truyền dòng máu mê ca nhạc cho Nhật Lai, Tây Nguyên đã trở thành quê hương thứ hai - miền đất khởi nguồn cho một dòng cảm hứng sáng tạo mãnh liệt trong nhạc sĩ.

 

Dung dị, ít nói, bộc trực, chân thành, quyết liệt..., những tính cách “rất Tây Nguyên” trong con người Nhật Lai đã đưa ông hòa nhập hết sức tự nhiên vào đời sống sinh hoạt và tinh thần của các dân tộc ít người. Đóng khố, hút tẩu, mang gùi, đi chân đất, săn bắn như một thiện xạ nhà nghề, thông thạo nhiều tiếng dân tộc - Ê đê, Gia rai, Bahnar, Hơ rê..., Nhật Lai hoàn toàn không khác dân “thổ địa” chính cống. Chẳng những có vẻ ngoài giống hệt người dân tộc, Nhật Lại còn mang trong mình cái hồn cái tâm của một nghệ nhân dân tộc, ông đã nắm trong tay kho báu âm nhạc dân gian của các sắc tộc vùng cao nguyên chưa được mấy ai quan tâm vào thời bấy giờ. Thuộc hàng nghìn bài dân ca, viết hàng trăm ca khúc bằng tiếng dân tộc, “nghệ nhân hát rong” Nhật Lai vừa đàn hát biểu diễn, vừa dạy hát tuyên truyền hết buôn này đến buôn nọ. Có lần, nhạc sĩ đưa một tốp độ chục người Ê đê về quê nhà biểu diễn, khiến cho bà mẹ hoảng hồn khi nhận thấy con trai mình bôi mặt đen thui, cũng đóng khố, đeo tên, nồng nhiệt hát múa trong đám người dân tộc.

 

Những tháng năm làm “dân” cao nguyên (1949-1954) đã để lại trong sáng tác Nhật Lai nhiều bài ca đặc chất núi rừng: Tăm thơi, Chim Kơtia, Xuống chòi mau lên em!, Thương anh cán bộ, Đợi chờ, Tiếng cồng đêm ngừng chiến... Chưa hết, chất Tây Nguyên còn tiếp tục âm vang trong nhiều tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc ở các giai đoạn sau này của Nhật Lai. Tính cách Tây Nguyên “ăn” vào máu, vào âm nhạc của ông, đến mức hàng chục năm sau vẫn có người lầm tưởng ông có gốc gác Tây Nguyên, hoặc bài hát của ông là dân ca Tây Nguyên. Quả thực nhiều nhạc sĩ đã sử dụng nét nhạc Tây Nguyên của Nhật Lai như khai thác chất liệu dân gian vậy.

 

Sống trên đất Bắc, Nhật Lai vẫn là một “nhạc sĩ của Tây Nguyên” với hàng loạt ca khúc: Suối đàn T'rưng, Chim lạc đàn, Chim Pông Kơle, Gửi Việt Bắc, Về buôn xưa, Xê băng hiêng hành khúc ca, Mùa xuân trên quê hương, Giữ lấy màu xanh, Tiếng hát Mơ nông Tibri, Câu chuyện bên dòng suối, Mặt trời Ê đê, Tôi gặp mẹ tôi...

 

Vốn là người chẳng sợ khó sợ khổ, Nhật Lai luôn đưa các “mũi nhọn” của đoàn văn công đến kịp thời phục vụ những nơi nước sôi lửa bỏng. Ông có mặt trong các chiến dịch chống hạn chống úng ở nông thôn, chống phỉ ở Hà Giang (1960) và chiến trường khu IV giữa lúc máy bay Mỹ bắn phá rất ác liệt (1965). Cảm xúc từ những chuyến đi thực tế được ghi lại trong nhiều bài ca: Đan lưới, Bài ca sông Nhật Lệ, Bài ca anh Hồ Giáo, Hà Tây quê lụa...

 

Là người đi đầu trong sưu tầm và biên soạn dân ca Tây Nguyên, kế thừa và phát triển vốn quý đó trong sáng tác, Nhật Lai tiếp tục đưa Tây Nguyên đến với những thể loại thanh nhạc lớn hơn ca khúc, như một loạt ca kịch và ca cảnh viết trong những năm 60-70: Ama Trang Lơng, Thử lửa, Hơ bia, Hơ On, Nữ thần mặt trời... Đó là những bước tiến dần đến Bên bờ Krông pa (1968) - đỉnh cao của ông trong lĩnh vực opéra. Những dòng ghi chép từ năm 1957 cho biết nhạc sĩ đã “nhắm trước” cho mình cái đích phải đến và không ngừng trăn trở để đạt được ước vọng đó: “Tự luyện, tự học, tự nghiên cứu tìm tòi vốn cũ dân gian và kinh nghiệm quốc tế để tiến lên sáng tác nhạc kịch (opéra) là đỉnh cao nhất trong cuộc đời nghệ thuật của ta!”[4]. Và ông đã trở thành người thứ hai, tiếp sau nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đặt nền móng cho loại hình nghệ thuật tổng hợp này tại Việt Nam.

 

Tự học trong “trường đời”, chưa từng qua khóa đào tạo chính quy nào ngoài những lớp sáng tác ngắn hạn của chuyên gia Liên Xô (cũ) và Triều Tiên, điều này không hề ngăn cản Nhật Lai thể hiện một cách độc đáo bản lĩnh nghệ thuật của mình trong lĩnh vực nhạc không lời. Bản lĩnh ấy đã được nuôi dưỡng bởi tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào âm nhạc dân gian, vào những con người vô danh - được ông tôn làm thầy - đang nắm giữ và hồn nhiên lưu truyền vốn quý cho đời sau: “Ta đã học qua một trường đại học nghệ thuật lớn nhất trong thực tế, cho nên ta nói không hề biết sợ hãi”[5]. Bản lĩnh ấy đã đưa Nhật Lai vào hàng các nhà soạn nhạc tên tuổi của khí nhạc Việt Nam, qua các tác phẩm giao hưởng thính phòng như hòa tấu Vũ khúc Tây Nguyên, rhapsodie Tiếng cồng mùa xuân, ballade Tiếng trống đồng (1974), Giao hưởng số 1 Đất lửa (1982)...

 

Nói đến gia tài nhạc không lời của Nhật Lai còn phải kể đến nhạc phim (Rừng Xà nu, Tiếng gọi phía trước) và đặc biệt là nhạc múa. Ông viết nhạc nền cho một số lượng khổng lồ những tiết mục múa: Rông chiêng, Đi săn, Múa chăm, Múa trống Tây Nguyên, Múa chiếc coong, Cô gái Ê đê, Đâm trâu, Giã gạo..., và các kịch múa: Hoa sen, Thạch Sanh, Nỏ thần... Hiếm thấy nhạc sĩ nào say mê “sống chết” với ngành múa như Nhật Lai. Ông tập hợp và đúc kết kinh nghiệm múa dân gian, từ nhạc nền đến động tác biểu hiện của múa, và ông là người có công lớn trong việc truyền đạt lại nhiều điệu dân vũ của các sắc tộc khác nhau trên dải đất Tây Nguyên. Vào cái thời còn chưa có các nhà biên đạo múa chuyên nghiệp, Nhật Lai vừa viết nhạc vừa kiêm dàn dựng múa, nhiều tiết mục của ông được hoan nghênh không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Trong những năm phụ trách các đoàn văn công - Đoàn Văn công Tây Nguyên (từ năm 1954), rồi Đoàn ca múa miền Nam (từ năm 1961), Nhật Lai không chỉ “gánh” lấy vai trò biên đạo, mà còn dành nhiều tâm lực vào việc đào tạo diễn viên ca múa và đạo diễn vũ kịch. Ông tỏ ra nhạy cảm tinh tường trong phát hiện những tài năng trẻ, không ít “đệ tử” của Nhật Lai sau này đã trở thành nghệ sĩ múa nổi tiếng, và cũng không ít nhạc sĩ biểu diễn và sáng tác người Tây Nguyên đã trưởng thành nhờ sự dẫn dắt của “già làng” Nhật Lai.

 

Nhật Lai đã có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực biểu diễn nhờ tài hát múa, diễn xuất và dàn dựng. Những khả năng trời phú ấy từng làm kinh ngạc nhiều nhạc sĩ nước ngoài có mặt trong một trại sáng tác do Hội Nhạc sĩ Liên Xô (cũ) tổ chức. Lần đó, Nhật Lai cùng với nhạc sĩ Hoàng Vân giới thiệu về âm nhạc Tây Nguyên và để minh họa cho “diễn giả” Hoàng Vân, “nghệ nhân” Nhật Lai đã độc diễn xuất thần trong nhiều vai: người đi săn, phát rẫy, trỉa bắp... Ông nhập vai và hát dân ca hay đến mức cử tọa cứ tưởng ông đích thực là nghệ sĩ dân gian.

 

“Nhạc sĩ phải yêu dân ca như yêu vợ của anh ta”[6] - sự so sánh trong quan niệm sáng tác của Nhật Lai phần nào cho thấy tình yêu dành cho dân ca cũng như cho vợ có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời nhạc sĩ. Trời cho Nhật Lai gắn bó với dân tộc ít người trong sáng tạo nghệ thuật, trời cũng cho Nhật Lai mang nặng duyên phận với phụ nữ dân tộc trong cuộc đời riêng tư. Hình ảnh người vợ đầu - Châu Ngọc Lệ, diễn viên múa dân tộc Khmer - không may mất sớm, vẫn mãi mãi lưu lại trong chương Nước mắt của viên Ngọc (giao hưởng Đất lửa). Đến với người vợ sau - Hồ Thị Kha Y, ca sĩ người Vân Kiều, Nhật Lai vốn từ lâu được coi như người anh em ruột thịt của các tộc người Tây Nguyên, giờ đã chính thức có một “quan hệ họ hàng” với Tây Nguyên trong vai trò chàng rể.

 

Cuối năm 1986, Nhật Lai được mời đến Riga (Latvi, Liên Xô cũ) tham dự một liên hoan nhạc giao hưởng. Không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng trong đời “người hát rong” Nhật Lai. Có lẽ cái lạnh khắc nghiệt, lại thêm sự xúc động trước hiệu quả trình diễn Đất lửa ở nơi xa xôi ấy vô tình làm tổn hại nốt chút sức lực còn lưu lại trong cơ thể đã vắt kiệt mình cho lao động nghệ thuật của ông. Vừa trở về ông lại vội vã ra đi, ra đi vĩnh viễn vào một ngày đầu năm mới, 5-1-1987.

 

Tây Nguyên mãi nhớ thương một “già làng” âm nhạc, Hà Tây quê lụa mãi tự hào về món quà âm nhạc ông gửi lại cho mảnh đất “cửa ngõ Thủ đô” này, người đời không quên những tác phẩm độc đáo làm nên một tên tuổi Nhật Lai. Với những nhạc phẩm để đời ấy, ông đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2002.

 

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Chú thích:

[1] Nhật Lai với sự nghiệp âm nhạc, tr. 421.Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2001. 

[2] Nguyễn Mỹ, tác giả bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ, đã hy sinh thời chống Mỹ. 

[3] Nhật Lai với sự nghiệp âm nhạc, tr. 448. Sách đã dẫn. 

[4] Nhật Lai với sự nghiệp âm nhạc, tr. 352. Sách đã dẫn. 

[5] Nhật Lai với sự nghiệp âm nhạc, tr. 350. Sách đã dẫn. 

[6] Nhật Lai với sự nghiệp âm nhạc, tr. 352. Sách đã dẫn.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share
Bài viết liên quan
Xem thêm
Toru Takemitsu (1930-1996)

Nhạc sĩ

24/04/2023

Wagner có gì không ổn?

Nhạc sĩ

24/04/2023

Thầy Đỗ Nhuận của tôi

Nhạc sĩ

24/04/2023

Xem nhiều